Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) ngày 4/7 cho biết với tốc độ hiện tại, 5,91 triệu người nước ngoài sẽ làm việc tại Nhật Bản vào năm 2040, thiếu gần một triệu lao động nước ngoài cần thiết để duy trì tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 1,24%.
Khoảng cách cung - cầu đối với lao động nước ngoài đã tăng hơn gấp đôi so với ước tính trước đó của JICA vào năm 2022. Sự chênh lệch này một phần xuất phát từ việc hạ triển vọng của các nền kinh tế châu Á. Các nền kinh tế châu Á hiện được cho là tăng trưởng chậm hơn so với năm 2022, nghĩa là lao động của họ dự kiến sẽ ra nước ngoài ít hơn.
Lao động nước ngoài là yếu tố rất quan trọng đối với nền kinh tế Nhật Bản vì lực lượng này đã giúp giải quyết tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng do già hóa dân số nhanh chóng và tỷ lệ sinh giảm mạnh.
Tính đến tháng 10/2023, số lượng lao động nước ngoài tại Nhật Bản đã tăng hơn gấp 4 lần trong 15 năm qua lên 2,05 triệu người, tương đương khoảng 3% toàn bộ lực lượng lao động.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, số lượng lao động nước ngoài tại Nhật Bản đã tăng 226.000 người trong 12 tháng tính đến tháng 10/2023 lên mức kỷ lục 2,05 triệu người. Các quốc gia cử lao động sang Nhật Bản ngày càng đa dạng ngoài Việt Nam và Trung Quốc, vốn là những quốc gia xuất khẩu lao động sang Nhật Bản nhiều nhất.
Nghiên cứu mới của JICA ước tính sẽ có 225.000 lao động Việt Nam sang Nhật Bản vào năm 2030, bằng khoảng 80% so với con số trước đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng dự kiến sẽ chậm lại sau đó, xuống còn 260.000 vào năm 2040 và dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động nước ngoài nói chung ngay cả khi dòng lao động từ Myanmar và các nơi khác tăng lên.
Nhật Bản đã mở rộng cấp phép thị thực lao động cho một số lĩnh vực lao động chân tay và các công việc tay nghề cao. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng với những trở ngại bao gồm sự suy yếu của đồng yên, mức lương phổ thông thấp và các vấn đề nhân quyền, Nhật Bản sẽ phải tăng cường nỗ lực để duy trì tính cạnh tranh trong cuộc đua toàn cầu về nhân lực