Ông Hoàng Viết Thông, Trưởng phòng Kiểm ngư (Chi cục Thủy sản Quảng Bình), là người luôn có mặt trên tàu trong những chuyến tuần tra trên biển đầy vất vả của lực lượng.
Ông Thông nhìn nhận: “Để lực lượng Kiểm ngư cơ sở hoạt động có hiệu quả, giữ được biển bình yên, ngoài yếu tố con người thì việc đầu tư trang thiết bị là rất quan trọng. Gần hai năm qua, Kiểm ngư Quảng Bình chỉ ra khơi với những chuyến ca nô nên anh em chỉ đi được những chuyến tuần tra biển rất ngắn ngủi. Do đó, khó có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Những chuyến tàu “3 không” trên biển
Tỉnh Quảng Bình có chiều dài bờ biển gần 120km nên có nhiều tiềm năng về thủy sản. Những năm gần đây, ngư dân đã đầu tư phát triển đội tàu khai thác. Đến nay, toàn tỉnh có gần 6.800 tàu cá, trong đó có gần 3.600 tàu cá có chiều dài trên 6m đang hoạt động khai thác, dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển…
Những năm trước đây, lực lượng Thanh tra (Chi cục Thủy sản Quảng Bình), đã có nhiều cố gắng thực hiện nhiệm vụ chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC).
Theo ông Hoàng Viết Thông, đơn vị đã phối hợp với các địa phương ven biển, các ngành chức năng tổ chức mở cao điểm ra quân tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; Thành lập các tổ xác minh, xử lý tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, tàu cá vi phạm phát hiện qua hệ thống giám sát hành trình. “Qua đó, góp phần nâng cao hiểu biết, trách nhiệm và ý thức của chủ tàu, thuyền trưởng, người dân về các quy định của pháp luật thủy sản về chống khai thác IUU”- ông Thông nói.
Nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát hoạt động của tàu cá khai thác biển cũng đã được thường xuyên. Lực lượng thanh tra thủy sản phối hợp cùng lực lượng Bộ đội Biên phòng tổ chức nhiều chuyến công tác trên biển để nhắc nhở, xử lý các trường hợp tàu cá vi phạm.
Tuy nhiên, một thực trạng vẫn thường xuyên xảy ra trên vùng biển, đó là có nhiều con tàu “3 không” vẫn đang ngày đêm hoạt động. Trong những chuyến tuần tra trên biển của lực lượng Thanh tra Chi cục Thủy sản (nay là lực lượng Kiểm ngư), đã phát hiện và xử lý nhiều tàu vi phạm.
Nhiều tàu vi phạm ít nhất là 3 lỗi trở lên (nên tạm gọi là tàu “3 không”). Trong đó, nhóm lỗi vi phạm nhiều nhất là không có đăng ký, đăng kiểm, không bằng thuyền trưởng, máy trưởng, không phao cứu sinh, không hoạt động đúng tuyến…
“Mỗi tàu mắc lỗi, anh em phải tuyên truyền, vận động, bắt cam kết chứ cũng không muốn xử phạt vì thấy bà con khổ quá. Trừ những trường hợp tái phạm thì chúng tôi kiên quyết xử lý theo quy định. Điều mong muốn là bà con ngư dân tự giác chấp hành chứ không phải là đối phó”, ông Thông chia sẻ.
Tháng 12/2023, tỉnh Quảng Bình có quyết định thành lập Phòng Kiểm ngư thuộc Chi cục Thủy sản (Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Bình), Phòng có chức năng tham mưu thực hiện quản lý Nhà nước về kiểm ngư; thực thi pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong phạm vi vùng biển và vùng nước nội địa do tỉnh quản lý.
Trao đối với chúng tôi, ông Lê Ngọc Linh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Bình cho hay, sẽ triển khai về công tác nhân sự phù hợp để đảm bảo cho lực lượng kiểm ngư hoạt động có hiệu quả hơn. Sau khi ổn định tổ chức, lực lượng kiểm ngư triển khai hoạt động thường xuyên, liên tục và mạnh mẽ hơn trong công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm.
“Lực lượng Kiểm ngư Chi cục Thủy sản Quảng Bình sẽ phối hợp chặt chẽ với các lực lượng thực thi pháp luật trên biển như Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát Biển và chính quyền các địa phương ven biển để tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn ngư dân thực hiện quy định của pháp luật về thủy sản”, ông Linh cho hay.
“Không” có tàu để đi tuần biển…
Bước vào năm nay, lực lượng Kiểm ngư Quảng Bình đi vào hoạt động bài bản hơn, có tính chuyên nghiệp hơn. Theo ông Lê Văn Thảo, Phó Trưởng phòng Kiểm ngư (Chi cục Thủy sản Quảng Bình), phòng đã lên kế hoạch “phạt nguội” những trường hợp tắt máy giám sát hành trình dài ngày.
"Xử lý này chúng tôi tạm gọi là "phạt nguội" vì qua theo dõi trên hệ thống, phát hiện ra tàu cá mất tín hiệu. Sau đó, chúng tôi lập hồ sơ xác minh và khi có đủ cơ sở dữ liệu, chứng cứ thì sẽ chuyển hồ sơ cho Thanh tra Sở NN-PTNT ra quyết định xử phạt theo thẩm quyền”, ông Thảo nói.
Ngay thời gian đầu của thực hiện kế hoạch, lực lượng đã phạt hiện 3 tàu cá tại phường Quảng Phúc (thị xã Ba Đồn), tắt tín hiệu thiết bị giám sát hành trình trên 10 ngày. Qua xác minh, một tàu vi phạm bị xử phát hành chính 25 triệu đồng. 2 tàu còn lại, qua xác minh với các cơ quan chức năng cho thấy tàu vào bờ để sửa chữa trước thời gian 10 ngày nên chỉ nhắc nhở và buộc viết cam kết không vi phạm.
“Từ đây, hiện tượng ngắt kết nối thiết bị giám sát hành trình của ngư dân sẽ hiếm khi xảy ra. Lực lượng sẽ có những chuyên đề công tác khác để hạn chế tối đa việc vi phạm của ngư dân”, ông Thảo thông tin.
Trao đổi về những khó khăn cần tháo gỡ cho lực lượng kiểm ngư địa phương, ông Hoàng Viết Thông cho hay, qua thực tế và theo quy định của phát luật thì lực lượng Kiểm ngư địa phương chỉ có chức năng, quyền hạn kiểm tra, phát hiện vi phạm và lập biên bản chứ không có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.
“Sau khi hoàn thiện hồ sơ, chúng tôi chuyển cho Thanh tra Sở NN-PTNT ra quyết định xử phạt. Hoặc là chúng tôi phối hợp với lực lượng biên phòng cùng thực hiện tuần tra. Khi phát hiện vi phạm, lập hồ sơ và chuyển cho Đồn Biên phòng để Đồn trưởng ra quyết định xử phát hành chính”- ông Thông cho biết.
Cũng theo ông Thông, đây là khó khăn với lực lượng Kiểm ngư của các tỉnh, thành phố. Không có thẩm quyền xử phạt hành chính trên lĩnh vực thủy sản sẽ làm giảm hiệu quả hoạt động của lực lượng Kiểm ngư địa phương.
Khó khăn lớn mà lực lượng Kiểm ngư Quảng Bình gặp phải là không có tàu để thực hiện nhiệm vụ tuần tra trên biển.
Hiện nay, Phòng Kiểm ngư có con tàu 380 CV vỏ thép được đưa vào sử dụng 25 năm nay. Trải qua nhiều đợt mưa bão, con tàu đã xuống cấp nghiêm trọng. Trong một lần ra biển, anh em phát hiện tàu bị thủng đáy nên vội cho tàu quay vào bờ. Sau đó, để khắc phục sự cố, anh em mua 2 tạ xi măng trộn thành vữa đổ bít phần đáy bị thủng lại. Nhưng từ đó, con tàu này chỉ nằm bờ chứ khó có thể đưa ra biển.
Trong 3 năm gần đây, lực lượng Thanh tra (nay là Kiểm ngư) của Chi cục Thủy sản Quảng Bình đi tuần biển với phương tiện ca nô. Ca nô có công suất nhỏ, mỗi chuyến công tác chỉ có 5 - 6 người nên mỏng và yếu. “Có nhiều trường hợp chúng tôi phát hiện tàu cá vi phạm nhưng vì ca nô nhỏ, yếu nên không thể đuổi kịp tàu cá của ngư dân, cũng chẳng làm gì được hơn”, ông Lê Văn Thảo cho hay.
Cũng vì đi tuần biển bằng ca nô nên thời gian công tác không thể kéo dài. Lực lượng Kiểm ngư chỉ có thể đi về trong ngày và chỉ kiểm soát ở vùng biển cách bờ 5 - 7 hải lý. Do ca nô nhỏ nên lực lượng tuần tra không thể nấu ăn hay neo qua đêm trên biển. Để khắc phục, anh em chủ động ăn bữa bằng mì gói hoặc gặp may thì nhờ được tàu ngư dân đang neo trong khu vực nấu nhờ bữa cơm ăn vội.
Chúng tôi chia tay ông Hoàng Viết Thông trên cầu cảng cá Nhật Lệ, nơi có con tàu Kiểm ngư với thân vỏ hoen vết rỉ sét đang neo đậu. Ông Thông bộc bạch: “Mong ước của anh em lực lượng là có được con tàu công suất lớn hơn để cho những chuyến tuần tra, kiểm soát trên biển được dài ngày hơn, đi biển với phạm vi xa hơn, rộng hơn. Qua đó, làm tốt công tác tuần tra, kiểm soát và góp phần chống khai thác IUU hiệu quả hơn”.