Riêng một Việt Phương
Ông tự nhận mình suốt một đời không bao giờ từ bỏ chính trị, nhưng chưa bao giờ con người chính trị lấn át được con người thi ca trong ông. Năm 1947, mới 19 tuổi, Việt Phương được chọn làm thư ký cho ông Phạm Văn Đồng - khi đó là Đặc phái viên của Chính phủ ở Nam Trung Bộ.
Nhà thơ Việt Phương (Ảnh: Kiều Mai Sơn) |
Từ đó, ông gắn bó cuộc đời mình, là người giúp việc cho vị Thủ tướng lâu năm nhất của Việt Nam. Phạm Văn Đồng làm Thủ tướng 32 năm, Việt Phương giúp việc cho thủ trưởng của mình 53 năm, cho đến khi ông Phạm Văn Đồng qua đời, năm 2000.
Nhà thơ Việt Phương kể với tôi rằng, làm thư ký riêng khiến ông phải vì cái “riêng” đó mà dẹp bỏ đi những cái riêng khác của mình. Ông vốn lắm cá tính, có kiểu riêng, điệu riêng, cách riêng, thích thú riêng, và thậm chí cả ngang tàng riêng. Song riêng thơ ca chính là nơi ông chọn để giữ gìn một phần những cái riêng ấy. Vì vậy, “nàng thơ”, là lĩnh vực của riêng Việt Phương mà Thủ trưởng Phạm Văn Đồng không biết và không duyệt!
Ít người biết, Việt Phương có người anh ruột - nhà văn Từ Bích Hoàng, hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam (năm 1957). Ông chịu ảnh hưởng từ người anh trai của mình. Cho nên, trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam ở tuổi ngoài 80, điều này khiến nhiều người ngạc nhiên. Song đó là nhà thơ Việt Phương đã hoàn thành tâm nguyện của mình là muốn kế thừa người anh ruột.
Nhà thơ Việt Phương (1928 - 2017), tên thật là Trần Quang Huy. Ông từng nhiều năm làm Thư ký riêng Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Tổng bí thư Lê Duẩn, Cố vấn kinh tế Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Thủ tướng Phan Văn Khải… |
Càng ít người biết rằng, máu văn nghệ sỹ có sẵn trong căn cốt của Việt Phương. Năm 1954, ông bắt đầu làm những bài thơ đầu tiên. Từ năm 1964, ông tham gia một nhóm thơ. Các thành viên trong nhóm đều làm thơ chuyên nghiệp, riêng có mình Việt Phương làm thơ nghiệp dư. Họ là Vũ Quần Phương - nguyên Trưởng ban thơ của Hội Nhà văn, Bằng Việt - đương nhiệm Chủ tịch Hội LHVHNT Hà Nội, về sau thêm Phạm Tiến Duật ở trong miền Nam ra. Phái nữ có Xuân Quỳnh, Phan Thị Thanh Nhàn, Ý Nhi.
Từ 'cửa mở' đến 'cửa mở'
Năm 1970, NXB Văn học in tập thơ “Cửa mở” của Việt Phương. 5.300 bản đã bán hết trong 2 tuần sau khi phát hành. 30 bài thơ trong tập thơ “Cửa mở” được Việt Phương viết từ năm 1960 - 1970, đặc biệt là nửa cuối những năm 1960. Đó là trải nghiệm với cuộc sống, ông đã thấy cái gồ ghề, cái mặt đen, mặt đỏ, mặt tối, mặt sáng của cuộc đời, và thấy “chất người trong ta cộng sản thêm chút nữa”.
Dù trong thâm tâm mình vẫn luôn hướng về ánh sáng nhưng ông không thể làm ngơ trước cái xấu. Ông làm bài thơ dài hai trang về đời sống xã hội. Nhà thơ Việt Phương kể với tôi rằng, một lần làm việc xong với Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông đã đọc Bác nghe những câu thơ mở đầu: “Chó không bao giờ ăn thịt chó/ Người ăn thịt người xương không bỏ/ Cuộc đời nhăn nhở như đười ươi/ Cuộc đời rình mò như cú vọ/ Cuộc đời nham hiểm như cáo già/ Cuộc đời độc ác như báo hổ”…
Nghe xong, Bác lắc đầu và bảo: Không phải thế đâu chú ạ! Loài vật không xấu xa thế đâu. Đó là định kiến sai lầm của con người gán cho loài vật. Loài vật không xấu xa thế đâu. Loài vật không có như chú viết: nhăn nhở, rình mò, nham hiểm, độc ác.
Nhận thức muôn mặt đời sống xã hội được Việt Phương mang vào “Cửa mở”, với hơn 100 bài. Ban đầu, bản thảo gửi đến Nhà văn Như Phong, Giám đốc NXB Văn học. Như Phong cho là “nặng” quá, nếu công bố hết. Giám đốc NXB Văn học đã lọc qua lọc lại, chọn 30 để “Cửa mở” ra đời”.
Và “Cửa mở” khi ấy thực sự đã gây một tiếng vang lớn, một sự chấn động lớn trong cả nước. Tác giả của “Cửa mở” đã dám nghĩ, dám nói, dám viết những điều mà ở thời kỳ đó người ta cho là cấm kỵ.
Lần đầu tiên xuất bản “Cửa mở”, 5.300 cuốn đã bán hết trong 2 tuần. Rất nhiều người, đặc biệt là trong giới văn chương nhận xét: “Cửa mở của Việt Phương có nhiều cái mới mang tính đột phá, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của thơ ca và ảnh hưởng cả đến nhận thức của xã hội trong hoàn cảnh xã hội hiện nay”.
Song, cũng có cay đắng khi một bộ phận công chúng, trong đó có cả giới trí thức, quân đội và chính trị không chấp nhận được những vần thơ phá cách trong tư tưởng của nhà thơ. Có người nói Việt Phương là phản động, phản cách mạng, bôi đen chế độ. “Kẻ phản động” ấy lại là Việt Phương - người thư ký riêng của Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Hàng loạt tin đồn khác gây áp lực lên Việt Phương. Rồi lại có tin, Việt Phương đã bị đưa đi lao động cải tạo, hay Việt Phương phải trèo qua tường chạy vào ĐSQ Liên Xô xin cư trú chính trị.
Nhà thơ Hoàng Trung Thông, khi đó là Vụ trưởng - Ban Tuyên huấn Trung ương, rất thân với Việt Phương, đã nói: “Giới văn nghệ rất hoan nghênh tập thơ của cậu. Bản thân, mình cũng muốn viết một bài theo hướng tích cực cho tập “Cửa mở”. Nhưng một tuần sau, Hoàng Trung Thông gặp Việt Phương, vẻ mặt rất buồn, nói: “Không được Phương ạ, về chỗ chính trị có ý kiến cho rằng trong lúc này tập thơ của Phương có gây hại. Mình chẳng những không viết được một bài ủng hộ Phương mà thậm chí còn phải kí vào một bài có ý phê phán”.
Rồi lại có tin “Cửa mở” bị cấm lưu hành và thu hồi, nhưng thực chất chưa bao giờ có chuyện cấm thu hồi cả.
Năm 1988, thì Giám đốc NXB Văn Học bấy giờ là Lý Hải Châu cùng hai Phó Giám đốc là Thúy Toàn và Nguyễn Bao đã gặp Việt Phương đề nghị tác giả cho phép tái bản “Cửa mở”. Việt Phương chỉ có một điều kiện: in lại không sai một chữ nào. Giữ lại nguyên trang bìa.
Tập thơ đã được tái bản đúng với yêu cầu của tác giả. Một lời khẳng định sự ủng hộ của bạn đọc dành cho “Cửa mở”. Sau đó là “Cửa đã mở", là “Bơ vơ đông đảo”, là “Cỏ dọc đường trần”…