| Hotline: 0983.970.780

Lúa ST25 trên ruộng rươi đất Cảng

Thứ Tư 23/06/2021 , 09:56 (GMT+7)

Nghe tin ST25 đoạt giải gạo ngon nhất thế giới, anh Hưng nhờ gửi từ Nam ra một gói nấu thử rồi bảo: “Còn nhạt hơn cả gạo ruộng rươi ST 24 của tôi”.

Nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm gian hàng gạo ST của anh Trần Văn Trung tại triển lãm CAEXPO ở Nam Ninh, Trung Quốc năm 2016. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm gian hàng gạo ST của anh Trần Văn Trung tại triển lãm CAEXPO ở Nam Ninh, Trung Quốc năm 2016. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

364/365 ngày ngoài ruộng

“Mà ST24 mới chỉ top 3 gạo ngon thế giới thôi đấy! Gạo của tôi nấu cơm càng nhai lại càng ngọt, vị đậm đà bởi trồng trên ruộng rươi mỗi năm cấy có một vụ, được tưới bằng phù sa nước lợ”. Để chứng minh lời mình nói, anh Đỗ Danh Hưng ở bãi Sâu, xã Ngũ Phúc (Kiến Thụy, TP Hải Phòng) mời tôi dùng cơm. Bữa trưa dọn ra chỉ có bát canh, vài quả cà và đĩa tôm rang mà tôi ăn hết ba bát lại còn xin thêm một miếng cháy to nữa...

Tôi bỏ khẩu trang để tự do thở trong bầu không khí thơm hương lúa mới. Ngó lên trời cao thấy đôi ba cánh cò, cánh vạc. Ngó xuống ruộng thấp thấy loang loáng những lỗ cáy, lỗ rươi.

Cơm nấu từ gạo ST 25. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Cơm nấu từ gạo ST 25. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Lội chán chê trong lớp bùn mềm và mát, anh Hưng lại chống thuyền đưa tôi đi giữa bát ngát lúa vàng. Đây là vụ đầu anh chuyển sang trồng giống ST25, dù chưa gặt nhưng hứa hẹn cơm sẽ còn ngon hơn giống ST24 vốn đã quen ăn bởi dù gì vẫn là thứ gạo đứng đầu thế giới.

Năm 2017 vợ chồng anh Hưng cùng một hộ nữa lập dự án cánh đồng mẫu lớn trồng lúa và nuôi thủy sản theo hướng an toàn, được TP Hải Phòng giao đất 50 năm với giá thuê 260 triệu/32 ha/năm. Khi nhận, bãi toàn gốc cây, cỏ hoang, lúa chỉ cấy được loi thoi vài chòm. 

Ngày nào họ cũng phải vượt hơn chục cây số từ nhà trên phố xuống đây để làm nông và trú trưa trong một túp lều tạm. Biết bao tiền của, công sức đã đổ xuống để đắp đường, xây mương, làm cống, cải tạo mặt bằng…

Lúc đó, anh Trần Văn Trung, Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Hải Âu Việt (nhãn hiệu gạo Tết Vua - Kiến Quốc) và Công ty Cổ phần Nông sản Tiến Vua (chuyên về giống) đi tìm đối tác trồng lúa, thấy cảnh lam lũ ấy chỉ nghĩ đây là vợ chồng người làm thuê chứ không ngờ là chủ hộ. Trời bỗng đổ mưa, dù trú ở trong lều cả chủ lẫn khách vẫn bị nước hắt ướt như chuột lột. Mối duyên tiền định giữa ruộng rươi với cây lúa ST bắt đầu từ đó.

Anh Hưng chống thuyền đi kiểm tra lúa. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Hưng chống thuyền đi kiểm tra lúa. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trong quá trình làm, do ý tưởng khác nhau nên hai người chủ đã quyết định xẻ đôi cánh đồng, chia ra mỗi hộ 16 ha. Càng làm nông anh Hưng lại càng “nghiện”. Hôm Tết vợ trở lại ngôi nhà trên phố, dọn dẹp xong xuôi mới gọi điện cho chồng về để cúng tổ tiên, anh mới buột miệng: “Đang ở nhà mình (ngoài lều) chứ còn về đâu nữa?”. 

Một năm 365 ngày thì có khi 364 ngày anh ở trên đồng. Một ngày anh lao động không biết bao nhiêu tiếng, đêm đến dậy không biết bao nhiêu lần, tùy theo thủy triều để đóng và mở cống, quay đọn và kéo đọn (dụng cụ đánh cá bằng lưới). Chỉ cần ngủ quên, không có nước vào là mất đi nguồn lợi thủy sản ngay...

Lúa ST25 trên ruộng rươi Hải Phòng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Lúa ST25 trên ruộng rươi Hải Phòng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Giống ST cấy xong là chuột của cả cánh đồng kéo đến vì mạ rất thơm. Lúc lúa đứng cái cũng bị chuột phá mạnh. Bởi vậy vào các giai đoạn này đêm nào anh Hưng cũng phải đi bắn chuột.

Ruộng lúa, bãi rươi là một hệ sinh thái khép kín. Với mục đích thu rươi là chính, họ chỉ cấy lúa một vụ và không phun thuốc BVTV hay bón phân hóa học để đất tơi xốp, có bóng mát cho rươi trú ẩn. Ngược lại, khi đến mùa, phần đầu của con rươi nổi lên, đoạn thân bên dưới chết đi lại làm màu mỡ thêm cho cây lúa.

Trước đây anh chị không bón gì cả mà cứ cày bừa xong là cấy nhưng mấy năm nay đã đầu tư một lúc cả 500 tấn phân hữu cơ để ủ rồi rải ra ruộng cho thêm tốt đất.

Xưa trồng giống khác thóc khô bán chỉ được 5.000đ/kg, giờ thóc tươi ST bán đã là 12.000đ/kg nhưng nếu trông riêng vào cây lúa là thua bởi làm hữu cơ đầu tư lớn như 500 tấn phân hữu cơ tương đương 1,5 tỉ đồng, nhiều công đoạn phải thực hiện bằng tay mà năng suất chỉ được cỡ 1,2 - 1,3 tạ/sào, năm nay được mùa mới có 1,4 - 1,5 tạ/sào. Trung bình mỗi năm họ thu được 2 tỉ từ rươi, 300 triệu đồng từ tôm, cá, cáy, rạm, 600 - 700 triệu đồng từ lúa, trừ chi phí, lãi ròng trên 1 tỉ đồng.

Gốc lúa rất khỏe nhờ phát triển ở vùng bãi rươi. Ảnh: Dương Đình Tường.

Gốc lúa rất khỏe nhờ phát triển ở vùng bãi rươi. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tiếng là sạch nhưng anh Hưng bảo ruộng rươi cũng có hai ba loại. Chỉ cách cánh đồng nhà mình vài chục bước chân, những ruộng rươi của dân vẫn bón phân hóa học, phun thuốc BVTV bởi mỗi nhà chỉ vài sào, không làm như thế thì không có thóc ăn. Hết vụ cấy, họ lại cho thầu để nuôi thủy sản nên lúc này con rươi chỉ còn là nguồn thu phụ. 

Mỗi buổi chiều, xong công việc là cả hai vợ chồng anh lại đi dạo quanh cánh đồng cùng với đàn chó. Ngày nào cũng thế, họ đi để xem mỗi hôm trông cây lúa lại một khác, mỗi hôm một niềm vui. Nhưng cũng không ít lần họ gặp thất bát, buồn mà không thể khóc, chán nản chỉ muốn bỏ cuộc.

Đó là thủa ban đầu, do non kinh nghiệm, họ thuê gặt máy xong không dọn rơm rạ mà đưa nước vào ngâm ngay nên sinh ra khí độc khiến cả chục tấn rươi chết phủ kín trên mặt đất. Phải hai năm sau cánh đồng mới phục hồi thì lại đến đợt nhiễm mặn lịch sử 2020, cách cửa biển 10 km mà sứa còn bơi vào tận ruộng. Lúc nước rút đi để lại một lớp muối trắng xóa trên đồng, lúa, rươi, tôm, cá đều chết sạch…

Cận cảnh con rươi non dưới gốc cây lúa. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cận cảnh con rươi non dưới gốc cây lúa. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ước mơ đi thi gạo ngon nhất thế giới lần nữa

Trở lại chuyện "Bắc tiến" của lúa ST, cách đây dăm năm, anh Trần Văn Trung, Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Hải Âu Việt đã đưa giống ST20 rồi sau đó là ST24 về quê mình ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.

Lãnh đạo địa phương khi ăn thử mê quá, quyết định đặc cách cho làm thử ở 33 xã, thị trấn, mỗi nơi 50 kg giống. Năm 2016, anh Trung mang ST24 đi triển lãm CAEXPO ở Nam Ninh, Trung Quốc, được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới gian hàng hỏi thăm, động viên. 

Khi khách ăn thử cơm nấu từ gạo của Thái Lan, Campuachia và Việt Nam, nhiều người gật gù khen gạo ST24 là nhất và tranh nhau mua hết luôn 3,5 tấn. Trước đó, anh Trung từng bán gạo ST24 ra Móng Cái (Quảng Ninh), dân vùng biên của Trung Quốc mua thấy ăn ngon quá nên có doanh nghiệp về tận Nam Định để mời chào hợp tác, xuất hàng. 

Cận cảnh bông lúa ST25. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cận cảnh bông lúa ST25. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đối tác đồng ý, ký hợp đồng độc quyền trong 5 năm nhưng anh không thể thực hiện được bởi những doanh nghiệp nhỏ như anh khi xuất khẩu phải qua ủy thác do không đủ tiêu chuẩn. Thứ nữa là diện tích sản xuất còn quá manh mún, nhỏ lẻ.

Khi ST25 được giải nhất gạo ngon thế giới năm 2019, ngoài Hải Hậu, các huyện khác của tỉnh Nam Định như Nghĩa Hưng, Giao Thủy, Ý Yên cũng xin trồng thử ST24 và ST25. Khó khăn là các giống này chưa được công nhận ở miền Bắc nên rất khó mở rộng. Theo ước tính của anh Trung, lúa ST24 của công ty anh hiện đủ cấy khoảng 300ha, ST25 diện tích còn ít hơn nhiều.

Về chuyện đưa ST ra ruộng rươi, anh Trung kể mấy năm trước, có làm đại lý gạo hữu cơ cho một công ty lớn từng bỏ ra 70 tỉ đồng để làm lúa hữu cơ ở vùng rừng U Minh Hạ (Cà Mau), sản phẩm chất lượng nhưng rất khó bán bởi giá đắt. 

Anh Lê Văn Định, Phó Phòng NN-PTNT Hải Hậu (Nam Định) thử ăn cơm nấu từ gạo ST. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Anh Lê Văn Định, Phó Phòng NN-PTNT Hải Hậu (Nam Định) thử ăn cơm nấu từ gạo ST. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Gạo ST chuẩn, khi nấu mở nồi cơm từng hạt bóng như cơm nếp, dẻo mềm nhưng không bết, mùi rất thơm.

Muốn vậy, phải đảm bảo từ giống, đất sản xuất, thu hoạch lúc lúa chín cỡ 90%, sấy, bảo quản, đến cách nấu một gạo - một nước và cuối cùng đòi hỏi phải có nồi cơm thật tốt.

Hải Phòng có hai huyện Kiến Thụy, Tiên Lãng với hàng ngàn ha ruộng rươi. Cấy lúa ở ruộng rươi là con đường hữu cơ giá rẻ hơn và nhanh hơn khi tận dụng được những điều kiện có sẵn về đất sạch, nước sạch, không khí sạch, đỡ phải mất 3 - 4 năm để cải tạo nhưng giá gạo của anh bán vẫn phải cỡ 86.000 đ/kg. Hiện số ruộng rươi đang cấy lúa ST này đã được chứng nhận hữu cơ của Việt Nam do tổ chức TQC cấp.

“Campuchia có mô hình lúa - bò (một vụ trồng lúa một vụ bỏ hoang để cỏ mọc nuôi bò), ở miền Nam có mô hình lúa - tôm thì ở miền Bắc có mô hình lúa - rươi. Cái mà tôi tâm đắc là mô hình lúa - bò, lúa - tôm vẫn có thể phun thuốc BVTV, bón phân hóa học, còn lúa - rươi thì không. Từ giống lúa cho gạo ngon nhất thế giới ấy cộng với điều kiện môi trường, thổ nhưỡng đặc thù sẽ tạo ra sản phẩm thơm ngon khác biệt. Tôi đặt mục tiêu sẽ góp sức cùng với ông Hồ Quang Cua (tác giả của giống ST) để đem gạo Tiến Vua - ST25 ruộng rươi đi thi gạo ngon nhất thế giới trong thời gian tới”, anh Trung ấp ủ.

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Nghệ An tiêu hủy gần 5.000 con lợn do nhiễm dịch tả lợn Châu Phi

Dịch tả lợn Châu Phi đang chuyển biến khó lường trên địa bàn Nghệ An, một số huyện đang lo ngay ngáy khi vật nuôi nhiễm bệnh với số lượng khá lớn.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.