| Hotline: 0983.970.780

Nhiều khó khăn trong cấp chứng chỉ rừng

Thứ Ba 15/08/2023 , 09:34 (GMT+7)

Việc cấp chứng chỉ rừng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện tại tỉnh Yên Bái vẫn còn nhiều khó khăn, trở ngại

Tỉnh Yên Bái đã có trên 13.000 ha rừng được cấp chứng chỉ rừng FSC. Ảnh: Thanh Tiến

Tỉnh Yên Bái đã có trên 13.000 ha rừng được cấp chứng chỉ rừng FSC. Ảnh: Thanh Tiến

Thực hiện chủ trương của Chính phủ, những năm gần đây, tỉnh Yên Bái đã ban hành nhiều quyết định liên quan đến nội dung phát triển lâm nghiệp bền vững. Theo đó, địa phương đã có quyết định cho phép một số doanh nghiệp triển khai thực hiện xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng trên địa bàn các huyện Yên Bình, Trấn Yên, Lục Yên, Văn Chấn.

Sản xuất rừng có chứng chỉ bền vững (FSC) theo chuỗi giá trị có ý nghĩa rất lớn đối với những người nông dân trực tiếp gắn với rừng. Người nông dân tiếp cận một cách chuyên nghiệp và bền vững với thị trường. Giá trị gỗ được tăng thêm, nâng cao được thu nhập trên đơn vị diện tích.

Tiến độ cấp chứng chỉ rừng chưa đạt kế hoạch

Bài liên quan

Yên Bình là một trong những địa phương thực hiện nhanh và đạt kết quả cao nhất trong việc cấp chứng chỉ rừng FSC tại tỉnh Yên Bái. Bắt đầu triển khai từ năm 2021, đến nay, toàn huyện đã cấp chứng chỉ rừng đạt 10.786,1 ha/12.000 ha, đạt 89,9% kế hoạch.

Hiện nay, tại huyện Yên Bình đã có 3 công ty, hợp tác xã tham gia triển khai chương trình này gồm: Công ty cổ phần Lâm nghiệp Hòa Phát có diện tích hơn 9.000ha với 1.149 chủ hộ đại diện đã có chứng chỉ rừng FSC trên địa bàn các xã Đại Đồng, Phú Thịnh, Tân Hương, Thịnh Hưng, thị trấn Yên Bình, Bảo Ái, Cảm Ân, Tân Nguyên.

Ngoài ra, trên cơ sở diện tích 3.437,37 ha đã lập hồ sơ cấp chứng chỉ FSC năm 2020 tại các xã Xuân Long, Ngọc Chấn, Cảm Nhân, Yên Thành, Vĩnh Kiên, Hán Đà, Công ty CP Lâm nghiệp Hòa Phát phối hợp với tổ FSC các xã và kiểm lâm địa bàn tiến hành rà soát lại toàn bộ diện tích trên để thực hiện cấp chứng chỉ rừng FSC năm 2023.

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm, Phó trưởng ban đại diện cấp chứng chỉ rừng FSC huyện Yên Bình cho biết thêm: “Để chương trình cấp chứng chỉ rừng đạt hiệu quả, chúng tôi đã tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng các cơ chế chính sách của Nhà nước về lâm nghiệp nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc thực hiện trồng rừng gỗ lớn, quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ FSC. Ngoài ra việc tiếp cận, thu hút nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước đầu tư phát triển rừng trên địa bàn, nhằm sử dụng có hiệu quả tài nguyên rừng, đất lâm nghiệp, góp phần phát triển kinh tế ổn định, nâng cao thu nhập, xoá đói giảm nghèo cho đồng bào vùng cao và quan trọng hơn là người dân sống gần rừng và làm nghề rừng sẽ sống được và hưởng lợi từ rừng”.

Bài liên quan

Huyện Trấn Yên là một trong những địa phương triển khai chương trình cấp chứng chỉ rừng FSC sớm ở tỉnh Yên Bái, tuy nhiên đến nay cũng chưa đạt được kết quả như kỳ vọng. Mục tiêu phấn đấu của huyện đến năm 2023 là cấp chứng chỉ rừng đạt 3.000 ha, tuy nhiên đến nay mới chỉ đạt hơn 1.700 ha.

Năm 2020, Hạt Kiểm lâm huyện Trấn Yên đã phối hợp với các địa phương và Hợp tác xã Lâm nghiệp An Việt Phát kiểm tra, rà soát đánh giá để cấp chứng chỉ rừng trên địa bàn 4 xã Việt Cường, Lương Thịnh, Y Can, Quy Mông với diện tích theo kế hoạch là: 2.000 ha. Qua kiểm tra, đánh giá có 1.731 ha của 464 hộ dân đạt tiêu chí. Đến năm 2022, Hợp tác xã Lâm nghiệp An Việt Phát đã mời tổ chức đánh giá quốc tế SGS tổ chức thậm định, đánh giá theo hình thức trực tiếp đối với diện tích rừng 1.731 ha/464 chủ rừng. Qua đó đã cấp chứng nhận chứng chỉ rừng FSC diện tích 1.730,3 ha.

Ông Đỗ Văn Hùng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Trấn Yên cho biết: “Từ sau khi được cấp chứng FSC trên địa bàn 4 xã: Việt Cường; Quy Mông; Lương Thịnh; Y Can đến thời điểm hiện tại, Hợp tác xã An Việt Phát chưa có động thái nào để tiếp tục phối hợp, rà soát lại và mời tổ chức đánh giá quốc tế tiếp tục đánh giá, cấp chứng chỉ đối với diện tích còn lại. Mặc dù cơ quan Hạt Kiểm lâm, UBND huyện và Sở NN-PTNT đã nhiều lần đôn đốc, nhắc nhở bằng văn bản, điện thoại trực tiếp đối với Hợp tác xã An Việt Phát, song công tác cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) trên địa bàn huyện vẫn còn chậm, chưa đạt tiến độ.”

Nhiều diện tích rừng trồng xen các loại cây lâm nghiệp nên khó khăn trong việc cấp chứng chỉ rừng. Ảnh: Thanh Tiến

Nhiều diện tích rừng trồng xen các loại cây lâm nghiệp nên khó khăn trong việc cấp chứng chỉ rừng. Ảnh: Thanh Tiến

Chương trình cấp chứng chỉ rừng FSC trên địa bàn tỉnh Yên Bái còn được triển khai ở các huyện Lục Yên, Văn Chấn. Nhìn chung đến nay chưa đạt kế hoạch. Tại huyện Lục Yên có 309,85 ha của 86 hộ dân đã có chứng chỉ rừng VFCS/PEFC năm 2021 trên địa bàn xã Trung Tâm do Công ty CP Lâm nghiệp Hòa Phát thực hiện đạt 15,5%. Tại huyện Văn Chấn cũng mới chỉ thực hiện đến các bước điều tra ngoại nghiệp, đã hoàn thành bước điều tra thu thập tại hiện trường, với tổng diện tích rừng trồng đạt 5.500 ha. Công tác nội nghiệp, đã hoàn thành việc tính toán trữ lượng rừng cho từng loài cây, cấp tuổi; tổng hợp thông tin thu thập tại các xã...

Nhiều khó khăn trong cấp chứng chỉ rừng

Bản chất của việc cấp chứng chỉ rừng là để thực hiện tốt hơn việc quản lý rừng bền vững. Có nguồn gỗ lớn xuất khẩu, nâng cao giá trị kinh tế của diện tích rừng trồng. Tuy nhiên, trên thực tế việc triển khai cấp chứng chỉ rừng gặp không ít khó khăn, trở ngại. Cụ thể, trình độ quản trị rừng của các chủ rừng ở Việt Nam nói chung và tỉnh Yên Bái nói riêng đang ở mức rất thấp so với tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững quốc tế, nhiều chủ rừng chưa nhận thức đầy đủ về quản lý rừng bền vững gắn với việc cấp chứng chỉ rừng.

Phần lớn diện tích rừng trồng của các hộ gia đình, cá nhân còn nhỏ lẻ, manh mún dẫn đến giá trị kinh tế khi tham gia FSC chưa cao, người dân chưa mặn mà với việc tham gia liên kết xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và thực hiện cấp chứng chỉ rừng. Đồng thời, để đạt được chứng chỉ FSC cần nguồn đầu tư lớn, chi phí thuê chuyên gia tổ chức đánh giá cấp chứng chỉ FSC định kỳ hằng năm khá cao, vượt quá khả năng của người trồng rừng quy mô nhỏ. Do vậy cần có sự đầu tư, hỗ trợ từ các doanh nghiệp tham gia cấp chứng chỉ rừng, tuy nhiên một số doanh nghiệp đang gặp khó khăn về nguồn tài chính.

Ông Kiều Tư Giang, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái khảo sát diện tích rừng cấp chứng chỉ FSC tại huyện Yên Bình. Ảnh: Thanh Tiến

Ông Kiều Tư Giang, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái khảo sát diện tích rừng cấp chứng chỉ FSC tại huyện Yên Bình. Ảnh: Thanh Tiến

Ông Kiều Tư Giang, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái cho biết thêm: “FSC là một quy trình cấp chứng chỉ rừng có các nguyên tắc và tiêu chí về hoạt động quản lý và khai thác rừng riêng khá ngặt nghèo trong đó có những tiêu chí đang là vấn đề mà thực tế tỉnh Yên Bái chưa giải quyết được đó là: Phần lớn diện tích rừng của các hộ gia đình, cá nhân chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên tính pháp lý về mặt hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định. Diện tích rừng còn nhỏ lẻ, manh mún, nhiều loại cây trồng trong 1 lô rừng (keo, quế, bồ đề...), nhiều hộ gia đình đăng ký tham gia quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng nhưng lại tự ý khai thác trước hạn, thay đổi loài cây trồng... gây khó khăn cho việc rà soát, đánh giá hồ sơ (làm lại hồ sơ, bản đồ...), và phát sinh thêm chi phí trong quá trình triển khai cấp chứng chỉ rừng.”

Những giải pháp được đưa ra

Bài liên quan

Chương trình cấp chứng chỉ rừng nhận được sự quan tâm sát sao, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Yên Bái. Nội dung quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng đã được đưa vào Nghị quyết, các chương trình hành động, được xác định là một chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương.

Từ đầu năm 2023 đến nay, UBND tỉnh và Sở NN-PTNT đã có 2 buổi làm việc với các địa phương, các doanh nghiệp và các ngành hữu quan để đẩy nhanh tiến độ và giải đáp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện cấp chứng chỉ rừng.

Trong thời gian tới, tỉnh Yên Bải chỉ đạo các huyện đã và đang triển khai chương trình tiếp phối hợp với các doanh nghiệp trong việc triển khai thực hiện cấp chứng chỉ rừng, rà soát diện tích rừng trồng trên địa bàn đủ điều kiện để giới thiệu cho các doanh nghiệp triển khai cấp chứng chỉ rừng. Ngoài ra, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn về quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng tới các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn.

Đối với các doanh nghiệp đang thực hiện như: Công ty Cổ phần Lâm nghiệp Hòa Phát, Hợp tác xã Lâm nghiệp Thuận Nhiên, Công ty TNHH Hoàng Gia Yên Bái: Tiếp tục rà soát, tổ chức đánh giá thường niên diện tích rừng trồng đã được cấp chứng chỉ rừng trên địa bàn các huyện Yên Bình, Trấn Yên, Lục Yên để duy trì và mở rộng thêm diện tích rừng cấp chứng chỉ trong năm 2023. Thực hiện đúng nội dung đã cam kết khi tham gia cấp chứng chỉ rừng; tổ chức kế hoạch thu mua, bao tiêu toàn bộ sản phẩm gỗ cho người dân có diện tích rừng tham gia thực hiện cấp chứng chỉ, không để xảy ra tình trạng người dân bán gỗ đã được cấp chứng chỉ FSC với lý do các doanh nghiệp không thu mua, ảnh hưởng đến tâm lý người dân, thiệt hại về nguồn vốn của doanh nghiệp khi thực hiện cấp chứng chỉ FSC.

Khẩn trương tăng cường nhân lực, nguồn lực phối hợp với đơn vị tư vấn, các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai cấp chứng chỉ rừng tại các địa phương; Trong năm 2023 hoàn thành cấp chứng chỉ FSC đối với diện tích lập mới hồ sơ năm 2023 tại các huyện Văn Chấn, Trấn Yên, Yên Bình, Lục Yên, Văn Yên theo kế hoạch.

Những tiêu chí của FSC là cơ sở để người nông dân tuân thủ thực hiện khai thác, thu hoạch rừng đi đôi với công tác phát triển và bảo vệ các nguồn tài nguyên rừng và các hệ sinh thái trong rừng. Người nông dân được tham gia vào các hệ thống sản xuất, kinh doanh, quản lý rừng hiệu quả theo hình thức kinh tế tập thể như: nhóm hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã và được đối tác công nhận và tin cậy. 

Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo các đơn vị liên quan quyết tâm thực hiện tốt đề án phát triển lâm nghiệp bền vững. Trong đó, tập trung lồng ghép các nguồn lực từ kinh phí ngân sách nhà nước; từ nguồn vốn xã hội hóa để hỗ trợ các doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình triển khai thực hiện việc cấp chứng chỉ rừng.

Theo số liệu thống kế của Sở NN-PTNT Yên Bái đến nay, toàn tỉnh đã có 13.051,6 ha rừng trồng được cấp chứng chỉ, đạt 65,3% (kế hoạch phấn đấu là 20.000 ha). Riêng trong năm 2023, diện tích được cấp chứng chỉ rừng mới là 2.335 ha/8.960 ha KH cấp mới, đạt 26,1%. Trong đó, đã triển khai cấp mới chứng chỉ rừng FSC cho diện tích 1.779,8 ha rừng trồng trên địa bàn huyện Yên Bình; tiến hành đánh giá thường niên và mở rộng chứng chỉ Trấn Yên-Thuận Nhiên (trước đây là Trấn Yên – An Việt Phát), diện tích cấp mới của thành phố Yên Bái là 555,2 ha.

Xem thêm
Gìn giữ những thành lũy tre xanh mát

Bình Dương Khu bảo tồn tre lớn nhất Việt Nam - làng tre Phú An - là nơi bảo tồn nguồn gen tre lớn nhất khu vực Đông Nam Á, đang gìn giữ những thành lũy xanh mát...

TP.HCM nghiên cứu lập đề án phủ kín rừng phòng hộ Cần Giờ

TP.HCM nghiên cứu Đề án phủ kín và mở rộng rừng phòng hộ Cần Giờ. Từ đó, tạo ra giá trị lớn hơn, hướng tới bán tín chỉ carbon, thu lợi từ rừng.

Tăng cường tập huấn phòng chống cháy rừng tại các phân trường

Sóc Trăng Ngoài chuẩn bị tốt phương án xử lý khi có cháy rừng, lãnh đạo Sóc Trăng đề nghị ngành kiểm lâm tăng cường tập huấn cho lực lượng làm nhiệm vụ tại các phân trường.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất

Trong bài này, tác giả (sau đây xưng là Nattoi) để cập chủ yếu 03 vấn đề, trong đó chủ yếu tập trung cho giải quyết vấn đề số 1, hai vấn đề còn lại chỉ được nhắc đến: Một: Phương pháp thiết kế điều tiết lũ hiện hành chưa đưa thông số mực nước an toàn ở hạ du vào tính toán nên yêu cầu phòng chống lũ cho hạ du chưa được đảm bảo và không có tiêu chí để xác định hiệu quả vận hành giảm lũ. Vấn đề này đã được Nattoi giải quyết cả về mặt lý thuyết và thực hành (trình bày ở mục 3.4). Hai: Tiêu chí xác định MNCNTL, MNTNĐL không được công khai, minh bạch, làm cho việc kiến nghị điều chỉnh hạ thấp 2 mực nước đối với các hồ chứa thủy điện nhằm tăng dung tích trống phòng lũ là điều bất khả. Về vấn đề này (trình bày tại Mục 3.1), Nattoi chưa nêu cụ thể phương án giải quyết là để tập trung nội dung vào vấn đề số 1 như đã nêu, nhưng hướng giải quyết là đã có. Ba: Vấn đề bán con trâu mà tiếc sợi dây thừng: Thiết kế xây dựng đập, hồ chứa nước được tính toán an toàn ổn định lật, trượt đến mực nước lớn nhất thiết kế và kiểm tra với mực nước lớn nhất kiểm tra, cho phép giữ mực nước hồ không vượt quá mực nước lớn nhất kiểm tra nhưng lại chỉ cho phép sử dụng dung tích trống phòng lũ đến mực nước dâng bình thường là sự lãng phí ghê gớm trong đầu tư xây dựng và quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. Hướng giải quyết vấn đề số 3 (trình bày tại Mục 3.2) vốn là tự nhiên đã có nhưng không được sử dụng vì không nghĩ đến giảm lũ cho hạ du.
+ xem thêm