| Hotline: 0983.970.780

Những 'bông hồng' trên mâm pháo

Thứ Sáu 08/03/2024 , 06:30 (GMT+7)

Đó là những nữ dân quân trẻ tuổi thuộc Đại đội pháo phòng không 37 ly ở Đồng Hới, Quảng Bình. Bất kể trong điều kiện thời tiết nào, họ vẫn hăng say luyện tập…

Một ngày như những ngày bình thường khác, hôm nay nắng lên sớm, cái nóng ngột ngạt như bao trùm lên không gian. Từ thao trường, tiếng con gái vang lên rành rọt: “Khẩu đội tăng cường sục sạo. Hướng 12. Một máy bay trực thăng MI8 đang bay tầm thấp. Khẩu đội nào bắt được mục tiêu báo cáo. Hết”.

Từ hầm chỉ huy, tiếng tín hiệu viên Hoàng Thị Mai Thủy nói vào máy ngắn gọn: “Phân 4. Phân đạn 800 viên. Sẵn sàng chiến đấu!”. Tại ụ pháo khẩu đội 1, 5 pháo thủ ở vị trí chiến đấu đang săn lùng mục tiêu. Nòng pháo vươn lên giữa trời xanh. Lát sau, tiếng Đại đội trưởng Hoàng Thị Thu Sương vang lên rành rọt: “Nghỉ tập!”.

Tiếng con gái réo rắt: “Đại đội trưởng ơi, chúng em bắt được mục tiêu sống 3 chàng nhà báo rồi nha. Người nhà khẩu đội em đó”. Tiếng cười con gái tuổi đôi mươi vang lên như xua đi cái nắng, cái ngột ngạt đang bủa vây.

Những 'bông hồng' trên mâm pháo hăng say tập luyện giữa những ngày nắng như đổ lửa. Ảnh: T. Đức.

Những “bông hồng” trên mâm pháo hăng say tập luyện giữa những ngày nắng như đổ lửa. Ảnh: T. Đức.

Pháo em lên đồi cao…

Trong không gian yên ắng bỗng vang lên tiếng kẻng báo động khẩn cấp keng, keng, keng… Từ nơi nghỉ ngơi, các chị em dân quân của Đại đội pháo phòng không 37 ly thường trực chiến đấu của lực lượng vũ trang nhân dân TP Đồng Hới, nhanh nhẹn chạy ra vị trí chiến đấu. Những lều bạt che chắn, ngụy trang các khẩu pháo 37 ly khẩn trương được dỡ bỏ. Từ các ụ pháo có thể quan sát được cả bốn phía bầu trời. Đây là vùng đồi cao, vị trí phòng thủ và chiến đấu để bảo vệ sân bay Đồng Hới, thành phố Đồng Hới và những vùng lân cận.

Nòng khẩu pháo 37 ly ngước lên và mâm pháo xoay tròn dưới bàn tay điều khiển mềm mại của con gái. Tưởng là làm khó các em, nào ngờ nó cứ ngoan ngoãn tuân theo nhịp nhàng khớp với khẩu lệnh của khẩu đội trưởng Nguyễn Thị Minh Phương. "Hướng, tầm…Bắt được mục tiêu. Bắn…”. Tiếng chân đạp bắn nghe cành cạch. Lá cờ đuôi nheo màu đỏ trong tay khẩu đội trưởng vung lên, hạ xuống nhịp khớp với khẩu lệnh đưa ra. Mục tiêu đã hạ rồi”.

Các cô gái dân quân canh giữ bầu trời bình yên. Ảnh: T. Đức.

Các cô gái dân quân canh giữ bầu trời bình yên. Ảnh: T. Đức.

Hết buổi tập phương án săn lùng, bắn hạ mục tiêu là trực thăng vũ trang tập kích vào thành phố, các nữ pháo thủ mặt lấm mồ hôi, đỏ hồng dưới nắng gắt kéo nhau rời ụ pháo đến dưới các tán cây tránh nắng. Trời vẫn oi nhưng tiếng cười lanh lảnh của mấy nữ pháo thủ như làn gió mát chao về phía chúng tôi.

Doanh trại của Đại đội pháo phòng không 37 ly thường trực chiến đấu nằm trên vùng đồi cao đất sỏi cát ở xã Quang Phú (thành phố Đồng Hới, Quảng Bình). Nơi ăn ở, sinh hoạt của các nữ dân quân cũng khá khang trang, sạch đẹp. Đại đội trưởng Hoàng Thị Thu Sương vừa chớm qua tuổi 20 đã có kinh nghiệm 2 năm tuổi quân cho chúng tôi hay, mọi sinh hoạt của đại đội đúng theo quân nhân từ ăn, ngủ, luyện tập, trực ban, sẵn sàng chiến đấu.

"Sau giờ luyện tập, đơn vị tập trung tăng gia sản xuất để cải thiện đời sống và làm quỹ sinh hoạt đoàn. Chúng em dù là lực lượng sao vuông (dân quân), nhưng thuộc quân số thường trực nên sống, trực chiến và lao động không khác gì lực lượng chính quy. Do là toàn nữ trẻ nên ngoài những khi nhớ ai đó cũng muốn khóc, còn lại là... vui lắm".

Dưới nắng lửa vẫn hăng say luyện tập. Ảnh: T. Đức.

Dưới nắng lửa vẫn hăng say luyện tập. Ảnh: T. Đức.

Đại đội pháo phòng không 37 ly thường trực chiến đấu được tuyển quân qua hàng năm. Khi đủ 18 tuổi và có đơn tình nguyện nhập ngũ là các em có thể trở thành thành viên của đơn vị. Nữ chiến sỹ Hoàng Thị Mai Thủy mới vào đơn vị hơn 3 tháng kể: Buổi đầu tập luyện các khoa mục bộ binh, phải lăn lê bò toài với súng ống, sắp hàng đi bộ dưới trời nắng, quá mệt nhọc nhưng phải cố gắng. “Có khi mệt và nhớ nhà, nhớ bố, mẹ…khi ngủ cũng khóc thầm. Nhưng nhờ có cả tập thể, có các chị đi trước động viên nên vui mà qua hết mệt nhọc mà quyết tâm rèn luyện”, Mai Thủy tâm sự.

Trước khi được tuyển chọn về đơn vị, nhiều chị em cũng chỉ xem trên phim thấy pháo bắn ầm ầm cũng cứ mơ có ngày mình được trở thành pháo thủ. Vào huấn luyện học binh chủng những ngày đầu cứ phải ra trận địa cầm giẻ lau nòng, chùi thân pháo... Đến phần học sử dụng pháo, nghe hô khẩu lệnh nào là hướng, tiêu, tầm, pháo 1, pháo 2, pháo 3 báo cáo. Rồi tà âm, tà dương...khiến cho ai cũng... lộn tùng phèo cả lên.

Xong phần lý thuyết, đến khi thực hành càng rối hơn. Nhiều lần nghe khẩu lệnh của khẩu đội trưởng hô: “Bắt mục tiêu hướng tây”, lập tức pháo thủ quay nòng pháo ra... hướng nam mà chỉnh tầm. Chẳng ai nỡ trách cứ các em cả. Vì chỉ mới đây thôi, các em còn nũng mẹ, giận bạn trai và bàn tay búp măng chỉ quen cắm hoa, bấm bàn phím điện thoại…

Tuổi 18 các nữ dân quân đã thành pháo thủ vững vàng trong chiến đấu. Ảnh: T. Đức.

Tuổi 18 các nữ dân quân đã thành pháo thủ vững vàng trong chiến đấu. Ảnh: T. Đức.

Những tháng hè, cái nắng Quảng Bình chang chang trên những cồn cát ven biển Quang Phú. Nhiều ngày, trời nóng đến 37, 38 độ C, khiến ụ pháo như chảo rang. Khi tiếng kẻng báo động vang lên, các em không kịp che mặt đã nhanh chân vào vị trí chiến đấu. Lúc này, pháo thủ 1, 2 phải ngồi lên ghế sắt để quay tầm, đạp cò bắn nên càng chịu khổ vì nóng hơn.

Chính trị viên đại đội Hoàng Thị Họa Mi kể cho chúng tôi nghe những ngày đầu của mình và các đồng đội trên mâm pháo. Sau kỳ huấn luyện, mọi cái chưa quen rồi cũng quen, cả cái buồn của buổi ban đầu xa nhà cũng qua đi lúc nào không hay. “Nay cả đơn vị đã thành thạo tất cả các khoa mục của pháo cao xạ 37 ly. Quay tầm, chọn hướng, pháo 1, pháo 2, pháo 3, cự ly... ai cũng đã thành thạo. Cứ mỗi lần báo động chiến đấu là ai nấy vào vị trí thuần thục trên tinh thần quyết thắng đó ạ”, Họa Mi nói thêm.

“Con gái mẹ đã thành người chiến sỹ…”

Chính trị viên đại đội Hoàng Thị Họa Mi có giọng nói thật truyền cảm. Em bảo, con gái rời vòng tay của mẹ tuổi từ 18 đã gác lại những ước mơ tuổi trẻ để trở thành nữ pháo thủ canh trời.

Tranh thủ đọc sách sau giờ luyện tập. Ảnh: T. Đức.

Tranh thủ đọc sách sau giờ luyện tập. Ảnh: T. Đức.

Nhìn các em rắn rỏi trong bộ quân phục dân quân tự vệ với chiếc mũ cứng trên đầu đi trong hàng quân mà thấy thương đến lạ. Đại đội trưởng Hoàng Thị Thu Sương nhẹ nhàng bảo, những ngày đầu mới vào đơn vị, chưa ai quen cảnh sống xa nhà nên nhiều người bỡ ngỡ lắm. Ban ngày bận huấn luyện còn đêm về nhớ mẹ, nhớ bạn bè, buồn nhớ mà không thể về được. Nhớ nhất là những đêm đầu tiên làm nhiệm vụ tuần tra, giữa khung cảnh bãi đồi hoang vắng, lại lúp xúp đầy cây bụi, cô nào cũng bước ríu vào nhau, run lên vì sợ... ma.

Đêm nào cũng như đêm nào, cứ hai người phải chịu trách nhiệm một phiên gác. Những chiến sỹ lớn tuổi như chính trị viên đại đội trưởng, các khẩu đội trưởng…thì đã cứng cỏi lắm rồi. Chứ như các chiến sỹ “út” mới vào đơn vị được một vài tháng đều mới tròn 18 tuổi...thì vừa gác vừa khóc thôi.

Chiến sỹ nữ Đinh Kim Ánh quê ở xa nhất tận huyện miền núi Minh Hóa bộc bạch rằng: “Chúng em sợ nhất là nội quy sinh hoạt, mọi cái cứ theo đúng bài bản quân ngũ từ giờ giấc, gấp chăn màn, luyện tập”. Khi vào doanh trại thăm, nhìn hàng gối, chăn xếp ngay ngắn, vuông vức như được đóng khuôn ở đầu mỗi giường ngủ, mới biết các em phải thực hiện điều lệnh nghiêm như thế nào.

Chăm sóc vườn rau của đơn vị. Ảnh: T. Đức.

Chăm sóc vườn rau của đơn vị. Ảnh: T. Đức.

Năm ngoái diễn tập, đại đội nữ pháo binh 37 ly được tham gia kế hoạch chiến đấu. Đại đội trưởng Hoàng Thị Thu Sương nhớ lại, mấy hôm đó, chúng em căng thẳng lắm. Ai cũng biết là lý thuyết quen rồi nhưng bắn đạn thật cũng sợ. Khi vào trận, chiếc máy bay mô hình phản lực bay bằng thiết bị điện tử tiếng rít như thật được phóng lên từ biển đang vòng hướng vào đất liền. Khắp các trận địa tiếng hô bắt mục tiêu quen thuộc vang lên. Tiếng khẩu đội trưởng lệnh nạp đạn... Sau tiếng hô “bắn”, cả trận địa nảy lên bởi tiếng súng rền và sau đó là tiếng hoan hô dậy khắp.

“Khi đó, trên trời, chiếc máy bay mô hình bị trúng đạn ngay loạt đầu tiên đã tung tóe, cháy khói đen. Các em, mặt mũi nhọ nhem khói thuốc nhưng lại rơi nước mắt vì sung sướng”, Đại đội trưởng Hoàng Thị Thu Sương nhẹ nhàng nói.

 Ngoài thời gian huấn luyện pháo, các cô cũng thực hiện chế độ tăng gia, sản xuất. Hàng năm đại đội thu hoạch hàng tấn rau củ quả, thịt lợn… Tiền thu được chi vào việc mua sắm công cụ, thực hiện nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và các nhiệm vụ khác như góp phần nâng cao đời sống cán bộ chiến sĩ.

Đưa chúng tôi đến khu tăng gia của đơn vị, chiến sỹ Đinh Kim Ánh khoe: "Hôm trước chúng em bán được 4 con rồi đấy. Hiện trong chuồng cũng đang còn nuôi mấy con nữa. Lâu lâu, đơn vị làm lợn để có thịt cho bếp ăn”. Vườn rau của đơn vị khá đầy đủ từ rau lang, rau cải, dền, đậu cove… xanh mơn mởn dưới bàn tay chăm bón của con gái.

Các nữ pháo thủ đảm đang từ luyện tập đến tăng gia sản xuất ở đơn vị. Ảnh: T. Đức.

Các nữ pháo thủ đảm đang từ luyện tập đến tăng gia sản xuất ở đơn vị. Ảnh: T. Đức.

Khi hỏi chuyện, nhiều nữ pháo thủ cũng phân vân chưa biết chọn nghề gì cho phù hợp sau khi được ra quân. Một số các em cũng đã có định hướng sẽ đi xuất khẩu lao động để có thêm thu nhập giúp bố mẹ và cho tương lai về sau. Đêm về, khi ánh trăng vừa lên gần bóng cây phi lao đang rì rào trước gió biển, những nữ pháo thủ lại bên nhau kể về gia đình, về miền quê mình sinh ra, lớn lên hay kể về bạn trai nào đó rồi lại bí mật nghe lén điện thoại mà đồng đội vừa bật máy nhận cuộc trò chuyện của người bạn trai.

Thượng tá Nguyễn Xuân Khoa, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy thành đội thành phố Đồng Hới cho hay, đại đội pháo binh đã thành lập tròn 20 năm, bằng tuổi các em bây giờ. “Mặc dù trong thời gian qua chúng tôi đã có đầu tư cơ sở vật chất nhưng đời sống, sinh hoạt của các nữ pháo binh cũng còn nhiều khó khăn. Chúng tôi cũng đề nghị cấp trên có cơ chế chính sách phù hợp nhất là chế độ giải quyết việc làm, đào tạo nghề sau khi hoàn thành nghĩa vụ. Có như vậy mới động viên cho chị em yên tâm phấn khởi hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”, Thượng tá Nguyễn Xuân Khoa chia sẻ.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

42 mẫu cà phê vào chung kết cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam

42 mẫu cà phê, gồm 24 mẫu cà phê robusta và 18 mẫu arabica lọt vào vòng chung kết cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2024.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm