| Hotline: 0983.970.780

Nhiều vườn cây bị cháy lá và chết bất thường

Thứ Năm 06/06/2024 , 07:40 (GMT+7)

VĨNH LONG Theo Phòng NN-PTNT huyện Long Hồ, nguyên nhân nhiều vườn cây ăn trái của người dân bị chết và cháy lá một phần do nước xả thải của những hộ nuôi lươn.

Vườn sầu riêng của một nhà vườn tại Vĩnh Long bị rụng lá, héo đọt. Ảnh: TL.

Vườn sầu riêng của một nhà vườn tại Vĩnh Long bị rụng lá, héo đọt. Ảnh: TL.

Tại Vĩnh Long - địa phương chuyên canh cây ăn trái của vùng ĐBSCL, năm nay hầu hết nông dân đều phấn khởi do trái cây bán được giá cao, trong đó có sầu riêng và chôm chôm.

Tuy nhiên, theo thông tin từ nhiều chủ vườn tại huyện Long Hồ, nhiều tháng qua họ mất ăn mất ngủ do vườn cây ăn trái của gia đình chết dần chết mòn, dù tìm đủ mọi cách cứu cây nhưng không có hiệu quả.

Ông Đoàn Văn Hiểu ở xã An Bình (huyện Long Hồ) buồn rầu chia sẻ, ông thường xuyên theo dõi thông tin hạn mặn, không tưới nước khi độ mặn vượt mức cho phép. Tuy nhiên gần đây, 2 công vườn chôm chôm đang chuẩn bị cho trái của ông bỗng có hiện tượng cháy lá, khô đọt non và một số cây bị chết. 

"Đợt mưa đầu mùa tôi đã bón phân để vườn chôm chôm phục hồi nhưng kết quả không mấy khả quan, không hiểu nguyên nhân do đâu", ông Hiểu cho biết.

Qua ghi nhận tại xã Bình Hòa Phú (huyện Long Hồ), nhiều vườn sầu riêng và cây cảnh mai vàng cũng bị tình trạng tương tự.  

Ông Trương Hữu Sang ở xã Bình Hòa Phú cho hay, trước đó vườn sầu riêng của ông có hiện tượng rụng lá, cây suy kiệt và chết dần. Sau khi đốn bỏ, ông trồng lại nhưng chưa được bao lâu thì cây tiếp tục bị cháy lá, khô đọt non và chết.

Đoàn khảo sát của huyện Long Hồ đang tìm hiểu nguyên nhân nhiều vườn cây bị cháy lá. Ảnh: TL.

Đoàn khảo sát của huyện Long Hồ đang tìm hiểu nguyên nhân nhiều vườn cây bị cháy lá. Ảnh: TL.

Theo phản ánh của nông dân, thời gian qua nhiều hộ đã tự khoan giếng để lấy nước ngầm phục vụ việc nuôi lươn và trong quá trình nuôi có sử dụng muối khử khuẩn bể làm nước nhiễm mặn. Sau đó họ xả trực tiếp ra ao hồ, do không hay biết, người dân đã lấy nước nhiễm mặn tưới cây, dẫn đến thiệt hại nặng nề.

Ông Hồ Thế Nhu, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Long Hồ xác nhận, hiện có khoảng 1ha vườn cây ăn trái của người dân trên địa bàn bị thiệt hại, cùng nhiều vườn cây bị cháy lá làm ảnh hưởng đến năng suất nhưng chưa thống kê được được con số cụ thể.

Phòng NN-PTNT huyện Long Hồ đã phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Vĩnh Long cùng các đơn vị liên quan đã khảo sát tình hình thiệt hại vườn cây ăn trái tại địa phương. 

Ông Nhu thông tin, nguyên nhân khiến các vườn cây ăn trái bị thiệt hại không chỉ do ảnh hưởng từ nước xả thải trực tiếp của những hộ nuôi lươn ra sông rạch mà còn do nhiều yếu tố khác như thời tiết nắng nóng, mùa khô hạn kéo dài, nhiệt độ môi trường cao. Bên cạnh đó, kỹ thuật canh tác của các hộ dân khác nhau, một số hộ bỏ vườn lâu ngày không tưới dẫn đến hiện tượng cây bị cháy lá, khô đọt, chết nhánh, dúm lá và chết cây.

Đơn vị khảo sát đang tiến hành đo độ mặn tại địa phương bị ảnh hưởng: Ảnh: TL.

Đơn vị khảo sát đang tiến hành đo độ mặn tại địa phương bị ảnh hưởng: Ảnh: TL.

"Trước đây, khoảng 3 - 4 ngày độ mặn giảm xuống mức cho phép thì nông dân có thể tưới nước để cây phát triển. Năm nay ngược lại, độ mặn cao duy trì thường xuyên, kéo dài nhiều ngày, nếu nông dân chủ quan không đo độ mặn trong mương vườn trước khi tưới cũng sẽ ảnh hưởng đến cây trồng", ông Nhu cho biết thêm.

Cũng theo ông Nhu, huyện Long Hồ và ngành chuyên môn sẽ tiếp tục đề ra giải pháp phù hợp để hỗ trợ nhà vườn phục hồi các vườn cây bị thiệt hại.

Ông Nhu thông tin, trong 135 hộ viết đơn gửi đến UBND huyện Long Hồ đề nghị tìm nguyên nhân cây chết, có 68 hộ yêu cầu các hộ nuôi lươn bồi thường thiệt hại do xả nước thải làm ảnh hưởng tới cây trồng. UBND huyện và các sở, ngành liên quan đang chuẩn bị đối thoại với các hộ liên quan để tìm hướng giải quyết.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Công Thức (Chi Cục Thủy sản tỉnh Trà Vinh), bà con thường sử dụng nước ngầm để nuôi lươn với độ mặn đến 2 - 3‰ chúng vẫn sống và hạn chế được dịch bệnh. Tuy nhiên, người dân khai thác nước ngầm để nuôi lươn sau đó xả nước nhiễm mặn trực tiếp ra ao, hồ làm nước tưới cho cây trồng có thể gây thiệt hại nghiêm trọng.

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Nghệ An tiêu hủy gần 5.000 con lợn do nhiễm dịch tả lợn Châu Phi

Dịch tả lợn Châu Phi đang chuyển biến khó lường trên địa bàn Nghệ An, một số huyện đang lo ngay ngáy khi vật nuôi nhiễm bệnh với số lượng khá lớn.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.