| Hotline: 0983.970.780

Nhìn lại thắng lợi vụ hè thu: Linh hoạt né cực đoan

Thứ Ba 03/09/2024 , 06:00 (GMT+7)

Vụ hè thu năm 2024 trên cả nước đã cơ bản tránh được thời tiết cực đoan và sâu bệnh do tuân thủ khung thời vụ của Bộ NN-PTNT đưa ra.

LTS: Ít năm nào, vụ hè thu ở các tỉnh phía Nam đối mặt với rất nhiều khó khăn như năm 2024, nhất là hạn mặn diễn biến phức tạp ở các tỉnh ĐBSCL, nắng hạn khốc liệt ở các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, nhiều nguy cơ bùng phát dịch hại, giá cả vật tư vẫn ở mức cao… Vượt qua tất cả, vụ hè thu 2024 thắng lợi lớn khi lúa được mùa, giá cao, nông dân phấn khởi.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung, vụ hè thu năm 2024 trên bình diện cả nước đã đạt được những thành công nhất định, cùng với đó giá lúa gạo đang cao, giúp nông dân tăng thu nhập. Năng suất lúa hè thu cả nước tăng khoảng 2 tạ/ha so với vụ hè thu năm 2023.

Đây là những con số hết sức tích cực và đáng mừng vì vụ hè thu của các tỉnh phía Nam phải đối mặt với hạn hán, xâm nhập mặn, các hình thái thời tiết cực đoan.

Theo Thứ trưởng Hoàng Trung, sau vụ hè thu, Bộ NN-PTNT đã sớm đưa ra chỉ đạo về sản xuất vụ thu đông 2024. Ảnh: Tùng Đinh.

Theo Thứ trưởng Hoàng Trung, sau vụ hè thu, Bộ NN-PTNT đã sớm đưa ra chỉ đạo về sản xuất vụ thu đông 2024. Ảnh: Tùng Đinh.

Từ thắng lợi của vụ hè thu năm nay, xin Thứ trưởng chia sẻ những bài học kinh nghiệm để công tác chỉ đạo sản xuất tốt hơn cho các năm tới đây?

Vụ hè thu 2024, các địa phương từ miền Trung trở vào Nam đã tuân thủ rất tốt thời vụ sản xuất rất ngặt nghèo, nhờ đó đã tránh được sâu bệnh, hạn hán, xâm nhập mặn cũng như các điều kiện thời tiết bất lợi. Các địa phương đã chủ động bám sát kế hoạch, khung thời vụ theo đúng chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, đặc biệt là các khâu kỹ thuật đã được Cục Trồng trọt phổ biến trong các hội nghị triển khai sản xuất. Ngược lại, cục bộ một số nơi sản xuất lệch khung thời vụ do Cục Trồng trọt khuyến cáo đã có khoảng hơn 1.600ha bị ảnh hưởng.

Tại hội nghị sơ kết sản xuất trồng trọt năm 2024 và triển khai kế hoạch sản xuất trồng trọt năm 2025 tại các tỉnh, thành vùng ĐBSCL tại Long An vừa qua, nhiều bài học, kinh nghiệm từ vụ hè thu năm 2024 đã được đúc kết, chia sẻ. Đầu tiên phải kể đến trong chỉ đạo sản xuất, các địa phương cần bám sát theo chỉ đạo chung của Bộ NN-PTNT.

Bên cạnh đó, cần tổ chức kiểm tra, khảo sát thực tế để xác định kế hoạch xuống giống ở cơ sở có phù hợp với khung thời vụ hay không.

Về canh tác, để ứng phó với hạn mặn, các địa phương cần chủ động trong tưới tiêu, tích trữ nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt.

Lúa hè thu 2024 ở ĐBSCL rất sạch sâu bệnh, năng suất cao dù đối mặt nhiều điều kiện cực đoan. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Lúa hè thu 2024 ở ĐBSCL rất sạch sâu bệnh, năng suất cao dù đối mặt nhiều điều kiện cực đoan. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Thực tế, các đơn vị của ngành thủy lợi đã làm rất tốt, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn của lĩnh vực trồng trọt để xác định giai đoạn cao điểm xuống giống, dự báo thời tiết, dự báo nguồn nước để địa phương chủ động ứng phó và chỉ đạo sản xuất, tránh thiệt hại.

Việc phòng trừ sâu bệnh trong vụ hè thu năm 2024 cũng được thực hiện hết sức chủ động bằng cách xác định thời điểm xuống giống để tránh được cao điểm của các sinh vật gây hại.

Công tác bảo vệ thực vật đã hoạt động hiệu quả trong cả giai đoạn dài vừa qua, bảo vệ tốt các vụ sản xuất, kể cả lúa và các cây trồng khác. Chưa có địa phương nào phải công bố dịch, đặc biệt là các địa phương phía Nam.

Đánh giá chung, vụ hè thu năm 2024 trên cả nước có thể nói là thành công. Ở ĐBSCL đã tránh được hạn mặn, sâu bệnh; ở miền Trung và duyên hải Nam Trung bộ tránh được mưa bão.

Năm nay, sản lượng của khu vực ĐBSCL rất tốt, đến nay đã đạt 24,2 triệu tấn, trong đó vụ đông xuân là trên 10 triệu tấn. Đây là những con số rất ý nghĩa, đóng góp quan trọng vào mục tiêu tổng sản lượng lúa cả nước là 43,5 triệu tấn cả năm, làm cơ sở để cân đối cung cầu, vừa đảm bảo an ninh lương thực, tiêu dùng trong nước, vừa đảm bảo xuất khẩu với lượng lớn nhất, giá cao nhất.

Vụ hè thu năm 2024 trên cả nước đã cơ bản tránh được thời tiết cực đoan và sâu bệnh do tuân thủ khung thời vụ của Bộ NN-PTNT đưa ra. Ảnh: Kim Anh.

Vụ hè thu năm 2024 trên cả nước đã cơ bản tránh được thời tiết cực đoan và sâu bệnh do tuân thủ khung thời vụ của Bộ NN-PTNT đưa ra. Ảnh: Kim Anh.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng đang rất kỳ vọng về vụ thu đông sắp tới. Trong đó bên cạnh tăng diện tích còn áp dụng các biện pháp kỹ thuật để tăng năng suất và bảo đảm chất lượng cho gạo Việt Nam. Đây là giải pháp để phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo.

Hiện nay giá lúa gạo đang tốt, nông dân có lãi cao. Xin Thứ trưởng đánh giá về triển vọng thị trường xuất khẩu gạo đến cuối năm và đầu năm 2025. Bộ NN-PTNT sẽ có giải pháp gì để tranh thủ cơ hội này?

Tình hình xuất khẩu gạo hiện nay có thể nhận định là rất khả quan, cả về lượng lẫn về giá. Thậm chí theo báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, vấn đề lo ngại hiện nay là không đủ nguồn cung để phục vụ xuất khẩu. Nói như vậy để thấy rằng, chúng ta có thể hoàn toàn yên tâm về đầu ra cho sản phẩm lúa gạo, chưa kể giá cũng tốt.

Trong bối cảnh đó, Bộ NN-PTNT đề nghị Hiệp hội Lương thực Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương, doanh nghiệp để không làm đứt quãng ở bất kỳ khâu nào trong chuỗi liên kết.

Ngoài ra, Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục đề nghị các địa phương tiếp tục chăm sóc, theo dõi chặt chẽ, không để xảy ra thiệt hại trong sản xuất do thời tiết hay sâu bệnh, bảo đảm được sản lượng.

Sau khi kết thúc vụ hè thu, Bộ NN-PTNT chỉ đạo các địa phương tiến hành ngay vụ thu đông một cách an toàn. Các giải pháp này sẽ góp phần đảm bảo sản lượng lúa gạo để phục vụ xuất khẩu.

Vấn đề thứ hai, Bộ cũng yêu cầu Hiệp hội Lương thực Việt Nam tiếp tục tìm kiếm thông tin, nhu cầu của các thị trường tiềm năng như Trung Quốc, Indonesia, Philippines...

Lực lượng thương lái cần được định vị và có chính sách phù hợp để phát huy tiềm năng trong chuỗi ngành hàng lúa gạo. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Lực lượng thương lái cần được định vị và có chính sách phù hợp để phát huy tiềm năng trong chuỗi ngành hàng lúa gạo. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Song song đó, để mang lại giá trị xuất khẩu cao hơn và đảm bảo tính bền vững, cần có cơ chế vận hành các khâu trong chuỗi ngành hàng một cách trơn tru, không bị đứt quãng.

Hiện nay, có một số vấn đề liên quan đến thương lái. Phải khẳng định rằng, đây là lực lượng hết sức quan trọng, nếu thiếu họ, sẽ xảy ra đứt gãy trong chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến xuất khẩu gạo. Đây là lực lượng đã có từ lâu, họ là mắt xích trong chuỗi liên kết, có sự am hiểu sản phẩm, khả năng tiếp cận người sản xuất để thu mua, phân loại, sơ chế trước khi cung cấp cho doanh nghiệp. Đây là thế mạnh của các thương lái, điều mà các doanh nghiệp không đủ nguồn lực, hệ thống để thực hiện.

Do đó, chúng ta cần hiểu, xác định rõ vai trò của lực lượng này để định vị và có chính sách dành cho họ. Từ đó duy trì hoạt động của các thương lái một cách hiệu quả.

Nhìn nhận một cách thẳng thắn thì thời gian qua, vẫn có một số nơi, một số chỗ còn nút thắt về lực lượng này. Do đó, điều cần làm của Bộ NN-PTNT là phải chung tay cùng các doanh nghiệp, địa phương để tháo gỡ, đảm bảo chuỗi ngành hàng loạt động trơn tru, hiệu quả.

Về xuất khẩu, trong thời điểm giá đang tốt và năng lực sản xuất cũng khả quan như hiện nay, các hiệp hội, doanh nghiệp cần tìm kiếm, ký kết thêm các đơn hàng, thậm chí có thể gối sang năm 2025.

Việc tận dụng được giá bán cao sẽ giúp giá mua lúa tại ruộng tăng theo, và xét đến cùng thì lợi nhuận của nông dân mới là mục tiêu quan trọng nhất.

Nhiều giải pháp kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến, bền vững đã được nông dân áp dụng trong vụ hè thu 2024. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Nhiều giải pháp kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến, bền vững đã được nông dân áp dụng trong vụ hè thu 2024. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Vụ hè thu 2024, nhiều địa phương ở ĐBSCL đã khởi động Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp và bước đầu đã có kết quả tích cực. Bộ NN-PTNT sẽ có những giải pháp nào để tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án này trong thời gian tới?

Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030" (Đề án) là chương trình rất quan trọng, đi đầu và được nhiều quốc gia trên thế giới đánh giá cao.

Trong nhiều diễn đàn, hội nghị quan trọng thời gian qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đều đưa thông tin về Đề án này đến với các đại biểu. Có thể thấy đây là đề án mang tính hình mẫu, tiên phong do Việt Nam thực hiện.

Đề án ra đời nhằm đáp ứng xu hướng phát triển toàn cầu, góp phần hiện thực hóa cam kết của Việt Nam với thế giới để phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Tiết kiệm vật tư đầu vào, tận dụng phế phụ phẩm là những hướng đi để phát triển ngành hàng lúa gạo bền vững. Ảnh: Kim Anh.

Tiết kiệm vật tư đầu vào, tận dụng phế phụ phẩm là những hướng đi để phát triển ngành hàng lúa gạo bền vững. Ảnh: Kim Anh.

Việt Nam là quốc gia có lợi thế trong sản xuất lúa gạo và hiện nay đi theo hướng giảm phát thải là xu thế tất yếu. Chưa cần đề cập đến chuyện tín chỉ carbon thì việc áp dụng quy trình sản xuất lúa gạo giảm phát thải sẽ giảm được vật tư đầu vào, đồng nghĩa với việc tăng lợi nhuận cho người sản xuất.

Xa hơn, khi có một quy trình sản xuất giảm phát thải được áp dụng bài bản, quy mô, chúng ta có thể đưa ra những sản phẩm được gắn mác riêng như "Được sản xuất theo quy trình giảm phát thải", giúp nâng cao giá trị cho sản phẩm vì có giá bán cao, khả năng tiêu thụ tốt.

Thêm một lợi ích nữa là khi áp dụng các quy trình sản xuất giảm phát thải thì sức khỏe đất, môi trường cũng được cải thiện do các vật tư đầu vào được sử dụng một cách tiết kiệm và hiệu quả.

Với tầm quan trọng và sự quan tâm của lãnh đạo Chính phủ về đề án này, Bộ NN-PTNT đã thành lập Ban chỉ đạo triển khai Đề án do Bộ trưởng là Trưởng Ban, thường xuyên chỉ đạo các cơ quan chuyên môn để đưa ra các quy trình kỹ thuật, các thiết chế hỗ trợ cho Đề án.

Hiện nay, các mô hình thí điểm của Đề án đã được triển khai ở 5 địa phương vùng ĐBSCL và có mô hình đã mang lại kết quả tốt, được đánh giá cao. Tất nhiên, để có được kết luận cụ thể về giá trị, kết quả của các mô hình này thì cần đến đánh giá chung.

Thị trường lúa gạo các tháng cuối năm đang rất sáng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Thị trường lúa gạo các tháng cuối năm đang rất sáng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Mặc dù chỉ triển khai mô hình thí điểm tại 5 địa phương của ĐBSCL nhưng các địa phương khác cũng rất mong muốn được thí điểm, thậm chí dùng nguồn ngân sách địa phương, không cần hỗ trợ về tài chính.

Điều này cho thấy một sự thay đổi rất mạnh mẽ về mặt tư duy, các địa phương đã chủ động hơn để tham gia vào Đề án này.

Bộ NN-PTNT cũng đang cố gắng hoàn thiện từng bước, từ quy trình đến triển khai mô hình thí điểm và sau đó là tham gia vào các phương pháp tính để đo đạc một cách chính xác số liệu về tín chỉ carbon.

"Đến nay, Việt Nam đã xuất khẩu được khoảng 5,3 triệu tấn gạo trong khi kế hoạch của năm 2024 vào khoảng 7,6 triệu tấn. Do đó, với cách thức chỉ đạo cùng với sự vào cuộc của các địa phương, việc đạt các chỉ tiêu theo kế hoạch là trong tầm tay nếu không phải đối mặt với thiên tai như bão, lũ...".

Thứ trưởng Hoàng Trung.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

(Thực hiện)

Xem thêm
Người chăn nuôi trắng tay, cạn kiệt vốn liếng sau bão

HẢI PHÒNG Không chỉ thiệt hại nặng nề, sau bão, nhiều trang trại chăn nuôi đang cạn kiệt vốn liếng, đối mặt nguy cơ dịch bệnh, rất khó khăn trong khôi phục sản xuất.

Nỗi niềm cán bộ thú y: [Bài cuối] Nghề 'tâm sự, trò chuyện' cùng vật nuôi

Công việc nhiều, lòng nhiệt tình có thừa, nhưng thu nhập lại... khiêm tốn. Đó là câu chuyện của những nhân viên thú y ở huyện biên giới Ia Grai, tỉnh Gia Lai.

20 giống cà phê của WASI được chuyển giao ra sản xuất

ĐẮK LẮK Hiện WASI đã có 20 giống cà phê được giới thiệu và đưa vào sản xuất, bao gồm 14 giống cà phê vối và 6 giống cà phê chè.