Niềm vui trọn vẹn
Đến cuối tháng 8, nông dân Kiên Giang đã thu hoạch được khoảng 50% diện tích lúa hè thu 2024 với niềm vui trúng mùa, được giá. Diện tích còn lại sẽ thu hoạch dứt điểm trong nửa đầu tháng 9. Đến thời điểm này, có thể khẳng định đây là vụ hè thu thắng lợi trọn vẹn khi tăng trên cả ba mặt diện tích gieo sạ, năng suất và sản lượng.
Huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) có diện tích gieo sạ lúa hè thu gần 47.000ha, đứng thứ hai sau huyện Hòn Đất. Đến thời điểm này, nông dân trong huyện đã thu hoạch gần dứt điểm với năng suất bình quân đạt 6 tấn/ha. Tại HTX Nông nghiệp Nông dân Vĩnh Phú (xã Vĩnh Phú, huyện Giồng Riềng) vừa thu hoạch xong 178ha lúa, mang lại khoản lợi nhuận hàng chục triệu đồng/ha, các thành viên nhà nào cũng phấn khởi.
Ông Dư Văn Kiều, Giám đốc HTX Nông nghiệp Nông dân Vĩnh Phú cho biết, vụ lúa hè thu 2024, lần đầu tiên nông dân ở đây thí điểm sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý rơm rạ tại ruộng làm phân hữu cơ, hướng tới sản xuất lúa hữu cơ. Đồng thời, sử dụng phân bón BM bón lót với lượng 200kg/ha. Nhờ đó, giúp cây lúa phát triển tốt ngay từ đầu vụ, bông to, chắc hạt, giảm chi phí, tăng lợi nhuận.
Theo ông Kiều, vụ lúa hè thu này thành viên HTX thu được lợi nhuận cao chưa từng có, vượt ngoài mong đợi, lên tới gần 47 triệu đồng/ha. Cụ thể, năng suất lúa đạt cao nhất với 8,5 tấn lúa tươi/ha, giá bán tại ruộng 7.700 đồng/kg, thu về hơn 65 triệu đồng/ha. Trong khi chi phí giảm, chỉ ở mức 18,5 triệu đồng/ha, nhờ sản xuất theo hướng hữu cơ nên lúa ít sâu bệnh, giảm số lần phun thuốc BVTV, đỡ tốn công chăm sóc.
Ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang đánh giá, mặc dù hiện nông dân trong tỉnh chưa thu hoạch dứt điểm lúa hè thu 2024 nhưng có thể khẳng định đây là vụ lúa thắng lợi toàn diện. Dịch hại được kiểm soát tốt, diện tích lúa còn lại đang thời kỳ trổ - chín và thu hoạch, chỉ còn thời gian ngắn nữa là về đích.
Theo người đứng đầu ngành nông nghiệp Kiên Giang, vụ lúa hè thu 2024, tỉnh có kế hoạch gieo sạ 276.000ha, năng suất kế hoạch 5,6 tấn/ha, tổng sản lượng thu hoạch 1,54 triệu tấn. Do giá lúa cao và thị trường tiêu thụ tốt, đã kích thích nông dân mạnh dạn đầu tư sản xuất, diện tích xuống giống vượt kế hoạch gần 1.400ha, năng suất trung bình thực tế đạt xấp xỉ 6 tấn/ha. Sản lượng lúa có thể đạt hơn 1,65 triệu tấn.
Giá lúa từ đầu vụ thu hoạch lúa hè thu đến nay đều ở mức khá tốt. Hiện các giống lúa phẩm cấp gạo thấp có giá bán từ 7.800 - 8.000 đồng/kg (lúa tươi thu hoạch bằng máy). Lúa chất lượng cao có giá từ 8.200 - 8.500 đồng/kg.
“Vụ lúa hè thu 2024 thắng lợi trên tất cả các mặt đã mang về doanh số hơn 13 ngàn tỷ đồng cho nông dân Kiên Giang. Trung bình mỗi ha đạt doanh thu khoảng 47 - 50 triệu đồng, lợi nhuận từ 25 - 30 triệu đồng/ha”, Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang Lê Hữu Toàn cho biết.
Thắng lợi nhờ các giải pháp kỹ thuật
Kiên Giang là tỉnh sản xuất lúa dẫn đầu cả nước với diện tích gieo sạ các vụ trong năm 2024 gồm vụ mùa, đông xuân, hè thu và thu đông đạt hơn 720.000ha. Tổng sản lượng thu hoạch ước đạt khoảng 4,7 triệu tấn, tăng trên 300 ngàn tấn so với kế hoạch.
Để có vụ lúa hè thu 2024 thắng lợi, ngành nông nghiệp tỉnh đã xây dựng khung thời vụ hợp lý, khuyến cáo nông dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh, xây dựng các mô hình sản xuất lúa đạt hiệu quả để chuyển giao, nhân rộng. Theo đó, lịch gieo sạ vụ lúa hè thu được đẩy lên sớm nhằm tránh thiệt hại do nắng nóng, thiếu nước đầu vụ và ảnh hưởng mưa bão cuối vụ với 4 đợt xuống giống tập trung, bắt đầu từ giữ tháng 3 và kết thúc vào giữa tháng 6/2024.
Ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương phối hợp thường xuyên, liên tục và chặt chẽ trong việc chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp về kỹ thuật, giải pháp về công trình và phi công trình nhằm bảo vệ sản xuất hiệu quả. Áp dụng đồng bộ cơ giới hóa trong sản xuất, nhất là trong khâu gieo sạ, bón phân, phun thuốc với công nghệ tiên tiến.
Ông Trần Văn Giàu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt – BVTV tỉnh Kiên Giang cho biết, việc áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật trong canh tác là điều kiện tiên quyết giúp tăng năng suất và chất lượng lúa gạo. Do đó, sau khi thu hoạch lúa vụ trước, khuyến cáo nông dân cày hoặc trục đất, vệ sinh đồng ruộng, đảm bảo có thời gian giãn cách giữa 2 vụ ít nhất 20 ngày nhằm hạn chế thấp nhất nguồn lây lan sâu bệnh. Sử dụng các giống lúa cấp xác nhận hoặc tương đương và khuyến cáo sạ thưa với lượng giống từ 80 - 100kg/ha. Áp dụng các biện pháp kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), sử dụng thuốc BVTV an toàn và hiệu quả trong quá trình sản xuất.
Kiên Giang thúc đẩy nhanh định hướng sản xuất theo nhu cầu thị trường, đồng thời chú trọng sản xuất theo chuỗi giá trị gia tăng, nhất là theo hướng nông nghiệp an toàn, hữu cơ, thân thiện với môi trường. Tăng cường liên kết tiêu thụ sản phẩm theo mô hình cánh đồng lớn có mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đẩy mạnh đầu tư xây dựng, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với thị trường tiêu thụ có hiệu quả, bền vững.
Cơ cấu giống lúa hợp lý, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường cũng góp phần mang lại hiệu quả tích cực. TS Ngô Đình Thức, Giám đốc Trung tâm Giống nông - lâm - ngư nghiệp tỉnh Kiên Giang cho biết, ngay từ đầu vụ, đơn vị đã có khuyến cáo về cơ cấu giống lúa phù hợp cho các vùng sinh thái trên địa bàn tỉnh và chuẩn bị cơ số giống lúa để cung ứng phục vụ sản xuất. Trong cơ cấu giống, vừa khuyến cáo bố trí nhóm giống chất lượng, vừa bố trí theo điều kiện từng vùng sinh thái của tỉnh.
Theo TS Thức, với mật độ gieo sạ khuyến cáo trung bình 100kg/ha, nhu cầu lúa giống cấp xác nhận cho sản xuất vụ hè thu trên địa bàn tỉnh khoảng 28.000 tấn. Trong đó, nông dân tự nhân giống hoặc trao đổi, mua bán từ các mô hình nhân giống của ngành nông nghiệp, HTX ước khoảng gần 10.000 tấn, đáp ứng 35% nhu cầu. Nguồn cung ứng từ các chương trình, dự án như cánh đồng lớn, cánh đồng liên kết với các doanh nghiệp chiếm khoảng 12% diện tích canh tác, tương ứng khoảng 3.300 tấn lúa giống.
Như vậy, nhu cầu lúa giống còn lại cần phải cung ứng cho sản xuất vụ hè thu 2024 trên địa bàn tỉnh khoảng 15.000 tấn (tương đương 53% nhu cầu). Trung tâm đã tổ chức sản xuất, liên kết sản xuất và làm đại lý cung ứng với lượng giống chuẩn bị trên 4.000 tấn. Các giống lúa được cung ứng là giống chủ lực trong cơ cấu của tỉnh như: OM5451, OM18, OM4900, OM2517, OM6976, OM7347, ST24, ST25, GKG1, GKG5, Đài Thơm 8, ĐS1, RVT…
Cùng với giải pháp kỹ thuật, Kiên Giang cũng đẩy mạnh mời gọi doanh nghiệp phối hợp với tổ chức nông dân xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo, ngày càng mở rộng quy mô về diện tích và liên kết ngày càng bền vững.
Hoạt động khuyến nông tiếp tục duy trì, nhân rộng các mô hình sản xuất đạt chuẩn như VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, SRP. Đẩy mạnh hướng dẫn, tư vấn cấp mã số vùng trồng trên cây lúa phục vụ cho xuất khẩu tại các thị trường như Trung Quốc, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản... Đặc biệt, khẩn trương triển khai “Quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp” đã được Cục Trồng trọt ban hành.