| Hotline: 0983.970.780

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang:

Nhiều tỉnh buông lỏng khai thác khoáng sản

Thứ Ba 30/09/2014 , 10:04 (GMT+7)

Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang cho biết vẫn còn những tỉnh vi phạm trong cấp phép khai thác khoáng sản đã được nhắc nhở nhưng không chịu xử lý…

* Báo cáo Thủ tướng xử lý 

Buông lỏng quản lý

Số liệu Thứ trưởng Bộ Công an – Thượng tướng Lê Quý Vương cung cấp, từ năm 2008 đến nay có hơn 6.200 vụ vi phạm pháp luật về khai thác tài nguyên, xử phạt trên 40 tỷ đồng, đề nghị khởi tố 4 vụ, 16 đối tượng, trong đó có 3.343 vụ liên quan đến hoạt động khai thác tiêu thụ cát sỏi trên các dòng sông.

Ông nêu rõ 8 vấn đề nổi cộm qua rà soát 957 giấy phép cấp từ 1/7/2011 đến 31/12/2012: Một là cấp phép không đúng thẩm quyền, điển hình tại các tỉnh: Vĩnh Long, Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa, Đồng Nai…; Hai là cấp phép khi không có đăng ký kinh doanh ngành nghề khai thác khoáng sản; Ba là cấp phép thăm dò không thông qua hình thức lựa chọn tổ chức, cá nhân, không đấu giá quyền khai thác; Bốn là cấp phép khai thác khi hồ sơ không có dự án đầu tư khoáng sản; Năm là cấp phép khai thác khi không có giấy chứng nhận đầu tư; Sáu là cấp phép khi chưa có quy hoạch được cơ quan thẩm quyền phê duyệt; Bảy là cấp phép khi không có báo cáo đánh giá về tác động môi trường; Tám là cấp phép khi chưa được phê duyệt trữ lượng khoáng sản.

Theo ông, công tác quản lý sau cấp phép ở một số địa phương cần phải quan tâm, đây là nguyên nhân dẫn đến tàn phá môi trường, thất thoát lãng phí tài nguyên, mất an toàn lao động và gây mất trật tự an ninh xã hội.

Chuyện khai thác cũng liên quan đến vấn đề xuất khẩu khoáng sản, nhiều công ty được phép xuất khẩu nhưng lại không đáp ứng được yêu cầu như giấy phép.

Thí dụ, Cty CP Quốc tế Hưng Thái (Thái Nguyên) xin xuất khẩu 360 nghìn tấn quặng tồn kho, nhưng thực tế báo cáo tồn kho kê khai năm 2012 chỉ đạt trên 54%, không đảm bảo. “Như vậy giữa đăng ký xuất khẩu và khai thác có những dấu hiệu gian lận", Tướng Vương nói.

Về nội dung này, báo cáo trước UBTVQH, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết trong những năm gần đây Bộ TN&MT thường xuyên tăng cường kiểm tra việc cấp phép khai thác khoáng sản.

Cụ thể, năm 2012, Bộ đã lập biên bản 35 đơn vị với số tiền 513,9 triệu đồng; kiến nghị UBND tỉnh, thành phố liên quan thu hồi 15 giấy phép khai thác khoáng sản cấp không đúng quy định của pháp luật về khoáng sản; đề nghị tạm đình chỉ 2 giấy phép khai thác khoáng sản.

Năm 2013, Bộ đã thanh tra định kỳ việc chấp hành pháp luật về khoáng sản đối với một số doanh nghiệp và địa phương, đã phát hiện và đề nghị xử phạt vi phạm hành chính đối với 12 đơn vị với tổng số tiền xử phạt 305,5 triệu đồng; phát hiện và đề nghị UBND các tỉnh: Bình Định, Trà Vinh không gia hạn 15 giấy phép khai thác khoáng sản không đủ điều kiện gia hạn và thu hồi 1 giấy phép khai thác cấp không đúng quy định tại tỉnh Trà Vinh.

Trong 8 tháng đầu năm 2014, Bộ tiến hành thanh tra chuyên đề hoạt động thăm dò, khai thác nước khoáng tại 5 tỉnh: Phú Thọ, Hòa Bình, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu; kiểm tra định kỳ hoạt động khoáng sản tại 2 tỉnh: Hà Giang, Nghệ An; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về khoáng sản của các tổ chức, cá nhân được cấp phép tại 6 tỉnh: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Nghệ An, Thanh Hóa, Phú Thọ, Thái Nguyên; kiểm tra hoạt động khai thác cát trái phép tại tỉnh Thanh Hóa và nhiều đợt kiểm tra đột xuất khác.

Kết quả, Bộ đã xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 5,26 tỷ đồng; thu hồi 1 giấy phép khai thác do quá thời gian quy định mà không đưa mỏ vào hoạt động.

Đến nay, đối với 22 tỉnh có vi phạm trong việc cấp giấy phép, đã có 18/22 tỉnh gửi báo cáo và đã triển khai, khắc phục vi phạm, gồm: Bắc Ninh, Bình Định, Đắk Nông, Đồng Nai, Hòa Bình, Kon Tum, Lai Châu, Lào Cai, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Vĩnh Long, Khánh Hòa, Phú Yên, Tây Ninh; 2 tỉnh là Phú Yên, Tây Ninh đã khắc phục nhưng chưa triệt để.

Các tỉnh Bình Định, Đồng Nai, Hòa Bình, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Quảng Ngãi, Vĩnh Long đã khắc phục vi phạm, nhưng chưa có báo cáo nội dung việc kiểm điểm tổ chức, cá nhân liên quan. Tỉnh Điện Biên cấp phép khai thác khoáng sản sai thẩm quyền, Bộ đã yêu cầu xử lý nhưng không thực hiện. Bộ trưởng Quang khẳng định, đối với trường hợp các địa phương không chấp hành thì Bộ sẽ báo cáo với Thủ tướng Chính phủ để có phương án xử lý.

Rút ruột tài nguyên, xử lý quá nhẹ

Chưa thực sự hài lòng với cách thức xử lý đối với việc vi phạm trong cấp phép khai thác khoáng sản, nhiều đại biểu cho rằng tài nguyên đất nước đang bị thất thoát mà cách thức xử lý còn quá nhẹ. ĐB Đỗ Văn Đương, Thường trực Ủy ban Tư pháp QH khẳng định đây là hành vi rút ruột tài sản quốc gia, hủy hoại nghiêm trọng môi trường.

Nhưng không dễ để thực hiện hành vi này mà phải có sự tiếp tay của các cán bộ có thẩm quyền. “Ăn hết tài sản quốc gia như vậy phải kỉ luật, truy cứu trách nhiệm hình sự chứ xử lý hành chính thì quá nhẹ", ĐB Đương bức xúc. Ông đề nghị trong Bộ luật Hình sự (sửa đổi) cần quy định điều chỉnh những hành vi sai phạm trong cấp phép khai thác khoáng sản. Bộ trưởng Quang thừa nhận việc xử lý vi phạm trong khai thác khoáng sản quá nhẹ, nhưng là làm theo quy định của pháp luật. Người đứng đầu Bộ TN&MT cũng đồng tình là cần có quy định nặng hơn, thậm chí là thu hồi tiền và truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cần 2.000 tỉ đo lại đất nông lâm trường

Quan tâm đến vấn đề quản lý và sử dụng đất đai tại các nông lâm trường, ĐB Danh Út, Phó Chủ tịch HĐ Dân tộc QH đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết nguyên nhân dẫn tới tỉ lệ cấp quyền sử dụng đất ở các nông lâm trường rất thấp, liệu có phải đất đai chỉ còn nằm trên sổ sách và đã bị chiếm dụng? Nêu số liệu trên 300 ngàn hộ dân các tỉnh miền núi còn thiếu đất sản xuất trong khi quỹ đất nông lâm trường còn tới 400 ngàn ha để hoang phí, ông Út yêu cầu Bộ TN&MT có hướng xử lý? Tiếp ý quản lý sử dụng đất nông lâm trường, ĐB Chu Sơn Hà, HN băn khoăn về nguồn lực, nhân lực để thực hiện việc rà soát đất đai. “Việc cấp giấy chứng nhận sử dụng đất vào năm 2015 có hoàn thành được như Bộ trưởng đã hứa?”, ông Hà đặt câu hỏi.

Trả lời, Bộ trưởng Quang cho biết hiện đang định hướng các tỉnh tổ chức đo vẽ lại hiện trạng đất đai ở các nông lâm trường và đã báo cáo với Chính phủ rằng Bộ TN&MT quyết tâm hoàn thành việc đo vẽ vào năm 2015. 

Về nguồn lực, Bộ tính toán sẽ phải trình Chính phủ dành khoản tiền khoảng 2.000 tỉ để đo vẽ và dứt khoát phải có tiền mới làm được. Tất nhiên là hoạt động quản lý đất đai còn phụ thuộc cả trách nhiệm các địa phương, trách nhiệm của Bộ chủ quản các nông lâm trường… “Những việc cụ thể các tỉnh sẽ làm, Bộ TN&MT không thể làm trực tiếp”, Bộ trưởng Quang phân trần.

Về nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ cấp giấy chứng nhận sử dụng đất thấp và hướng xử lý quỹ đất đang sử dụng không hiệu quả, Bộ trưởng Quang cho biết có rất nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân lớn nhất vẫn là ranh giới đất đai không rõ ràng và hiện hầu hết các nông trường đã chuyển sang hoạt động dưới hình thức Ban quản lý nên không có kinh phí để thực hiện thuê đất. 

Để xử lý những quỹ đất hoạt động không hiệu quả, Bộ trưởng Quang tán thành gợi ý của ĐB Danh Út là sau khi rà soát xong sẽ ưu tiên giao đất sản xuất cho bà con dân tộc miền núi.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Vụ học sinh Khánh Sơn ngộ độc: Phát hiện rong biển cơm cuộn có vi khuẩn

Cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa đã kết thúc điều tra, chỉ ra nguyên nhân 29 học sinh ở huyện Khánh Sơn bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn cơm cuộn.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm