| Hotline: 0983.970.780

Nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc tăng vọt

Thứ Hai 09/12/2019 , 08:26 (GMT+7)

Nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc dự báo tăng gần 2 triệu tấn trong năm 2019, tăng 35% so với năm 2018.

Trung Quốc phải tăng cường nhập khẩu thịt lợn đã tác động tới giá thịt lợn trên thị trường quốc tế, trong đó có Việt Nam. Ảnh: Kiên Cường.

Bộ Công thương dẫn nhận định của Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO), dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) sẽ làm giảm sản lượng thịt lợn tại Trung Quốc ít nhất 20% trong năm 2020.

Đây là mức giảm gấp đôi so với dự báo của FAO đưa ra 6 tháng trước đây. DTLCP đang gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành chăn nuôi lợn của Trung Quốc kể từ tháng 8/2018, đẩy giá thịt lợn tại Trung Quốc lên những mức cao kỷ lục, đồng thời định hình lại các thị trường thịt và thức ăn chăn nuôi toàn cầu.

Với diễn biến dịch bệnh đang lây lan nhanh sang các nước láng giềng, đặc biệt là Việt Nam, Lào, Mông Cổ và Căm-pu-chia, FAO dự báo sản lượng thịt lợn toàn cầu sẽ giảm 8,5% trong năm 2019, xuống còn 110,5 triệu tấn thịt lợn hơi. Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) cũng dự báo, DTLCP sẽ tiếp tục lây lan khắp châu Á và tàn phá hoạt động chăn nuôi của khu vực này. Trước đó, trong tháng 5/2019, FAO dự báo sản lượng thịt lợn Trung Quốc giảm ít nhất 10%.

Theo FAO, thương mại thịt và các sản phẩm thịt thế giới dự báo sẽ đạt 36 triệu tấn trong năm 2019, tăng 6,7% so với năm 2018, chủ yếu do nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc tăng vọt khi nguồn cung nội địa giảm do DTLCP.

Cụ thể, nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc dự báo tăng gần 2 triệu tấn trong năm 2019, tăng 35% so với năm 2018 với sự tăng nhập khẩu ở tất cả các phân khúc sản phẩm thịt lợn.

Theo số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, 9 tháng đầu năm 2019, Trung Quốc nhập khẩu 1,33 triệu tấn thịt lợn, trị giá 2,68 tỷ USD, tăng 43,6% về lượng và tăng 65,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018, trong đó Tây Ban Nha, Đức, Ca-na-da, Bra-xin và Hoa Kỳ là 5 thị trường lớn cung cấp thịt lợn cho Trung Quốc.

Việc Trung Quốc phải tìm kiếm nguồn cung thịt thay thế cho hàng triệu con lợn bị chết do DTLCP đã làm giá thịt lợn, doanh thu lẫn lợi nhuận của các nhà cung cấp thịt Châu Âu và Nam Mỹ đều tăng, đồng thời tái định hình các thị trường toàn cầu cho thịt lợn, thịt gà và thịt bò.

EU, nhà sản xuất thịt lợn lớn thứ 2 thế giới sau Trung Quốc, đang tăng mạnh xuất khẩu thịt lợn sang Trung Quốc mặc dù chỉ có thể bù đắp một phần nhỏ trong tổng suy giảm nguồn cung thịt lợn tại nước này do DTLCP.

Ác-hen-ti-na và Bra-xin cũng đều đang phê duyệt hàng loạt các nhà máy xuất khẩu thịt mới để đáp ứng nhu cầu thịt bò và thịt gà cũng như thịt lợn tại Trung Quốc. Ngược lại, các nhà sản xuất thịt tại Hoa Kỳ đang gặp bất lợi do chính sách thuế nhập khẩu của Trung Quốc.

Ngăn chặn đưa lợn sang các nước láng giềng

Thời gian qua, Bộ Công thương đã có văn bản đề nghị các địa phương có biên giới kiểm soát chặt chẽ việc mua bán thịt lợn qua biên giới, không để ảnh hưởng đến nguồn cung và giá thịt lợn trong nước, nhất là dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

Bộ Công thương chỉ thị có phương án chuẩn bị nguồn hàng thịt lợn dự trữ, trong đó có thể cho phép nhập khẩu thịt lợn để bình ổn thị trường dịp cuối năm. Ảnh: Kiên Cường.

Để kiểm soát thị trường thịt lợn, theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, lực lượng Quản lý thị trường tại các địa phương đã triển khai tích cực công tác chống đầu cơ, tích trữ, ngăn chặn việc chuyên chở lợn bệnh, lợn lậu, ngăn chặn việc đưa lợn sang các nước láng giềng qua đường trao đổi cư dân biên giới.

Đề nghị Bộ NN-PTNT theo dõi sát hoạt động chăn nuôi, đánh giá chính xác năng lực tái đàn để cung ứng cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán; phối hợp chặt chẽ, kịp thời với Bộ Công Thương trong việc bảo đảm nguồn cung thịt lợn.

Bộ Công thương cũng đã có chỉ thị có phương án chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ mặt hàng thịt lợn cuối năm và Tết Nguyên đán. Theo đó, có phương án hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn khi có cần thiết.

Xem thêm
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.

Thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 97% dự toán

Sau 10 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.654,2 nghìn tỷ đồng, bằng 97,2% dự toán năm và tăng 17,3% so với cùng kỳ 2023.