| Hotline: 0983.970.780

Thứ Bảy 17/04/2021 , 06:45 (GMT+7)
Dạ Ngân

Dạ Ngân

Nhà văn 06:45 - 17/04/2021

Nhắm mắt cũng biết nguyên do

Nhà hình ống ở đô thị Việt Nam chừng như có từ khi hình thành đô thị. Do đặc trưng của nước nghèo và buôn bán nhỏ.

Thời xưa, thời người Pháp văn minh quy hoạch cho thuộc địa thì sao? Thì khu phố Tây kiểu nhà Tây, không thể nào bó và bí được. Khu người Việt thì cũng phải được gần như Tây, có giếng trời, có sân sau, nhận diện những phu phố cổ của Hà Nội cũng suy ra được.

Ở Sài Gòn và các đô thị nhỏ khác, nhìn các khu người Hoa trung tâm sầm uất sẽ thấy khác hẳn phố Tây. Và có lẽ, người Hoa “bày đầu” cho người Việt kiểu nhà ống vừa kinh doanh vừa ở.

Sau 1975, vẫn chưa có cảnh lấn chiếm, cơi nới bất chấp. Vậy quá trình “nhà ống kiểu ở tù” có từ khi nào?

Từ khi người dân với phương châm “tự cứu trước khi trời cứu”. Miền Bắc nhặt nhạnh từng mớ gạch, mua chợ đen từng ký sắt hoặc từng cân xi măng về và bắt đầu thay đổi hiện trạng. Lấn ngõ, lấn khoảng không, kiên cố luôn ban-công bằng lồng sắt và chiếm dụng cả phần phía sau dành cho thoát hiểm (thường là đường cống chìm của khu dân cư).

Miền Nam quỹ nhà khi ấy còn dồi dào do quá nhiều người “bỏ của chạy lấy người”, những hành vi ấy chưa phổ biến. Nhưng dòng Nam tiến bỗng rầm rộ, số ấy sáng mắt với những công viên giữa hai block chung cư, thế là chiếm và chiếm. Xu hướng ấy, đất mặt tiền nào cũng thành đất vàng và “tằm ăn dâu”, vài tháng đã thấy có nhà ống ở chỗ ấy chỗ ấy.

Phố nối dài, như đồng phục ở chỗ lênh khênh hẹp. Đường giao thông mở đến đâu, nhà ống mọc lên đến đó, mái tôn, cửa sắt trước và sau. Kinh tế dương chừng một thập kỷ, đã thấy “thay da đổi thịt”. Thay và đổi thế nào? Nhà cao lên mấy tầng nhưng vẫn ống và thêm một tum chót vót.

Đã xuất hiện những tấm cửa cuộn rất oách. Cùng lúc cũng xuất hiện những bản tin về trộm đạo, từ điểm yếu cái tum. Một tâm lý hoảng sợ lan truyền “nhớ kiên cố tum nhé”. Cửa cuộn san sát, nhìn thấy khu phố thật nghiêm và oai. Trong khi đó, những khu phố sầm uất xưa ở Hà Nội đã nảy nòi ra những cái ngõ hai xe máy không dắt qua nhau được.

Do đâu? Do nới tường, do con cái ra riêng đã chiếm lưu không hoặc sân sau những khu nhà hương hỏa. Một cái mùi đặc trưng của ngõ nhỏ nhà phố nhỏ tôi ở đó là gì? Là mùi than tổ ong, mùi hố xí tập thể, nói chung là mùi con người bẩn và chật. Người lạ đến, khách ngoại quốc tò mò nhìn vào, ý nghĩ đầu tiên ở họ là “Rủi có cháy thì làm sao?”

Các vị chính quyền sở tại cũng chính là những người của phố nhỏ ngõ nhỏ nhà tôi ở đó. Cả nước, người của phường của quận hầu như thảy đều là cư dân của “đất vàng”.

Đã vậy thì có sửa sang, có xây mới, có nới thêm, xin phép hoặc không xin phép các vị cũng bơ đi, chen chúc nhau đã khổ, giờ hành họ nữa thì phiền họ phiền mình, thậm chí có cảnh nhận nụ cười nịnh cùng với chiếc phong bì, xong ngay.

Có không chuyện thế hệ cháu của các vị “đất vàng” ấy từ trời Âu trời Mỹ về chơi, rủ chúng điền dã, lên xe chúng chẳng thèm nhìn hai bên đường, mắt nhắm tít. Hỏi, chúng tắp lự trả lời “Chỗ nào chẳng như chỗ nào, lộn xộn bẩn thỉu, có gì xem?”

Việc cháy của hôm nay đã thành cơm bữa. Không cần điều tra cũng biết nguyên do: không lối thoát. Dân chúng muôn đời đáng thương ở chỗ họ chỉ thấy hiện tại mà thôi.

Cửa cuốn quá tiện, bế luôn cửa hậu cho an toàn với trộm đạo như rươi, với cả chuột bọ hôi thối cống rãnh, cửa tum khóa bằng khóa hẳn hoi, lâu ngày gỉ sét, kệ. Xe máy nhiều lên, đồ điện nhiều lên, phòng nào cũng máy lạnh phà phà êm ái tuyệt diệu. Mồi chập cháy rình rập khắp nơi trong chính ngôi nhà kiên cố tuyệt đối ấy.

Người viết bài này hay có thói quen đến nhà ống của ai cũng dè dặt hỏi “Chỗ thoát hiểm đâu?” Bị nhìn nghi ngại, mồm miệng cẩn thận chị ơi, xui à. Cũng như có lần tôi có nhã ý với đứa cháu thích thương hồ rằng Dì tặng con mấy chiếc áo phao nha, nó buột miệng “Xui à dì, quà đó xui!”

Chỗ thoát hiểm đâu, có không, ai nghĩ sao kệ, tôi vẫn giữ thói quen quan sát, ý kiến và nếu có ngủ lại những ngôi “nhà ống kiểu nhà tù” như vậy, tôi luôn thấy phập phồng, không ngon giấc.

Vậy đó, người Việt và các vị chính quyền cai quản chúng ta, cả hai phía đều sống mà không nghĩ đến thoát hiểm. Bởi lẽ, người ta sống cho hiện tại và ăn nhậu và hát ca với hiện tại theo họ là đáng hài lòng lắm rồi, là tuyệt cú mèo rồi. Đến khi có cháy, ai cháy ai chết ráng chịu, những cư dân nhà ống lân cận mới có một phen tỉnh ngộ. Tỉnh rồi thì cắn răng sống tiếp, đố biết làm sao.