| Hotline: 0983.970.780

Nông dân xoay xở trước cơn bão giá phân bón

Thứ Ba 22/03/2022 , 08:45 (GMT+7)

QUẢNG TRỊ Nông dân bắt đầu quan tâm tới các sản phẩm phân bón hữu cơ cũng như các giải pháp canh tác nhằm giảm chi phí sản xuất trong bối cảnh giá phân bón tăng cao.

Tư duy bón phân hóa học đã ăn sâu

Vụ đông xuân 2021 - 2022, Hợp tác xã (HTX) Xuân Viên, xã Hải Dương, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) gieo cấy 130 ha lúa. Ngay từ đầu vụ, người dân phải mua giá phân bón NPK, đạm từ 19.000 - 20.000 đồng/kg, tăng gấp đôi so với vụ trước. Việc giá phân bón, vật tư nông nghiệp tăng cao khiến người dân gặp nhiều khó khăn.

Theo ước tính, bình quân mỗi sào canh tác, người dân sử dụng 25 kg phân bón NPK để bón lót và bón thúc, ngoài ra tùy vào quá trình sinh trưởng của cây lúa để bón thúc đòng thêm một đợt khác. Điều đáng mừng là sau một tháng gieo cấy, nhờ thời tiết thuận lợi, cây lúa sinh trưởng tốt nên nhiều hộ dân chưa bón phân lần 2.

Giá phân bón vô cơ, vật tư nông nghiệp tăng cao khiến người dân gặp nhiều khó khăn. Ảnh: CĐ.

Giá phân bón vô cơ, vật tư nông nghiệp tăng cao khiến người dân gặp nhiều khó khăn. Ảnh: CĐ.

Ông Nguyễn Ngọc Sinh, Giám đốc HTX Xuân Viên cho biết, ngoài những diện tích lúa làm theo mô hình lúa hữu cơ liên kết, đa phần diện tích còn lại người dân vẫn giữ thói quen truyền thống là dùng phân bón vô cơ để bón cho lúa. Khi giá phân bón tăng cao, các hộ dân cũng đã tính phương án giảm lượng phân bón. Tuy nhiên, nếu giảm phân bón thì năng suất sẽ thấp hơn.

“Vụ đông xuân 2021 - 2022, HTX đã khảo sát và mua 15 tấn phân bón của Công ty Cổ phần Công nông nghiệp Tiến Nông đưa vào thử nghiệm. Loại phân bón này có giá rẻ hơn, bước đầu cho thấy thích nghi với đồng ruộng. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ thử nghiệm một, hai vụ xem kết quả thế nào rồi sẽ khuyến cáo người dân sử dụng thay thế các loại phân bón có giá cao như hiện nay”, ông Sinh cho hay.

Ông Sinh cũng chia sẻ thêm, HTX thường xuyên tuyên truyền để người dân sử dụng thêm phân bón hữu cơ, tuy nhiên để thay đổi được thói quen sử dụng phân hóa học trong sản xuất không phải dễ dàng. Nhiều người dân vẫn giữ suy nghĩ dùng phân hữu cơ thì cây lúa dễ bị sâu bệnh, năng suất ảnh hưởng, sử dụng phân bón vô cơ thì cây tốt, năng suất cao.

Hiện nay, những loại phân bón mà nông dân đang sử dụng đa phần là phân bón vô cơ như URE, DAP, SA, KALI, NPK…

Nhân rộng các mô hình sử dụng phân bón hữu cơ

Ngành nông nghiệp đang hướng đến sản xuất nông sản hữu cơ và chất lượng cao. Tuy nhiên, một trong những thách thức là nông dân vẫn còn lạm dụng phân bón vô cơ.

Trên thực tế, công tác tuyên truyền sử dụng phân bón hữu cơ cho nông dân vẫn còn hạn chế. Vì thế, ngành chức năng cần định hướng, thay đổi tư duy sản xuất cho người dân để họ hiểu được lợi ích thiết thực của sử dụng phân bón hữu cơ.

Đó là phân bón hữu cơ sẽ làm cho đất trồng ngày càng trở nên màu mỡ do sự phát triển hệ vi sinh vật, ảnh hưởng tốt đến chất lượng sản phẩm. Sản phẩm nông nghiệp làm ra có giá trị kinh tế cao, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu của thị trường tiêu thụ nông sản thế giới. Đồng thời, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng và nâng cao hiệu quả sản xuất.

Nông dân tại Quảng Trị đang gặp nhiều khó khăn trước bối cảnh giá phân bón tăng cao. Ảnh: CĐ.

Nông dân tại Quảng Trị đang gặp nhiều khó khăn trước bối cảnh giá phân bón tăng cao. Ảnh: CĐ.

Thời gian qua, Công ty Cổ phần Thương mại Quảng Trị đã tiến hành thu mua phân gà của các trang trại và cho ra đời thương hiệu phân hữu cơ khoáng Sepon. Bước đầu, loại phân bón hữu cơ này nhận được phản hồi tích cực của người sử dụng. Tuy nhiên hiện nay, số doanh nghiệp sản xuất phân hữu cơ như trên còn quá ít.

Để khuyến khích doanh nghiệp tham gia sản xuất, cung ứng phân bón hữu cơ, cần có cơ chế ưu đãi thu hút đầu tư trên lĩnh vực này đối với cả doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh. Bên cạnh đó, cần có sự ưu tiên các nguồn vốn sự nghiệp để xây dựng, ứng dụng thí điểm, nhân rộng các mô hình sản xuất và sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối và hiệu quả, mô hình sử dụng phân bón hữu cơ và các nguồn vật liệu hữu cơ để thay thế một phần phân bón vô cơ.

Đơn cử như mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh để xử lý rơm rạ tạo nguồn phân hữu cơ phục vụ sản xuất lúa; mô hình canh tác lúa thông minh thích ứng biến đổi khí hậu gắn với tiến bộ kỹ thuật “1 phải 5 giảm”; mô hình sản xuất cam theo tiêu chuẩn hữu cơ; quy trình ủ phân vi sinh từ vỏ cà phê… Từ đó, lựa chọn các mô hình hiệu quả tổ chức hội thảo nhân rộng trên địa bàn tỉnh.  

Trước mắt, đối với tình hình giá phân bón vô cơ tăng cao như hiện nay, ngành nông nghiệp cần tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng phân bón hợp lý, đúng cách, cân đối và hiệu quả. Tăng cường sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ, thay thế phân bón vô cơ bằng phân bón hữu cơ theo tỉ lệ phù hợp với điều kiện sản xuất ở địa phương.

Hướng dẫn các địa phương đẩy nhanh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật như “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, mô hình quản lý dịch hại, cây trồng tổng hợp (IPM, ICM), quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, canh tác tự nhiên, quy trình sản xuất giảm chi phí đầu vào trong sản xuất nông nghiệp.

Hiện nay, nền nông nghiệp một số quốc gia trên thế giới hiện nay như Nhật Bản, Mỹ, Úc… đã sử dụng đến 40% phân hữu cơ. Trong khi đó tại Việt Nam, tỉ lệ sử dụng phân bón hữu cơ còn rất nhỏ. Việc sử dụng phân bón vô cơ với số lượng áp đảo trong sản xuất nông nghiệp dẫn đến chi phí sản xuất cao, sản phẩm có nguy cơ tồn dư hóa chất, khó xuất khẩu, giảm lợi nhuận.

Xem thêm
Nuôi cừu sinh sản thích ứng với biến đổi khí hậu

Ninh Thuận Mô hình nuôi cừu sinh sản thích ứng với biến đổi khí hậu giúp nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế tăng trên 10% so với chăn nuôi đại trà.

Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Báo động thoái hóa đất Tây Nguyên: [Bài 2] Giải pháp nâng cao sức khỏe đất

Phục hồi đất thoái hóa là quá trình lâu dài, bền bỉ và cần phải có giải pháp về cơ chế, chính sách, đầu tư hạ tầng, quản lý, khoa học công nghệ, khuyến nông...