Theo đó, nhiều khả năng khối liên kết kinh tế và thương mại bao gồm 11 quốc gia vành đai Thái Bình Dương sẽ kết nạp thêm Thái Lan.
CPTPP được ký kết ngày 8/3/2018, là một thỏa thuận thương mại bao gồm Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.
CPTPP chính thức có hiệu lực từ ngày 30/12/2018 đối với nhóm 6 nước đầu tiên hoàn tất thủ tục là Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada và Úc. Đối với Việt Nam, hiệp định này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 14/1/2019.
Phát biểu tại buổi gặp gỡ Phó Thủ tướng Thái Lan Somkid Jatusripitak 14/2, ông Kiyama Shigeru, đặc phái viên của chính phủ Nhật Bản cho biết, sẵn sàng hỗ trợ Thái Lan tham gia hiệp định này.
Theo Phó Thủ tướng Somkid, nội các Thái Lan dự kiến sẽ đưa ra quyết định này vào tháng 4 hoặc tháng 5 tới.
Kết quả nghiên cứu của hãng Bolliger, đơn vị được chính phủ Thái Lan ủy quyền đàm phán thương mại cho thấy, nếu không có tư cách thành viên CPTPP, nước này ước tính sẽ mất 26,6 tỷ bạt và hụt GDP 0,25 điểm phần trăm mỗi năm.
Nếu nội các chấp thuận đề xuất của Bộ Thương mại, Thái Lan sẽ chính thức đệ trình văn bản đề nghị chính thức tham gia CPTPP, ngay trước thềm hội nghị thường niên CPTPP vào tháng 8.
Hồi cuối năm ngoái, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã công bố gói ngân sách 3 tỷ USD cho các sáng kiến về cho vay và đầu tư cho khối các nước Asean, đặc biệt là khu vực hạ tầng để tăng kết nối giao thương.
Mặt khác, Thái Lan cũng kêu gọi Nhật Bản đầu tư mạnh hơn nữa vào Hành lang kinh tế phía Nam và mạng lưới đường sắt kết nối Myanmar- Thái Lan và Việt Nam thông qua Hành lang kinh tế Đông-Tây ở phía trên nhằm tạo ra một mạng lưới liên kết chặt chẽ hơn giữa các quốc gia thành viên Asean.