| Hotline: 0983.970.780

Nhà thơ Hoàng Cầm qua đời

Thứ Năm 06/05/2010 , 14:00 (GMT+7)

9h30 sáng 6/5, thi sĩ "Lá diêu bông" đã nhẹ bước vào cõi hư không, để lại một di sản tinh thần độc đáo, tài hoa, in dấu ấn riêng biệt vào lịch sử văn chương Việt Nam.

9h30 sáng nay (6/5), thi sĩ "Lá diêu bông" đã nhẹ bước vào cõi hư không, để lại một di sản tinh thần độc đáo, tài hoa, in dấu ấn riêng biệt vào lịch sử văn chương Việt Nam.

Hoàng Cầm sinh năm 1922. Ở tuổi xấp xỉ 90, vì một cú ngã dẫn đến bại chân, nhiều năm qua, ông hoàng thơ tình Việt Nam chỉ còn quanh quẩn nằm ngồi trong căn phòng nhỏ trên con phố Lý Quốc Sư. Tối 2/5, bệnh trở nặng, ông được đưa vào Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội) cấp cứu. Hơn 3 ngày sau, tác giả Bên kia sông Đuống qua đời, hưởng thọ 89 tuổi.

Nhà thơ Hoàng Cầm

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cho biết, hôm 3/5, ông cùng Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh và một số bạn văn nữa vào viện thăm Hoàng Cầm. "Lúc này, nhà thơ không nói được nữa, tuy ánh mắt vẫn còn tỏ vẻ nhận ra mọi người. Tay ông dường như đã lạnh".

"Tôi đã lường trước được chuyến đi cuối cùng của Hoàng Cầm. Nhưng khi nghe tin ông mất, tôi vẫn không tránh khỏi cảm giác bàng hoàng, đau xót. Đối với tôi, Hoàng Cầm là một nhà thơ lớn với những tác phẩm mang đậm dấu ấn truyền thống, nhưng lại có đóng góp rất quan trọng trong công cuộc cách tân thơ ca Việt Nam. Thơ ông ảnh hưởng đến nhiều thế hệ thi sĩ Việt Nam", Nguyễn Trọng Tạo chia sẻ.

Hiện tại, thi hài nhà thơ đang được quàn tại phòng lạnh Bệnh viện 108. Nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết: "Hội và gia đình nhà thơ đang bàn bạc về ngày giờ và địa điểm tổ chức tang lễ cho Hoàng Cầm. Tang lễ của ông sẽ được tổ chức với nghi thức cao nhất của Hội Nhà văn. Ông không chỉ là tác giả đoạt giải thưởng Nhà nước mà còn là một tên tuổi lớn trên văn đàn Việt Nam hiện đại".

Nhà thơ Hoàng Cầm và nhà văn Kim Lân năm 2003. Cả hai giờ đều đã là "người của muôn năm cũ"

Hoàng Cầm, tên thật là Bùi Tằng Việt, sinh ra tại làng Lạc Thổ, nay là xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh, trong một gia đình nhà Nho nghèo sống bằng nghề làm thuốc Đông y. Ông làm thơ từ năm lên tám, chín tuổi, bắt đầu được in từ những năm 1936 - 1937. Bút danh Hoàng Cầm xuất phát từ tên của một vị thuốc quý.

Những năm kháng chiến, Hoàng Cầm gia nhập quân đội, chuyên hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Năm 1957, ông là một trong số những hội viên tham gia sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam. Sau đó, ông tham gia nhóm Nhân văn Giai phẩm và thôi công tác tại Hội Nhà văn.

Hoàng Cầm được biết đến trong nhiều lĩnh vực, nhưng nổi tiếng nhất là thơ ca. Những tác phẩm chính trong sự nghiệp sáng tác của ông gồm: Trương Chi (xuất bản năm 1993), Bên kia sông Đuống (thơ, 1948), Kinh Bắc (thơ, 1959), Men đá vàng (truyện thơ, 1973), Mưa Thuận Thành (thơ, 1959), Lá Diêu Bông (thơ, 1993), Đến từ hư không (thơ, 2000)...

Năm 2007, Hoàng Cầm được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học Nghệ thuật.

(Theo VnExpress)

Xem thêm
ĐBSCL thiếu nước hay không biết giữ nước?

CẦN THƠ 'Sông có nước, trên trời có nước, vậy tại sao ĐBSCL lại thiếu nước?', vấn đề được các chuyên gia đặt ra để đi tìm giải pháp cho câu chuyện giữ nước của vùng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Nhộn nhịp trên công trình hệ thống kênh mương Hồ Ea H'leo 1

Hàng trăm công nhân cùng máy móc đang tập trung hoàn thiện hệ thống kênh mương Hồ Ea H'leo 1 theo tiến độ của chủ đầu tư đưa ra.

Cò đã trắng trên miền cát mặn

Một bầy cò trắng tranh nhau dầm những đôi chân khẳng khiu trong hồ nước hiếm hoi giữa miền cát trắng. Nghe tiếng động, chúng nháo nhác bay lên, sải những đôi cánh trắng muốt...