| Hotline: 0983.970.780

Doanh nghiệp Nhật Bản hỗ trợ nông dân sản xuất lúa giảm phát thải

Thứ Ba 02/07/2024 , 17:19 (GMT+7)

Thông qua hợp tác với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Công ty TNHH Faeger sẽ hỗ trợ nông dân định lượng giảm phát thải.

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Công ty TNHH Faeger ký biên bản ghi nhớ hợp tác. Ảnh: Bảo Thắng.

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Công ty TNHH Faeger ký biên bản ghi nhớ hợp tác. Ảnh: Bảo Thắng.

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia mới đây đã ký biên bản ghi nhớ với Công ty TNHH Faeger về tăng cường hợp tác thúc đẩy các dự án nông nghiệp giảm phát thải khí nhà kính tại Việt Nam, đồng thời hỗ trợ nông dân sản xuất nông nghiệp bền vững, giảm phát thải.

Ông Takai Yusuke, Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Faeger cho biết, doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm và giải pháp phát triển nông nghiệp theo định hướng giảm phát thải tại Nhật Bản. Vì vậy, việc Công ty hợp tác thúc đẩy các dự án nông nghiệp giảm phát thải khí nhà kính sẽ rất phù hợp với mục tiêu giảm 35% lượng phát thải khí mê tan mà Việt Nam đặt ra theo điều chỉnh năm 2022 về cam kết đóng góp mỗi quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, bao gồm giảm nhẹ phát thải khí nhà kính dựa trên Thỏa thuận Paris ở COP 21, năm 2015.

Theo tính toán, Việt Nam cần hỗ trợ khoảng 14 tỷ USD để hoàn thành kế hoạch trên từ nay đến năm 2030. Trên cơ sở đó, Công ty TNHH Faeger sẽ triển khai kế hoạch tương ứng. 

Cụ thể, trong năm 2024, Công ty sẽ thực hiện nhiều thử nghiệm xác minh ở quy mô nhỏ và chuẩn bị cho các dự án thí điểm, đồng thời ký hợp tác với Sở NN-PTNT các tỉnh thuộc vùng Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. 

Năm 2025, Công ty sẽ triển khai dự án thí điểm với quy mô hơn 50 hộ dân trên diện tích khoảng 500ha. Đồng thời, đăng ký dự án tại các tỉnh, thành phố đã tiến hành thử nghiệm xác minh hoặc dự án thí điểm.

Dự án của Faeger sẽ bắt đầu triển khai vào năm 2026 trên quy mô dự kiến 20.000 - 30.000ha và tiến hành hoàn trả lợi nhuận cho nông dân tham gia dự án. Nếu không có gì thay đổi, dự án sẽ mở rộng diện tích lên 1 triệu ha vào năm 2030.

Canh tác lúa giảm phát thải sẽ là hướng đi bền vững cho sản xuất lúa. Ảnh: NNVN.

Canh tác lúa giảm phát thải sẽ là hướng đi bền vững cho sản xuất lúa. Ảnh: NNVN.

Để nhận nguồn thu từ dự án, người dân vùng 1 triệu ha lúa chất lượng cao cần thực hiện giảm phát thải bằng AWD - phương thức tưới ngập - khô xen kẽ.

Lượng giảm phát thải thông qua AWD sẽ được Công ty có trụ sở tại Tokyo phân tích, định lượng. Từ đó, hỗ trợ chuyển đổi và đánh giá những nỗ lực giảm phát thải thành tín chỉ carbon được công nhận bởi các cơ quan chứng nhận quốc tế.

Bên cạnh đó, Công ty sẽ có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tái đầu tư lợi nhuận cho nông dân khi tham gia dự án. Cách thức triển khai ở Việt Nam đã được Faeger thực hiện ở một số quốc gia dựa trên Cơ chế Tín chỉ chung (JCM).

Đây là cách mà một số tổ chức Nhật Bản đề xuất với các quốc gia đang phát triển nhằm thúc đẩy chuyển giao và phổ biến các công nghệ phát thải carbon thấp nhằm hướng tới tăng trưởng xanh ở nước sở tại, đồng thời hỗ trợ thực hiện cam kết quốc tế về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của Nhật Bản.

"Chúng tôi cam kết cung cấp kiến ​​thức và kỹ năng chuyên sâu về nông nghiệp bền vững cho vùng dự án. Ngoài ra, Faeger sẽ chịu trách nhiệm kết nối nguồn tài trợ từ Cơ chế JCM để hỗ trợ nông dân thúc đẩy chuyển đổi xanh, góp phần đảm bảo nguồn tài chính cho việc thực hiện các dự án và biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính", ông Yusuke chia sẻ.

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao thực hiện tại 12 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL rất phù hợp với những tiêu chí chuyển đổi xanh cho nông dân trồng lúa ở Việt Nam, theo lãnh đạo Faeger.

Theo ông Lê Quốc Thanh, chuyển giao công nghệ qua hệ thống khuyến nông sẽ đến được với nông dân một cách nhanh chóng, kịp thời. Ảnh: Bảo Thắng.

Theo ông Lê Quốc Thanh, chuyển giao công nghệ qua hệ thống khuyến nông sẽ đến được với nông dân một cách nhanh chóng, kịp thời. Ảnh: Bảo Thắng.

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chia sẻ, Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao mà Bộ NN-PTNT đang được Chính phủ giao chủ trì thực hiện là vấn đề mới, không chỉ riêng với Việt Nam mà còn cả trên toàn cầu.

Bên cạnh chất lượng, cách làm ra sản phẩm (ở đây là lúa gạo) có đáp ứng được yêu cầu về tăng trưởng xanh hay không cũng là nội dung quan trọng mà đề án quan tâm. Do đó, sự hợp tác với đối tác đến từ những quốc gia phát triển như Faeger được ông Thanh tin tưởng có thể rút ngắn quá trình nghiên cứu.

Cùng với đó, Việt Nam sẽ có thêm cơ hội tiếp xúc với những chuyên gia giàu kinh nghiệm, những công nghệ tiên tiến về giảm phát thải.

Với lực lượng hơn 30.000 khuyến nông viên và hàng nghìn tổ khuyến nông cơ sở trên cả nước, hệ thống khuyến nông được đánh giá là tổ chức cơ sở gần nông dân nhất. Việc chuyển giao những công nghệ, tiến bộ kỹ thuật qua khuyến nông vì thế sẽ đến được với nông dân nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả.

Ngoài mong muốn hai bên đồng hành trong thời gian dài sắp, Giám đốc Lê Quốc Thanh đề nghị Faeger cung cấp những giải pháp để giúp Việt Nam có thể đong đếm được lượng giảm phát thải, giúp tính toán chính xác mức độ bảo vệ môi trường. Từ đó, giúp nông dân ở vùng Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao có thêm nguồn thu.

Bằng kinh nghiệm của mình, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cam kết phối hợp xây dựng những mô hình canh tác bền vững ngoài thực tiễn sản xuất theo đúng nhu cầu hai bên cùng quan tâm.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ NN-PTNT) cho biết, Việt Nam còn nhiều dư địa về cây trồng có thể giảm phát thải. Ngoài lúa gạo, còn cây ăn quả, cà phê, chè... có thể tiến hành canh tác bền vững.

Qua quá trình tìm hiểu, nghiên cứu về các chương trình mà Công ty Faeger từng xây dựng, đại diện Lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka (Nhật Bản) nhận xét, lợi ích cho người dân theo cách làm của doanh nghiệp này là khả quan hơn một số phương pháp phổ biến hiện nay.

Xem thêm
Ứng dụng ruồi lính đen trong chăn nuôi: [Bài 1] Tạo nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn bền vững

Ruồi lính đen không chỉ mở ra cho ngành chăn nuôi nhiều cơ hội về nguồn thức ăn ổn định, mà còn giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tận dụng nguồn phế phụ phẩm.

Tăng tốc giải ngân hỗ trợ người chăn nuôi thiệt hại do dịch bệnh

Hơn 46 tỷ là số tiền Hà Tĩnh cấp cho các địa phương để hỗ trợ người chăn nuôi thiệt hại do bệnh viêm da nổi cục trâu, bò và dịch tả lợn Châu Phi.

Khám tổng thể sức khỏe đất: [Bài 6] Đất trồng cam ở miền Bắc càng thâm canh càng thoái hóa

TS Lương Đức Toàn, Trưởng Bộ môn Sử dụng đất thuộc Viện Thổ nhưỡng Nông hóa, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu sức khỏe đất trồng cam ở miền Bắc cho biết như vậy.