| Hotline: 0983.970.780

Kiến vàng kiểm soát hiệu quả sinh vật gây hại

Thứ Sáu 30/08/2024 , 06:00 (GMT+7)

Kiến vàng giúp kiểm soát hiệu quả một số sinh vật gây hại, giúp giảm dần việc dùng thuốc BVTV hóa học, bảo vệ môi trường và sức khỏe, giảm chi phí đầu vào…

Sâu hại giảm đáng kể

6ha trồng bưởi, cam của gia đình anh Tạ Hữu Quang ở thôn Yên Sở, xã Phúc Ninh (Yên Sơn, Tuyên Quang) sau 6 tháng thả kiến vàng kiểm soát sâu hại đã lột xác hoàn toàn. Nỗi lo rệp sáp, sâu cuốn lá… phá hoại cây trồng làm gia đình mất ăn, mất ngủ bấy lâu nay đã được giải tỏa.

Theo anh Tạ Hữu Quang (bìa phải), khi sử dụng kiến vàng trên cây có múi, sâu hại như rệp sáp, sâu cuốn lá, sâu non bướm mắt đỏ... được kiểm soát rất hiệu quả. Ảnh: Trung Quân.

Theo anh Tạ Hữu Quang (bìa phải), khi sử dụng kiến vàng trên cây có múi, sâu hại như rệp sáp, sâu cuốn lá, sâu non bướm mắt đỏ... được kiểm soát rất hiệu quả. Ảnh: Trung Quân.

Anh Quang chia sẻ, canh tác với diện tích lớn, trong khi tuổi đời, sức khỏe cả hai vợ chồng đang dần tiến sang bên kia sườn dốc nên để bám trụ được với nghề, xóa đi cảnh sống chung với mùi thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), thuốc trừ cỏ, năm 2020 anh bắt đầu tìm hiểu và chuyển sang canh tác theo hướng hữu cơ.

Tuy nhiên, giai đoạn đầu khi làm hữu cơ, hệ sinh thái trong vườn phát triển tự nhiên, sâu bệnh hại cũng theo đó có chiều hướng gia tăng. Kiên trì với con đường đã chọn, anh Quang lại miệt mài tìm kiếm các giải pháp sinh học để giải quyết vấn đề. Đầu năm 2024, được sự hỗ trợ, hướng dẫn của Trung tâm BVTV phía Bắc (Cục BVTV), ông biết đến phương pháp dùng kiến vàng để kiểm soát sinh vật gây hại trên cây có múi. Như bắt được vàng, anh áp dụng ngay vào vườn của gia đình.

Theo anh Quang, kiến vàng anh đã từng thấy trên cây rừng nhưng không nghĩ lại có tác dụng lớn như vậy, thậm chí còn hoài nghi là loài phá hoại cây trồng. Khi được cán bộ cung cấp thông tin, hướng dẫn cách bắt, thả, chăm sóc và tận mắt theo dõi hiệu quả anh mới vỡ lẽ.

Giai đoạn đầu, số lượng tổ kiến thả vào vườn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Để kiến quen và ở lại vườn, anh dùng ruột gà, đầu cá, mỡ lợn… treo vào cành cây để bổ sung thêm thức ăn, giữ kiến. Chỉ sau một thời gian rất ngắn, đàn kiến nhanh chóng thích nghi và bắt đầu tỏa đi khắp vườn làm tổ mới, kiếm mồi.

Quan sát kỹ hoạt động của đàn kiến, anh nhận thấy sâu bệnh hại như rệp sáp, sâu cuốn lá, sâu non bướm mắt đỏ… vốn có mật độ rất cao và khó phòng trừ lại là món ăn khoái khẩu của kiến. Tuy nhiên, yếu điểm của kiến là chỉ cần vườn trồng sử dụng, thậm chí có mùi thuốc BVTV hóa học là sẽ bỏ đi hoặc chết. Thật may, vườn trồng của gia đình anh Quang đã “nói không” với thuốc BVTV hóa học nên đàn kiến có môi trường thuận lợi sinh sôi, phát triển, nhiều cây đã có tới 4 - 5 tổ.

Khi sử dụng kiến vàng tuyệt đối không được sử dụng thuốc BVTV hóa học. Ảnh: Trung Quân.

Khi sử dụng kiến vàng tuyệt đối không được sử dụng thuốc BVTV hóa học. Ảnh: Trung Quân.

“Mặc dù số lượng kiến tăng lên nhanh chóng nhưng không hề ảnh hưởng tới sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Gia đình canh tác theo hướng hữu cơ, mối lo lớn nhất là sâu hại thì đã có kiến vàng hỗ trợ nên lại càng vững tâm. Kết hợp canh tác theo hướng hữu cơ và sử dụng kiến vàng giúp giảm được khoảng 70% chi phí so với dùng toàn bộ vật tư hóa học như trước đây. Dự kiến vụ bưởi năm nay thu được khoảng 4 vạn quả, cao gấp đôi so với năm trước”, anh Quang khấn khởi.

Cũng áp dụng thả kiến vàng để diệt sâu hại cho 500 gốc bưởi của gia đình, anh Phạm Quốc Toản (xã Vân Đồn, huyện Đoan Hùng, Phú Thọ) hào hứng cho biết: Khi mới nghe tới việc thả kiến vàng vào vườn sẽ giúp giảm sâu hại anh không khỏi hoài nghi. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm mạnh dạn áp dụng, đến hiện tại anh đã “nghiện” phương pháp này.

Với lợi thế vườn bưởi đã được chuyển sang canh tác theo hướng hữu cơ từ khoảng 4 năm trước nên số lượng kiến vàng tăng lên nhanh chóng, gấp 3 - 4 lần so với giai đoạn mới thả. Rệp sáp từ chỗ mật độ cao đã gần như không còn.

Điểm đặc biệt của kiến vàng là phát triển theo hệ sinh thái của vườn. Trong một vườn những khu vực mát mẻ kiến sẽ tập trung làm tổ. Vì vậy có những cây có rất nhiều tổ, lại có cây không có tổ nào. Tuy nhiên, với tập tính săn mồi, chúng di chuyển khắp vườn để tìm kiếm thức ăn. Một đối thủ cạnh tranh nơi ở với kiến vàng là kiến đen. Những cây mật độ kiến đen cao thì kiến vàng sẽ ít xuất hiện.

“Trước đây một số sâu hại phải phun tới 5 - 6 lần/năm thuốc BVTV hóa học, mỗi lần chi phí hơn 2,5 triệu đồng cũng chưa ăn thua. Từ ngày dùng kiến vàng gần như không phải sử dụng thuốc nữa. Vườn, thân cây sạch hơn vì đường kiến bò rong rêu gần như không mọc được”, anh Toản cho hay.

Hiệu quả cao, dễ áp dụng

Bà Dương Thị Ngà, Phó Giám đốc Trung tâm BVTV phía Bắc cho biết: Thực hiện kế hoạch của Bộ NN-PTNT, Cục BVTV, Trung tâm BVTV phía Bắc đã triển khai xây dựng điểm ứng dụng kiến vàng trong phòng chống một số loài sâu hại trên cây có múi tại các tỉnh phía Bắc. Năm 2023 triển khai tại xã huyện Đoan Hùng (Phú Thọ); huyện Phù Cừ, Văn Giang (Hưng Yên). Năm 2024 tiếp tục duy trì và phát triển nguồn kiến vàng tại điểm ứng dụng năm 2023, đồng thời triển khai mới các mô hình tại tỉnh Bắc Giang, Hòa Bình, Tuyên Quang.

Theo anh Phạm Quốc Toản, dùng kiến vàng sẽ giúp hạn chế phun thuốc BVTV hóa học. Ảnh: Trung Quân.

Theo anh Phạm Quốc Toản, dùng kiến vàng sẽ giúp hạn chế phun thuốc BVTV hóa học. Ảnh: Trung Quân.

Tại mỗi mô hình, cán bộ của Trung tâm sẽ tiến hành thu bắt, thả kiến vàng, theo dõi khả năng thiết lập quần thể, quá trình nhân nuôi, điều tra diễn biến mật độ côn trùng gây hại trên cây có múi tại điểm ứng dụng…

Theo bà Ngà, trước khi đưa kiến vào vườn cần loại bỏ loài kiến hôi Dolichoderus thoracicus để tránh hiện tượng tranh giành thức ăn giữa hai loài. Loại bỏ bằng cách dùng lá chuối cuộn tròn hoặc đặt ống tre trong vườn để kiến hôi đến làm tổ, sau đó thu gom tiêu huỷ. Hai tuần trước khi thả kiến vàng cần dừng sử dụng thuốc BVTV trên vườn nhân nuôi.

Về nguồn kiến vàng, trường hợp đã có sẵn ở những vườn lân cận, chỉ cần nhử kiến vào vườn muốn phát triển (việc này phải có sự đồng ý của chủ vườn nơi có kiến vàng) bằng cách sử dụng dây nilon hoặc cành cây nhỏ để nối liền tổ kiến vàng với nơi muốn đưa đến (trong phạm vi 100m là tốt nhất vì kiến vàng không đi quá xa). Tại vườn dự định đưa kiến tới cần chọn cây có lá to, tươi tốt, nhiều lá non và phải để thêm thức ăn (ruột gà, vịt…) để nhử kiến.

Trường hợp nguồn kiến vàng không có sẵn ở những vườn lân cận, thời gian đưa vào vườn tốt nhất là giai đoạn phân đàn (khoảng tháng 5 đến tháng 10). Thời điểm này xuất hiện nhiều kiến chúa, kiến đực và dễ phát triển, hình thành tổ mới. Đây cũng là thời điểm cây có nhiều đợt lộc nên các loài sinh vật gây hại phát sinh mạnh, tạo nguồn thức ăn cho kiến vàng. Chọn các tổ có lá bao còn xanh, đường kính tổ trung bình từ 20cm trở lên và cấu tạo từ 2 lớp lá trở lên (các tổ này thường có nhiều kiến chúa vừa vũ hóa và mật độ kiến vàng cao).

Việc nhân nuôi kiến vàng không khó, hiệu quả thu được lại rất lớn. Ảnh: Trung Quân.

Việc nhân nuôi kiến vàng không khó, hiệu quả thu được lại rất lớn. Ảnh: Trung Quân.

Để tránh kiến vàng đánh và diệt lẫn nhau ở nơi thả mới, nên thu thập các tổ kiến trên cùng một cây, sau đó thả tổ lên chạc ba, chạc tư của cây ăn quả có múi. Ngay sau khi thả cần cung cấp thức ăn cho kiến bằng ruột gà, vịt, đầu cá... (buộc lên cành cây) để chúng lưu lại nơi vừa thả và phục hồi quần thể nhanh hơn.

Để kiến vàng phân bố đều trong vườn, cần tạo điều kiện cho kiến di chuyển từ cây này sang cây khác săn mồi và làm tổ. Bên cạnh đó, không cho ăn thường xuyên vì khi lượng thức ăn sẵn có nhiều chúng sẽ không di chuyển và săn mồi.

Hạn chế thấp nhất việc sử dụng thuốc BVTV. Khi bắt buộc phải sử dụng thuốc để đối phó với dịch hại, nên dùng dầu khoáng, thuốc chọn lọc ít độc đối với kiến vàng. Nên phun vào buổi chiều khi kiến vàng ít hoạt động, tập trung về tổ hoặc lúc sáng sớm, tránh phun lên cây có tổ và trực tiếp lên tổ kiến vàng.

Bà Dương Thị Ngà, Phó Giám đốc Trung tâm BVTV phía Bắc cho hay, việc sử dụng kiến vàng trên cây ăn quả có múi không khó, nhưng sẽ giúp các hộ sản xuất khống chế được sự phát sinh của một số loài sinh vật gây hại. Từ đó, góp phần giảm dần việc sử dụng thuốc BVTV hóa học, bảo vệ môi trường và sức khỏe người trồng, đất, giảm chi phí đầu vào, nâng cao chất lượng, thương hiệu sản phẩm.

Xem thêm
Người chăn nuôi trắng tay, cạn kiệt vốn liếng sau bão

HẢI PHÒNG Không chỉ thiệt hại nặng nề, sau bão, nhiều trang trại chăn nuôi đang cạn kiệt vốn liếng, đối mặt nguy cơ dịch bệnh, rất khó khăn trong khôi phục sản xuất.

Nỗi niềm cán bộ thú y: [Bài cuối] Nghề 'tâm sự, trò chuyện' cùng vật nuôi

Công việc nhiều, lòng nhiệt tình có thừa, nhưng thu nhập lại... khiêm tốn. Đó là câu chuyện của những nhân viên thú y ở huyện biên giới Ia Grai, tỉnh Gia Lai.

20 giống cà phê của WASI được chuyển giao ra sản xuất

ĐẮK LẮK Hiện WASI đã có 20 giống cà phê được giới thiệu và đưa vào sản xuất, bao gồm 14 giống cà phê vối và 6 giống cà phê chè.