| Hotline: 0983.970.780

Nhà sáng chế 'chân đất'

Thứ Tư 10/11/2021 , 06:30 (GMT+7)

QUẢNG NINH Không qua trường lớp đào tạo nào, nhưng anh Đinh Văn Giang (Thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh) đã sản xuất thành công rất nhiều loại máy nông nghiệp. Nhiều sản phẩm đã xuất khẩu.

Từ chiếc máy cày "made by Đinh Văn Giang"

Không qua bất kỳ một trường lớp đào tạo về nghề kỹ thuật nào, nhưng nhờ đam mê khoa học từ nhỏ, anh Đinh Văn Giang (xã Sông Khoai, Thị xã Quảng Yên) đã sáng tạo, cải tiến các sản phẩm nông cụ, ngư cụ phục vụ sản xuất của bà con nông dân. Từ đó, anh được bà con nơi đây đặt cho cái tên trìu mến là "ông vua sáng chế chân đất".

Ngày bé, anh đã có niềm đam mê sáng tạo, khi bạn bè còn mải mê với những trò chơi thì anh đã tự mày mò làm ra những chiếc xe cót chạy bằng động cơ. Những sản phẩm đầu tay được thiết kế từ những dây cáp điện nhỏ kết hợp với vỏ lon bia, lon sữa bò. "Lũ bạn thấy tôi chế ra đồ chơi "xịn" thì cứ bám riết để được chơi cùng", anh Giang vui vẻ nói.

'Nhà sáng chế' Đinh Văn Giang giới thiệu về máy chế biến thức ăn chăn nuôi. Ảnh: Tiến Thành.

"Nhà sáng chế" Đinh Văn Giang giới thiệu về máy chế biến thức ăn chăn nuôi. Ảnh: Tiến Thành.

Giữa thập niên 80, sau khi học hết cấp 3, anh Giang ước mơ được vào học ở một trường chuyên về kỹ thuật để thỏa tính sáng tạo của mình, nhưng vì điều kiện kinh tế còn khó khăn nên đành phải theo gia đình đi tàu đánh bắt thủy sản.

Những tháng ngày lênh đênh trên biển kéo dài khá vất vả lại nhiều hiểm nguy làm anh suy nghĩ phải chuyển sang một nghề nghiệp khác ổn định hơn. Trong thời gian này, anh bắt đầu phát huy tài năng của mình bằng việc tự mình sửa chữa hết toàn bộ máy móc trên tàu khi động cơ trục trặc, hỏng hóc.

“Ngày đó, tàu đánh cá của gia đình và tàu của các ngư dân đều chạy bằng máy nổ có độ bền không cao. Điều này khiến chúng tôi nhiều lần gặp sự cố khi đang lênh đênh trên biển. Nhờ có hiểu biết về máy móc cũng như tự tìm tòi, mày mò sửa chữa, tôi đã giúp nhiều ngư dân trong những chuyến đánh bắt xa bờ", anh Giang chia sẻ.

Năm 1992, với số vốn dành dụm được sau thời gian đi biển, anh Giang mua được 2 chiếc máy cày do Trung Quốc sản xuất, với mục đích phục vụ gia đình và cày thuê cho bà con xóm giềng. Tuy nhiên, ngày đó những chiếc máy cày này lại không thể cày được, bởi thiết kế bánh lồng quá nhỏ, không phù hợp với đồng nước, đầm lầy của Việt Nam.

Bằng niềm đam mê, anh Giang bèn mày mò thay đổi thiết kế bánh lồng sao cho có đường kính to hơn, bánh lồng rộng hơn. Sau lần đó, chiếc máy cày “Made by Đinh Văn Giang” đã hoàn toàn "làm chủ" được những thửa ruộng tưởng như rất khó nhằn ấy.

“Từ thành công đầu tiên đó, tôi dần dần tích lũy vốn, mua thêm máy tuốt lúa, máy xay xát về phục vụ bà con và đầu tư thêm trang thiết bị để sửa chữa máy móc cho gia đình và những hộ dân quanh vùng. Nhờ sửa chữa nhiều, tôi cũng bắt đầu nắm vững được những nguyên lý cơ bản của các thiết bị, rồi tự trau dồi, học hỏi thêm và có những cải tiến nhỏ để máy móc hoạt động hữu dụng hơn", anh Giang cho biết.

"Nhà sáng chế" Đinh Văn Giang tâm sự, trước đây, anh từng nghĩ sẽ gắn bó với đồng ruộng theo cách truyền thống như thế hệ ông cha đi trước, nhưng niềm đam mê với máy móc, với công nghệ đã khiến anh thay đổi. Từ đó, anh vẫn gắn bó với nghề nông nhưng theo một hướng hoàn toàn khác, đó là đem trí tuệ của mình làm giàu cho bà con. 

Trở thành “nhà sáng chế” nông dân

Sau khi rời những chiếc tàu cá trở về quê hương, để kiếm thêm thu nhập, gia đình anh Giang đầu tư mô hình nuôi lợn với quy mô 40 con. Công việc chăm sóc đàn lợn chiếm rất nhiều thời gian, nhất là việc băm, chặt, chuẩn bị thức ăn cho lợn. Ngày ấy, một số gia đình khá giả trong làng đã có máy xay sinh tố của Nhật, có thể xay mịn các loại hoa quả, rau củ. Từ đó, anh nảy ra ý tưởng nếu thay chiếc cối xay kia bằng kích cỡ lớn hơn thì việc xử lý thức ăn chăn nuôi cho đàn lợn của gia đình sẽ được giải quyết dễ dàng.

Nghĩ là làm, anh Giang bắt tay vào nghiên cứu, chế tạo chiếc máy xay thức ăn chăn nuôi mà sau này đã trở thành sản phẩm mang lại lợi ích rất lớn cho bà con nông dân. Thất bại nhiều nhưng với ý chí, sự quyết tâm và niềm đam mê, anh Giang đã chế tạo thành công chiếc máy chế biến thức ăn chăn nuôi.

Chiếc máy với bộ phận chính là hệ thống dao băm và chạy bằng điện, thoạt nhìn thì khá đơn giản, nhưng công năng hoạt động rất hiệu quả. "Nếu như trước đó phải mất hàng giờ để băm thái thức ăn thì nhờ có chiếc máy này, chỉ cần 3 phút có thể xay mịn được từ 40 - 50 kg rau củ các loại", anh Giang hào hứng nói.

Anh Đinh Văn Giang hướng dẫn người dân cách sử dụng máy. Ảnh: Tiến Thành

Anh Đinh Văn Giang hướng dẫn người dân cách sử dụng máy. Ảnh: Tiến Thành

Nhận thấy sự hữu ích của chiếc máy, anh Giang không chỉ áp dụng vào mô hình chăn nuôi của gia đình, mà còn giới thiệu với hàng xóm và nhận chế tạo với giá gốc cho mọi người cùng dùng thử. Ai ai cũng hài lòng với sáng chế của anh. Điểm đặc biệt của chiếc máy là tạo ra sản phẩm có hàm lượng chất xơ lớn (từ 60 - 70%) hơn so với thức ăn chăn nuôi công nghiệp bán trên thị trường.

"Hàm lượng chất xơ lớn mà vật nuôi vẫn phát triển tốt nhờ hỗn hợp thức ăn được xay nhuyễn kết hợp cám gạo, ngô và men vi sinh sau khi qua máy đã chuyển thành chất tinh. Khi đó, toàn bộ nguyên liệu đã được chuyển hóa, đủ điều kiện dinh dưỡng cho vật nuôi phát triển và tăng trưởng", anh Giang cho biết thêm.

Người này truyền tai người kia, danh tiếng của "nhà sáng chế" Đinh Văn Giang lan rộng khắp vùng đất nông nghiệp Quảng Yên. Từ đó, nhiều hộ chăn nuôi đã tìm đến anh để đặt hàng. Nhiều chương trình của các ban, ngành về hỗ trợ máy nông cụ cho nông dân vùng sâu, miền núi cũng tìm đến anh để hợp tác.

Anh Giang cũng đầu tư thêm thiết bị, nhân công để có thể sản xuất với số lượng lớn, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Hàng chục người thợ đã được anh dạy nghề, tạo việc làm, đồng hành cùng anh để liên tục nghiên cứu cải tiến sản phẩm, cho ra đời nhiều thế hệ máy chế biến thức ăn chăn nuôi đa năng có công suất, kích cỡ, công năng lớn hơn, an toàn và tiết kiệm hơn. Nhiều sản phẩm đã thâm nhập đến thị trường quốc tế như Mỹ, Nga, Canada, Lào, Campuchia…

Các sáng chế của anh đã đạt giải cao tại các cuộc thi liên quan đến sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp huyện, tỉnh, trung ương. Năm 2015, anh Giang được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục tặng anh Đinh Văn Giang bằng khen.

Truyền cảm hứng và đau đáu với nghề 

"Có những công nghệ chỉ sau 2 - 3 năm sẽ tự đào thải. Máy chế biến thức ăn chăn nuôi của tôi cũng vậy", anh Giang bộc bạch. Theo anh, máy xay thức ăn chăn nuôi như một người bạn đồng hành, một công cụ thường xuyên phải sử dụng và mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân.

Chính vì vậy, anh luôn hướng đến sự đổi mới để phù hợp với túi tiền cũng như nhu cầu của người dân, bên cạnh đó là theo kịp với sự phát triển của khoa học công nghệ ở Việt Nam cũng như trên thế giới.

Hai người con của anh Đinh Văn Giang cũng có chung niềm đam mê sáng chế. Ảnh: Tiến Thành.

Hai người con của anh Đinh Văn Giang cũng có chung niềm đam mê sáng chế. Ảnh: Tiến Thành.

"Những sáng chế mà giúp mình giàu lên, còn bà con nghèo đi hoặc ngược lại thì là vứt đi, phải hướng đến sự phát triển song song", đó là lời dạy anh Giang vẫn thường nói với các con của mình. Được biết, cả hai người con của anh Giang đều có những ý tưởng khoa học của riêng mình, mà theo anh, trong tương lai gần, những sáng kiến đó sẽ được sử dụng và mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân. 

"Nhà sáng chế chân đất" Đinh Văn Giang cho rằng, những sáng tạo, nghiên cứu khoa học không chỉ dành riêng cho tầng lớp trí thức mà có thể đến từ bất kỳ ai, từ một nông dân bình thường, suốt ngày chỉ biết đến cày cấy hoặc có thể là một học sinh đang trên ghế nhà trường.

"Quan trọng nhất là khơi gợi được ý tưởng, niềm đam mê của mỗi người và tạo được môi trường cho mỗi cá nhân phát huy được tiềm năng của họ. Bên cạnh đó, cần hướng dẫn họ cách để bảo vệ sản phẩm trí tuệ mình làm ra bằng cách đăng ký bản quyền, tránh bị kẻ gian lợi dụng sự thiếu hiểu biết để rồi mất trắng đứa con tinh thần, từ đó dẫn đến nhụt chí và không còn theo đuổi đam mê, sáng tạo nữa", anh Giang nói.

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Lúa đông xuân sớm được mùa, nông dân lãi 20 triệu đồng/ha

QUẢNG BÌNH Các diện tích lúa đông xuân sớm tại Quảng Bình hiện đã thu hoạch, năng suất bình quân khoảng 65 tạ/ha, nông dân lãi hơn 20 triệu đồng/ha…

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm