| Hotline: 0983.970.780

Nỗi niềm cán bộ thú y: [Bài cuối] Nghề 'tâm sự, trò chuyện' cùng vật nuôi

Thứ Sáu 13/09/2024 , 06:00 (GMT+7)

Công việc nhiều, lòng nhiệt tình có thừa, nhưng thu nhập lại... khiêm tốn. Đó là câu chuyện của những nhân viên thú y ở huyện biên giới Ia Grai, tỉnh Gia Lai.

Cán bộ thú y 'trò chuyện, vỗ về' thân mật trước khi tiêm vacxin cho đàn bò. Ảnh: Đ.L. 

Cán bộ thú y "trò chuyện, vỗ về" thân mật trước khi tiêm vacxin cho đàn bò. Ảnh: Đ.L. 

Làm bạn với bò

Ngay cả những ngày nghỉ trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 vừa qua, K’sor Thành cũng không ở nhà. “Tôi dành mấy ngày nghỉ để đi thăm lũ bò của bà con trong xã”, Thành nói.

K’sor Thành sinh năm 1981, là người J’rai ở xã biên giới Ia O thuộc huyện Ia Grai. Tuy không được đào tạo, không có bằng cấp gì về chuyên môn thú y, nhưng anh đã có 15 năm là nhân viên thú y của xã Ia O.

“Từ lúc năm tuổi, tôi đã đi theo người lớn thả bò ngoài đồng hoặc trên núi, nghe người lớn giảng giải về bò rất nhiều. Do vậy chỉ cần nhìn qua, tôi có thể biết con bò đang khỏe mạnh bình thường hay đang mắc bệnh”, Thành nói.

Có lẽ do vậy mà Thành được đích thân Chủ tịch xã Ia O (thời điểm năm 2009) “chọn mặt gửi vàng”, giao cả đàn bò đông đúc của xã biên giới Ia O vào tay anh.

Thực ra, trước khi được chọn làm nhân viên thú y của xã Ia O, K’sor Thành đã được cử đi dự lớp tập huấn thời gian 3 tháng về trồng trọt và chăn nuôi, sau đó về làm cán bộ khuyến nông của làng Lân, xã Ia O. Quen dần với công việc, anh được Chủ tịch xã đề cử làm nhân viên thú y của xã.

Công việc chính của một nhân viên thú y cấp xã như anh Thành là tuyên truyền đến bà con trong xã về vệ sinh chuồng trại, về cách chăm sóc bầy vật nuôi sao cho khoa học, tránh được dịch bệnh. Khi có dịch tham gia cùng các đoàn thể giúp bà con khoanh vùng, dập dịch và trực tiếp tiêm vacxin cho đàn vật nuôi.

“Cứ nghĩ tiêm phòng cho bò là dễ, thực ra là rất khó và vô cùng nguy hiểm. Có những con bò khó tính phải dỗ dành, "trò chuyện" với nó, nó mới cho tiêm”, Thành nói.

Với những con bò hung hãn, phải buộc chúng vào gốc cây, dùng cây tiêm nối dài mới tiêm được. Ảnh: Đ.L. 

Với những con bò hung hãn, phải buộc chúng vào gốc cây, dùng cây tiêm nối dài mới tiêm được. Ảnh: Đ.L. 

Còn với Nguyễn Viết Thường, nhân viên thú y xã Ia K’rái lại khác. Anh Thường được đi học hệ Trung cấp về chăn nuôi - Thú y tại thành phố Hồ Chí Minh. Ra trường, anh đã có thời gian làm kỹ thuật chăn nuôi cho nhiều trang trại chăn nuôi ở tỉnh Đồng Nai. Năm 2009, cơ duyên đưa anh về định cư ở xã Ia K’rái, và làm nhân viên thú y xã cho đến nay.

Anh Thành cho biết, xã Ia K’rái có khoảng 1.900 con bò, 30 con trâu và trên 4.000 con gia cầm. Trước đây, đồng bào J’rai quen kiểu chăn thả tự nhiên như trâu bò thả ngoài rừng, thỉnh thoảng người làng mới vào rừng thăm, kiểm đếm bầy trâu, bò của gia đình. Do vậy trâu, bò bị thất lạc, bị chết do ăn phải lá độc xảy ra thường xuyên. Còn gà, lợn nuôi thả rông trong làng, tối đến lùa xuống gầm nhà sàn, gây nên mùi hôi thối và bệnh tật cho người.

“Vận động bà con chăn thả tập trung, nuôi nhốt chuồng trại riêng là rất khó, bởi đồng bào đã quen với lối chăn thả tự nhiên. Tuy nhiên, được sự vào cuộc của chính quyền và các đoàn thể, dần rồi bà con cũng quen với hình thức chăn nuôi chuồng trại, hợp vệ sinh và được tiêm phòng đầy đủ. Do vậy mà bà con quản lý được bầy vật nuôi của gia đình, hạn chế dịch bệnh xảy ra trên đàn vật nuôi”, anh Thành cho biết. 

Mỗi ngày đi gần 50km thăm trâu, bò

Xã biên giới Ia O có 9 thôn làng. Có những làng cách xã trung tâm xã gần 30 cây số như làng Klong, làng Bi, làng Cúc... “Gần như ngày nào, tôi cũng phóng xe máy đi đến các thôn làng để thăm bầy bò của bà con, cả đi lẫn về phải trên năm mươi cây số”, anh Thành nói.

Cây tiêm nối dài phát huy tốt hiệu quả. Ảnh: Đ.L. 

Cây tiêm nối dài phát huy tốt hiệu quả. Ảnh: Đ.L. 

Cũng theo anh Thành, vận động bà con làm quen với cách chăn thả tập trung đã khó, còn tổ chức tiêm phòng dịch cho bầy bò cũng khó không kém. “Có những gia đình chỉ có 5- 6 con bò, nhưng có khi phải đi đến mấy lần mới tiêm hết được, bởi không phải lần nào chúng cũng cho tiêm. Do vậy, để tổ chức tiêm đầy đủ cho bầy bò của xã là hết sức khó khăn”, anh Thành cho biết thêm.

Còn ở xã Ia K’rái có đến 15 thôn làng, làng này sang làng kia cách nhau cũng khá xa. Do vậy, để “thăm khám” chỉ cho riêng bầy bò của xã với gần 2.000 con, quả là hết sức vất vả. “Nhiều hôm phải đi từ mờ sáng đến các thôn làng. Phải đi sớm bởi nếu đi muộn, bà con sẽ thả bò đi ăn, lúc đó rất khó gặp hết được”, anh Nguyễn Viết Thường, nhân viên thú y xã Ia K’rái cho biết.

Cũng theo anh Thường, khó nhất vẫn là tiêm vacxin phòng dịch cho bầy bò, bởi không phải con nào cũng “dễ dãi” cho tiêm. Có những con dữ tính, chúng lồng lộn khi đưa mũi tiêm vào gần. Có không ít trường hợp, nhân viên thú y bị bò húc chấn thương khi đi tiêm phòng dịch. “Bò khó tiêm đã đành, nhưng không ít chủ bò cũng... khó tính khi cho rằng, bò nhà tôi đang khỏe, tiêm thuốc vào bị chết cán bộ phải đền”, anh Thường cho biết thêm.

“Cái khó ló cái khôn”, để tránh nguy hiểm mỗi khi tiêm phòng cho bầy bò và để giảm thời gian tiêm, anh Thường cùng anh Ngô Nhạc Lâm, viên chức thú y thuộc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, và nhiều đồng nghiệp khác đã có sáng kiến hay, đó là tự chế tạo mũi tiêm nối dài bằng cách... dùng cây lau nhà dài hơn 1 mét, gắn kim tiêm ở đầu, đưa vacxin vào để tiêm từ xa. “Từ đó mà tiêm được nhanh  hơn, giảm được nguy hiểm mỗi khi gặp con bò hung dữ”, anh Thường nói.

Khó khăn và nguy hiểm là vậy, nhưng thu nhập của nhân viên thú y cấp xã xem ra còn... quá khiêm tốn. Với K’sor Thành, tham gia làm nhân viên thú y ở xã biên giới Ia O đúng 15 năm mà đến nay, phụ cấp hàng tháng chỉ được khoảng 3,5 triệu đồng. Còn anh Thường, bằng cấp chuyên môn đầy đủ, nhiệt tình có thừa cũng chỉ được nhận phụ cấp 3,1 triệu đồng mỗi tháng.

Trước buổi đi tiêm. Ảnh: Đ.L. 

Trước buổi đi tiêm. Ảnh: Đ.L. 

Vợ anh Thường là chị Dung, giáo viên ở một trường mầm non thuộc Công ty 74 (Binh đoàn 15, đứng chân trên trên địa bàn). Chị Dung là người biết chia sẻ với chồng khi chị tâm sự: “Tiền phụ cấp hàng tháng may ra chỉ đủ tiền xăng đi đến các làng, chưa kể nguy hiểm. Tuy nhiên, tôi vẫn động viên anh ấy cố gắng hoàn thành công việc. Dẫu sao, đó đã là cái nghiệp gắn vào thân rồi”.

Ông Thái Văn Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y Gia Lai cho biết, hiện toàn tỉnh có 181/220 xã, phường, thị trấn có nhân viên thú y, 32/220 xã, phường, thị trấn bố trí người làm công tác khác kiêm nhiệm thú y xã, 7/220 xã, phường, thị trấn không bố trí người làm công tác thú y.

Về trình độ chuyên môn ngành chăn nuôi, thú y, thủy sản 96 người trình độ từ sơ cấp trở lên, 26 người qua tập huấn, 91 người không có trình độ chuyên môn hoặc các chuyên ngành khác.

“Lực lượng thú y cấp xã thiếu, chuyên môn  về thú y còn hạn chế. Bên cạnh đó, mức phụ cấp đối với anh em là nhân viên thú y cấp xã chưa tương xứng, do đó việc mời gọi, hoặc giữ chân anh em gắn bó với nghề còn gặp nhiều khó khăn. Theo đó, công tác giám sát dịch bệnh, triển khai các biện pháp phòng chống dịch chưa kịp thời, hiệu quả”. Ông Thái Văn Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y Gia Lai.

Xem thêm
Trở thành chủ trại gà sau một cú… chết hụt

HÀ NỘI Thoát chết sau một tai nạn, anh Cận thuyết phục vợ bỏ nghề thợ xây, về nhà chăn nuôi bởi làm nông tuy mạo hiểm về kinh tế nhưng ít mạo hiểm về tính mạng.

Xây dựng cơ chế thị trường để thúc đẩy sản xuất lúa phát thải thấp

Các chuyên gia kinh tế và chính sách làm rõ những cơ hội và thách thức nhằm thúc đẩy sản xuất lúa gạo giảm phát thải thông qua cơ chế thị trường.

Chuyển giao giống cà phê chất lượng cao phục vụ tái canh

ĐẮK LẮK Bên cạnh công tác nghiên cứu, việc chuyển giao giống cà phê cho người dân, doanh nghiệp được Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên chú trọng.

Bình luận mới nhất