Xuống giống không đúng thời vụ là một trong những nguyên nhân làm xuất hiện bệnh đạo ôn |
Những ngày qua, người dân huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) hết sức lo lắng trước tình trạng hơn 100ha lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn ở mức độ nghiêm trọng, không có khả năng phục hồi.
Cánh đồng lúa tại xã Xuân Đan đang vào thời kỳ trổ bông nhưng nhiều thửa ruộng, lúa bị khô héo, đốm trắng, một số thửa ruộng bị cắt bỏ gần hết. Nhiều nông dân tích cực triển khai các biện pháp phun thuốc phòng trừ bệnh bảo vệ cây lúa. Tuy nhiên, thời tiết khắc nghiệt khiến các loại sâu bệnh phát triển mạnh, trong đó bệnh đạo ôn cổ bông đã khiến hàng trăm héc ta lúa bị hư hại, nhiều diện tích mất trắng.
Ngày nào bà Nguyễn Thị Hoa (xã Xuân Trường) cũng đi thăm đồng. Mùa này, cả gia đình “nhìn” vào 5 sào lúa nên bà chăm bón rất cẩn thận. Khi bệnh đạo ôn mới “chớm” trên ruộng lúa, bà liền mua thuốc về phun phòng trừ, thế nhưng bệnh không có dấu hiệu giảm mà càng nặng thêm. Đến nay, hơn 2/3 diện tích lúa của gia đình đã bị bệnh đạo ôn tấn công.
Cũng chung tình trạng như bà Hoa, chị Trần Thị Liên (xã Xuân Đan) đang lội đồng để kiểm tra sâu bệnh. Những ngày qua, chị Liên thường xuyên phải cắt bỏ những đám lúa nhiễm bệnh để tránh lây lan trên diện rộng. Tuy nhiên, tình hình cũng không mấy tiến triển khi diện tích lúa bị bệnh ngày càng lớn hơn.
“Nhà tôi có 4 thửa thì 2 thửa đã bị sâu bệnh “ăn”, tỷ lệ 40 - 50%. Một số coi như bỏ một số vẫn cứu được nhưng chắc chắn năng suất sẽ giảm đi nhiều. Toàn bộ thức ăn cho lợn, gà, vịt và cả gia đình đều trông chờ vào mấy sào lúa này. Mất mùa thì coi như nhịn cả”, chị Liên xót xa.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết các xã trên địa bàn huyện Nghi Xuân đều phát hiện bệnh đạo ôn trên lúa, nặng nhất là các xã Xuân Hải, Xuân Phổ, Xuân Mỹ. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do người dân xuống giống không đúng thời vụ, khi đến kỳ trổ bông thì gặp thời tiết chuyển mùa, độ ẩm cao, sương mù khiến bệnh sinh sôi và phát triển mạnh.