| Hotline: 0983.970.780

Nhớ lắm Trường Sa!

Thứ Sáu 22/12/2023 , 06:00 (GMT+7)

Nhân kỷ niệm 79 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2023), nhóm cựu quân nhân Trường Sa lại có dịp họp mặt.

Cuộc gặp gỡ bình dị, nhưng gợi lại nhiều ký ức đẹp của một thời quân ngũ…  

Người lính trong môi trường mới

Cuộc gặp gỡ của nhóm đồng ngũ Hải quân 1993 chúng tôi được tổ chức khá bình dị, mộc mạc, nhân dịp kỷ niệm 79 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2023) ngay tại nơi huấn luyện tân binh ngày ấy.

Mỗi cựu quân nhân chúng tôi dù mỗi người một quê, nhưng điểm chung là đều xuất thân từ làng mạc, ruộng đồng, khi đến tuổi sẵn sàng lên đường để trở thành người chiến sỹ, là đồng chí, đồng đội của nhau từ ngày vào quân ngũ. Tình cảm của những thành viên trong nhóm đồng ngũ đã xóa nhòa mọi khoảng cách địa lý, hoàn cảnh sống giúp cho những người lính chúng tôi sau khi rời quân ngũ trở về vẫn gắn bó keo sơn cho đến hôm nay…

Tàu HQ 996 mà tôi đã từng gắn bó tại quần đảo Trường Sa, cho đến gần đây tôi đã có dịp trở với bao kỉ niệm ùa về. Ảnh: Minh Sáng.

Tàu HQ 996 mà tôi đã từng gắn bó tại quần đảo Trường Sa, cho đến gần đây tôi đã có dịp trở với bao kỉ niệm ùa về. Ảnh: Minh Sáng.

Sau ba tháng huấn luyện tân binh và 6 tháng học tập vận hành tàu và máy tàu, những người lính kỹ thuật chúng tôi được chuyển ra Lữ đoàn 146 đơn vị bảo vệ quần đảo Trường Sa. Những ngày đầu ra đây nhận nhiệm vụ mới, những người lính trẻ chúng tôi cùng nhau chia sẻ buồn vui, nhất là nỗi nhớ quê, nhớ nhà, bạn bè, người yêu…nơi đầu sóng ngọn gió ngàn trùng khơi.

Giữa mênh mang Trường Sa, những người lính Hải quân chúng tôi “buông neo” trên các đảo nổi, đảo chìm ngày ấy, có những lúc chia nhau từng ca nước ngọt, từng hơi thuốc lá, rồi cả thuốc rê cuộn như tổ sâu kèn. Cả nhóm túm tụm chung nhau đọc lá thư nhà, thư tình bạn gái, hay thư kết bạn sinh viên gửi ra…đến nhàu tờ giấy; có khi còn thuộc làu làu từng con chữ. Nơi đảo xa, chúng tôi luôn coi nhau như những người ruột thịt, cùng háo hức chờ đợi những cánh thư từ đất liền mỗi khi có chuyến tàu ra đảo….

Trở về đời thường, những người lính chúng tôi mỗi người một môi trường mới, ai cũng cố gắng gây dựng sự nghiệp cho bản thân và gia đình. Thế rồi chúng tôi lại tự tìm nhau qua mạng xã hội, qua Zalo, Facebook. Qua những cuộc liên lạc ấy, tôi đã tìm được rất nhiều đồng đội từng gắn bó với mình và nhiều đồng đội khác cùng một thời là lính đảo Trường Sa. Có dịp gặp lại nhau, cùng bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm của một thời nơi đảo xa.

Những người lính trẻ rất thích những tấm hình do phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam chụp kỷ niệm. Ảnh: Ngô Xuân Chinh.

Những người lính trẻ rất thích những tấm hình do phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam chụp kỷ niệm. Ảnh: Ngô Xuân Chinh.

Với tôi được may mắn trở thành nhà báo, và có điều kiện quay trở lại đơn vị cũ thuộc quần đảo Trường Sa. Bằng chính những góc nhìn của người làm báo đã từng là người lính đảo Trường Sa trở về đã giúp tôi ghi nhận được nhiều thông tin chân thật cảm xúc nhất về cuộc sống của người lính Hải quân thời nay trên quần đảo Trường Sa.

Có thể nói cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ ở quần đảo Trường Sa vẫn luôn gặp khó khăn vì thời tiết ở đây rất khắc nghiệt. Hàng năm quần đảo có tới trên 130 ngày gió thổi mạnh từ cấp 6 trở lên, số ngày nắng trên 270 ngày khiến các đảo trở nên khô khát. Thời kỳ đó, mỗi cán bộ, chiến sĩ trên các đảo ở Trường Sa chỉ được dùng từ 5 - 10 lít nước ngọt một ngày cho tất cả nhu cầu sinh hoạt. Tuy nhiên, tôi thật sự ấn tượng với chia sẻ của Trung tá Trịnh Xuân Huân, Phó Lữ đoàn trưởng, Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân, trong dịp mới đây chúng tôi được theo Đoàn công tác ra quần đảo Trường Sa, có phóng viên đề cập: “Khi ra đảo công tác xa nhà thì các cán bộ chiến sĩ gặp phải những khó khăn gì?”. Chúng tôi nghe Trung tá Huân trả lời rất gọn gàng và ấn tượng: “Ở quần đảo Trường Sa, chúng tôi luôn xác định “Đảo là nhà, biển cả là quê hương” cho nên sẽ không có bất cứ khó khăn nào với cán bộ chiến sĩ chúng tôi cả!”.   

Nhạc sĩ Thế Hiển từng viết “Người chiến sĩ quen với gian lao”, nhưng đối với những người lính Trường Sa, gian lao là động lực để cùng tiến lên phía trước. Mỗi người lính Trường Sa đều nằm lòng khẩu hiệu “Đảo là nhà, biển cả là quê hương”, tất cả chung sức, chung lòng khắc phục khó khăn, vừa thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, vừa tổ chức xây dựng Đảng với mục tiêu mạnh về phòng thủ, tốt về nếp sống, đẹp về cảnh quan, môi trường mẫu mực, vì đoàn kết quân dân.

Cả ngàn tờ báo đăng loạt bài viết về 'Sức sống Trường Sa' trên Báo Nông nghiệp Việt Nam năm 2023 đã được Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải Quân đón nhận để vận chuyển ra quần đảo Trường Sa chia đều cho các đảo phục vụ cán bộ chiến sĩ. Ảnh: MV.

Cả ngàn tờ báo đăng loạt bài viết về "Sức sống Trường Sa" trên Báo Nông nghiệp Việt Nam năm 2023 đã được Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải Quân đón nhận để vận chuyển ra quần đảo Trường Sa chia đều cho các đảo phục vụ cán bộ chiến sĩ. Ảnh: MV.

Nhất là trong những dịp lễ, tết hay kể cả đến dịp kỷ niệm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam như thế này trong đất liền đang sum vầy, nhộn nhịp thì trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, những người lính vẫn luôn duy trì nghiêm túc việc thực hiện nhiệm vụ. Trung úy Hồ Văn Hân, Lữ đoàn 146, Vùng 4 Quân chủng Hải quân chia sẻ: “Đối với đơn vị chúng tôi thì luôn trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao, bởi vì đây là nhiệm vụ đặc thù riêng đối với lực lượng của Lữ đoàn 146 cũng như là khu vực tại quần đảo Trường Sa. Lực lượng canh gác thì luôn nêu cao tinh thần cảnh giác của mình và thực hiện hết tinh thần trách nhiệm, sẵn sàng thực hiện xử lý các tình huống khi xảy ra và sẵn sàng chấp nhận hy sinh khi cần thiết”.

Nhớ lắm Trường Sa

Trong những trang sử cũ, Trường Sa được gọi là quần đảo, bão tố, nhưng ngày nay ai đến với Trường Sa cũng yêu mến gọi nơi đây là quần đảo xanh. Những ngày mới giải phóng, các đảo hầu như trơ trọi, chỉ có đá và cát trắng. Lớp lớp các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của đoàn Trường Sa đã cùng nhau mang hơi ấm đất liền ra với đảo, bằng những hạt giống rau, cây, vật nuôi, với trí tuệ, bàn tay lao động cùng biết bao giọt mồ hôi thấm đất, quân dân trên các đảo đã dần ươm lên những mầm xanh. Để hôm nay, trên khắp các đảo đều có vườn rau thanh niên, có khu chăn nuôi. Bất chấp thời tiết khắc nghiệt trên quần đảo giờ đây không chỉ có phong ba bàng vuông, dừa mà còn có nhiều loại hoa, rau màu.

Một trong rất nhiều tấm hình đẹp của PV Báo Nông nghiệp Việt Nam chụp khi ra thăm Nhà dàn DK1 trong năm 2023. Ảnh: Minh Sáng.

Một trong rất nhiều tấm hình đẹp của PV Báo Nông nghiệp Việt Nam chụp khi ra thăm Nhà dàn DK1 trong năm 2023. Ảnh: Minh Sáng.

Từ chỗ nước ngọt, rau xanh phải chi viện từ đất liền thì nay các đảo thuộc quần đảo Trường Sa đã tự túc được nhu cầu nước ngọt sinh hoạt và rau xanh, góp phần cải thiện đời sống, nâng cao sức khỏe bộ đội. Tuy nhiên, đến nay ở một số đảo chìm cuộc sống của các cán bộ, chiến sĩ vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vất vả. Nguồn thực phẩm trên đảo vẫn còn phụ thuộc vào việc vận chuyển từ đất liền ra. Có những tháng biển động tàu ra chậm, mọi người trên đảo phải dùng đồ hộp nhưng sự thiếu thốn đó không lớn bằng nỗi nhớ người thương, nhớ gia đình. Đời lính hải quân là thế “biển một bên và em một bên”, nhưng vì nhiệm vụ nên sẵn sàng hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ.

Chúng tôi ra tới đảo Dừa Nam Yết gặp những cái tên với tuổi đời còn rất trẻ. Dưới bóng dừa, họ đã yên nghỉ một giấc rất dài và sâu, chờ ngày đoàn tụ với đất liền. Vì thế, mỗi nhành cây, ngọn cỏ nắm đất hay hạt cát ở Trường Sa đều thiêng liêng lắm, quý báu lắm, trải qua nhiều đau đớn lắm mới có được. Bảo vệ vững chắc quần đảo Trường Sa là lời thề của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ đoàn Trường Sa hôm nay và mai sau.

Những giờ phút gặp gỡ giao lưu giữa đoàn công tác số 11 với các chiến sỹ nơi đảo xa. Ảnh: Minh Sáng.

Những giờ phút gặp gỡ giao lưu giữa đoàn công tác số 11 với các chiến sỹ nơi đảo xa. Ảnh: Minh Sáng.

Trong chuyến ra đảo mới đây, chúng tôi gặp Trung úy quân nhân chuyên nghiệp Trần Thị Thủy là con gái của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Phương, người đã hy sinh trong sự kiện Gạc Ma (ngày 14/3/1988). Bố hy sinh khi Thủy mới lên ba nên chị không nhớ được kí ức nào về ông. Mối dây liên hệ của hai bố con là tình yêu với màu áo xanh Hải quân với đoàn Trường Sa.

“Khi mình được bước chân vào quân ngũ, khoác trên mình bộ quân phục hải quân, đặc biệt được công tác ngay tại đơn vị, nơi mà bố mình đã từng công tác và cống hiến thì mình cảm thấy rất là tự hào vì được cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp bảo vệ biển đảo Tổ quốc”, Trung úy Trần Thị Thủy, Lữ đoàn 146, Vùng 4 Quân chủng Hải quân chia sẻ với chúng tôi.  

Cũng trên chuyến tàu Kiểm ngư 491 ra quần đảo Trường Sa, tôi rất cảm động khi tình cờ gặp Thiếu tá Nguyễn Tiến Xuân (36 tuổi, quê Quảng Bình, hiện là trợ lý tác chiến thuộc Phòng Tham mưu, Vùng 4 hải quân) là con trai út của liệt sĩ - Thượng úy Nguyễn Mậu Phong (Lữ đoàn 146, Vùng 4 hải quân) hy sinh ngày 14/3/1988 tại Gạc Ma (huyên Trường Sa, Khánh Hòa). Năm 2007, tốt nghiệp THPT nhưng vì muốn theo con đường của bố nên chàng thanh niên Nguyễn Tiến Xuân đăng ký thi vào Học viện Hải quân.

Tháng 11/2011, Thiếu úy Nguyễn Tiến Xuân tốt nghiệp Học viện Hải quân và nhận công tác tại tàu Trường Sa 14, thuộc Hải đội 411, Vùng 4 hải quân (nay là Lữ đoàn 955). Sau đó, lên phó thuyền trưởng rồi thuyền trưởng tàu 633, thường xuyên ra làm nhiệm vụ vận tải quân sự, chi viện các đảo và trực bảo vệ chủ quyền ngoài Trường Sa. “Chuyến đầu tiên về công tác Vùng 4, theo tàu ra Trường Sa qua Gạc Ma, em thả xuống biển cho cha cùng đồng đội một bó huệ trắng và khấn: con là Nguyễn Tiến Xuân, hôm nay con đã ra với cha. Giờ liên tục ra với quần đảo, nhưng thói quen thả hoa vẫn như lần đầu tiên”, Nguyễn Tiến Xuân chia sẻ.

Những giọt nước mắt đã rơi trong giờ phút chia tay đầy xúc động giữa đoàn công tác và quân dân trên đảo Trường Sa. Rất nhiều tình cảm, hơi ấm từ đất liền được các thành viên đoàn công tác mang đến tặng những người lính đảo đã tiếp thêm ý chí, niềm tin để các anh luôn chắc tay súng, bảo vệ vững chắc 'Pháo đài thép' giữa biển khơi. Ảnh: Minh Sáng.

Những giọt nước mắt đã rơi trong giờ phút chia tay đầy xúc động giữa đoàn công tác và quân dân trên đảo Trường Sa. Rất nhiều tình cảm, hơi ấm từ đất liền được các thành viên đoàn công tác mang đến tặng những người lính đảo đã tiếp thêm ý chí, niềm tin để các anh luôn chắc tay súng, bảo vệ vững chắc “Pháo đài thép” giữa biển khơi. Ảnh: Minh Sáng.

Năm 2020, đại úy Nguyễn Tiến Xuân nhận nhiệm vụ trợ lý quân huấn của Lữ đoàn tàu đổ bộ vận tải 955, cũng là đơn vị cũ mà tôi từng công tác khi còn trong quân ngũ. Năm 2022, Xuân được phong quân hàm thiếu tá, chuyển lên Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân làm trợ lý tác chiến, thuộc Phòng Tham mưu, mỗi năm ít nhất vài lần đưa các đoàn công tác ra thăm, làm việc tại quần đảo Trường Sa. Đồng thời, cũng chính là những cơ hội mà Xuân được ghé qua vùng biển Gạc Ma để thắp hương, thả hoa huệ trắng xuống tưởng nhớ người bố của mình đã mãi mãi nằm lại nơi đây.

Trong tim mỗi người Việt Nam, Trường Sa luôn là hai tiếng tràn đầy thương yêu và tự hào. Những người lính đoàn Trường Sa cũng không phụ lòng tin yêu của đất liền dù ngày nắng cháy, đêm giá lạnh đầy, dù bóng tối quân thù trước mặt luôn chắc tay súng bảo vệ biển trời Tổ quốc, xứng đáng với truyền thống của đơn vị anh hùng chiến đấu, anh dũng, đoàn kết, chủ động khắc phục khó khăn, giữ vững chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đảm bảo an toàn cho ngư dân mùa mưa bão: [Bài 2] Nỗi lo các khu neo đậu tàu thuyền

Trong những năm qua, hệ thống cảng cá ở các tỉnh Duyên hải miền Trung dù đã được đầu tư nâng cấp, nhưng hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.