| Hotline: 0983.970.780

Nhiều sai phạm trong chuyển đổi đất đai tại Hà Nội, TP.HCM và Bình Dương

Thứ Hai 21/10/2024 , 13:36 (GMT+7)

Thanh tra Chính phủ đã tiến hành kiểm tra nhiều dự án ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Bình Dương cho thấy những tồn tại, khuyết điểm, vi phạm.

Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất làm dự án tại Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương. Ảnh minh hoạ.

Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất làm dự án tại Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương. Ảnh minh hoạ.

Thanh tra Chính phủ vừa công bố kết luận thanh tra việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sản xuất, kinh doanh sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011 - 2019 của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa.

Theo đó, Thanh tra Chính phủ đã thanh tra việc chuyển mục đích sử dụng đất từ sản xuất, kinh doanh sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở đối với một số khu đất tại Hà Nội, TP.HCMBình Dương.

Sai phạm trong xác định giá đất và quản lý dự án tại 4 dự án ở Hà Nội

Theo kết luận thanh tra, tại Hà Nội, hàng loạt dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất đã vi phạm quy định pháp luật, gây thất thoát ngân sách nhà nước. Một trong những dự án điển hình là khu đất 2.291 m2 tại số 120 Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy. Khu đất này được chuyển đổi mục đích từ đất sản xuất sang xây dựng nhà cao tầng, văn phòng và dịch vụ. Tuy nhiên, số tiền chuyển mục đích sử dụng đất được phê duyệt không theo đúng phương án cổ phần hóa Tổng Công ty Thép Việt Nam, dẫn đến việc nộp ngân sách nhà nước thấp hơn giá trị thực tế tới 57,595 tỷ đồng.

Dự án này cũng đã bị đình trệ từ năm 2012, khu đất bị bỏ hoang suốt nhiều năm, dẫn đến tình trạng lấn chiếm đất của một số người dân, gây nguy cơ mất quyền sử dụng đất nhà nước. Tổng Công ty Thép Việt Nam, các cơ quan quản lý đất đai và UBND TP Hà Nội đã không thực hiện đúng trách nhiệm trong việc quản lý và xử lý các vấn đề phát sinh.

Hiện trạng khu đất tại số 120 Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: IT.

Hiện trạng khu đất tại số 120 Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: IT.

Ngoài ra, dự án tại khu đất 6.364,8 m2 tại ngõ 622 Minh Khai, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng cũng tồn tại nhiều sai phạm. Thông báo kết luận của Thanh tra Chính phủ cho biết, ngày 7/9/2017, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 6247/QĐ- UBND cho phép Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Lương thực - Thực phẩm Hà Nội chuyển mục đích sử dụng 6.364,8 m2 đất để thực hiện dự án khu thương mại, dịch vụ và chung cư cao tầng; ngày 26/4/2018, ban hành Quyết định số 2031/QĐ-UBND phê duyệt giá đất làm căn cứ tính tiền thuê đất hàng năm đối với diện tích 2.519,8 m2 thuộc dự án theo đơn giá đất sản xuất kinh doanh tại Quyết định số 96/2014/QĐ-UBND ngày 29/12/2014 của UBND TP Hà Nội là không đúng quy định. Do đó việc xác định tiền thuê đất hàng năm là không chính xác.

Trách nhiệm này thuộc về UBND TP Hà Nội và một số sở ngành liên quan (Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Hội đồng thẩm định giá đất TP).

Cũng tại dự án này, Hợp đồng hợp tác đầu tư, trong đó các bên thỏa thuận góp vốn bằng quyền thuê đất là không đúng quy định pháp luật đất đai.

Còn đối với dự án đầu tư xây dựng khu Trung tâm thương mại, dịch vụ và nhà ở tại số 275 đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội (hơn 23.000m2), Thanh tra Chính phủ cũng phát hiện một số sai phạm.

Cụ thể, từ việc góp vốn không đúng quy định, UBND TP Hà Nội thu hồi 23.380m2 đất cơ sở sản xuất của Công ty Cổ phần Cơ khí chính xác số 1, giao cho Công ty Cổ phần thương mại Hưng Việt để thực hiện dự án nhà ở, không thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng để đấu giá theo quy định.

Thanh tra Chính phủ chỉ ra loạt sai phạm tại dự án 275 Nguyễn Trãi.

Thanh tra Chính phủ chỉ ra loạt sai phạm tại dự án 275 Nguyễn Trãi.

UBND TP giao cho Công ty CP thương mại Hưng Việt 3.557 m2 đất theo hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở bán cho cán bộ, công chức Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội là vi phạm Luật Đất đai 2003.

Công ty Cổ phần Cơ khí chính xác số 1 chuyển nhượng 3,2 triệu cổ phần tại Công ty Hưng Việt cho Công ty Cổ phần Đầu tư dịch vụ tài chính Hoàng Huy theo mệnh giá, không đấu giá, không thẩm định giá cổ phần. Việc này bị kết luận là vi phạm Nghị định của Chính phủ.

Đối với khu đất rộng 14.346,6 m2 tại Pháp Vân, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai. Dự án này liên quan đến Tổng Công ty Xây dựng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trước khi cổ phần hóa. Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, các sở, ngành chức năng tại Hà Nội không lập hồ sơ trình UBND TP Hà Nội quyết định cho thuê đất và ký hợp đồng thuê đất, dẫn đến việc sử dụng đất không có căn cứ pháp lý rõ ràng.

Thêm vào đó, Tổng Công ty Xây dựng Nông nghiệp Việt Nam - Công ty cổ phần đã góp toàn bộ giá trị sử dụng đất vào việc thành lập Công ty TNHH MTV Đầu tư Phương Đông vào năm 2017. Tuy nhiên, hành vi này không đúng với quy định về cổ phần hóa và quản lý đất công, dẫn đến quyết định của UBND TP Hà Nội thu hồi đất và giao cho Công ty Phương Đông để thực hiện dự án là sai phạm. Đặc biệt, diện tích 2.503 m2 đất không phải là đất ở, nhưng lại được giao đất có thu tiền sử dụng đất, vi phạm nghiêm trọng quy định về quản lý đất đai.

Kết luận thanh tra còn chỉ ra rằng Công ty TNHH MTV Đầu tư Phương Đông đã triển khai dự án khi chưa được giao đất, chưa chuyển mục đích sử dụng đất, và chưa có giấy phép xây dựng, vi phạm quy định của Luật Đất đai 2013. Ngoài ra, công ty này đã bán 11 căn nhà liền kề và 110 căn hộ chung cư trước khi đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai, vi phạm Luật Kinh doanh Bất động sản 2014. Thậm chí, việc bán 312 căn hộ cho thuê ngắn hạn theo hình thức sở hữu lâu dài không đúng với chủ trương đầu tư đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt.

Sai phạm trong việc giao đất và quản lý dự án bất động sản tại TP.HCM

Tại TP. Hồ Chí Minh, kết luận thanh tra cũng chỉ ra hàng loạt sai phạm tại các khu đất thuộc quận Thủ Đức. Điển hình là khu đất 1.090 m2 tại số 244 Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh. Khu đất này ban đầu được sử dụng cho sản xuất kinh doanh, nhưng sau đó được chuyển mục đích sử dụng sang xây dựng nhà ở. UBND TP. Hồ Chí Minh đã cho phép chuyển đổi mà không đảm bảo các điều kiện pháp lý cần thiết, vi phạm các quy định của Luật Đất đai. Đặc biệt, quyết định giao đất không thông qua đấu giá đã gây thất thoát tài sản nhà nước.

Ngoài ra, Công ty TNHH Phát triển Nhà Thế Giới, đơn vị nhận chuyển nhượng dự án khu đất 244 Kha Vạn Cân, đã khởi công xây dựng khi chưa có giấy phép xây dựng, vi phạm Luật Xây dựng. Công ty này cũng đã huy động vốn trái phép từ người dân thông qua việc bán căn hộ trước khi hoàn thành thủ tục pháp lý, gây ra những tranh chấp pháp lý và làm ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng.

Tại khu đất 6.849,9 m2 tại đường số 22, phường Hiệp Bình Chánh, Công ty Cổ phần Vật tư và Thiết bị Toàn Bộ cũng đã chuyển đổi mục đích sử dụng đất không phù hợp với quy hoạch. UBND TP. Hồ Chí Minh đã cho phép chuyển đổi đất công nghiệp sang đất ở, nhưng không thực hiện đúng quy trình pháp lý và không đảm bảo việc xác định giá đất chính xác, gây thất thoát nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Huy động vốn trái phép và quản lý lỏng lẻo gây thiệt hại lớn tại Bình Dương

Bình Dương là địa phương có nhiều sai phạm nghiêm trọng liên quan đến quản lý và sử dụng đất đai. Thanh tra Chính phủ chỉ ra 3 dự án cũng bị đánh giá có vi phạm, chuyển sang cơ quan điều tra Bộ Công an. Với dự án khu nhà ở thương mại đường sắt Dĩ An rộng hơn 96.200 m2 vi phạm xuất phát từ việc góp vốn thành lập Công ty TNHH Phát triển nhà xe lửa Dĩ An không đúng quy định.

UBND tỉnh Bình Dương đã thu hồi 95.200 m2 đất cơ sở sản xuất của Công ty TNHH MTV Xe lửa Dĩ An và 298 m2 đất của 3 hộ dân. Tỉnh này sau đó giao cho Công ty TNHH Phát triển nhà Xe lửa Dĩ An thực hiện dự án nhà ở, không thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng khi thu hồi đất để đấu giá quyền sử dụng đất.

Ngoài ra, việc Công ty TNHH Phát triển nhà xe lửa Dĩ An bán 5 nền đất thuộc dự án nhà ở, chung cư thương mại đường sắt Dĩ An là trái với quy hoạch chi tiết 1/500 đã được UBND thị xã Dĩ An phê duyệt. Hành vi này có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt đơn giá đất tính theo thời gian thực hiện dự án điều chỉnh từ 3 năm thành 5 năm theo đề nghị của chủ đầu tư cũng có dấu hiệu sai phạm. Hành vi này dẫn đến tiền sử dụng đất bị giảm 14,7 tỷ đồng, có dấu hiệu phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo điều 219 Bộ luật Hình sự.

Với dự án khu nhà ở thương mại đường sắt trên diện tích 64.050 m2 đất tại phường Dĩ An, thành phố Dĩ An, UBND tỉnh Bình Dương cho Công ty TNHH Phát triển nhà xe lửa Dĩ An sử dụng để thực hiện dự án không đấu giá quyền sử dụng đất. Việc này có dấu hiệu vi phạm hình sự.

Thanh tra cho rằng từ tháng 12/2016 đến nay cũng chưa xác định nghĩa vụ tài chính để thu ngân sách trong việc giao 64.050 m2 đất, nguy cơ thất thu ngân sách với số tiền khoảng 220 tỷ đồng.

Công ty TNHH Phát triển nhà xe lửa Dĩ An còn chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính, chưa được Sở xây dựng Bình Dương thông báo dự án đủ điều kiện huy động vốn. Thế nhưng doanh nghiệp đã sử dụng 64.050 m đất để ký hợp đồng huy động vốn hợp tác đầu tư với 387 nền đất liền kề. Việc này bị thanh tra đánh giá có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản theo pháp luật hình sự.

Với dự án khu nhà ở thương mại đường sắt mở rộng trên diện tích 47.800 m2, Công ty TNHH Phát triển nhà xe lửa Dĩ An ký hợp đồng huy động vốn khi chưa có quyền sử dụng đất, chưa được phê duyệt dự án đầu tư, cấp phép xây dựng.

Từ năm 2018 và đến nay, công ty còn nợ tiền huy động vốn từ khách hàng khoảng 191 tỷ đồng. Hành vi này có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tải sản. Tiền huy động vốn từ khách hàng, công ty không thể hiện trên báo cáo tại chính nên có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự về kế toán.

Sau khi chỉ ra cái sai phạm và chuyển hồ sơ điều tra, Thanh tra Chính phủ còn kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm với tập thể, cá nhân lãnh đạo UBND TP Hà Nội, TP. HCM và Bình Dương các thời kỳ có liên quan đến những tồn tại, khuyết điểm, vi phạm nêu tại kết luận.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.