| Hotline: 0983.970.780

Ớt chuông sạch sâu hại nhờ thả thiên địch

Thứ Tư 10/08/2022 , 19:31 (GMT+7)

LÂM ĐỒNG Trồng cây ớt chuông trong nhà kính và áp dụng biện pháp thả các loài thiên địch nhện bắt mồi đã giúp quản lý rất hiệu quả các đối tượng côn trùng gây hại.

Thả nhện thiên địch trên ớt chuông để tấn công sinh vật gây hại. Ảnh: Minh Hậu.

Thả nhện thiên địch trên ớt chuông để tấn công sinh vật gây hại. Ảnh: Minh Hậu.

Để bảo đảm an toàn thực phẩm và các yếu tố môi trường, việc chú trọng xây dựng nền nông nghiệp xanh và phát triển bền vững là hướng đi tất yếu của ngành nông nghiệp. Trong đó, thiên địch - kẻ thù tồn tại trong tự nhiên của những sinh vật gây hại cho sản xuất nông nghiệp chính là phương án hiệu quả, vừa an toàn cho cây trồng, vừa thân thiện với môi trường và sức khỏe con người.

Thiên địch là những loài sinh vật như côn trùng, nhện nhỏ, vi sinh vật, các loài động vật khác. Nhờ hoạt động tích cực của các loài thiên địch mà các sinh vật gây hại cho cây trồng được khống chế nhằm bảo vệ sản xuất, tăng năng suất và nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm nông nghiệp.

Việc áp dụng chế phẩm sinh học hoặc nhân nuôi và thả thiên địch như: Bọ xít bắt mồi (Orius sp.), nhện bắt mồi (Phytoseiulus sp., Amblyseius sp. và Hypoaspis sp.), nấm Trichoderma… trên một số cây trồng như ớt chuông, dâu tây, hoa hồng và các loại hoa cắt cành… góp phần giữ cân bằng hệ sinh thái, bảo vệ môi trường, hướng tới cung ứng hàng nông sản an toàn và chất lượng đạt tiêu chuẩn.

Ông Lương Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung đi thăm mô hình dùng thiên địch bảo vệ ớt chuông tại Lâm Đồng. Ảnh: Minh Hậu.

Ông Lương Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung đi thăm mô hình dùng thiên địch bảo vệ ớt chuông tại Lâm Đồng. Ảnh: Minh Hậu.

Hiện nay, đã có nhiều mô hình sử dụng nhện bắt mồi Amblyseius sp. để khống chế các loại nhện nhỏ, bọ trĩ, bọ phấn; Phytoseiulus sp. kiểm soát nhện đỏ 2 chấm và Hypoaspis sp. khống chế sâu non và trứng của côn trùng. Việc sử dụng nhện bắt mồi để quản lý sâu hại chỉ áp dụng cho sản xuất nông nghiệp trong nhà kính và cần phù hợp điều kiện như cao ráo, không gian thông thoáng và đảm bảo độ kín để không cho sinh vật lạ từ bên ngoài vào.

Cây ớt chuông thường xuyên xuất hiện côn trùng gây hại như nhện nhỏ, bọ trĩ, bọ phấn. Những cây ớt chuông bị các đối tượng này tấn công sẽ suy yếu, dẫn đến giảm chất lượng sản phẩm. Đây là những loài có kích thước nhỏ, khó phát hiện, tốc độ sinh trưởng nhanh, mức độ gây hại lớn. Đến khi phát hiện thì cây trồng đã hư hại nặng, khó phòng trừ và tốn nhiều chi phí. Để quản lý các đối tượng này, cần sử dụng thiên địch ngay từ lúc đầu để chúng thiết lập được quần thể, khống chế các đối tượng sinh vật gây hại.

Mô hình trồng cây ớt chuông trong nhà kính và áp dụng biện pháp thả các loài thiên địch nhện bắt mồi Amblyseius sp. và Hypoaspis sp. để quản lý các đối tượng côn trùng gây hại tại tỉnh Lâm Đồng được Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung (thuộc Cục Bảo vệ thực vật) đánh giá cao hiệu quả mang lại.

Dùng thiên địch bảo vệ cây trồng vừa hiệu quả, vừa phù hợp với sản xuất an toàn, hữu cơ. Ảnh: MH.

Dùng thiên địch bảo vệ cây trồng vừa hiệu quả, vừa phù hợp với sản xuất an toàn, hữu cơ. Ảnh: MH.

Các loài nhện bắt mồi phát triển tốt, mật độ nhện bắt mồi cao; các đối tượng gây hại trên ớt chuông như như nhện đỏ, bọ trĩ, bọ phấn không phát hiện. Cây ớt sinh trưởng, phát triển tốt, cho trái đều đặn, lá to, thẳng. Đây là mô hình phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp an toàn, hữu cơ. Ngoài ra, việc thả thiên địch trên cây trồng khác như dâu tây, hoa cắt cành đã mang lại hiệu quả cao trong việc quản lý các đối tượng gây hại.

Qua thực tế, chi phí áp dụng thả thiên địch nhện bắt mồi trên cây ớt chuông từ 10 - 15 triệu/1.000 m2/1 lần thả, mật độ thả 300 - 500 con/m2. Nếu nông dân nuôi thiên địch tốt và có kinh nghiệm thì chỉ cần thả 1 lần cho cả 1 vụ ớt chuông. Trong quá trình sản xuất, thường xuyên đánh giá (3 tháng/lần) các chỉ tiêu như mật độ thiên địch và mật độ sâu hại để tiến hành thả bổ sung cho các lần tiếp theo cũng như xác định mật độ thả thiên địch cho phù hợp.

(Giám đốc Trung tâm BVTV miền Trung)

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.