| Hotline: 0983.970.780

Yên Bái hướng đến phát triển rừng bền vững

Thứ Hai 29/05/2023 , 20:16 (GMT+7)

Nằm trong tốp 6 tỉnh có độ che phủ rừng lớn của cả nước, những năm vừa qua tỉnh Yên Bái đã triển khai nhiều giải pháp để phát triển rừng bền vững.

Người dân tập trung làm đường băng cản lửa hạn chế cháy lan khi xảy ra cháy rừng. Ảnh: Hải Đăng.

Người dân tập trung làm đường băng cản lửa hạn chế cháy lan khi xảy ra cháy rừng. Ảnh: Hải Đăng.

Đẩy mạnh công tác quản lý bảo vệ rừng

Với tổng diện tích rừng tự nhiên 689.276ha, diện tích quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp đến năm 2025 là 487.681ha. Trong đó diện tích đất có rừng là 433.967ha, diện tích chưa thành rừng là 42.405ha. Những năm qua nhờ làm tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng nên tỷ lệ che phủ rừng đạt 63%, đưa Yên Bái lọt vào tóp 6 tỉnh có độ che phủ rừng lớn nhất cả nước.

Huyện Mù Cang Chải có diện tích rừng và rừng trồng chưa thành rừng là 82.747ha, rừng tự nhiên chiếm gần 60.000ha. Để làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, không để xảy ra cháy rừng thì công tác tuyên truyền kết hợp với tuần tra, kiểm tra rừng luôn được coi trọng.

Ông Cứ A Vông, Trưởng bản Lao Chải, xã Lao Chải nói: Bản Lao Chải hiện đang nhận quản lý trên 300ha rừng, mỗi năm được nhận hơn 200 triệu đồng tiền quản lý bảo vệ rừng. Có thu nhập từ rừng nên 164 hộ dân trong bản đã cắt cử mỗi hộ 1 người tham gia vào tổ quản lý, bảo vệ rừng. Tổ được chia thành các nhóm thay nhau trực và tổ chức đi tuần tra, kiểm tra định kỳ hàng tháng. Các hành vi xâm hại rừng đều được phát hiện, ngăn chặn kịp thời do vậy diện tích rừng của bản luôn được bảo vệ tốt. Nhiều năm qua không xảy ra tình trạng chặt phá rừng, cháy rừng.

Xã Lao Chải hiện có 12 nghìn ha rừng các loại trong đó có 3.100 ha rừng đặc dụng, diện tích rừng này được giao cho người dân 14 bản quản lý. Với địa hình đồi núi dốc và nhất là diện tích rừng đặc dụng lớn, đây là loại rừng có trữ lượng gỗ lớn có vai trò phòng hộ quan trọng nhưng lại giáp ranh với xã Tà Mung huyện Than Uyên (tỉnh Lai Châu), nên để làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng thì vai trò của các tổ, nhóm, quản lý bảo vệ rừng của các bản là rất quan trọng. Do vậy xã Lao Chải cũng đã chỉ đạo các tổ, nhóm thực hiện tốt kế hoạch trực cũng như duy trì các hoạt động tuần tra, kiểm tra. Đặc biệt trong thời điểm khô hanh, nắng nóng các nhóm quản lý bảo vệ rừng đã làm tốt công tác theo dõi, quản lý lượng người ra vào rừng, nên trong những năm gần đây tình trạng cháy rừng trên địa bàn xã Lao Chải được thực hiện khá tốt.

Ông Trần Xuân Dưỡng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Mù Cang Chải chia sẻ: Huyện Mù Cang Chải hiện có gần 83 nghìn ha rừng, trong đó có gần 61 nghìn ha rừng tự nhiên. Để tiếp tục làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng thì Hạt Kiểm lâm huyện là lực lượng chủ đạo đã triển khai nhiều biện pháp. Trong đó thường xuyên theo dõi, nắm bắt diễn biến thời tiết kịp thời đưa ra thông báo, cảnh báo cấp dự báo cháy rừng để mọi người dân thực hiện.

Cùng với đó tham mưu cho cấp ủy, chính quyền kiện toàn lại các ban chỉ đạo phát triển lâm nghiệp cấp xã và các ban quản lý bảo vệ rừng cấp thôn bản, tiến hành tu sửa các đường băng cản lửa, hệ thống biển báo. Đồng thời tiến hành kiểm tra việc xây dựng và tổ chức thực hiện phương án, kế hoạch phòng cháy, chữa cháy rừng các xã, thị trấn, kiểm tra xây dựng quy ước, hương ước, ký cam kết bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và thực hiện phương châm "4 tại chỗ", tăng cường đội ngũ cán bộ kiểm lâm địa bàn bám sát cơ sở.

Người dân là nhân lực chính quản lý bảo vệ rừng

Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu với diện tích quy hoạch 16.950 ha, trong đó, khu bảo vệ nghiêm ngặt 7.250 ha, phân khu phục hồi sinh thái: 9.700ha, khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu có hệ sinh thái đa dạng với nhiều loài động thực vật quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam, là một trong những khu rừng phòng hộ xung yếu cho thượng nguồn sông Hồng.

Lực lượng kiểm lâm đi tuần tra tại Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu. Ảnh: Tuấn Anh.

Lực lượng kiểm lâm đi tuần tra tại Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu. Ảnh: Tuấn Anh.

Ông Phạm Tiến Thịnh, kiểm lâm viên trạm Đại Phú An cho hay: Nà Hẩu là địa phương có diện tích rừng tự nhiên đặc dụng tương đối lớn. Những năm qua rừng luôn là nguồn sống, che chở cho đồng bào dân tộc Mông trong xã. Để rừng được bảo vệ và phát triển tốt thì người dân là nhân lực chính trong công tác bảo vệ.

Để rừng phát triển bến vững, và tốt thì cần cho người dân thấy rõ được lợi ích của việc bảo vệ rừng gắn liền với đời sống của người dân. Rừng cung cấp nước cho mọi sinh hoạt của người dân, rừng như mái nhà bao bọc bản làng mỗi khi mưa bão.

Ông Lý Tòn Cầu – Chủ tịch UBND xã Nà Hẩu nhấn mạnh: Những năm qua công tác quản lý bảo vệ rừng luôn gắn liền với người dân xã Nà Hẩu. Để người dân nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công tác bảo vệ rừng UBND xã Nà Hẩu đã phối hợp với Ban Quản lý Khu BTTN Nà Hẩu, giao khoán quản lý bảo vệ trên 3.700 ha rừng tự nhiên đặc dụng cho 3 thôn trên địa bàn xã.

Hàng năm đồng bào Mông xã Nà Hẩu còn tổ chức lễ hội cúng rừng hay còn gọi là “Tết rừng” một nghi lễ truyền thống và có ý nghĩa quan trọng nhất đối với người dân nơi đây. Tín ngưỡng thờ thần rừng của đồng bào Mông đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Theo tập tục của người Mông, các thôn bản của xã Nà Hẩu đều cấm rừng 3 ngày để tạ ơn thần rừng. Cũng trong ba ngày này, mọi người tuyệt đối thực hiện các điều kiêng kỵ đã được quy định theo luật tục đó là không đi vào rừng chặt cây xanh, không đem lá xanh từ rừng về nhà, không đào củ, bẻ măng, không đào đất, không thả rông gia súc, không phơi quần áo ngoài trời, không xay ngô, giã gạo…

Lễ hội Tết rừng Nà Hẩu góp phần thiết thực vào công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng cũng như bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn sự đa dạng sinh học khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu nói riêng và trên địa bàn huyện Văn Yên nói chung. Đây là chỗ dựa vững chắc trong công tác bảo vệ khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu, ngăn chặn các hành vi xâm hại đến rừng tự nhiên như khai thác gỗ, sắn bắt động vật, phát phá rừng trái phép, phòng cháy chữa cháy rừng.

Phát triển rừng bền vững, tạo thu nhập cao cho người dân

Mỗi năm tỉnh Yên Bái trồng khoảng 15.000ha rừng thay thế. Ảnh: Hải Đăng.

Mỗi năm tỉnh Yên Bái trồng khoảng 15.000ha rừng thay thế. Ảnh: Hải Đăng.

Ông Kiều Tư Giang – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái cho biết: Để tỷ lệ che phủ của rừng đạt 63%, Chi cục Kiểm lâm đã chỉ đạo các hạt cử cán bộ kiểm lâm xuống địa bàn tham mưu cho cơ sở thành lập các ban quản lý rừng, tổ bảo vệ rừng.

Nhờ làm tốt công tác quản lý, việc trồng rừng được triển khai tích cực, hàng năm tỉnh Yên Bái trồng mới thay thế khoảng 15.000ha rừng, giai đoạn 2013 - 2022 diện tích đất có rừng tăng thêm 26.189ha, năng suất chất lượng rừng cải thiện, tỷ lệ che phủ đến năm 2022 là 63% tăng 11% so với năm 2013. Hàng năm người dân trong tỉnh có thu nhập hơn 100 tỷ đồng từ hưởng dịch vụ môi trường rừng của hơn 200 nghìn ha rừng đầu nguồn.

Cùng với phát triển rừng bến vững còn tập trung tuyên truyền khuyến khích người dân chuyển hóa rừng gỗ lớn tại một số địa phương. Việc đó đã giúp cắt giảm chi phí, tạo được vùng nguyên liệu tập trung, mang lại thu nhập cao cho người dân.

Trồng rừng không chỉ xóa đói, giảm nghèo mà còn giúp nhiều gia đình có thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm. Từ đó tạo bước chuyển trong nhận thức của người dân về sản xuất phát triển rừng, từng bước đưa lâm nghiệp thành ngành kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao. Yên Bái phấn đấu trở thành trung tâm chế biến gỗ rừng trồng công nghệ cao của vùng Trung du và miền núi phía bắc.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Tre xanh trên Long Cốt sơn

Quảng Ngãi Tre xanh tốt trên núi cằn trơ sỏi đá. Thân tre to lớn vươn lên trời cao, mở ra hướng làm ăn mới cho bà con nông dân ở vùng đất bạc màu.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.