| Hotline: 0983.970.780

Nhiều nghi vấn xung quanh vụ phá rừng Xuân Lẹ

Thứ Ba 24/09/2019 , 08:33 (GMT+7)

Ba năm lại đây, chưa bao giờ rừng Xuân Lẹ (huyện Thường Xuân, Thanh Hóa) được yên.

Từ vụ chặt phá 35 cây cổ thụ bị phát hiện ngày 16/4/2019, nhiều câu hỏi về trách nhiệm của chủ rừng, chính quyền địa phương và ngành chức năng được đặt ra.

Gỗ bị đốn hạ là táu muối hay sến?

Theo ông Phạm Thăng Long, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Thường Xuân, số lượng cây gỗ bị đốn hạ trong tháng 4 chỉ là 14 cây với tổng khối lượng là 24m3. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Vân, Trưởng phòng Thanh tra Pháp chế Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa cho biết, số lượng cây gỗ bị đốn hạ không phải 14 cây mà là 35 cây.

21-05-55_1
Nhiều nghi vấn xung quanh chủng loại và khối lượng gỗ trong vụ phá rừng tại Xuân Lẹ.

“Ngày 16/4, lực lượng kiểm lâm phát hiện tại Tiểu khu 526, thuộc các lô 19, 26, 32, 55, 89, 92 có 35 cây táu muối bị đốn hạ với tổng khối lượng 24m3. Đây là rừng đã được giao cho 4 hộ dân tại thôn Liên Sơn, xã Xuân Lẹ khoanh nuôi bảo vệ.

Sau khi kiểm đếm số lượng, vì tính chất vụ việc nghiêm trọng, căn cứ theo chức năng thẩm quyền, ngày 2/5, Hạt Kiểm lâm Thường Xuân đã ra quyết định khởi tố vụ án và chuyển công an tiếp tục điều tra xử lý theo pháp luật. Theo thông tin ban đầu, lực lượng chức năng đã xác định được 3 đối tượng cùng trú tại thôn Liên Sơn có liên quan đến vụ việc”, ông Vân cho biết.

Ông Đỗ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân; ông Lê Quốc Việt, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa và ông Vân đều cho rằng, số gỗ bị chặt tại Tiểu khu 526 đều là gỗ táu muối (xếp nhóm VII), không có giá trị kinh tế cao.

Tuy nhiên, khi PV cho biết, người dân nghi ngờ đây là gỗ sến, thuộc nhóm II thì ông Vân khẳng định, các mẫu gỗ đã được gửi đi giám định, cho kết quả là gỗ táu muối và hiện kết quả giám định mẫu đã được ngành công an thụ lý và giải quyết. “Những cây còn sót lại mà to thế thì toàn gỗ đểu thôi! Gỗ quý thì hết rồi”, ông Vân giải thích.

21-05-55_3
Để rừng bị tàn phá, trách nhiệm thuộc về ai?

Với hiện trường mà PV đã tiếp cận, sau khi xem hình ảnh, những người công tác lâu năm trong ngành lâm nghiệp cho rằng, đó là sến mật và một ít sến trắng. Và lượng gỗ bị đốn hạ có thể vượt xa con số trên chứ không chỉ dừng lại ở 24m3 như ngành kiểm lâm Thanh Hóa thông tin(?).
 

Trách nhiệm?

Ông Đỗ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân cho biết, trước tình hình an ninh rừng phức tạp 2 năm trước đây, Ban thường vụ Đảng ủy 2 xã Xuân Chinh và Xuân Lẹ đều bị kiểm điểm; Chủ tịch UBND xã, Trưởng công an 2 xã trên phải thuyên chuyển công tác sang địa bàn khác. Còn đến thời điểm này, an ninh rừng đã ổn định hơn trước rất nhiều(?).

Thế nhưng, những số liệu thống kê và thực trạng cho thấy, tình hình an ninh rừng tại Thường Xuân không như ông Hoan thông tin. Vài ba năm lại đây, hầu như năm nào tại Thường Xuân cũng xảy ra các vụ vi phạm lâm luật; đặc biệt là tại các xã Xuân Lẹ, Xuân Chinh. Theo thống kê của Hạt Kiểm lâm huyện Thường Xuân, năm 2017, toàn huyện xảy ra 160 vụ; năm 2018 là 120 vụ vi phạm lâm luật trên địa bàn. Trong 9 tháng đầu năm 2019 toàn huyện để xảy ra 44 vụ, trong đó có 8 vụ phá rừng, lực lượng chức năng đã xử lý vi phạm hành chính và bán đấu giá tang vật với tổng số tiền gần 530 triệu đồng.

Chỉ trong vòng 3 - 4 tháng nay, tại xã Xuân Lẹ đã xảy ra nhiều vụ phá rừng. Ngoài vụ phá rừng được phát hiện vào ngày 16/4, cách đây ít ngày, tại lô 139, Khoảnh 1, Tiểu khu 619, thuộc rừng khoanh nuôi bảo vệ được giao cho ông Vi Văn Sơn, bản Liên Sơn khoanh nuôi bảo vệ cũng xảy ra một vụ chặt phá rừng. Các đối tượng đã khai thác 29 cây gỗ có đường kính từ 14 - 35cm, gỗ nhóm 6 với tổng khối lượng 3,8m3.

21-05-55_5
Những cây cổ thụ bị đốn hạ chỉ để lấy phong lan?

Tại thời điểm tiếp cận hiện trường núi Pù Rinh vào ngày 17/9/2019, PV còn phát hiện thêm một vụ khai thác và cưa xẻ 4 cây gỗ có đường kính gốc 50 - 60cm, nghi là gỗ ngát. Trên suối Muồng, đoạn đi qua thôn Liên Sơn có 1 điểm tập kết gỗ, bao gồm gỗ xẻ thành phiến và gỗ tròn.

Ông Phạm Thăng Long, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Thường Xuân cho rằng, hiện nay công tác quản lý, bảo vệ rừng có nhiều bất cập. Trên địa bàn huyện Thường Xuân hiện có 100 nghìn ha rừng, tất cả đều đã có chủ. Trong khi lực lượng mỏng, tuyến đường 45, 48 được mở đã gây ra rất nhiều khó khăn cho công tác bảo vệ rừng. Theo quy định, mỗi kiểm lâm viên phụ trách 1.000ha rừng phòng hộ, 500ha rừng đặc dụng nhưng thực tế tại xã Xuân Lẹ, 1 kiểm lâm viên đang phụ trách 9.000ha rừng phòng hộ.

“Hai xã Xuân Chinh, Xuân Lẹ thuộc diện nghèo nhất huyện, lại sống chủ yếu dựa vào rừng. Khi đóng cửa rừng thì không tránh khỏi việc tự động vào rừng khai thác về làm nhà dù chính quyền các cấp và ngành đã tuyên truyền rất nhiều”, ông Long phân trần.

Nói về trách nhiệm của Hạt Kiểm lâm Thường Xuân và kiểm lâm viên để xẩy ra phá rừng, ông Long cho biết, đơn vị sẽ căn cứ để xếp loại cuối năm, tất nhiên là không hoàn thành nhiệm vụ; bản thân hạt trưởng cao nhất cũng chỉ hoàn thành nhiệm vụ.

[clip] Rừng Xuân Lẹ đang "chảy máu"

Ông Đỗ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân cho rằng, trên cây táu muối có nhiều phong lan, các đối tượng chặt hạ các cây cổ thụ trên chỉ với mục đích lấy phong lan bán cho thương lái Trung Quốc(?). Nhận định này khiến nhiều người nghi ngờ bởi điểm chặt phá rừng chỉ cách trung tâm thôn Liên Sơn vài giờ đi bộ. Lâm tặc không dễ gì đưa được cưa xăng vào rừng và triệt hạ hàng loạt cây như vậy mà ngành chức năng không phát hiện ngay từ đầu.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.