Hạ lưu chân đập nhà máy thủy điện Trung Sơn bị sạt trượt mái đào vai phải hố xói đập tràn |
Các cơ quan chức năng đang tích cực vào cuộc để khắc phục các sự cố.
Người dân bản Thu Đông, xã Thanh Xuân, huyện miền núi Quan Hóa cho biết, tình trạng sạt lở bắt đầu xuất hiện từ sáng ngày 12/9. Đến trưa cùng ngày, sau tiếng động lớn, một lượng lớn đất đá từ trên núi ùn ùn đổ xuống đường.
Đến tối cùng ngày, đất sạt lở đã phủ kín một đoạn quốc lộ 15A dài khoảng hơn 100 m khiến con đường nối từ huyện Quan Hóa đi các xã vùng cao và tỉnh Hòa Bình bị chia cắt.
Hiện nay, công tác khắc phục chưa thể triển khai do hiện tượng lở núi vẫn đang tiếp diễn. Trước mắt, chính quyền địa phương phải dựng rào chắn không cho người và phương tiện đi vào vùng sạt lở.
Trong khi đó, tại huyện Bá Thước, cầu Cành Nàng (cầu La Hán), bắc qua sông Mã, nối từ quốc 217 vào đường tỉnh 521B đi các xã vùng Tây Bắc của huyện, dài hơn 200m bị nước xô dịch chuyển nhiều nhịp về phía hạ lưu khoảng 60cm.
Sự cố nêu trên khiến các phương tiện giao thông không thể lưu thông ra vào 8 xã Ban Công, Lũng Cao, Lũng Niêm, Cổ Lũng, Tân Lập, Thành Sơn, Hạ Trung và xã Thành Lâm thuộc khu vực Tây Bắc của huyện Bá Thước. Nhiều người dân khi đi qua cầu tỏ ra hết sức lo lắng.
Được biết, sự cố trên xuất hiệu trong đợt mưa lũ vừa qua, khi nước sông dâng cao. Sở Giao thông vận tải (GTVT) Thanh Hóa đã kiểm tra thực tế và có báo cáo gửi UBND tỉnh này về việc cho phép thực hiện theo lệnh khẩn cấp khắc phục hư hỏng nhiều hạng mục công trình cầu Cành Nàng.
Sạt lở nghiêm trọng trên QL 15 khiến nhiều xã của huyện Quan Hóa bị chia cắt |
Cầu Cành Nàng bị hư hỏng |
Cơ quan chức năng phải cắm biển cấm lưu thông |
Ông Lê Anh Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp với UBND huyện Bá Thước tổ chức phân luồng, đảm bảo giao thông thông suốt và an toàn cho các xã bị ảnh hưởng và sửa chữa khẩn cấp cầu Càng Nàng.
Trước đó, do ảnh hưởng của mưa lũ kéo dài và việc vận hành xả lũ khiến khu vực phía hạ lưu chân đập nhà máy thủy điện Trung Sơn, huyện Quan Hóa xuất hiện vết sạt trượt mái đào vai phải hố xói đập tràn. Đơn vị này cũng đã báo cáo UBND tỉnh Thanh Hóa và khẳng định tình hình nằm trong tầm kiểm soát và vận hành bình thường.
Nguyên nhân gây sạt trượt là do ảnh hưởng từ cơn bão số 4 và áp thấp nhiệt đới, khu vực dự án thủy điện Trung Sơn mưa liên tục với cường độ lớn và kéo dài. Lũ lớn từ thượng nguồn sông Mã đổ về, nhà máy phải vận hành tràn xả lũ dẫn đến hiện tượng mực nước ngầm dâng cao làm bão hòa, cưỡng bức nước trong đất... dẫn đến bị sạt trượt lớp đất đá phong hóa của vai phải mái đào hố xói đập tràn.Nhiêu
Được biết, sau sự cố, Công ty TNHH MTV Thủy điện Trung Sơn đã thường xuyên quan trắc chuyển vị, ứng suất của công trình. Kết quả cho thấy các số liệu quan trắc vẫn bình thường và nằm trong giới hạn cho phép, đặc biệt lưu lượng thấm qua đập bê tông rất nhỏ. Công ty đã mời chuyên gia, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát đến làm việc tại hiện trường. Vết sạt lớp ngoài, không có tác dụng chịu lực, không ảnh hưởng đến an toàn của đập. Giải pháp ưu tiên trước mắt là bổ sung neo gia cố phạm vi từ vết sạt đến chân đập; đào, giảm tải một phần mái đào trên cao. Về lâu dài, sẽ rà soát và đưa ra giải pháp xử lý phù hợp cho toàn bộ khu vực hạ lưu vai phải, vai trái.