| Hotline: 0983.970.780

Nhiều kinh nghiệm hay tái đàn lợn

Thứ Sáu 15/05/2020 , 08:29 (GMT+7)

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), thời gian vừa qua một số tỉnh, thành đã tái đàn lợn và tăng đàn lợn rất tốt với một số kinh nghiệm được chia sẻ.

Hiện các địa phương đang có rất nhiều sáng tạo trong tái đàn lợn. Ảnh: Nguyên Huân.

Hiện các địa phương đang có rất nhiều sáng tạo trong tái đàn lợn. Ảnh: Nguyên Huân.

Kinh nghiệm tại các địa phương cho thấy, điều kiện đầu tiên để tái đàn thành công là phải tổ chức kiểm soát tốt dịch bệnh theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, kịp thời công bố hết dịch tả lợn Châu Phi để tạo điều kiện cho người chăn nuôi tái đàn, tăng đàn lợn.

UBND cấp tỉnh, thành phố nào quan tâm chỉ đạo kịp thời, có các giải pháp, chính sách hỗ trợ kinh phí duy trì, tăng đàn nái, đực giống phục vụ tái đàn, tăng đàn đều có sự phục hồi đàn lợn rất nhanh.

Đơn cử như Hà Nội bố trí 16 tỷ đồng hỗ trợ con giống, trong đó hỗ trợ 5 triệu đồng/con lợn nái, Nghệ An hỗ trợ 2 triệu đồng/con lợn nái, hỗ trợ toàn bộ đực giống, Bình Dương hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ chăn nuôi có từ 20 con lợn trở lên, Phú Thọ, Bắc Giang, Thanh Hóa, Bình Định, Bình Phước, Đồng Nai,… cũng đều có chính sách hỗ trợ rất kịp thời.

Cũng theo Cục Chăn nuôi, nhiều địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả Quyết định 50/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015 - 2020.

Trong đó, tạo môi trường thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư như ở Bình Phước là một cách làm hiệu quả. Hiện Bình Phước có đàn lợn đạt 149% so với trước dịch tả lợn Châu Phi.  Bên cạnh đó, tỉnh này cũng đẩy mạnh việc hỗ trợ xây dựng các chuỗi chăn nuôi khép kín, an toàn dịch bệnh.

Một số giải pháp cũng được nhiều địa phương áp dụng là hỗ trợ lãi suất tín dụng cho việc tái đàn, tăng đàn, duy trì sản xuất, có chính sách cho các cơ sở chăn nuôi thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học kết hợp sử dụng chế phẩm sinh học. Khuyến khích tái đàn, tăng đàn ở các cơ sở chăn nuôi công nghệ cao, công nghệ mới, chăn nuôi khép kín, thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP, GlobalGAP…).

Ngoài ra, tăng cường công tác hướng dẫn kỹ thuật cho các cơ sở chăn nuôi tái đàn, tăng đàn. Có giải pháp phòng, chống không để dịch bệnh xâm nhiễm vào cơ sở chăn nuôi lợn, sử dụng các nguyên liệu sẵn có ở địa phương làm thức ăn chăn nuôi để hạ giá thành sản phẩm.

Tổ chức thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn nhân rộng các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi có hiệu quả, chuyển đổi cơ cấu giống vật nuôi cho phù hợp. Tuyên truyền cho người tiêu dùng thay đổi dần tập quán sử dụng sản phẩm chăn nuôi.

Một số địa phương thận trọng với dịch tả lợn Châu Phi đã chọn biện pháp tăng cường công tác sản xuất, chủ động cung ứng giống sản xuất tại chỗ. Những tỉnh thực hiện chính sách về nuôi giữ giống gốc tại các cơ sở giống của tỉnh theo Nghị định 130, đã chủ động và có nguồn con giống cung cấp cho sản xuất, ít phụ thuộc con giống của các doanh nghiệp lớn.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.