Đại diện Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam chia sẻ, trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi, công ty tiếp tục đầu tư và tìm đối tác để liên doanh, mở rộng các trang trại mới với vành đai an toàn sinh học lớn nhất.
Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về quỹ đất để phát triển các trại vệ tinh. Do vậy, các doanh nghiệp chăn nuôi mong Chính phủ, Bộ NN-PTNT và các địa phương có chính sách ưu tiên quỹ đất đai cho phát triển chăn nuôi lợn.
Còn ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam chia sẻ, doanh nghiệp tái đàn và tăng đàn từ tháng 9/2019, dự kiến cuối 2020 tổng đàn nái sẽ tăng 8%. Song, cũng như Japfa Comfeed Việt Nam, C.P Việt Nam cũng gặp khó khăn về nguồn đất đai để xây dựng những trại trại mới đáp ứng an toàn sinh học.
C.P Việt Nam kiến nghị, cần có những trang trại lớn mới thay thế cho quy mô gia đình nên cần hỗ trợ về nguồn đất và thủ tục. Ngoài ra, công ty muốn các địa phương có ưu đãi cho các doanh nghiệp khi xây dựng hệ thống nhà máy chăn nuôi, giết mổ, để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, giảm chi phí trung gian, qua đó giảm giá thành sản phẩm thịt lợn.
Đại diện Hợp tác xã Tân Yên (huyện Tân yên, tỉnh Bắc Giang) cho biết, sau khi xảy ra dịch tả lợn Châu Phi, HTX hiện chỉ còn 30 lợn nái và 300 lợn thịt. Mặc dù rất muốn tái đàn, tăng đàn nhưng hiện HTX đang gặp khó khăn về tài chính khi ngân hàng không cho vay mới.
Vì vậy, lãnh đạo HTX Tân Yên kiến nghị Bộ NN-PTNT và Chính phủ có ý kiến với các ngân hàng để khoanh nợ, giãn nợ và vay ưu đãi cho các hợp tác xã có điều kiện khổi phục đàn lợn.