Tại xã Gia Phú, vùng rau an toàn được quy hoạch tại các thôn Giao Ngay, Giao Tiến, Bến Phà, Chính Tiến, Soi Cờ… Các hộ sản xuất ở đây đã mạnh dạn chuyển đổi, cải tạo đất để trồng dưa chuột, đậu cô ve, đậu đũa leo dàn, bắp cải, cà chua, rau thơm các loại...
Ông Nguyễn Văn Tuất ở thôn Chính Tiến có hơn 2ha đất trồng luân canh, xen canh các loại rau màu, lấy ngắn nuôi dài. Với diện tích canh tác này, sau khi trừ chi phí gia đình ông thu về khoảng 300 triệu đồng mỗi năm. Ông hiện đang thu hoạch những quả dưa chuột cuối vụ và chuẩn bị làm đất để xuống giống trồng su hào, bắp cải.
"Sau khi dọn vườn, thu gom phụ phẩm nông nghiệp, tôi sẽ cho cày xới, phơi đất và bổ sung phân bón hữu cơ vi sinh trichoderma, bón lót giúp xử lý vi khuẩn có hại trong đất. Cơ bản, người dân không dùng thuốc trừ sâu, trừ cỏ mà quan tâm nhiều đến sản xuất theo hướng hữu cơ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm", ông Tuất cho hay.
Trước đây, bà con chăm bón theo thói quen, chưa có quy trình kỹ thuật. Vụ nào trồng biết vụ đó, sử dụng các loại phân khác nhau gồm cả phân hóa học, phân chuồng, phân hữu cơ hoai mục... và chưa quan tâm đến khử khuẩn, cải tạo dinh dưỡng để đất tốt hơn.
Khi đất chưa được xử lý kỹ, người dân trồng 2 vụ dưa chuột liên tục gặp rất nhiều sâu bệnh, quả còi cọc. Sau khi được cán bộ khuyến nông hướng dẫn cải tạo đất, hiện có những hộ trồng được 3 vụ dưa chuột một năm. Hết vụ, đất được phục hồi dưỡng chất là có thể xuống lứa tiếp theo, đáp ứng cho sinh trưởng và phát triển của cây.
Theo kinh nghiệm lâu năm của ông Nguyễn Văn Tuất, đối với dưa chuột, bầu, mướp, bí chỉ bón phân gà, phân lợn chưa hẳn tốt vì những cây này thu hoạch liên tục, ngày nào cũng hái quả. Khi bón, 5-6 ngày sau cây mới hấp thụ được thì phần trên đã bị suy dinh dưỡng. Vì vậy, để đảm bảo chất lượng nên phối trộn phân hữu cơ giúp dinh dưỡng kéo dài trong đất.
Tại thôn này, nhiều hộ canh tác lớn còn đầu tư hệ thống tưới rửa, tưới văng để giảm công sức chăm sóc. Có hộ tính tới việc khoan giếng lấy nước thay cho nước ao để đảm bảo sức khỏe cây trồng.
Ông Nguyễn Xuân Hưng ở thôn Soi Cờ có hơn 4.000m2 đất canh tác rau màu. Sau khi bị ngập úng gia đình ông đã cải tạo ngay lại đất để xuống giống trồng mướp đắng cho kịp vụ. Đến nay, mướp đắng đã bắt đầu cho thu hoạch.
"Nhà tôi đất khó làm, mùa mưa hay ngập úng, nhưng cứ cày lên, rồi rải vôi bột để đất ráo thì mình làm. Đất cải tạo hàng năm bằng phân hữu cơ, phân chuồng, nên cũng đỡ tốn kém chi phí, năng suất chất lượng tăng lên thay vì bị chết xanh như trước", ông Nguyễn Xuân Hưng cho hay.
Trước đó, mưa lũ xảy ra trên địa bàn, nhiều diện tích rau màu của xã này bị ngập nước, ảnh hưởng cuộc sống, sản xuất của người dân. Sau khi nước rút, chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn trực tiếp xuống cơ sở hướng dẫn bà con triển khai các biện pháp tiêu úng, phục hồi diện tích rau, màu nhanh nhất có thể.
Theo ông Lê Khánh Trọng, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Phú (huyện Bảo Thắng, Lào Cai), thực hiện Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy Lào Cai về chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa, xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con nhân dân chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển các loại rau, củ, quả là cây trồng tiềm năng, thế mạnh của địa phương; đưa những cây, con giống có năng suất, chất lượng tốt vào gieo trồng, thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển bền vững, nâng cao thu nhập cho nông dân. Hiện nay, diện tích canh tác rau màu của xã đã được quy hoạch mở rộng lên tới 50ha.
Để hướng tới vùng sản xuất rau an toàn, người dân được hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật, trong đó sử dụng các biện pháp phòng trừ sâu bệnh sinh học, cải tạo, nâng cao chất dinh dưỡng của đất theo hướng hữu cơ. Xã cũng đề xuất xây dựng hệ thống tưới tiết kiệm và hỗ trợ những hộ làm giàn bê tông lưới kẽm để gia tăng hiệu quả sử dụng đất...