| Hotline: 0983.970.780

Nhện hại trên bưởi giảm đáng kể nhờ sử dụng nhện nhỏ bắt mồi

Thứ Ba 01/10/2024 , 08:18 (GMT+7)

PHÚ THỌ Sử dụng nhện nhỏ bắt mồi kiểm soát nhện hại, bọ trĩ trên cây bưởi giúp giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bảo vệ môi trường, tiết kiệm chi phí sản xuất…

Vườn trồng bưởi có diện tích hơn 3ha của gia đình chị Phạm Thị Minh Tâm ở xã Vân Đồn (Đoan Hùng, Phú Thọ) từ đầu tháng 6 tới nay luôn tấp nập người dân trong vùng tới tham quan, học tập cách bắt, thả, chăm sóc và kiểm chứng hiệu quả của việc sử dụng nhện nhỏ bắt mồi để kiểm soát nhện hại và bọ trĩ.  

Theo chị Phạm Thị Minh Tâm (thứ 3 từ phải sang), khi sử dụng nhện nhỏ bắt mồi, triệu chứng trên lá do nhện hại gây ra đã giảm đáng kể. Ảnh: Trung Quân.

Theo chị Phạm Thị Minh Tâm (thứ 3 từ phải sang), khi sử dụng nhện nhỏ bắt mồi, triệu chứng trên lá do nhện hại gây ra đã giảm đáng kể. Ảnh: Trung Quân.

Chị Tâm chia sẻ, nhóm nhện gây hại vườn bưởi của gia đình gồm nhện đỏ, nhện rám vàng (nhện ống) và nhện trắng. Nhện đỏ chích hút nhựa cây bưởi tạo thành các vết chấm nhỏ li ti màu trắng bạc hơi vàng. Lá, quả bị nhện đỏ hại nặng có màu nâu đỏ, dễ bị rụng, cây còi cọc, không ra lộc.

Nhện rám vàng chích hút làm vỏ quả biến màu, chuyển sang màu rám vàng, gây hiện tượng rám quả. Những khu vực rậm rạp, thiếu ánh sáng thường bị nhện rám vàng hại nặng.

Nhện trắng thường sống ở mặt dưới lá non, trong kẽ lá, búp ngọn non, quả để gây hại. Cây bưởi bị nhện trắng hại thường có biểu hiện lá non nhỏ, dày, màu hơi nhạt, phồng cứng hoặc quăn queo, đôi khi cũng có hiện tượng rám quả.

Các loại nhện gây hại trên thường có vòng đời ngắn, khả năng sinh sản cao, tạo nhiều thế hệ trong một năm nên dễ phát triển thành dịch trong thời gian ngắn, gây hại rất lớn đối với cây bưởi. Bà con trồng bưởi vì thế phải tiêu tốn rất nhiều chi phí, công lao động để phòng trừ nhưng vẫn không ăn thua.

Từ khi được sự hỗ trợ của Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Bắc (Cục Bảo vệ thực vật) về cách thức sử dụng nhện nhỏ bắt mồi kiểm soát nhện hại, mặc dù thời gian áp dụng chưa dài nhưng qua điều tra theo dõi cho thấy triệu chứng trên lá do nhện hại gây ra đã giảm đáng kể.

Nguồn nhện thu được ngoài tự nhiên được nhân nuôi trên hộp nuôi trong vòng 1 tháng để lấy số lượng nhện nhỏ bắt mồi thuần. Ảnh: Trung Quân.

Nguồn nhện thu được ngoài tự nhiên được nhân nuôi trên hộp nuôi trong vòng 1 tháng để lấy số lượng nhện nhỏ bắt mồi thuần. Ảnh: Trung Quân.

“Khi mới nghe tới việc dùng nhện nhỏ để tiêu diệt nhện hại, cả gia đình tôi không một ai tin tưởng. Tuy nhiên khi thấy cán bộ kỹ thuật của Trung tâm BVTV phía Bắc tuần nào cũng lặn lội từ Hưng Yên lên ăn ngủ tại vườn, tiến hành điều tra, đánh giá, thí nghiệm… mình cũng lân la tìm hiểu, rồi bị thu hút. Đến bây giờ biểu hiện của nhện hại giảm đi đáng kể, gia đình không phải sử dụng thuốc BVTV hóa học để kiểm soát như trước, như vậy là thành công rồi”, chị Tâm phấn khởi.

Ông Đỗ Chí Thành, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và BVTV Đoan Hùng cho biết, trong các đối tượng sinh vật gây hại cây bưởi trên địa bàn có nhóm nhện chích hút. Để quản lý nhện hại, trước đây các chủ vườn thường sử dụng thuốc BVTV để phun trừ. Những tháng cao điểm, có hộ phải dùng với mật độ 15 ngày/lần.

Tuy nhiên, việc phun trừ bằng thuốc BVTV hiệu quả không cao, trong khi hầu hết các vườn bưởi đều nằm xung quanh khu vực dân cư nên việc sử dụng lượng lớn thuốc BVTV ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe người dân, môi trường, đất... Đặc biệt, việc sử dụng liên tục nhiều hoạt chất BVTV rất dễ tạo gen kháng cho nhện hại. Do đó, khi được tiếp cận với phương pháp sử dụng thiên địch nhện nhỏ bắt mồi để kiểm soát, từng bước giảm dần việc sử dụng thuốc BVTV, giảm chi phí sản xuất, đông đảo người dân đã hào hứng đón nhận.

“Đoan Hùng là huyện tập trung nhiều cây trồng chủ lực của tỉnh, nhất là cây ăn quả. Việc nhân rộng các giải pháp sinh học, sử dụng thiên địch để kiểm soát sinh vật gây hại là điều kiện tiên quyết để hình thành vùng sản xuất an toàn, hiệu quả, góp phần khẳng định thương hiệu và đưa nông sản của huyện đi xa”, ông Thành nói.

Việc sử dụng thiên địch kiểm soát sinh vật gây hại tạo thuận lợi để phát triển sản xuất theo hướng an toàn, bền vững. Ảnh: Trung Quân.

Việc sử dụng thiên địch kiểm soát sinh vật gây hại tạo thuận lợi để phát triển sản xuất theo hướng an toàn, bền vững. Ảnh: Trung Quân.

Bà Dương Thị Ngà, Phó Giám đốc Trung tâm BVTV phía Bắc cho hay, trong bối cảnh ngành nông nghiệp đang đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng xanh, an toàn, trách nhiệm, bền vững thì việc sử dụng các loài thiên địch trong kiểm soát sinh vật gây hại được xem là một trong những giải pháp tối ưu.

Trên cơ sở đó, năm 2024, Trung tâm BVTV phía Bắc triển khai xây dựng điểm ứng dụng nhện nhỏ bắt mồi (Amblyseius largoensis) trên cây bưởi nhằm kiểm soát nhện hại và bọ trĩ. Mô hình được triển khai tại xã Vân Đồn, huyện Đoan Hùng (Phú Thọ); xã Cát Quế, huyện Hoài Đức (Hà Nội) với quy mô 2hađiểm. Để giúp nông dân tiếp cận nhanh với phương pháp này, Trung tâm đã phối hợp với các địa phương tổ chức 2 lớp tập huấn (20 nông dân/lớp) cho nông dân tham gia tại điểm triển khai ứng dụng.

Theo bà Ngà, nguồn nhện nhỏ bắt mồi có sẵn ngoài đồng ruộng, trên lá cây bưởi và cây chanh. Tuy nhiên để bắt, nhân nuôi, thả, điều tra mật độ, các hộ cần tuân thủ sự hướng dẫn của cán bộ chuyên môn để đạt được hiệu quả cao nhất.

Xem thêm
Hơn 160 tỷ đồng được Bộ NN-PTNT kêu gọi hỗ trợ thiệt hại do bão

HẢI PHÒNG Sáng 28/9, tại Hải Phòng, Bộ NN-PTNT tổ chức nghị trao tặng, hỗ trợ phục hồi sản xuất chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản các tỉnh, thành phố ảnh hưởng sau bão.

Chế phẩm vi sinh loại bỏ mầm bệnh 'ẩn náu' trong chuồng trại chăn nuôi

Chế phẩm vi sinh ức chế hoạt động của các vi sinh vật kỵ khí gây mùi, tăng mật độ vi sinh hiếu khí giúp kiểm soát mầm bệnh và hạn chế ruồi muỗi.

Tập huấn vận hành drone phun thuốc BVTV: Bước tiến mới trong khảo nghiệm nông nghiệp

So với phương pháp phun thủ công, phun thuốc bằng drone giúp giảm tới hơn 90% lượng nước, tăng tốc độ phun 30 lần, trong khi vẫn đảm bảo hiệu lực phòng trừ tương đương.