| Hotline: 0983.970.780

Nam Trung bộ nỗ lực khắc phục "thẻ vàng"

Nhiều năm không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài

Thứ Ba 27/07/2021 , 09:46 (GMT+7)

Thời gian qua, tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên đã triển khai quyết liệt các giải pháp chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Tàu cá cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài

Những ngày đầu tháng 6 vừa qua nhiều tàu đánh bắt xa bờ như hành nghề câu cá ngừ đại dương và nghề lưới rê (lưới cản) ở Khánh Hòa lần lượt trở cập cảng Hòn Rớ, xã Phước Đồng, TP Nha Trang sau gần 20 ngày bám biển.

Các chủ tàu hiện thực hiện nghiêm nộp nhật ký khai thác thủy sản sau chuyến biển đánh bắt nhằm góp phần gỡ thẻ vàng. Ảnh: KS.

Các chủ tàu hiện thực hiện nghiêm nộp nhật ký khai thác thủy sản sau chuyến biển đánh bắt nhằm góp phần gỡ thẻ vàng. Ảnh: KS.

Theo ghi nhận chúng tôi, để chấp hành các quy định về pháp luật, cũng như khuyến nghị của EC, các chủ tàu hoặc thuyền trưởng trước 1 giờ đã báo cơ quan chức năng tàu sẽ cập cảng để bố trí cán bộ kiểm tra.

Ngư dân Mai Thành Phúc, Chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá xã Phước Đồng, cho biết, thời gian qua, ngư dân đánh bắt xa bờ của tỉnh đã tuân thủ nghiêm ngặt việc khai báo khi rời cảng và cập cảng. Không những thế, riêng 32 tàu cá của nghiệp đoàn cũng đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cũng như được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm từ nhiều năm nay.  Đặc biệt, các tàu mỗi chuyến biển vươn khơi đều cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài.

Như tàu KH 99146 TS hành nghề câu cá ngừ đại dương do ngư dân Phúc làm chủ chưa bao giờ vi phạm vùng biển nước ngoài dù vùng biển Việt Nam “vắng cá”.

Các tàu khai thác thủy sản ở vùng biển Việt Nam được đưa vào cảng. Ảnh: KS.

Các tàu khai thác thủy sản ở vùng biển Việt Nam được đưa vào cảng. Ảnh: KS.

Trao đổi Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Võ Khắc Én, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa đã ghi nhận những nỗ lực của ngư dân trong tỉnh trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật, đặc biệt góp phần gỡ “thẻ vàng” của EC khi từ tháng 10/2018 đến nay không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Bên cạnh đó, các tàu cá đã tuân thủ khá nghiêm túc việc khai báo khi rời cảng và cập cảng. Công tác kiểm tra, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác trên địa bàn đã đi vào nề nếp, kiểm soát chặt chẽ…

Các tàu đánh bắt thủy sản xa bờ ở Khánh Hòa, Phú Yên nhiều năm nay không vi phạm vùng biển nước ngoài. Ảnh: KS.

Các tàu đánh bắt thủy sản xa bờ ở Khánh Hòa, Phú Yên nhiều năm nay không vi phạm vùng biển nước ngoài. Ảnh: KS.

Còn ông Nguyễn Tri Phương, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên cho biết, thời gian qua, tỉnh Phú Yên đã tập trung chỉ đạo quyết liệt các giải pháp thực hiện chống khai thác hải trái phép theo IUU. Đặc biệt nhằm ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, tỉnh đã kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ tàu cá ngay tại cảng cá; đồng thời yêu cầu các thuyền trưởng ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài.

Và, khi tàu cá hoạt động của tàu cá trên biển cũng được cơ quan quan chức năng kiểm soát, giám sát chặt chẽ thông qua hệ thống giám sát tàu cá. Từ đó, kịp thời thông báo cho chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá có dấu hiệu vượt ranh giới và vượt ranh giới cho phép khai thác trên biển lập tức đưa tàu trở lại vùng biển Việt Nam và nhắc nhở khi tàu về bờ.

Bên cạnh đó, những tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU cũng đã được lập danh sách gửi cho Bộ đội Biên phòng và chính quyền địa phương phối hợp tuyên truyền nhắc nhở, theo dõi, giám sát thường xuyên để ngăn ngừa vi phạm vùng biển nước ngoài. Nhờ đó, từ năm 2019 đến nay, tỉnh Phú Yên không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.

Sớm khắc phục những khó khăn, tồn tại

Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện các quy định liên quan đến chống khai thác trái phép theo IUU vẫn còn một số tồn tại cần sớm khắc phục.

Hiện một số tàu ở Khánh Hòa và Phú Yên chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình do làm ăn thua lỗ, nằm bờ. Ảnh: KS.

Hiện một số tàu ở Khánh Hòa và Phú Yên chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình do làm ăn thua lỗ, nằm bờ. Ảnh: KS.

Theo Sở NN-PTNT Khánh Hòa, toàn tỉnh còn 744 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên, trong đó có 7 tàu cá không thuộc diện phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình do tàu không có máy chính (nghề đăng), công suất nhỏ không đủ điều kiện hoạt động vùng khơi. Đến tháng 6/2021, toàn tỉnh chỉ có 657 tàu lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đạt tỷ lệ 89,1 %. Số tàu còn lại ở Khánh Hòa chưa lắp đặt do một số tàu thời gian qua hiệu quả khai thác không cao, thua lỗ dẫn đến đời sống ngư dân gặp nhiều khó khăn, không đủ kinh phí mua sắm trang thiết bị. Một số tàu cá khác đã tạm ngưng hoạt động khai thác, nằm bờ hoặc chờ chuyển nhượng.

Toàn tỉnh Khánh Hòa còn 191 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên chưa được kiểm tra cấp chứng nhận ATTP. Nguyên nhân một số tàu cá khai thác các loại thủy sản chỉ phục vụ tiêu thụ ở các thị trường nhỏ lẻ, không cung cấp cho các công ty xuất khẩu nên chủ tàu không có nhu cầu đăng ký cấp giấy chứng nhận.

Ngoài ra, công tác tuần tra xử lý vi phạm khai thác theo IUU còn hạn chế, việc quản lý giám sát hoạt động tàu cá gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân lực lượng Kiểm ngư địa phương thuộc Chi cục Thủy sản Khánh Hòa cũng chưa được thành lập kiện toàn nên thiếu căn cứ pháp lý trong quá trình hoạt động và xử lý vi phạm.

Kiểm tra chất lượng cá ngừ ở cảng cá Hòn Rớ, TP Nha Trang. Ảnh: KS.

Kiểm tra chất lượng cá ngừ ở cảng cá Hòn Rớ, TP Nha Trang. Ảnh: KS.

Công tác xác nhận, chứng nhận nguyên liệu thủy sản khai thác cũng gặp khó khăn. Nguyên nhân, một số tỉnh ngoài chưa cập nhật đầy đủ thông tin dữ liệu trên hệ thống dữ liệu nghề cá Quốc gia nên việc đối chiếu thông tin trên các xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác từ các Ban Quản lý Cảng cá tỉnh ngoài, để cấp chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác còn gặp nhiều khó khăn, chậm trễ trong xuất khẩu lô hàng của doanh nghiệp.

Trước những khó khăn, tồn tại trên, Sở NN-PTNT Khánh Hòa đề xuất đối với Trung Ương chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra trên các vùng biển giáp ranh để kịp thời hỗ trợ cho các tàu cá gặp sự cố khi hoạt động khai thác trong vùng biển xa. Sớm đàm phán phân định ranh giới biển Việt Nam với các quốc gia liên quan nhằm quản lý hoạt động khai thác hải sản trên biển tốt hơn, góp phần ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng ngư dân và tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển các nước để đánh bắt hải sản trái phép.

Đồng thời tổ chức, hướng dẫn các đơn vị cấp xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác thực hiện đúng theo đúng quy định. Cũng như có hướng dẫn và quy định cụ thể đối với các trường hợp thực hiện chứng nhận thủy sản khai thác với hình thức mua bán nguồn nguyên liệu thủy sản qua hợp đồng công chứng có giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản bản gốc. Và, sớm triển khai phầm mềm truy xuất nguồn gốc điện tử, nhằm phục vụ tốt hơn trong công tác Xác nhận và chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác.

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.