Ban quản lý các KCN tỉnh Thái Nguyên có chức năng quản lý và tổ chức thực hiện cung cấp dịch vụ hành chính công và các dịch vụ hỗ trợ khác có liên quan đến hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh cho nhà đầu tư trong các KCN. Đáng tiếc, BQL này cùng với các đơn vị trực thuộc có quá nhiều sai phạm suốt nhiều năm qua.
Làm bừa
Từ khi thành lập, tính đến giữa năm 2012, BQL các KCN tỉnh Thái Nguyên đã cấp 67 giấy chứng nhận đầu tư. Trong đó có tới 62 giấy được cấp cho nhà đầu tư thuê đất tại KCN Sông Công 1.
Theo quy định, thời gian triển khai dự án trong giấy chứng nhận đầu tư là 12 tháng kể từ khi được bàn giao đất. Nhưng vì không có quỹ đất sạch nên trong số 62 giấy chứng nhận đầu tư đã cấp có tới 34 giấy không được triển khai thực hiện vì nhà đầu tư không được bàn giao đất. Sở dĩ, sau hơn 10 năm, cho đến nay, diện tích đất thu hồi của KCN Sông Công 1 mới thực hiện được 75,2 ha (chiếm 29% trong tổng số 220 ha đất đã được quy hoạch).
Nhà đầu tư bị mắc kẹt hay bỏ đi nơi khác đã đành, một số nhà đầu tư đã và đang hoạt động tại KCN Sông Công 1 cũng gặp khó. Tại một số dự án, nhà đầu tư được cho thuê với diện tích lớn hơn diện tích bàn giao chỉ giới, thậm chí còn “vượt mặt” cả diện tích được cấp giấy CNQSDĐ.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp không được hưởng các điều kiện về hạ tầng cơ bản của KCN như điện, nước, hệ thống thoát nước, giao thông, cây xanh… “Soi” 28 doanh nghiệp đã và đang hoạt động tại KCN thì hầu hết đều cho thấy các ngành nghề đầu tư hoặc không đúng với ngành nghề phê duyệt, hoặc không đúng với phân khu chức năng của KCN.
Phần lớn các dự án tại KCN Sông Công 1 đều không đúng quy hoạch
Thậm chí, một số dự án lại nhảy vào nằm giữa khu vực đất cây xanh tập trung. Biết là đã làm trái quy hoạch KCN nhưng BQL cũng chưa bao giờ thực hiện điều chỉnh quy hoạch.
Ông Lê Văn Khôi (Phó trưởng BQL các KCN tỉnh Thái Nguyên) thừa nhận, thực tế trên một phần là do yếu tố khách quan của một giai đoạn đòi hỏi lấp đầy nhà đầu tư vào KCN.
Làm ẩu
Cùng với đơn vị chủ quản, tại 2 cơ quan thành viên của BQL các KCN tỉnh Thái Nguyên là Công ty Phát triển hạ tầng KCN và Trung tâm dạy nghề KCN còn có nhiều biểu hiện của việc cố ý làm trái các quy định về quản lý tài chính.
Từ tháng 1/2006, Ban Giám đốc Công ty Phát triển hạ tầng KCN đã có chủ trương dùng tiền bồi thường GPMB chưa chi, tiền ứng trước của các nhà đầu tư với tổng số 40 tỉ đồng để gửi tiết kiệm ngân hàng. Tiền lãi thu về được nhập quỹ đời sống cho cán bộ công nhân viên và chi bổ sung các hoạt động của công ty.
Theo đó, tiền được gửi vào tài khoản của bốn cá nhân là cán bộ Công ty. Số tiền lãi trên 611 triệu đồng đã được nhập quỹ đời sống của Công ty để chi trả các hoạt động chung như: chi thưởng, chi lương tháng 13, chi tham quan nghỉ mát và chi hoạt động Công ty.
Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng tỉnh Thái Nguyên nhận thấy đây là hành vi lập quỹ trái phép, có sự thống nhất của lãnh đạo Công ty trong một thời gian dài với số lượng lớn.
Còn nhiều biểu hiện khác của việc cố tình làm trái các quy định về quản lý tài chính tại Công ty Phát triển hạ tầng KCN. Theo báo cáo tài chính, tại thời điểm 31/12/2008 số dư tài khoản tiền gửi ngân hàng là 3,2 tỉ đồng. Nhưng cũng tại thời điểm đó, trong tài liệu của Công ty thể hiện một sổ tiết kiệm đứng tên ông Hoàng Công Doãn (Giám đốc Công ty) với số tiền 2,3 tỉ đồng được gửi ngày 21/8/2008, rút ngày 8/6/2009.
Phía Công ty giải thích mâu thuẫn trên là do đã rút tiền gửi ngân hàng về để gửi sổ tiết kiệm kể trên nhưng không hạch toán, không ghi chép sổ kế toán dẫn tới số dư tiền gửi trên bảng cân đối tài khoản không đúng sự thật.
Tháng 10/2009, quỹ dịch vụ tại thời điểm bàn giao thủ quỹ là 83 triệu đồng nhưng tại biên bản lại ghi nhận số dư hơn 134 triệu đồng. Phía Công ty lý giải việc sai lệch số dư là do ngày 13/3/2009 đã điều chỉnh lại phiếu thu. Nhưng bản chất của việc này là thay một số phiếu thu mới, bỏ đi phiếu thu cũ rồi lập biên bản kiểm kê quỹ tiền mặt số tiền là 62,1 triệu đồng, cho phù hợp với số dư sổ mới.
Trong khi biên bản kiểm quỹ thời điểm bàn giao là 113 triệu đồng. Vậy là khi phát hiện sai lệch, thay vì đi tìm nguyên nhân, khắc phục, lãnh đạo Công ty đã chỉ đạo lập phiếu thu mới, lập lại cả biên bản kiểm kê để làm giảm số dư theo sổ sách.
Trung tâm dạy nghề các KCN có chức năng tổ chức các lớp đào tạo nghề để quyết toán kinh phí được cấp. Tuy nhiên lợi dụng danh nghĩa đó, Trung tâm này chỉ đứng ra mở lớp rồi thuê người khác đào tạo hay chỉ thực hiện việc cấp chứng chỉ cho học viên.
Cụ thể, hai lớp A1, A2 quyết toán năm 2009 do Công ty CP Đầu tư và thương mại TNG thực hiện từ khâu tuyển sinh đến khi kết thúc lớp học. Trung tâm dạy nghề đã trả 22,5 triệu đồng, sau đó cấp chứng chỉ cho học viên với số tiền mua chứng chỉ là 225.000 đồng. Thế nhưng, số tiền quyết toán lớp học của Trung tâm dạy nghề các KCN lên đến 45 triệu đồng. Thủ thuật này cũng được áp dụng ở nhiều lớp học may công nghiệp khác.
Sai phạm như thế, nhưng cả ông Lê Văn Khôi (Phó trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh Thái Nguyên) và ông Hoàng Công Doãn (Giám đốc Công ty Phát triển hạ tầng các KCN) đều khẳng định, đơn vị đã thực hiện nghiêm túc việc kiểm điểm trách nhiệm cá nhân theo tinh thần Nghị quyết Trung ương IV. |
Đối với sai phạm tại Công ty Phát triển hạ tầng KCN, kết luận của Thanh tra tỉnh Thái Nguyên đã yêu cầu thu hồi lên đến hàng tỉ đồng, trong đó có 1,4 tỉ đồng xác định thiếu số tiền thuê lại đất và phí sử dụng hạ tầng; thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp nhưng đơn vị không báo cáo, không nộp là 124 triệu đồng; nguồn thu để ngoài sổ sách hơn 1,1 tỉ đồng.
Đối với Trung tâm dạy nghề các KCN đã đi mua hóa đơn, lập chứng từ không đúng sự thật để quyết toán theo dự toán được giao, rút số tiền chênh lệch so với thực chi, sử dụng số tiền chênh lệch trên để ngoài sổ sách kế toán. Số tiền sai phạm được xác định là trên 185 triệu đồng.
Với hàng loạt sai phạm kể trên, kết luận của Thanh tra tỉnh Thái Nguyên cũng đã xác định rõ những tồn tại, nguyên nhân dẫn đến sai phạm của các tổ chức, cá nhân đồng thời kiến nghị các biện pháp xử lý. Tuy vậy, các cá nhân liên quan vẫn “bình chân như vại” và chưa phải nhận bất kể hình thức xử lý kỷ luật nào.