| Hotline: 0983.970.780

Những bông hoa tỏa sáng giữa đời thường: [Bài 5] Diện mạo mới ở Phú Trung

Thứ Sáu 23/08/2024 , 11:05 (GMT+7)

Những con đường phẳng lì, rộng rãi, xóm làng sạch sẽ. Đời sống người dân ổn định, dân trí ngày nâng cao, an ninh trật tự đảm bảo… Đó là những đổi thay đẹp!

Có dân đồng lòng việc gì cũng xong

Vùng quê xinh đẹp, yên bình này là xã Phú Trung, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước. Phú Trung từng là xã khó khăn của huyện Phú Riềng, nhưng  nay đã thay da đổi thịt. Đó là những con đường bê tông từ liên xã đến những ngõ nhỏ đều sạch sẽ, nhiều con ngõ nhỏ được trồng hoa 2 bên, những ngôi nhà khang trang, yên tĩnh.

Ông Nguyễn Quý Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Trung cho biết, với phương chăm Nhà nước và nhân dân cùng làm, ngay sau khi phát động làm đường giao thông nông thôn, đã được người dân nhiệt tình hưởng ứng. Trong số các con đường đã và đang thực hiện thì tuyến đường giao thông liên xã Phú Trung - Phước Tân dài 8km, rộng 26m, được mở mới hoàn toàn, có sự đóng góp rất lớn của người dân địa phương. Đó là hiến hàng ngàn m2 đất.

Một ngõ nhỏ ở xã Phú Trung, huyện Phú Riềng. Ảnh: Hồng Thủy.

Một ngõ nhỏ ở xã Phú Trung, huyện Phú Riềng. Ảnh: Hồng Thủy.

Trong số các hộ dân hiến đất, ông Nguyễn Văn Hiền đã hiến 1ha đất, giá trị đất khoảng hơn 1 tỷ đồng, chưa kể trên đất đang trồng nhiiều loại cây như điều, tiêu, ca cao, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng 1 năm. “Nói không tiếc thì cũng không đúng, nhưng suy nghĩ kỹ, mình mất cái này sẽ được nhiều cái khác, như có đường lớn thì mình và mọi người đi lại thuận tiện hơn, đất nhà mình ngay mặt tiền, giá trị tăng cao, chưa kể là nhiều cái lợi khác”, ông Hiền nói.

Ngoài ra, còn rất nhiều hộ khác hiến từ 3-6 sào đất, như gia đình ông Đào Văn Dũng hiến 3,5 sào (3.500m2) đất vườn điều đang cho thu hoạch, ông Nguyễn Hữu Hưng hiến 6 sào (6.000m2) vườn điều…

Ông Lê Thanh Trọng, ở thôn Phú An, xã Phú Trung, năm nay 77 tuổi, cựu chiến binh cho biết: “Trước đây chuyện đi lại khó khăn lắm, vì xã toàn đường đất, nắng thì bụi, mưa sình lầy… các cháu học sinh sau mỗi buổi học về nhà là lấm lem từ chân lên đầu. Có được như hôm nay, là nhờ chính quyền làm tốt công tác dân vận, tạo được sự đồng lòng. Người dân sẵn sàng chung tay góp sức, nhà có điều kiện thì góp nhiều, nhà có ít thì góp ít, cứ vậy mà đường trong xã ngày một khang trang, sạch sẽ, thoáng đãng”.

Tuyến đường liên xã Phú Trung - Phước Tân do người dân tự nguyện hiến đất. Ảnh: Hồng Thủy.

Tuyến đường liên xã Phú Trung - Phước Tân do người dân tự nguyện hiến đất. Ảnh: Hồng Thủy.

Theo ông Hà, từ khi phong trào xây dựng nông thôn mới triển khai, việc mở mang đường sá được phát động mạnh mẽ trong dân chúng. Và từ những tuyến đường đầu tiên được bê tông hóa, tương tự những tuyến đường tiếp theo cũng theo đó được xây dựng. Đến nay hầu hết các tuyến chính của xã đã được bê tông hóa, chỉ còn lại những ngóc ngách đang tiếp tục được triển khai.

Ngoài hiến đất làm đường, người dân xã Phú Trung còn nhiệt tình tham gia hiến đất để làm nhà văn hóa thôn. Toàn xã Phú Trung có 6 thôn, mỗi thôn có 1 nhà văn hóa, Trong đó, nhà văn hoá thôn Phú Lâm rộng 600m2 vốn là vườn cây của gia đình ông Trần Xuân Hạnh. Hoặc nhà văn hoá thôn Phú Tiến, rộng 600m2, cũng là đất vườn của gia đình ông Trần Văn Nghiệp hiến.

Đặc biệt, nhà văn hóa thôn Phú Tâm rộng tới 1.000m2, xây trên đất vườn của gia đình ông Ngô Quốc Tứ, hiến. “Tôi tự nguyện hiến vì đây là công trình phục vụ nhu cầu của gia đình, con cháu mình và hàng xóm láng giềng, để mọi người có một điểm sinh hoạt lành mạnh. Đóng góp được 1 chút cho địa phương, tôi rất vui”, ông Tứ nói.

Nhà nước và nhân dân cùng làm

Ông Nguyễn Quý Hà cho biết, để quá trình xây dựng nông thôn mới mang lại hiệu quả, Đảng ủy, UBND xã chú trọng xây dựng nghị quyết, đề ra kế hoạch cụ thể và triển khai đến từng cán bộ, làm sao để huy động tốt nguồn lực trong dân. Đây là vấn đề rất quan trọng và đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, làm sao để “Dân hiểu, dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, cùng với địa phương thực hiện hoàn thành nhiệm vụ đề ra. Trong quá trình thực hiện cũng gặp không ít khó khăn.

Do đó, để thành công, cán bộ lãnh đạo xã, cán bộ lão thành, đảng viên làm gương đi đầu, từ đó mới huy động được sức mạnh của toàn dân. Nhờ huy động từ nhiều nguồn lực, đặc biệt là nguồn lồng ghép của các chương trình mục tiêu quốc gia nên hệ thống điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa cơ bản đạt chuẩn theo quy định.

Lực lượng đoàn viên công an và Ban quân sự xã cùng người dân vệ sinh cỏ rác và trồng hoa ven đường. Ảnh: Hồng Thủy.

Lực lượng đoàn viên công an và Ban quân sự xã cùng người dân vệ sinh cỏ rác và trồng hoa ven đường. Ảnh: Hồng Thủy.

Theo báo cáo của UBND xã Phú Trung, năm 2003, xã đã tổ chức vận động nhân dân trên địa bàn xã hiến đất để thực hiện các công trình nâng cấp, mở rộng tuyến đường 753B, với tổng diện tích đất gần13.200m2 và các công trình xây dựng hàng rào, cửa cổng trị giá hơn 2 tỷ đồng; hiến đất làm tuyến đường Phú Riềng - Phước Tân, với tổng diện tích gần 422.000m2, với rất nhiều cây hoa màu trị trên đất; hiến hơn 105.000m2 đất làm tuyến đường Phú Trung - Phước Tân cùng với các công trình xây dựng trên đất như hàng rào, cửa cổng, cây hoa màu; hiến đất và cây trồng trên đất với diện tích khoảng 66.620m2 để làm 3 công trình đường nhựa với chiều dài hơn 3,3km. Ngoài ra, người dân còn đóng góp làm 21 công trình đường bê tông xi măng với chiều dài 11,6km, vận động nhân dân hiến đất và cây trồng trên đất với diện tích khoảng 174.000m2.

Nói về hiệu quả công tác dân vận trong xây dựng nông thôn mới ở Phú Riềng, ông Lê Anh Nam, Chủ tịch UBND huyện cho biết, không chỉ xã Phú Trung, các xã khác trong toàn huyện đều làm rất tốt công tác dân vận trong xây dựng NTM. Vì thế, hiệu quả xây dựng NTM trên cả huyện đều rất cao.

“Ví dụ như ở xã Phú Trung, để có được bộ mặt nông thôn khởi sắc như vậy, huyện đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội từ huyện đến xã, nâng cao công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức, phù hợp với từng đối tượng; vận động người dân tham gia đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, các công trình phúc lợi theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Nhờ làm tốt công tác dân vận từ cơ sở, chúng tôi đã nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân”, ông Nam nói.

Người dân Phú Trung làm cỏ, chăm sóc vạt hoa mới ươm ven đường thôn. Ảnh: BL.

Người dân Phú Trung làm cỏ, chăm sóc vạt hoa mới ươm ven đường thôn. Ảnh: BL.

Cùng với vận động nhân dân đóng góp xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng xây dựng NTM, MTTQ xã đã khuyến khích nhân dân tham gia phát triển kinh tế giúp nhau giảm nghèo bền vững. Cùng nhau xây dựng cảnh quan môi trường xanh sạch đẹp, hướng dẫn phân loại rác thải tại gia đình, đưa rác thải ra nơi tập kết đúng ngày, giờ theo quy định.

Bên cạnh đó, MTTQ xã phối hợp với UBND xã, cùng các ngành, đoàn thể đôn đốc các khu dân cư, các chi hội đoàn thể duy trì tổng vệ sinh môi trường, khơi thông dòng chảy; phát quang bụi rậm, trồng cây xanh, trồng đường hoa… Qua đó tạo sức lan tỏa, từng bước nâng cao nhận thức trách nhiệm và phát huy vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng xã nông thôn mới.

"Thời gian qua, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nhân dân xã Phú Trung đã đồng lòng, chung tay cùng chính quyền xây dựng NTM. Kết quả, đã vận động nhân dân tham gia đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, làm đường giao thông với tổng số tiền 6,6 tỷ đồng. Làm được 8,5km đường điện thắp sáng ở khu dân cư, làm 8,5km đường nhựa, 17,5km đường giao thông bê tông xi măng, xây 02 cây cầu, 10km đường sỏi”, ông Lê Anh Nam, Chủ tịch UBND huyện Phú Riềng.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bến Tre phát động công trình 'Hàng cây nông dân'

Bến Tre Tại xã Ngãi Đăng, các đại biểu thực hiện trồng 700 cây me chua tại địa điểm phát động chương trình 'Hàng cây nông dân'.

Cao Bằng dồn lực hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP

Năm 2024, tỉnh Cao Bằng huy động 5,4 tỷ đồng thực hiện Chương trình OCOP, ngoài ngân sách trung ương hỗ trợ trực tiếp, tỉnh cũng dành hơn 700 triệu đồng ngân sách địa phương.