| Hotline: 0983.970.780

Vực dậy chăn nuôi Đất Cảng sau bão: [Bài 1] Hàng trăm trang trại nuôi gà tan hoang

Thứ Bảy 14/09/2024 , 06:34 (GMT+7)

Bão số 3 đã qua nhưng dư âm để lại còn ngổn ngang, với người nuôi gà ở thành phố Hải Phòng, cơn bão thực sự ám ảnh cả về vật chất lẫn tinh thần.

Bão số 3 đi qua, tìm về khu vực chăn nuôi gà tập trung của thành phố Hải Phòng tại xã Khởi Nghĩa, huyện Tiên Lãng, hình ảnh đập vào mắt đầu tiên đó là sự tan hoang, đổ nát.

Di chuyển chưa đầy 1km, dọc con đường rộng vừa đủ 1 chiếc xe ô tô chạy, hoàng loạt những khu chuồng trại xiêu vẹo không còn mái hiện ra nằm trơ trọi giữa cánh đồng lúa cũng vừa bị bão quật tan tác.

Phần mái trang trại nuôi gà gia đình ông Huỳnh bị bão đánh tan tác. Ảnh: Đinh Mười.

Phần mái trang trại nuôi gà gia đình ông Huỳnh bị bão đánh tan tác. Ảnh: Đinh Mười.

Sau một cuộc điện thoại, ông Đỗ Văn Huỳnh cùng 2 người đàn ông trung niên nữa đứng đón chúng tôi gần chiếc cầu cũ vương vãi đầy mảnh vỡ tấm lợp pro xi măng, hai bên nước ngập lênh láng, phía sau là hàng cây đổ rạp.

Ông Huỳnh và những người hàng xóm bắt đầu câu chuyện với chúng tôi bằng những tiếng thở dài và hai mắt thâm quầng, tỏ rõ sự mệt mỏi. “Tan hoang hết cả rồi chú a, 5 ngày hôm nay tôi gần như không ăn không ngủ được, người cứ ngây ngấy sốt mà không dám nghỉ ngơi, cứ quanh quẩn ở trại gà thôi”.

Tại khu chăn nuôi tập trung xã Khởi Nghĩa hiện có hàng chục trang trại chăn nuôi gia cầm, gia đình ông Đỗ Văn Huỳnh là một trong những hộ có đầu tư lớn, kiên cố, bài bản với 2 khu chuồng, 6.000 con gà đẻ và tổng chi phí gần tỷ đồng.

Từng có một lần bị thiệt hại do bão nên khi nghe tin bão số 3 đổ bộ, ông Huỳnh đã chuẩn bị rất kĩ, thuê người chằng chống, gia cố, che chắn khu nuôi gà cẩn thận.

Nhưng chỉ sau một buổi chiều, toàn bộ phần mái của trang trại gần như bị lột sạch, hệ thống bạt che chắn rách bươm và những chiếc quạt công suất lớn phía cuối chuồng gà bị quật hư hỏng toàn bộ nằm chỏng chơ.

Dọc theo khu trang trại, hơn 100 gốc mít thái đã ra quả bị quật gãy không sót cây nào, còn những khóm chuối thì đã nát bươm hết cả.

Ông Huỳnh lật bạt che tạm chỉ cho phóng viên khu vực bị thiệt hại nặng nhất, bên trong là những con gà đang gật gù chờ chết do bị ướt nước mưa trong cơn bão số 3. Ảnh: Đinh Mười.

Ông Huỳnh lật bạt che tạm chỉ cho phóng viên khu vực bị thiệt hại nặng nhất, bên trong là những con gà đang gật gù chờ chết do bị ướt nước mưa trong cơn bão số 3. Ảnh: Đinh Mười.

“Tôi chăn nuôi từ năm 2006 và đây là cơn bão thứ 2 tôi gặp và bị thiệt hại nên có chút kinh nghiệm ứng phó. Dù đã chuẩn bị rất kỹ nhưng thực sự quá khủng khiếp, cả trang trại 2.000 mét vuông của gia đình tôi chỗ nào cũng bị quật tơi tả”, ông Huỳnh chia sẻ.

“Hai vợ chồng tôi chỉ chống chịu đến 4h chiều phải buông bỏ, không giữ nổi nữa, buộc phải để tự do, gió lùa dọc chuồng, mái tôn bay hết, bạt che phủ không còn gì cả, gà trong chuồng ướt sũng như chuột lụt”.

Cách trang trại gia đình ông Huỳnh không xa là khu vực chăn nuôi của ông Lê Văn Hùng rộng 600m2 với quy mô 500 con gà đẻ trứng, trong cơn bão vừa qua, toàn bộ phần mái lợp ngói bị bóc sạch.

Dù có lớp tôn lạnh che bên dưới nhưng hàng trăm con gà bị chết do bị và đập và bị ướt, ước tính thiệt hại khoảng 600 triệu đồng.

Ông Hùng kể, gia đình có 2 trại khác nhau, một trại hở, một trại kín. Trong cơn bão dù nhận thức được không chống chọi được với thiên nhiên nhưng vì quá tiêc của cả 2 vợ chồng đều lao ra tìm cách hạn chế thiệt hại. Nhưng cũng chỉ chống chịu được đến 16h, khi ngói rơi nhiều, gió mạnh, lúc không còn đứng vững vào nhà cố thủ.

Một trang trại nuôi gà ở Tiên Lãng bị tốc mái hoàn toàn, hư hỏng nặng. Ảnh: Đinh Mười.

Một trang trại nuôi gà ở Tiên Lãng bị tốc mái hoàn toàn, hư hỏng nặng. Ảnh: Đinh Mười.

“Xót xa lắm, nhìn gió mạnh xé từng miếng bạt, bóc từng viên ngói rồi cả khu chuồng trại bị quật tan tác 2 vợ chồng tôi như đứt từng khúc ruột. Mấy ngày qua, ban ngày động viên vợ là còn nước còn tát, trời cho ăn thì ăn mà trời lấy phải chịu”, ông Hùng buồn bã.

Trên địa bàn huyện Tiên Lãng gần như các trang trại, gia trại đều có vật nuôi bị chết chỉ có những trường hợp không còn gia cầm trong chuồng thì thiệt ít hơn.

Chúng tôi tìm gặp ông Vũ Văn Toán, cũng là một hộ nuôi gà ở xã Khởi Nghĩa với khuôn viên chuồng trại rộng 1.000m2. May mắn hơn một số hộ khác trên địa bàn là anh Toán vừa bán gà xong, dù vậy toàn bộ phần mái khu vực này đều bị đổ sập cả, không thể chăn nuôi trở lại.

“Rất buồn, tôi bị thiệt hại cả nhà lẫn trang trại. Lúc bão nổi lên nhìn một đống tài sản bay trong gió mà xót xa, tôi phải can mãi vợ mới không xông ra khu trang trại. Gia đình tôi nuôi gà đã 18 năm nay, nhờ gà mà có tiền trang trải nuôi con cái ăn học, giờ trắng tay rồi chú à”, anh Toán bày tỏ.

Quạt gió công suất lớn bị bẻ gãy, nằm la liệt. Ảnh: Đinh Mười.

Quạt gió công suất lớn bị bẻ gãy, nằm la liệt. Ảnh: Đinh Mười.

Theo phòng NN-PTNT huyện Tiên Lãng, thống kê sơ bộ cho thấy, sau bão số 3, trên địa bàn có gần 200 trang trại, gia trại bị tốc mái, lượng gia cầm thiệt hại cũng rất lớn.

Huyện đã chỉ đạo nhanh chóng rà soát thiệt hại và tập trung khắc phục các hậu quả do bão gây ra. Nguyên nhân do tốc độ gió quá lớn, các mái lợp bằng pro xi măng đã cũ, có nơi được làm hơn chục năm rồi nên khi bão ập đến đã không chống đỡ nổi, mái lật nước mưa tạt vào khiến gà bị chết.

Ngoài địa bàn huyện Tiên Lãng, qua tìm hiểu cho thấy, hầu như các trang trại chăn nuôi gà ở Hải Phòng đều thiệt hại, ít thì tốc mái, nặng bị đổ sập và có gà bị chết.

Trong các địa phương nặng nhất là xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên. Theo chia sẻ của chị Bùi Thị Thoa, một hộ nuôi gà tại địa phương này cho biết, qua thống kê sơ bộ toàn xã có tới 38 trang trại chăn nuôi bị tốc mái, có những gia đình gần như mất trắng toàn bộ.

“Gia đình tôi có 1 chuồng hở và 2 chuồng kín, trước bão đã chuyển vào trong nên khi bị tốc mái không bị thiệt hại về gà. Hôm qua và hôm nay đi thống kê, nhiều nhất là một gia đình mới vào 6.000 gà, bị tốc mái, gió quật làm cho gà xô vào nhau rồi tôn, gạch rơi xuống làm chết hết sạch. Nói chung cả xã chết nhiều lắm, phải hàng chục nghìn con. Thiệt hại rất nặng nề”, chị Thoa cho hay.

Trước thời điểm bão số 3 xảy ra, trên địa bàn thành phố Hải Phòng đang có hơn 8,1 triệu còn gia cầm như: Gà, vịt, ngan, ngỗng,… Thống kê sơ bộ từ các địa phương cho thấy, sau bão, toàn thành phố có hàng trăm trang bị tốc mái, ngập nước với hơn 413.000 con gia cầm cùng với 921 con lợn, 62 con gia súc như trâu, bò và dê bị thiệt hại.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.