| Hotline: 0983.970.780

Kiên Giang khởi động Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao

Thứ Ba 16/07/2024 , 18:04 (GMT+7)

Khởi động Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao là cột mốc quan trọng của ngành nông nghiệp Kiên Giang nhằm quyết tâm xây dựng chuỗi ngành hàng lúa gạo bền vững.

Cam kết thực hiện Đề án

Ngày 16/7, tại xã Tân Hội (huyện Tân Hiêp, Kiên Giang), Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức khởi động Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt giới thiệu các mục tiêu chung của Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại lễ khởi động Đề án ở Kiên Giang. Ảnh: Trung Chánh.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt giới thiệu các mục tiêu chung của Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại lễ khởi động Đề án ở Kiên Giang. Ảnh: Trung Chánh.

Tham dự có lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh Kiên Giang và các sở, ngành, địa phương, tổ chức nông dân/HTX nông nghiệp, Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam, các doanh nghiệp cơ giới hóa, sản xuất, kinh doanh trong chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo.

Tại cánh đồng rộng hàng trăm ha của HTX Dịch vụ nông nghiệp Thanh niên Phú Hòa (xã Tân Hội), hơn 200 đại biểu đã tham quan trình diễn thực hành ứng dụng công nghệ tiên tiến trong mô hình thí điểm “Canh tác lúa giảm phát thải, quản lý rơm, nước và phân bón” vụ thu đông 2024.

Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Thanh niên Phú Hòa - anh Nguyễn Văn Huỳnh chia sẻ: “Chúng tôi rất vinh dự khi được chọn là đơn vị đầu tiên trên địa bàn tỉnh Kiên Giang khởi động Đề án với diện tích 50ha, gồm 25 hộ tham gia.

Việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trên đồng ruộng từ lâu đã được HTX triển khai rất hiệu quả và được sự đồng tình ủng hộ của người dân. Gần đây nhất là mô hình sản xuất lúa SRP, cánh đồng lớn giảm chi phí, cánh đồng lớn lúa hữu cơ... Với kinh nghiệm hiện có cùng với sự quyết tâm của thành viên, chúng tôi quyết tâm thực hiện hiệu quả Đề án này”.

Ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho rằng, lễ khởi động Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao được xem là cột mốc của ngành nông nghiệp nhằm quyết tâm xây dựng chuỗi ngành hàng lúa gạo theo hướng bền vững. Ảnh: Trung Chánh.

Ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho rằng, lễ khởi động Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao được xem là cột mốc của ngành nông nghiệp nhằm quyết tâm xây dựng chuỗi ngành hàng lúa gạo theo hướng bền vững. Ảnh: Trung Chánh.

Đồng thời, vị giám đốc trẻ cũng khẳng định, các thành viên HTX cam kết ban đầu với các đơn vị, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ sau khi thu hoạch lúa hè thu 2024 nông dân sẽ không đốt rơm rạ, thay vào đó sẽ vận chuyển ra khỏi ruộng và xử lý làm phân hữu cơ. Đồng thời đảm bảo thời gian giãn cách giữa các vụ sản xuất ít nhất 3 tuần trở lên để ruộng được vệ sinh, cày, xới và trục trạc san mặt bằng phẳng. Các hộ tham gia Đề án sẽ ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ như máy sạ cụm, sạ hàng, drone phun phân, thuốc, giống... Diện tích sản xuất đã cam kết sẽ thực hiện liên kết, bao tiêu đầu ra.

Ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, Kiên Giang là tỉnh dẫn đầu cả nước về sản xuất lúa với diện tích gieo trồng hàng năm hơn 700.000ha, sản lượng thu hoạch khoảng 4,5 triệu tấn lúa hàng hóa. Tham gia Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tỉnh Kiên Giang đăng ký thực hiện 200.000ha.

Theo đó, việc thực hiện sẽ được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (năm 2024 - 2025) tỉnh tập trung củng cố các diện tích đã có của Dự án VnSAT với gần 25.000ha và mở rộng diện tích lân cận ngoài vùng Dự án, hướng đến năm 2025 mục tiêu đạt 100.000ha, trong đó năm 2024 là 60.000ha.

Giai đoạn 2 (năm 2026 - 2030), Kiêng Giang sẽ xác định cụ thể khu vực trọng tâm để lập dự án đầu tư phát triển vùng lúa chuyên canh chất lượng cao giảm phát thải mới thêm 100.000ha để hướng tới mục tiêu 200.000ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh Kiên Giang chọn 12 huyện, thành phố tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao với diện tích đạt 200.000ha đến năm 2030. Ảnh: Trung Chánh.

Tỉnh Kiên Giang chọn 12 huyện, thành phố tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao với diện tích đạt 200.000ha đến năm 2030. Ảnh: Trung Chánh.

Theo người đứng đầu ngành nông nghiệp Kiên Giang, tỉnh đã chọn 12/15 huyện, thành phố trên địa bàn để triển khai Đề án, gồm: Giang Thành, Kiên Lương, Hòn Đất, Tân Hiệp, Châu Thành, Giồng Riềng, Gò Quao, An Biên, An Minh, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận và Rạch Giá. Đến nay, tất cả các địa phương đã xây dựng kế hoạch chi tiết để thực hiện Đề án theo đúng cam kết. Để thực hiện Đề án, tỉnh đã huy động nguồn lực, hỗ trợ kỹ thuật với tổng kinh hơn 596 tỷ đồng, trong đó tập trung vào “Dự án Hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật cho lúa carbon thấp tỉnh Kiên Giang”.

Ngoài cánh đồng tại xã Tân Hội được khởi động Đề án ngày 16/7, tại Kiên Giang còn có thêm cánh đồng thuộc HTX Tôm – cua – lúa Thạnh An, vùng sản xuất lúa – tôm huyện An Minh được Bộ NN-PTNT chọn tham gia Đề án và dự kiến sẽ được khởi động vào tháng 8 tới. Sau đó, tỉnh Kiên Giang sẽ đồng loạt khởi động các cánh đồng ở 10 huyện còn lại vào vụ đông xuân 2024 - 2025.

Tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị

Tại chương trình khởi động Đề án, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt nhấn mạnh, để hình thành vùng sản xuất 1 triệu ha của Đề án, cần tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững ngành lúa gạo thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế.

Trình diễn cơ giới hóa đồng bộ tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Thanh niên Phú Hòa. Ảnh: Trung Chánh.

Trình diễn cơ giới hóa đồng bộ tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Thanh niên Phú Hòa. Ảnh: Trung Chánh.

Theo đó, trong năm 2024 sẽ bắt đầu triển khai Đề án trên diện tích khoảng 200.000ha dựa tại các vùng lúa thuộc Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững – VnSAT đã triển khai thành công những năm trước đây. Sau đó, Đề án sẽ mở rộng dần diện tích mỗi năm trên 100.000ha để hướng tới mục tiêu đạt 1 triệu ha vào năm 2030.

Theo ông Lê Thanh Tùng, ĐBSCL có diện tích sản suất lúa khoảng 3,8 triệu ha, chiếm hơn 50% diện tích lúa của cả nước. Mỗi năm, ĐBSCL đóng góp khoảng 25 triệu tấn lúa trong tổng sản lượng hơn 43 triệu tấn lúa của Việt Nam.

ĐBSCL không chỉ là vùng sản xuất lúa trọng điểm, mà còn là nơi sản xuất lúa để thương mại, xuất khẩu nên mục tiêu sản xuất lúa phải mang lại lợi nhuận. Vì vậy, Đề án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong định hướng chuyển đổi phương thức canh tác lúa theo hướng bền vững và hiệu quả ở ĐBSCL, đồng thời hình thành, phát triển các vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn ổn định, lâu dài.

Gắn thiết bị cảm biến đo mực nước tại cánh đồng tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao của HTX Thanh niên Phú Hòa. Ảnh: Trung Chánh.

Gắn thiết bị cảm biến đo mực nước tại cánh đồng tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao của HTX Thanh niên Phú Hòa. Ảnh: Trung Chánh.

Đề án đưa ra mục tiêu giảm 30% chi phí đầu vào, góp phần giảm chi phí sản xuất lúa cho nông dân khoảng 9.500 tỷ đồng, tăng tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa và góp phần giảm 10% lượng phát thải khí nhà kính.

Trong quá trình triển khai Đề án, sẽ có một số chính sách mới, phù hợp với xu hướng toàn cầu được thực hiện thí điểm như chi trả tín chỉ carbon dựa vào kết quả cho 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh, sản xuất tuần hoàn, khai thác đa giá trị trong sản xuất lúa với các chính sách cơ chế về đầu tư hoặc tín dụng với mục tiêu thu hút các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, chế biến lúa gạo.

Mục tiêu của Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao hướng tới là hiệu quả kinh tế, nâng cao giá trị toàn chuỗi thêm 40%, tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa tăng 50%. Hiệu quả xã hội là 1 triệu hộ được đào tạo và áp dụng canh tác lúa bền vững. Hiệu quả môi trường nhằm góp phần bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính ít nhất trên 10%.

Xem thêm
Khó tháo nút thắt môi trường trong chăn nuôi tập trung

Nghệ An Huyện Yên Thành có thế mạnh về chăn nuôi tập trung với tổng đàn gia súc, gia cầm lớn, tuy nhiên điều này cũng làm gia tăng mức độ ô nhiễm môi trường.

Chăn nuôi an toàn sinh học giảm bớt nỗi lo dịch bệnh

Thanh Hóa Chăn nuôi an toàn sinh học giúp nhiều chủ trang trại vơi bớt nỗi lo dịch bệnh. Đây cũng là định hướng của tỉnh Thanh Hóa nhằm đưa ngành chăn nuôi phát triển bền vững.