| Hotline: 0983.970.780

Nhức nhối chuyển đổi đất rừng

Thứ Ba 16/06/2009 , 13:15 (GMT+7)

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 603/TTg-KTN ngày 22/4/2009 về việc kiểm tra công tác quản lý bảo vệ rừng tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Nam, Bình Phước, Lâm Đồng, Đăk Nông, Đăklăk, Gia Lai, Kon Tum, Đoàn kiểm tra liên ngành đã có những ngày ăn rừng, ngủ rừng để phục kích những cảnh không thể tưởng tượng nổi…

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 603/TTg-KTN ngày 22/4/2009 về việc kiểm tra công tác quản lý bảo vệ rừng tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Nam, Bình Phước, Lâm Đồng, Đăk Nông, Đăklăk, Gia Lai, Kon Tum, Đoàn kiểm tra liên ngành đã có những ngày ăn rừng, ngủ rừng để phục kích những cảnh không thể tưởng tượng nổi…

Rừng nghèo kiệt… ngồn ngộn gỗ bị đốn hạ!

Lần đầu tiên, quy tụ một lực lượng kiểm tra liên ngành hùng hậu đến thế, gồm ông Hà Công Tuấn, Cục trưởng Cục Kiểm lâm làm trưởng đoàn; ông Lương Minh Thảo, Đại tá- Phó Cục trưởng C36, Bộ Công an; ông Lê Hoàng Minh, Đội phó, Trung tá Cục C36, Bộ Công an; ông Vũ Chí Cương, Thượng tá, Cục Tác chiến, Bộ Quốc phòng…

Thế nhưng lực lượng tưởng như toàn lãnh đạo chỉ quen ngồi phòng máy lạnh này đã thực sự hăm hở nhập cuộc. Sau buổi làm việc nhanh chóng với UBND tỉnh Lâm Đồng từ 16-19/5, đoàn đã xuống huyện Đạ Tẻh, Bảo Lâm. Ở điểm nóng Đạ Tẻh, rừng bị phá trái phép xảy ra nghiêm trọng, phổ biến, đại diện UBND huyện nhận định hiện khó kiểm soát được tình hình. Các dự án đã triển khai thực hiện không gắn với lợi ích của người dân, nhất là vấn đề đất đai và thu hút người dân vào làm cho dự án lâu dài, mới chỉ thuê khoán người dân một số công việc có tính thời vụ.

Thực tế, một số Cty (Cty TNHH Thăng Hoa, Cty TNHH Lâm Sơn Thuỷ) sau khi được giao đất không tác động gì, không quan tâm bảo vệ rừng, thậm chí bật đèn xanh cho dân phá rừng để trồng hoa màu năm đầu, sau đó dự án thu lại đất để trồng rừng, trồng cao su, do vậy rừng bị phá, đất bị lấn chiếm. Ban chỉ huy thực hiện các Chỉ thị 12/TTg, 08/TTg của huyện hoạt động không đồng bộ, chủ yếu giao cho kiểm lâm và chủ rừng thực hiện các hoạt động quản lý bảo vệ rừng, các ngành ít phối hợp tham gia. Mặc dù, UBND huyện đã chỉ đạo, nhưng đến nay chưa có vụ phá rừng nào được đưa ra xét xử tại toà án.

Nhiều dự án triển khai thực hiện chậm so với giấy phép đầu tư, các dự án đã triển khai phần lớn có cải tạo rừng nghèo kiệt; các dự án về du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng hầu như chưa được tổ chức thực hiện, nhất là các dự án trên địa bàn thành phố Đà Lạt, huyện Lạc Dương, huyện Đạ Huoai. Hàng loạt sai phạm như: vi phạm về thời hạn đầu tư, tự ý phát dọn, san ủi, xây dựng nhà kiên cố trên đất lâm nghiệp, vi phạm các thủ tục về chuyển đổi mục đích sử dụng đất...26 dự án để xảy ra 29 vụ, gây thiệt hại 269,93 ha rừng, 107,74 m3 gỗ, đất bị lấn chiếm 340,58 ha đất...

Xe đặc chủng cũng chịu thua bùn đất xứ cao nguyên, cuối cùng đoàn đành lội bộ vào những khu đang được cho là cải tạo rừng nghèo kiệt hay những khu nhạy cảm về "lâm tặc" ở Lâm Đồng cho thấy một cảnh tượng kinh hãi. Nhiều cây to cả vài người ôm không xuể đã bị đốn hạ, nhiều bãi gỗ lớn hàng chục, thậm chí hàng trăm thân cây rừng khổng lồ bị xẻ nằm ngả nghiêng, lớn như những quả đồi nhỏ. Ông Cục trưởng Cục Kiểm lâm còn đích thân đứng cạnh một cây rừng như vậy đã bị cưa ngang gốc, đổ rạp dưới đất làm mẫu so sánh chụp ảnh. Thân cây khổng lồ nằm lừng lững ngang vai ông Cục trưởng. Một cán bộ trong đoàn thốt lên: "Không thể tưởng tượng được rừng nghèo kiệt lại có trữ lượng gỗ lớn đến thế này".

Từ 21-26/5 đoàn sang mật phục tại tỉnh Bình Phước. Ở huyện Bù Đăng, kiểm tra tại Cty NLN Đắc Mai thuộc Cty Cao su Phước Long, Công ty NLT Nghĩa Trung, thuộc Cty Cao su Sông Bé. Nông lâm trường Nghĩa Trung được giao quản lý 11.972 ha rừng từ năm 2007 đến hết quý I/2009 tình hình phá rừng trái pháp luật xảy ra nghiêm trọng, Cty đã thống kê được 1.086 vụ phá rừng, gây thiệt hại 1.001 ha rừng. Diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng được giao quản lý 2.311 ha hiện nay hầu hết bị lấn chiếm, sử dụng trái quy định của pháp luật. Cty này báo cáo không đủ khả năng tiếp tục bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp được giao.

Phương án điều chế rừng được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1694/UBND-SX ngày 25/7/2007, ngay sau đó bị phá vỡ do thực hiện chủ trương thu hút đầu tư để phát triển các dự án theo chủ trương cải tạo rừng nghèo kiệt. Sau rà soát quy hoạch ba loại rừng, toàn bộ lâm phận rừng thuộc NLT Nghĩa Trung đã đựơc chuyển đổi sang rừng sản xuất; theo quy hoạch phát triển cao su của tỉnh, thì sẽ chuyển đổi toàn bộ diện tích rừng hiện có sang trồng cao su và trồng rừng.

Rừng thuộc lưu vực sông Đồng Nai bảo đảm nguồn nước cung cấp cho 16 NM thuỷ điện đã được quy hoạch, một số đã và đang được xây dựng như Đa Nhim, Đại Ninh, Đồng Nai 3, Đồng Nai 4... với tổng công suất của toàn bộ hệ thống này chiếm khoảng 30% sản lượng điện quốc gia. Nếu tiếp tục thu hẹp diện tích rừng ở khu vực này thì có thể mùa khô sẽ không đủ nước cho các NM thuỷ điện hoạt động.

Đến thời điểm kiểm tra, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương cho 39 dự án cải tạo 8.430,74 ha đất rừng nghèo kiệt, trong đó 14 dự án đã có quyết định phê duyệt với diện tích 2.800,34 ha, đã khai hoang 1.342,1 ha rừng. Nhiều dự án tiếp giáp với Vườn Quốc gia Cát Tiên (các TK 315, 316, 317, 318, 322) và Khu BTTN Vĩnh Cửu (TK 321). Đang vào mùa mưa, nắng thất thường, đường rừng đất đỏ trơn tuột hơn cả ruộng cày.

Đoàn kiểm tra đã phải dùng tới biện pháp là thuê chiếc xe dã chiến, với tời kéo, bánh lớn, quấn xích kín đặc-một phương tiện được lâm tặc hết sức ưa chuộng để vào rừng. Cảnh tượng đập vào mắt vẫn là một màu nhầy nhụa đỏ của đất rừng bị hàng loạt những phương tiện cơ giới trọng tải nặng giày xéo, màu trắng lốp đến nhức mắt của những thân gỗ rừng lớn bị đốn hạ không thương tiếc phơi ra trong nắng.

Xem thêm
Bổ nhiệm Tổng Biên tập Báo Thừa Thiên - Huế

THỪA THIÊN - HUẾ Ông Hoàng Đăng Khoa, Phó Tổng Biên tập phụ trách được Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế bổ nhiệm giữ chức Tổng Biên tập báo Thừa Thiên - Huế, kể từ ngày 1/11.

Ngăn chặn tàu cá có dấu hiệu vi phạm ngay từ trong bờ

Quyết tâm gỡ 'thẻ vàng' của EC trong năm 2024, Sóc Trăng không chỉ kiểm soát tốt đội tàu cá, mà còn tăng cường các biện pháp truy xuất nguồn gốc, giám sát hành trình.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Giấc mơ lớn trên lòng hồ sông Đà: [Bài cuối] Bán tôm cá 'bán' cả câu chuyện sông Đà

Để đảm bảo tính đa mục tiêu của vùng hồ thủy điện, Hòa Bình tập trung khai thác giá trị thương hiệu cá sông Đà, lấy du lịch làm 'đầu kéo' thủy sản lòng hồ.

Bình luận mới nhất