Khẩn trương rà soát dự án trên triền núi
Để giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về tài sản và con người trong mùa mưa bão năm 2021 sắp diễn ra, mới đây, UBND TP Nha Trang (Khánh Hòa) đã chỉ đạo Phòng Quản lý đô thị chủ trì, lập tổ công tác rà soát, kiểm tra tất cả dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn đang triển khai thi công, nhất là đối với các dự án xây dựng, quy hoạch trên triền núi giáp khu vực dân cư hiện trạng có khả năng gây ra sạt lở đất, lũ quét vào mùa mưa.
Trong đó lưu ý kiểm tra phương án của chủ đầu tư trong thi công, thoát nước và ứng phó khi xảy ra mưa bão. Một số công trình, khu đô thị cần kiểm tra và đặc biệt lưu ý trong mùa mưa lũ. Chẳng hạn về công trình thoát lũ như hệ thống kênh thoát lũ sông Quán Trường, sông Tắc; hệ thống thoát nước khu vực Nam Hòn Khô; mương thoát nước Phước Huệ, phường Vĩnh Hải; hệ thống mương (Đông mương, Tây mương) khu dân cư Đường Đệ, phường Vĩnh Hòa; hệ thống mương hiện trạng khu Hòn Nghê, xã Vĩnh Ngọc đến đập Bờ Bạn.
Các dự án gồm khu đô thị hướng biển Nha Trang (Haborizon) xã Phước Đồng; khu đô thị Hoàng Phú, phường Vĩnh Hòa; khu đô thị Đồi Xanh, xã Vĩnh Ngọc; Khu đô thị Phúc Khánh 1 và Phúc Khánh 2, xã Vĩnh Hiệp - Vĩnh Trung; các khu tái định cư phía Tây Nha Trang; dự án “Sinh thái Cửu Long Sơn Tự” và “Biệt thự sông núi Vĩnh Trung” thuộc khu vực núi Chín Khúc và dự án Làng biệt thự sinh thái Giáng Hương, Đất Lành xã Vĩnh Thái.
Theo UBND TP Nha Trang, những năm gần đây, tình hình thiên tai xảy ra trên địa bàn ngày một phức tạp, gây thiệt hại lớn về tài sản và con người. Tính từ năm 2016 đến 2020 trên địa bàn có 31 người chết và 36 người bị thương do sạt lở đất đá và lũ cuốn trôi tại khu vực Núi Xanh, thôn Thành Phát, thôn Thành Đạt, thôn Phước Sơn xã Phước Đồng; Tổ Trường Sơn núi Chụt, phường Vĩnh Trường; Khu đô thị Hoàng Phú phường Vĩnh Hòa; Đông Nam đồi La San đường Tôn Thất Tùng, phường Vĩnh Thọ.
Một dự án ở trên núi xin nâng tầng, diện tích
Nằm trên triền núi Chụt, có nguy cơ gây sạt lở ở TP. Nha Trang tuy nhiên mới đây, Công ty TNHH Anh Nguyễn, chủ đầu tư dự án khu biệt thự biển và dịch vụ Anh Nguyễn – Nha Trang đã có văn bản xin điều chỉnh quy mô, tiến độ dự án.
Theo đó, chủ đầu tư xin nâng tổng diện tích khu vực dự án từ 116.897m2 (trong đó diện tích rừng phòng hộ là 45.148 m2) lên 118.897m2. Ngoài ra, khu đất được quy hoạch làm căn hộ cao cấp rộng hơn 4.857m2 được đổi tên thành An Cruising và xin nâng từ 8 lên 10 tầng với số căn hộ dự kiến khoảng 436 căn. Chủ đầu tư cũng xin gia hạn tiến độ hoàn thành, đưa vào sử dụng dự án đến quý III/2025.
Liên quan về dự án này, ngày 5/10, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo thẩm định điều chỉnh dự án khu biệt thự biển và dịch vụ Anh Nguyễn –Nha Trang. Theo đó, Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa thống nhất chủ trương điều chỉnh tiến độ dự án trên thêm 24 tháng kể từ ngày 1/1/2021.
Sau khi dự án được điều chỉnh tiến độ, tỉnh Khánh Hòa yêu cầu Công ty TNHH Anh Nguyễn chủ động, phối hợp với các sở ban ngành, đơn vị liên quan và UBND TP.Nha Trang hoàn chỉnh hồ sơ điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 gửi Sở Xây dựng thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định pháp luật.
Đối với diện tích đất rừng sản xuất hơn 40.000m2, tỉnh Khánh Hòa quyết định giữ nguyên, không chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với khu vực này.
Đối với phần đất hơn 2.000m2 đất mà chủ đầu tư đề xuất bổ sung vào dự án, tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo các cơ quan chức năng cần làm rõ nguồn gốc, lý do phát sinh, mục đích sử dụng. Còn mật độ xây dựng, chiều cao một số hạng mục công trình thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và chủ trương đã được UBND tỉnh đồng ý.
Được biết, dự án khu biệt thự biển và dịch vụ Anh Nguyễn – Nha Trang được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào 2007. Từ đó đến nay, chủ đầu tư mới xây dựng hạ tầng cơ sở và phân lô bán 79 căn biệt thự, trong đó 40 căn đã xây dựng xong.
Ngày 7/7/2021, UBND TP Nha Trang đã ban hành Quyết định số 500 về việc phê duyệt “Phương án Phòng, chống, ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai xảy ra trên địa bàn thành phố Nha Trang năm 2021”. Theo đó, kết quả rà soát, thống kê hiện nay trên địa bàn thành phố có 87 điểm, khu vực xung yếu “cảnh báo” có khả năng xảy ra sạt lở đất đá vào mùa mưa bão và 125 vị trí khu vực xung yếu “cảnh báo” có khả năng xảy ra ngập lụt cục bộ vào mùa mưa gây tắt nghẽn giao thông.