Nhiều xã của tỉnh Bắc Giang đã có văn bản kiến nghị giữ lại chức danh khuyến nông, thú y cơ sở và nên bỏ một số chức danh khác ở cấp xã.
Thú y cơ sở xã Đồng Tâm hướng dẫn nông dân phòng bệnh cho gà |
Ngày 16/4/2018, UBND xã Phúc Hòa có văn bản tham gia ý kiến vào phương án quy định chức danh, số lượng người hoạt động không chuyển trách cấp xã và thôn gửi Phòng Nội vụ huyện Tân Yên.
Văn bản nêu: “Với phương án trong mục 1.4 của công văn 367 (không bố trí chức danh khuyến nông và thú y cơ sở cấp xã, nhân viên khuyến nông và thú y ở thôn) cần nghiên cứu kỹ. Vì đối với những xã chủ yếu là phát triển nông nghiệp, không bố trí viên chức thú y và viên chức khuyến nông như hiện nay thì hết sức khó khăn trong công tác chỉ đạo chuyên môn. Vì vậy phải giữ nguyên (cấp thôn thì trưởng thôn hoặc phó thôn thực hiện nhiệm vụ này)...".
Để sắp xếp, tinh giản bộ máy, UBND xã Phúc Hòa cho rằng, nhiều chức danh khác nên thực hiện chế độ kiêm nhiệm. Ví dụ: Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban Công tác mặt trận; Trưởng thôn có thể kiêm nhiệm thêm chức danh Thôn đội trưởng; Phó thôn kiêm nhiệm cán bộ y tế, dân số. Còn ở cấp xã, mỗi xã chỉ nên bố trí 15 chức danh không chuyên trách (như phương án của Sở Nội vụ).
Đồng tình với quan điểm trên, UBND các xã Cao Xá, Ngọc Thiện, Ngọc Lý (huyện Tân Yên); Phổn Xương, Đồng Tâm (huyện Yên Thế)... cũng đề nghị cần phải giữ nguyên hai chức danh khuyến nông và thú y cơ sở cấp xã. Bởi nguồn thu của các địa phương chủ yếu từ nông nghiệp; không thể khuyết hai chức danh này.
"Quan điểm của tôi, hai chức danh trên là rất cần thiết trong thực hiện các nhiệm vụ của địa phương. Bởi nông nghiệp chiếm 80% GDP của xã. Nếu không may xảy ra dịch bệnh mà không có lực lượng khuyến nông, thú y thì toàn xã nháo nhác, chẳng lẽ lại điều kế toán, cán bộ văn phòng xã... đi giải quyết. Và tỉnh Bắc Giang cần có phương án bố trí hợp lý để không buông bỏ họ", ông Vũ Trọng Dũng, Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm, huyện Yên Thế chia sẻ.
Bà Trần Thị Ánh Tuyết - Trưởng phòng Nội vụ huyện Yên Thế cho biết, hầu hết các xã đều kiến nghị giữ lại chức danh khuyến nông, thú y cơ sở hoặc chuyển họ sang vị trí khác là công chức xã. Bởi trình độ năng lực chuyên môn của các thú y, khuyến nông cơ sở cấp xã hiện nay hoàn toàn đủ tiêu chuẩn trở thành công chức xã.
Đồng tình với quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Thanh Xuân - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Yên Thế khẳng định: "Qua nghiên cứu dự thảo về việc sắp xếp, tinh giản bộ máy cán bộ bán chuyên trách cấp xã, thôn, chúng tôi thấy cần phải giữ lại đội ngũ khuyến nông và thú y cơ sở vì đây là lực nòng cốt, quan trọng và thực hiện các nhiệm vụ của địa phương rất có hiệu quả như xây dựng mô hình, chuyển giao kỹ thuật mới, tư vấn, hỗ trợ chuyên môn cho nông dân...
Nếu cắt bỏ đội ngũ chân rết này, chúng tôi không thể nắm bắt tình hình cụ thể tại từng cánh đồng, từng chuồng trại, không có đầy đủ dữ liệu để tham mưu cho lãnh đạo huyện thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo chỉ đạo phát triển kinh tế nông nghiệp của địa phương".
"Hiện Phòng Nông nghiệp huyện chỉ có 6 biên chế. Thực tế, hệ thống khuyến nông, thú y cơ sở tại Bắc Giang đã được hình thành và công tác ổn định hàng chục năm nay giống như biên chế chính thức của địa phương. Khi Sở Nội vụ có văn bản dự thảo số 367, tâm tư của các cán bộ bán chuyên này rất xáo trộn. Rất mong tỉnh sẽ có lộ trình để sắp xếp, bố trí các cán bộ này hợp lý để họ được thực hiện công tác chuyên môn khuyến nông và thú y tại cơ sở", bà Nguyễn Thị Thanh Xuân. |