| Hotline: 0983.970.780

Đại hồng thủy tàn phá những cánh đồng ở Yên Bái

Đê vỡ, đập tràn, vựa dâu tằm tan hoang

Thứ Bảy 14/09/2024 , 09:33 (GMT+7)

YÊN BÁI Trận đại hồng thủy hung tàn đã biến vựa dâu tằm ở xã Việt Thành (huyện Trấn Yên) thành những cánh đồng chết, cây cối tan hoang, chưa biết khắc phục bắt đầu từ đâu.

Nước lũ rút, vựa dâu tằm của huyện Trấn Yên (Yên Bái) chỉ còn lại một màu xám xịt, dâu chết khô. Ảnh: Thanh Tiến.

Nước lũ rút, vựa dâu tằm của huyện Trấn Yên (Yên Bái) chỉ còn lại một màu xám xịt, dâu chết khô. Ảnh: Thanh Tiến.

Vựa dâu tằm một màu xanh ngắt trải dài vài cây số ven sông Hồng ở xã Việt Thành (huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) những ngày này nhìn thật thê thảm. Lũ đã rút dần nhưng một số ruộng dâu vẫn đang chìm trong nước đục, héo úa, chết khô, số còn lại ngả nghiêng, tím tái.

Dâu tằm, đào Tết chết khô

Bài liên quan

Cả gia đình ông Hoàng Tùng ở thôn Phúc Đình, xã Việt Thành đang chật vật san gạt bùn đất bồi lấp đến đầu gối để tìm lại con đường bê tông dẫn vào nhà. Mặc dù nước lũ đã rút nhưng ruộng dâu tằm ven đường vẫn phủ đầy bùn nhão nhoét, cây dâu chết úng, héo rũ, lá vàng quạch bám đầy đất phù sa.

Ông Tùng não nề chia sẻ, cả nhà có hơn 1 mẫu dâu tằm đang xanh tốt, vụ tằm thu này mới nuôi được 1 lứa, vừa bắt đầu nuôi lứa thứ 2 được 3 hôm thì tràn về chìm hết các ruộng dâu. Cả giàn khay nuôi tằm nay phải bỏ làm thức ăn cho đàn gà.

Do đê sông Hồng vỡ, đập tràn nên không chỉ dâu tằm mà toàn bộ hơn 8 sào ao cũng bị tràn vỡ, cá theo nước lũ ra sông hết. Chưa năm nào lũ lại dâng cao và chảy xiết như năm nay. Bây giờ chẳng còn gì cả, phải xem ở đâu có việc gì hay ai thuê mướn thì đi làm thuê để trang trải.

Ruộng dâu của gia đình ông Hoàng Tùng ở thôn Phúc Đình (xã Việt Thành, Trấn Yên) đã bị thối, chết do ngập nước, đầy bùn đất bồi lắng. Ảnh: Thanh Tiến.

Ruộng dâu của gia đình ông Hoàng Tùng ở thôn Phúc Đình (xã Việt Thành, Trấn Yên) đã bị thối, chết do ngập nước, đầy bùn đất bồi lắng. Ảnh: Thanh Tiến.

“Cả cánh đồng đã bị lũ san phẳng, nhà nào cũng thiệt hại nghiêm trọng, lúa, dâu, hoa màu trên cánh đồng mất trắng rồi, chúng tôi chỉ mong muốn sau khi nước rút, nhà nước có chính sách hỗ trợ để khắc phục, trồng lại các ruộng dâu để sang năm có thể tiếp tục nuôi tằm để có kế sinh nhai ổn định”, ông Tùng nói.

Cũng chung cảnh ngộ, ông Đồng Ngọc Long ở cùng thôn không khỏi xót xa khi những gốc đào bị vùi lấp héo tàn. Khoảng 8 sào đất trồng đào để bán Tết coi như bỏ đi vì bị vùi lấp sâu, nhiều cây ngập trong bùn đã chết, số còn lại héo lá do úng nước.

Theo ông Long, hơn 60 năm sinh sống ở đây ông chưa thấy năm nào nước lũ lớn như vậy, đê vỡ, nước cuồn cuộn chảy vào cánh đồng nhấn chìm tất cả. Ngôi nhà ở giữa quả đồi bị cô lập, các diện tích trồng đào trong ruộng vườn bị ngập trắng, bây giờ nước rút nhưng bùn còn lấp đến 50cm nên không thể khắc phục được. 

Ông Long não nề nhìn những cây đào mất bao công chăm sóc giờ chìm trong bùn đất. Ảnh: Thanh Tiến.

Ông Long não nề nhìn những cây đào mất bao công chăm sóc giờ chìm trong bùn đất. Ảnh: Thanh Tiến.

Đến ngày 13/9, các cánh đồng ven sông ở các thôn Lan Đình, Phúc Đình và Trúc Đình của xã Việt Thành nhiều loại cây trồng vẫn còn ngập nước, ruộng nào nước rút thì phủ đầy đất cát. Mưa vừa tạnh, lũ đi qua, trời lại nắng lên gay gắt, cây cối bắt đầu thối rễ chết khô. Mùi cây thối cùng xác chết của động vật hôi tanh khắp cánh đồng. 

Trận lũ lịch sử không buông tha gia đình nào, hộ mất dâu, hộ mất ao cá, có gia đình thì mất trắng diện tích lúa, ngô. Những tiếng nói cười rộn rã trên cánh đồng dâu của 1 tuần trước giờ trái ngược bởi sự yên ắng đến nao lòng.

Chiều tà, chúng tôi gặp 2 vợ chồng bà Trần Thị Lan ở thôn Trúc Đình vẫn đang lọ mọ bên bờ ruộng, nhìn công sức của mình đang ngâm trong nước bùn mà rơm rớm nước mắt.

Ruộng lúa sắp được thu hoạch của nhà bà Lan bị 'hà bá' cướp trắng. Ảnh: Thanh Tiến.

Ruộng lúa sắp được thu hoạch của nhà bà Lan bị "hà bá" cướp trắng. Ảnh: Thanh Tiến.

Bà Lan buồn rầu giãi bày: “Mấy ngày qua nước ngập mênh mông hết xóm làng, xót ruột quá, tới chiều nay (13/9) nước mới rút hết nên vợ chồng tôi tranh thủ ra thăm ruộng xem còn cứu vãn được gì không. Xắn quần lội xuống ruộng vớt mấy bông lúa lên đã thấy thối đen, đáng lẽ chỉ khoảng 1 tuần nữa sẽ được gặt nhưng giờ thì biếu hà bá rồi".

Thủ phủ dâu tằm tiêu điều sau lũ

Bão số 3 càn quét hầu như khắp các tỉnh, thành phía Bắc, trong đó có Yên Bái, gây thiệt hại nặng nề. Hoàn lưu bão còn gây ảnh hưởng khủng khiếp hơn nhiều bởi mưa lớn kéo dài nhiều ngày gây sạt lở đất, lũ ống, lũ quét làm sập đổ nhà cửa, chết người, hàng nghìn ha lúa, dâu tằm và các loại rau màu ở Yên Bái bị ngập úng.

Nhìn dòng sông ngầu đỏ phù sa, cuồn cuộn chảy tàn phá cánh đồng dâu, người dân không khỏi kinh hãi, thủ phủ dâu tằm xã Việt Thành hoang tàn sau trận đại hồng thủy. Hình ảnh những bãi dâu tiêu điều, xiêu vẹo, héo úa chờ chết khô tới đâu cũng gặp.

Đất cát bồi lấp cao nên nhiều diện tích dâu khó khắc phục. Ảnh: Thanh Tiến.

Đất cát bồi lấp cao nên nhiều diện tích dâu khó khắc phục. Ảnh: Thanh Tiến.

Vai áo lấm lem đất, mặt nhễ nhại mồ hôi khi đang đi kiểm tra đồng ruộng, bà Nguyễn Thị Tuyết Nga, Chủ tịch UBND xã Việt Thành chia sẻ, năm nay lũ về quá mạnh, người dân trong xã oằn mình chống chọi không xuể, tuyến đê ven sông Hồng đứt vỡ mấy đoạn, nước réo rít tràn vào cánh đồng. Chỉ trong vài giờ cả cánh đồng dâu ngập chìm trong biển nước mênh mông.

Gần 220ha dâu của xã bị ngập úng, 40ha lúa và hơn 60ha rau màu cũng chung số phận. Nhiều hộ dân vừa thu hoạch kén nhưng mắc nước lũ không bán được nên kén già hóa bướm phải bỏ đi. Hàng trăm hộ dân đang nuôi tằm ăn rỗi cũng phải đổ bỏ do dâu ngập úng, cạn kiệt nguồn thức ăn, đến nay thiệt hại chưa thể tính toán được.

Một số diện tích dâu hiện vẫn ngập trong nước, khi nắng lên sẽ héo úa, chết khô. Ảnh: Thanh Tiến.

Một số diện tích dâu hiện vẫn ngập trong nước, khi nắng lên sẽ héo úa, chết khô. Ảnh: Thanh Tiến.

Bà Nga cho biết sau khi nước rút hết khỏi cánh đồng, chính quyền xã sẽ tổ chức rà, soát đánh giá thiệt hại cụ thể, diện tích dâu nào có thể khắc phục thì đốn, tiếp tục chăm sóc. Tuy nhiên theo kiểm tra, đánh giá đến thời điểm này, khoảng 70% diện tích dâu bị ngập sâu, lượng bùn đất vùi lấp đến cả mét nên sẽ chết, khả năng phải trồng lại rất cao.

"Toàn bộ hơn 200ha dâu là sinh kế chính của trên 300 hộ dân trong xã, vì vậy xã mong muốn các cấp sẽ có những chính sách hỗ trợ cải tạo đất, cây giống để bà con trồng lại, giúp họ vơi bớt khó khăn, sớm ổn định sản xuất", bà Nga nói.

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.