| Hotline: 0983.970.780

Nhiều hộ không muốn thoát nghèo

Thứ Ba 06/06/2023 , 17:59 (GMT+7)

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh thừa nhận có hiện tượng nhiều hộ gia đình ở vùng nghèo không muốn thoát nghèo, để giải quyết cần nhiều giải pháp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên chất vấn chiều 6/6. Ảnh: Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên chất vấn chiều 6/6. Ảnh: Quốc hội.

Chiều 6/6, dưới sự điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội khóa XV họp phiên toàn thể tại hội trường, chất vấn nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực dân tộc.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, phiên chất vấn sẽ tập trung vào các vấn đề trọng tâm như trách nhiệm của Ủy ban Dân tộc và công tác phối hợp với các Bộ, ngành trong triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030).

Bên cạnh đó là chính sách thu hút nguồn lực hỗ trợ đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong chính sách dân tộc liên quan đến phân định các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Việc giải quyết khó khăn về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc, khắc phục tình trạng du cư, du canh tự phát, chặt phá rừng.

Không muốn thoát nghèo

Tại phiên chất vấn, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho biết, tỷ lệ thoát nghèo chưa đạt như mong muốn, có nhiều hộ không muốn thoát nghèo. Đại biểu cho rằng tâm lý không muốn thoát nghèo, cận nghèo diễn ra khá phổ biến trên cả nước, nếu không có biện pháp xử lý khiến công tác xóa nghèo của Nhà nước không đạt hiệu quả.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết đâu là nguyên nhân, giải pháp ra sao để đồng bào có nhận thức đồng hành thoát nghèo.

Trả lời vấn đề nhiều hộ gia đình ở vùng nghèo không muốn thoát nghèo, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết, qua nghiên cứu tài liệu của các bộ ngành, các địa phương liên quan và khảo sát thực tế, hiện tượng này là có thật, xuất phát từ nhiều yếu tố.

Tuy đã thoát nghèo, nhưng thực tế đời sống vẫn rất khó khăn, người dân thoát nghèo có thu nhập cải thiện không nhiều, trong khi không tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ chính sách.

Theo Bộ trưởng, để giải quyết vấn đề này, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tổng hợp. Nguyên tắc, tiêu chí giảm nghèo đã được ban hành. Để thống kê, tổng hợp, rà soát hộ nghèo trên phạm vi cả nước, các địa phương cần thực hiện một cách khách quan, trách nhiệm, để đảm bảo người dân thoát nghèo bền vững, đảm bảo điều kiện tối thiểu để người dân yên tâm sinh sống.

"Bên cạnh đó, cần thực hiện các biện pháp tuyên truyền, thuyết phục để bà con hiểu được chính sách của Đảng, Nhà nước, tự nguyện vươn lên", ông Hầu A Lềnh nói.

Các vấn đề liên quan đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trả lời trước Quốc hội. Ảnh: Quốc hội.

Các vấn đề liên quan đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trả lời trước Quốc hội. Ảnh: Quốc hội.

Theo đó, hệ thống tiêu chí giảm nghèo còn phụ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh của đất nước, phụ thuộc vào yếu tố phát triển từng giai đoạn, nên cần xây dựng hệ thống tiêu chí phù hợp, tổng hợp, tiến tới phải có những hệ thống tiêu chí phù hợp hơn, để người thoát nghèo sống tốt, không tái nghèo trở lại.

Các đại biểu cũng nêu tình hình di cư tự do trong một bộ phận đồng bào vẫn còn tái diễn, mặc dù chính quyền địa phương đã tạo mọi điều kiện về đất sản xuất, nhà ở, hỗ trợ đời sống cho đồng bào khó khăn để giữ đồng bào bám đất, giữ nhà nhưng vẫn chưa có hiệu quả đối với với một số bộ phận đầu vào hiện nay.

Vấn đề này, Bộ trưởng cho biết đang gặp vướng mắc do chưa có văn bản quy định về định mức hỗ trợ nhà ở, đất ở, nước sinh hoạt.

Vừa qua, Ủy ban Dân tộc đã trình Chính phủ ban hành Quyết định 4 quy định về định mức nhà ở, đất ở. Như vậy đã có định mức cơ sở để các địa phương triển khai.

Tuy nhiên, còn vướng mắc do nguồn hỗ trợ dự án này là nguồn đầu tư công, mà theo Luật Đầu tư công, mỗi dự án đều theo quy trình xây dựng cơ bản rất phức tạp.

Qua nghiên cứu, rà soát, hiện Nghị định 27 đã được sửa đổi, cho cơ chế được áp dụng cấp phát cho bà con nhân dân, vì những dự án này là đầu tư trực tiếp từng hộ gia đình, không phải cộng đồng dân cư, thôn bản, nên không thể lập dự án chung. Như vậy, hai vấn đề vướng mắc trong dự án này đã được giải quyết xong.

Bố trí đủ vốn

Về bố trí vốn cho Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, Ủy ban Dân tộc đã tham mưu Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bố trí đủ vốn theo đúng tinh thần của Nghị quyết cho giai đoạn từ nay đến 2025.

Ngoài ra, trong cơ cấu vốn bố trí cho chương trình còn có một số nguồn vốn khác, gồm vốn tín dụng, vốn của địa phương đối ứng. Về huy động nguồn ngoài ngân sách nhà nước, chúng ta đã huy động nguồn ODA và các nguồn vốn xã hội khác.

Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc khẳng định, đến thời điểm hiện nay, Chính phủ đã trình Quốc hội bố trí đủ nguồn theo kế hoạch hàng năm để triển khai theo đúng kế hoạch bố trí vốn Quốc hội đã phê duyệt.

Về giải pháp huy động nguồn vốn khác, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, ngay sau khi trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương quyết định đầu tư, Ủy ban Dân tộc đã phối hợp cùng Bộ Kế hoạch Đầu tư và các Bộ, ngành để tham mưu Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia để xây dựng kế hoạch huy động các nguồn vốn khác ngoài ngân sách gồm các nguồn vốn ODA, vốn các doanh nghiệp, các tổng công ty, nhưng đúng thời điểm năm 2021, 2022, đất nước gặp nhiều khó khăn qua dịch bệnh, các doanh nghiệp cũng gặp nhiều thách thức, nên không đặt vấn đề huy động trong giai đoạn này.

Bộ trưởng Hầu A Lềnh trả lời chất vấn chiều 6/6. Ảnh: Quốc hội.

Bộ trưởng Hầu A Lềnh trả lời chất vấn chiều 6/6. Ảnh: Quốc hội.

Về vốn ODA, Ủy ban Dân tộc có dự án cùng Bộ Giáo dục - Đào tạo và một số bộ, ngành làm việc với Ngân hàng Thế giới để huy động ngân sách gần 9.000 tỷ, hiện nay đã xây dựng xong khung chính sách, tiến hành khảo sát các địa phương để tập trung đầu tư cho 75 tuyến đường cho các xã đặc biệt khó khăn.

Khung chính sách đã được Ngân hàng Thế giới chấp thuận, tuy nhiên, trong quá trình đàm phán năm 2022 vẫn còn một số vấn đề vướng mắc, khi Chương trình mục tiêu quốc gia chưa triển khai, nên chưa giải ngân vốn nhà nước, áp lực trần nợ công. Một số bộ, ngành đang cân nhắc dừng việc này để đợi thời điểm thích hợp.

Ngân hàng Thế giới thống nhất dừng lại đến hết năm tài khóa 2022, nên dự án này hiện đang tạm dừng. Ủy ban Dân tộc sẽ phối hợp với các bộ, ngành để báo cáo Chính phủ cho tiếp tục nghiên cứu, đàm phán lại dự án này.

Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho rằng về khả năng huy động vốn ngoài ngân sách cho việc thực hiện Chương trình theo Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Dân tộc sẽ cố gắng thực hiện trong giai đoạn từ nay đến năm 2025. Về các nguồn ngân sách huy động từ các tổ chức trong nước, hiện nay đang trong giai đoạn khó khăn, Ủy ban Dân tộc sẽ tùy theo diễn biến tình hình để báo cáo Chính phủ huy động vào thời điểm thích hợp.

Xây dựng chính sách hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm

Cũng trong phiên chất vấn, Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh khẳng định, có một số nhóm đồng bào không thuộc vùng dự án, không được thụ hưởng các chương trình mục tiêu quốc gia.

Vì vậy, thực hiện Nghị quyết 120/2020/QH14 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Ủy ban Dân tộc sẽ tập trung nguồn lực đầu tư tại vùng khó khăn nhất.

Trong giai đoạn sau của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số sẽ tập trung 12 nhóm chính sách, giải quyết những vướng mắc trong Quyết định 861. Tiếp đó, nhóm đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sẽ được hưởng chính sách để xây dựng các chính sách phù hợp vào giai đoạn sau.

Như vậy các giải pháp này vừa tổng quan, vừa có trọng tâm, trọng điểm, có phân kỳ theo từng giai đoạn để đầu tư, hỗ trợ cho bà con nhân dân. Về trách nhiệm của Ủy ban Dân tộc sẽ cùng phối hợp với các bộ, ngành để đánh giá, rà soát, đề xuất cấp thẩm quyền điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung những chính sách bất cập, đồng thời có những chính sách mới trong giai đoạn mới.

Xem thêm
Xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 sẽ cao nhưng không gay gắt

ĐBSCL Dự báo xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 tại ĐBSCL cho thấy mức độ xâm nhập sẽ cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không nghiêm trọng như các năm 2016 và 2020.

Xây cầu Kênh Trực Thăng nối đôi bờ Vĩnh Viễn

HẬU GIANG Cầu Kênh Trực Thăng (huyện Long Mỹ) được đầu tư gần 2,5 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp, thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông và cải thiện đời sống người dân.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.