Ngày 22/4, tại An Giang, giá bán lẻ DAP Trung Quốc ở mức 1.340.000 đồng/bao (26.800 đồng/kg), DAP nội địa 1.120.000 đồng/bao (22.400 đồng/kg), Kali 975.000 đồng/bao (19.500 đồng/kg), Urea 910.000 đồng/bao (18.200 đồng/kg).
Giá phân bón dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, nhất là với DAP và Kali. Với DAP, nguồn cung nội địa chưa ổn định, hàng tồn kho giá rẻ đã hết, trong khi nhập khẩu gặp nhiều khó khăn vì nguồn cung hạn chế trên thị trường thế giới.
Nga có thể sẽ gia hạn việc cấp hạn ngạch xuất khẩu phân bón cho tới cuối năm thay vì tháng 5, tuy nhiên hiện vẫn cấm xuất khẩu phân bón tới các quốc gia không thân thiện. Trung Đông vẫn gặp vấn đề thiếu amonia, còn Trung Quốc vẫn tiếp tục cắt giảm công suất phân bón, nhiều nhà máy chạy thấp hơn 50%, để đảm bảo vấn đề môi trường và vấn đề nguyên liệu đầu vào tăng cao vượt ngưỡng.
Như vậy, nguồn cung phân bón thế giới khó lòng tăng lên khi Trung Quốc và Nga đang có dấu hiệu sẽ áp đặt những biện pháp khắt khe hơn để hạn chế xuất khẩu. Nguyên liệu đầu vào của các nhà máy đều tăng mạnh, nhất là lưu huỳnh và ammonia, càng khiến cho các nhà sản xuất không có áp lực phải giảm giá nhiều.
Trước tình hình đó, ông Vũ Duy Hải, Tổng Giám đốc Vinacam, nhận định rằng, giá DAP 64 nhập khẩu sẽ leo lên mức 28 - 30 triệu đồng/tấn trong quý 3 năm nay.
Nguồn Kali tồn kho trong nước cũng đang cạn dần, và các Việt Nam sẽ bắt buộc phải nhập khẩu theo giá mới trên thị trường thế giới. Do đó, dự báo đến quý 3 năm nay, giá sẽ Kali cán đích 20 - 22 triệu đồng/tấn cho Kali bột và 23 - 25 triệu đồng/tấn cho Kali miểng.