Nhạc sư Vĩnh Bảo là một tên tuổi lớn của dòng âm nhạc truyền thống Việt Nam. Nhạc sư Vĩnh Bảo có công rất lớn trong việc lưu truyền và phát triển nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ. Giới mộ điệu gọi ông là nhạc sư để bày tỏ sự ngưỡng mộ về một nhân vật xứng danh “bậc thầy của các thầy dạy nhạc”.
Nhạc sư Vĩnh Bảo sinh năm 1918 ở làng Mỹ Trà, Cao Lãnh, Đồng Tháp. Cả cuộc đời nhạc sĩ Vĩnh Bảo là những chuyến lưu diễn và quảng bá nền âm nhạc truyền thống của Việt Nam. Đặc biệt, nhạc sư Vĩnh Bảo đã góp phần đưa nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ bước ra quốc tế.
Nhạc sư Vĩnh bảo được vinh danh là một trong những gương mặt có sức ảnh hưởng trên thế giới tại diễn đàn Dân tộc Nhạc học toàn cầu ở Honolulu (Mỹ) vào năm 2006. Nhạc sư Vĩnh Bảo cũng được Chính phủ Pháp tặng Huy chương nghệ thuật và văn học cấp bậc Officier vào năm 2008.
Tháng 5/2018, tròn 100 tuổi, nhạc sư Vĩnh Bảo về quê nhà Đồng Tháp để an hưởng tuổi già, sau một hành trình không mệt mỏi cùng nghệ thuật dân tộc. Và người dân tỉnh Đồng Tháp đã đón nhạc sư Vĩnh Bảo như một báu vật.
Ông Lê Minh Hoan - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Nông Nghiệp & Phát triển Nông thôn lúc bấy giờ là Bí thư tỉnh ủy Đồng Tháp, đã viết bài ca ngợi nhạc sư Vĩnh Bảo: “Một chuyến về lại quê hương sau 45 năm xa cách. Cái làng Mỹ Trà ngày xưa giờ thì đã khác xa rồi. Ngôi chợ, con đường, cây cầu, dòng sông chỉ còn trong ký ức của bậc cao niên. Chiếc tàu Cao Lãnh - Nam Vang đưa người nhạc sư ngày nào lần đầu xuất ngoại giờ đã thay bằng những chiếc du thuyền, những con tàu viễn dương khổng lồ xuôi ngược. Cảnh cũ không còn, người xưa đã mất, nhưng những đổi thay theo năm tháng đó không làm mất đi nỗi đau đáu nhớ về quê cha đất tổ của người con Cao Lãnh tài hoa, sâu đậm nghĩa tình ấy.
Vẫn mộc mạc hồn quê, vẫn dung dị hồn người, vẫn luôn ẩn chứa trong một người bách niên giai lão. Trên hành trình xuyên thế kỷ, chắc không tránh khỏi lúc thăng lúc trầm, nhưng con người ấy vẫn luôn nhớ rằng mình đang mang trong người dòng máu Việt, khí chất người Đồng Tháp, cốt cách hào sảng của con người miền Tây sông nước”.