Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 1/4, các chuyên gia y tế cố vấn cho Thủ tướng Shinzo Abe nói tốc độ lây lan nhanh của virus corona đang gây sức ép đặc biệt lớn lên các bệnh viện ở Tokyo, Osaka và một số tỉnh khác. Điều quan trọng là phải hành động nhanh.
“Phản ứng ban đầu cần được thực hiện ngay hôm nay hoặc ngày mai”, Shigeru Omi, lãnh đạo Tổ chức Chăm sóc sức khỏe Cộng đồng Nhật Bản, cho biết. Hệ thống y tế có nguy cơ sụp đổ từ trước thời điểm “quá tải” – hoặc một đợt bùng nổ số ca nhiễm.
Ông Abe đang đối mặt với ngày càng nhiều lời kêu gọi tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, cho phép thống đốc các địa phương thêm quyền hạn để buộc người dân ở nhà, đóng cửa trường học, triển khai những bước tiếp theo. Tuy nhiên, Nhật Bản lại không có hình phạt đối với phần lớn trường hợp vi phạm.
Nhiều quốc gia khác bị đại dịch virus corona ảnh hưởng đã áp dụng biện pháp phong tỏa có ràng buộc pháp lý với những hình phạt nặng đi kèm. Những biện pháp mới của Nhật Bản về đi lại và cách ly sẽ có hiệu lực từ ngày 3/4.
Tính đến ngày 1/4, Nhật Bản ghi nhận 2.362 ca nhiễm virus corona và 67 trường hợp tử vong, đài NHK đưa tin, tương đối thấp so với Mỹ, Trung Quốc và châu Âu.
“Chúng ta đang cố gắng kiểm soát tình hình và đang ở thời điểm quan trọng, số ca nhiễm có thể tăng mạnh nếu chúng ta lơ là”, ông Abe phát biểu trước một ủy ban quốc hội Nhật Bản.
Theo Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Yasutoshi Nishimura, giới chuyên gia dịch bệnh truyền nhiễm đang cảnh báo về năng lực y tế tại Tokyo và quốc gia này đang bên bờ vực một cuộc khủng hoảng. “Chúng ta phải ngăn dịch bệnh lây lan rộng hơn bằng mọi giá. Chúng ta đã đến sát bờ vực”.
Ông Omi cho biết dù số ca nhiễm tại Nhật Bản chưa tăng mất kiểm soát nhưng ngày càng có nhiều trường hợp mới được ghi nhận. Điều này dẫn đến tình trạng nguồn cung y tế thắt chặt tại một số khu vực.
Các chuyên gia bệnh dịch truyền nhiễm khuyên chính phủ Nhật Bản nên chuẩn bị “kế hoạch B”, đề phòng trường hợp những biện pháp hiện nay không thể dừng tình trạng lây nhiễm thứ cấp và tái lây nhiễm từ nước ngoài.
“Điều chúng ta có thể làm là phong tỏa các thành phố, khu vực, đồng nghĩa thắt chặt kiểm soát việc đi lại”, giáo sư Hiroshi Nishiura, Đại học Hokkaido, nhận định. “Việc này có thể bất khả thi theo quy định hiện tại nhưng chúng tôi đang cân nhắc các khả năng”.
Nguy cơ thiếu hụt
Trước đó, Nishiura nói một số khu vực ở Nhật Bản có thể thiếu máy thở cho bệnh nhân nguy kịch. Giới chuyên gia kêu gọi chính quyền các địa phương có số ca nhiễm tăng mạnh trong tuần trước yêu cầu người dân ở nhà, tránh tập trung hơn 10 người.
Thống đốc Tokyo Yuriko Koike ngày 1/4 tái nhắc lại khuyến cáo 14 triệu người dân thủ đô ở trong nhà, tránh đến nhà hàng, quán rượu. “Mọi người thường nói ‘tôi không nghĩ mình có thể bị nhiễm bệnh’. Tôi muốn mọi người cùng nhận thức rằng họ nên tự bảo vệ bản thân, cũng là ngăn virus lây lan”.
Bà Koike cho biết các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông công lập sẽ đóng cửa đến ngày 6/5. Trường học tại các khu vực khác tự quyết định tùy theo tình hình.
Đại dịch virus Corona đang ảnh hưởng đáng kể đến kinh tế Nhật Bản, vốn đang trên bờ vực suy thoái. Khảo sát của ngân hàng trung ương Nhật Bản cho thấy chỉ số lòng tin của các nhà sản xuất đã rơi vào vùng âm, lần đầu tiên trong 7 năm.
Nhiều lời kêu gọi phong tỏa xuất hiện trên mạng xã hội. Các tài khoản Twitter tại Nhật Bản bày tỏ lo ngại, lấy ví dụ về các biện pháp mạnh tay hơn mà nhiều thành phố trên thế giới đang triển khai.
“Một người bạn của tôi làm việc ở Tokyo vẫn đi lại bằng những chuyến tàu chật kín người”, tài khoản Arikan viết. “Tôi có chút xấu hổ khi Nhật Bản không kiên quyết bằng các nước khác”.