| Hotline: 0983.970.780

Nhà máy đường lớn nhất nước khơi thông vướng mắc, sẵn sàng vào vụ ép

Thứ Năm 24/11/2022 , 09:07 (GMT+7)

GIA LAI Trước thềm vụ ép 2022 - 2023, Nhà máy đường An Khê (Gia Lai) đã công bố rộng rãi kế hoạch mua mía và quán triệt việc vận chuyển mía phải đúng luật giao thông.

“Bà đỡ” cho cây mía Gia Lai

Ngày 22/11, Nhà máy đường An Khê (Gia Lai), đơn vị trực thuộc Công ty Cổ phần đường Quảng Ngãi, đã có buổi gặp mặt lãnh đạo và lực lượng công an, cảnh sát giao thông các huyện, thị xã nằm trong vùng nguyên liệu: Đăk Pơ, Kongchro, Kbang và An Khê; lãnh đạo 10 xã trọng điểm trồng mía và 60 nông dân có nhiều diện tích mía nhất trong vùng nguyên liệu để công bố kế hoạch thu mua mía trong niên vụ ép 2022 - 2023, đồng thời trao đổi về việc vận chuyển mía về nhà máy sao cho vừa thuận lợi, vừa đúng luật giao thông.

Để chuẩn bị tốt nhất cho vụ ép 2022 - 2023, Nhà máy đường An Khê đã họp bàn cùng các ngành chức năng và nông dân để tháo gỡ những vướng mắc. Ảnh: V.Đ.T.

Để chuẩn bị tốt nhất cho vụ ép 2022 - 2023, Nhà máy đường An Khê đã họp bàn cùng các ngành chức năng và nông dân để tháo gỡ những vướng mắc. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Nguyễn Hoàng Phước, Phó Giám đốc Nhà máy đường An Khê cho biết, kế hoạch thu mua mía sẽ bắt đầu từ đầu tháng 12/2022 đến cuối tháng 4/2023 là kết thúc. Trong thời gian thu mua mía, trước khi cấp phiếu đốn, nhà máy sẽ cử người kiểm tra tại ruộng xem mía đã chín đều chưa để đảm bảo chữ đường cho nông dân cũng như đảm bảo chất lượng mía nguyên liệu hiệu.

Trong khi đó, nhà máy cũng sẽ kiểm biển số của từng phương tiện từ sau ra trước và cả bên thùng xe, xem có trùng khớp nhau không; kiểm tra tên chủ ruộng mía và chủ phương tiện vận chuyển mía để tránh sai sót khi thanh toán tiền mía. Tuyệt đối không cho nông dân thu hoạch mía khi chưa được cấp phiếu đốn và chở mía trong vùng nguyên liệu đi bán cho nhà máy đường khác.

“Trước khi bước vào vụ ép, nhà máy sẽ mời chính quyền các địa phương nằm trong vùng nguyên liệu, nông dân trực tiếp sản xuất, những đại lý kinh doanh mía về nhà máy để trực tiếp kiểm tra bàn cân và thiết bị đo chữ đường để tránh thắc mắc xảy ra”, ông Nguyễn Hoàng Phước cho hay.

Niên vụ ép 2022-2023 của Nhà máy Đường An Khê bắt đầu từ đầu tháng 12/2022 đến cuối tháng 4/2023 là kết thúc. Ảnh: V.Đ.T.

Vụ ép 2022 - 2023 của Nhà máy đường An Khê bắt đầu từ đầu tháng 12/2022 và kết thúc cuối tháng 4/2023. Ảnh: V.Đ.T.

Theo ông Trần Quang Kiên, Giám đốc Nhà máy đường An Khê, trước đây, Việt Nam có đến 54 nhà máy đường, nhưng sau thời gian khủng hoảng mía đường, hiện chỉ còn 24 nhà máy đang hoạt động, trong đó có Nhà máy đường An Khê, đây cũng là nhà máy có công suất ép lớn nhất nước hiện nay.

Từ khi có mặt trên địa bàn Gia Lai (từ năm 2020) đến nay, Nhà máy đường An Khê luôn thực hiện tốt các chính sách đầu tư vùng nguyên liệu, chiến lược phát triển ngành mía đường phù hợp với thực tế tại địa phương. Bên cạnh đó, nhà máy đẩy mạnh đưa cơ giới hóa vào sản xuất và không ngừng nghiên cứu giống mía mới để nâng cao năng suất trên cùng đơn vị diện tích. Quan điểm của nhà máy là luôn đồng hành cùng nông dân, được thể hiện qua sự ổn định giá và quy chuẩn thu mua mía trong nhiều năm qua.

“Hàng năm, Nhà máy đường An Khê đầu tư khoảng 350 tỷ đồng để đầu tư phát triển vùng nguyên liệu trên địa bàn các huyện Đăk Pơ, Kongchro, Kbang và thị xã An Khê không tính lãi. Để hoạt động của nhà máy luôn bền vững, lâu dài, chúng tôi rất cần mối liên kết chặt chẽ giữa nhà máy với nông dân”, ông Trần Quang Kiên chia sẻ.

Ông Trần Quang Kiên, Giám đốc Nhà máy Đường An Khê, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Trần Quang Kiên (đứng), Giám đốc Nhà máy đường An Khê phát biểu về công tác chuẩn bị vào vụ ép mới. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Bùi Phích, Chủ tịch UBND xã Đăk Hlơ (huyện Kbang, Gia Lai), một trong những địa phương trọng điểm trồng mía trong vùng nguyên liệu mía rộng đến 25.000ha nằm trên địa bàn 4 huyện, thị xã Đông Gia Lai cho biết: “Từ khi Nhà máy đường An Khê hoạt động trên đất Gia Lai, đã phá đi những tồn tại xưa cũ trong việc thu mua mía trước đó, từ việc cân mía đến cấp phiếu đốn mía, nông dân được giảm hao hụt rất nhiều. Nhà máy rất linh hoạt trong nhập mía, xe vận chuyển mía không còn nạn mía đã chất đầy xe mà cứ đứng chờ trước cổng nhà máy 2 - 3 ngày mới nhập được mía. Đây là tình trạng trước đây từng làm hao hụt chữ đường của nông dân rất dữ”.

Không để xe chở mía vi phạm luật giao thông

Ông Nguyễn Trường, Chủ tịch UBND huyện Đăkpơ chia sẻ: Cây mía từ khi trồng đến khi trở thành hạt đường đến tay người tiêu dùng phải trải qua rất nhiều công đoạn, rất nhiều người tham gia, nếu không có sự phối hợp tốt thì hiệu quả sẽ rất chông chênh. Vấn đề bức xúc hiện nay là khi đến vụ ép mía, thường xảy ra chuyện những xe chở mía gây tai nạn giao thông do chở quá khổ, quá tải.

Ông Nguyễn Bảo Hưng, Đội trưởng Cảnh sát giao thông thị xã An Khê, phát biểu về những vi phạm giao thông các xe chở mía thường mắc phải. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Nguyễn Bảo Hưng, Đội trưởng Cảnh sát giao thông thị xã An Khê phát biểu về những vi phạm giao thông các xe chở mía thường mắc phải. Ảnh: V.Đ.T.

“Để giải quyết vấn nạn này, cần phải có sự phối hợp của nhà máy đường và lực lượng cảnh sát giao thông. Xe chở mía quá khổ, quá tải, cảnh sát giao thông ngăn chặn trên đường vận chuyển, nhà máy đường phải có quy định hẳn hoi về cân lượng mỗi xe, nếu xe nào vi phạm thì không nhập xe mía đó. Có như thế mới ngăn chặn được nạn xe chở mía quá khổ, quá tải lưu thông trên đường”, ông Trường đề xuất.

Theo ông Nguyễn Bảo Hưng, Đội trưởng Cảnh sát giao thông thị xã An Khê, thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai, hiện nay lực lượng cảnh sát giao thông đang thực hiện quyết liệt những vi phạm về tốc độ, nồng độ cồn, cơi nới thùng xe và xe chở quá khổ, quá tải. Trong khuôn khổ tạo điều kiện hết mức cho nông dân thu hoạch mía cho kịp thời vụ, các đại lý và nhà máy cần cam kết xe vận chuyển mía không vi phạm quá khổ, quá tải, nhất là cơi nới thùng xe. Đặc biệt là không dùng xe hết hạn sử dụng để chở mía.

Ông Nguyễn Hoàng Phước, Phó Giám đốc Nhà máy Đường An Khê, cam kết sẽ nhắc nhở các chủ phương tiện vận chuyển mía cho nhà máy không vi phạm luật giao thông. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Nguyễn Hoàng Phước cam kết sẽ nhắc nhở các chủ phương tiện vận chuyển mía cho nhà máy không vi phạm giao thông. Ảnh: V.Đ.T.

“Một vấn nạn thường xảy ra là tài xế xe chở mía trong lúc chờ nhân công đốn, chất mía thì nhân lúc rảnh rổi làm lai rai vài ba lon bia, nên vi phạm nồng độ cồn khi đang lái xe. Do đó, chúng tôi đề nghị người trồng mía và các đại lý thu mua mía “đả thông” vấn đề này cho các tài xế, còn nhà máy thì không nhập những xe chở mía vi phạm những điều vừa nói trên, để từng bước đưa vào khuôn khổ những xe vận chuyển mía”, ông Nguyễn Bảo Hưng nói.

Tiếp nhận ý kiến của lãnh đạo chính quyền các địa phương và đại diện lực lượng cảnh sát giao thông trong vùng nguyên liệu, ông Nguyễn Hoàng Phước, Phó Giám đốc Nhà máy đường An Khê cho biết: Lực lượng xe tải chuyên vận chuyển mía cho Nhà máy đường An Khê hiện có đến 550 chiếc, đó là chưa kể khi vào vụ, có thêm hàng chục chiếc khác từ Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định tham gia. Nhưng để đáp ứng được công suất đốn chặt của bà con, công suất ép của nhà máy, lượng xe nói trên phải tăng công suất chở, ít nhất là 1,5 chuyến/ngày/xe.

“Chúng tôi sẽ quán triệt lực lượng lái xe chở mía của nông dân về nhà máy không được vi phạm về nồng độ cồn, không cơi nới thùng xe, không chở quá khổ, quá tải”, ông Phước chia sẻ.

Lực lượng xe tải chuyên vận chuyển mía cho Nhà máy Đường An Khê hiện có đến 550 chiếc. Ảnh: V.Đ.T.

Lực lượng xe tải chuyên vận chuyển mía cho Nhà máy đường An Khê hiện có đến 550 chiếc. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Phước cho biết thêm, về tỷ lệ tạp chất và xác định chữ đường hàng tháng, hàng quý đều có các cơ quan chức năng về kiểm tra thiết bị, nên chắc chắn sai số sẽ không xảy ra, nếu có thì cũng nằm trong khuôn khổ cho phép chứ không gây thiệt hại cho người bán mía.

“Trước khi vào vụ ép, chúng tôi sẽ tổ chức tuyên truyền, đề nghị các chủ phương tiện vận chuyển mía cho nhà máy, các đại lý kinh doanh mía và người trồng mía trong vùng nguyên liệu phải tuân thủ những quy định của luật giao thông. Nhà máy đường An Khê sẽ quy hoạch lại vùng các phương tiện chở mía đậu đỗ, chỗ nào không được đậu đỗ, nhân viên nhà máy sẽ không cho xe vào, đường giao thông đi vào nhà máy sẽ được sắp xếp thông thoáng để không gây ách tắc giao thông. Bởi khi vào vụ, mỗi ngày có đến 1.100 công nhân viên đi làm và 700 - 800 lượt phương tiện vận chuyển mía ra vào nhà máy”, ông Trần Quang Kiên, Giám đốc Nhà máy đường An Khê cho hay.

Xem thêm
Xuất khẩu cao su của Việt Nam kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng trong năm 2025

Xuất khẩu cao su của Việt Nam năm 2024 đã ghi nhận những kết quả rất tích cực, dù nhu cầu tiêu thụ tại thị trường chủ lực Trung Quốc giảm mạnh.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.