Những sự việc đau lòng, mất mát, nguy hiểm, đánh đổi mạng sống thì ít được ngư dân nhắc đến trong câu chuyện hàng ngày. Vì vậy vẫn còn ngư dân nuôi mộng và lén lút tiếp tìm đến các quốc đảo khác trên Thái Bình Dương.
Những cái chết bí ẩn
Ngôi nhà của ngư dân Phạm Tấn Lệ ở thôn Phú Quý (xã Bình Châu huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) trông buồn thảm dưới ánh đèn đỏ. Người em trai của ngư dân này là Phạm Thảo từng là ngư dân lặn và không may bị tê bại. Thảo hàng ngày ra vào căn nhà nhỏ với chiếc nạng và nỗi đau thân xác. Anh trai của Thảo là chỗ dựa để cậu có tiền trang trải chữa bệnh, nhưng mà giờ đã biệt tăm. Vào tháng 10 năm 2013, ngư dân Phạm Tấn Lệ đi trên tàu cá QNg 90789 TS ra khơi. Con tàu mất tích trên đường trở về, trong khi gia đình ở nhà lại đang chuẩn bị làm đám cưới cho con khi vào đất liền.
Báo chí nước ngoài đăng tải thông tin |
Tàu QNg 90789 TS mất tích. Vào thời điểm đó, hầu như các cơ quan quản lý tại Quảng Ngãi đều không nhận ra hành trình của con tàu này có nhiều dấu hiệu bất thường. Tại sao phiên biển lại kéo dài lên đến 2 tháng? Tại sao trong những ngày đầu xảy ra tai nạn, hầu hết gia đình các ngư dân chỉ đóng cửa khóc trong nhà và không dám lên tiếng thông báo về việc cứu nạn, hỗ trợ? Chết nhưng không được nói làm cho nỗi đau thêm tức nghẹn.
Cho đến tháng 3 năm 2016, hai tàu cá với 28 ngư dân địa phương bị lực lượng bảo vệ bờ biển của Australia bắt giữ tại khu vực rạn san hô Great Barrier với 30 thùng hải sâm, lúc đó câu chuyện về nguyên nhân khiến con tàu mất tích mới bắt đầu hiện ra. Các ngư dân đã đánh đổi mạng sống, cho tàu hành trình cả đi lẫn về hơn 2 tháng để ra Thái Bình Dương đánh bắt. “Có nhiều cái chết tức tưởi như vậy nhưng ngư dân giữ kín. Vì vậy toàn là nghe trúng mánh chứ không nghe chuyện đau lòng”, ông Hải, một ngư dân địa phương nhận xét.
Có một gia đình ngư dân lâm cảnh đại tang, đó là thuyền trưởng Trần Tiến Dũng ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu. Trong chuyến đi vào tháng 8 năm 2013, con tàu này đã chở cả 3 cha con ra khơi. Năm đó cậu con trai của ông là Trần Văn Tiến, 25 tuổi và Trần Văn Lên 21 tuổi. Trên tàu có tổng cộng 22 người. Chiếc tàu này mới được đóng và hạ thủy. Các ngư dân tin tưởng vào con tàu mới cứng có thể giúp họ bình yên trong chuyến biển. Nhưng cuối cùng, người thân trong đất liền không nhận được tin tức gì, khi con tàu biến mất giữa đại dương mênh mông.
Món nợ 10 tỷ
Tại Hội nghị phổ biến và tuyên truyền pháp luật cho ngư dân Quảng Ngãi vào ngày 29/9/2017, do Bộ Quốc phòng và UBND tỉnh Quảng Ngãi chủ trì, trong số khách mời tại hội trường có một ngư dân ngồi bần thần nghe các đại biểu nhắc những tác động xấu do ngư dân sang các nước đánh bắt trái phép. Ngư dân này còn trong trạng thái mất tinh thần vì món nợ ngập đầu sau những chuyến cho tàu ra nước ngoài đánh bắt và liên tục bị bắt giữ. Đó là thuyền trưởng Tiêu Chánh, sinh năm 1980, quê ở xã Bình Châu huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi.
Ông Chánh trở thành một trong những ngư dân được lưu bút lục nhiều nhất tại 3 quốc gia trên Thái Bình Dương. Câu chuyện của ông Chánh khiến nhiều người không khỏi giật mình. Đó là do có kinh nghiệm đi biển, sắm được loại máy định vị toàn cầu, ông Chánh đã liều mạng cầm lái đưa cả đoàn ngư dân ra khỏi Biển Đông và đi lang thang trên Thái Bình Dương. Từ Quảng Ngãi, tàu hành trình liên tục 40 ngày đêm, qua quốc đảo Palaus, vòng qua Úc, sang tới một quốc đảo khá xa lạ, thậm chí rất khó tìm trên bản đồ thế giới, đó là liên bang Micronexia nằm phía đông bắc của quốc đảo Papua New Guinea. Đây là quốc gia có hàng trăm hòn đảo lớn nhỏ, diện tích chỉ vẻn vẹn 702 km2, dân số hơn 106 ngàn người.
Luật sư Jean Pierre Dinh ở Nouvelle-Calédoni đến hỗ trợ cảnh sát lấy cung ngư dân bị bắt – tư liệu Nouvelle-Calédoni |
Những ngư dân khốn khổ trên con tàu gỗ này xuất hiện và đánh bắt hải sản chưa được bao lâu thì bị bắt giữ. Sau mỗi chuyến bị bắt trở về, ông Chánh lại được chủ nậu tiếc sức đóng tàu mới để đi làm “gỡ nợ”. Nhưng càng làm càng rơi vào cảnh tù đày. Tàu lang thang ở quốc đảo này thấy khó khăn thì chuyển sang vùng khác. Hậu quả là ông Chánh đã bị bắt giữ tại Úc, Micronexia và Papua New Guinea. Các nước này đối xử nhân đạo đối với ngư dân bị bắt lần đầu, nhưng do tái phạm và nhiều tàu cá khác bị bắt nên hậu quả là ông bị nhà chức trách thu tàu, xử phạt, giam giữ. Tính đến nay ông Chánh đã bị mất 3 chiếc tàu với tổng trị giá hơn 10 tỷ đồng.
Ông Chánh đến dự hội nghị nghị phổ biến và tuyên truyền pháp luật cho ngư dân Quảng Ngãi để mong được chuyển lời kêu gọi đến các ngư dân khác không nên tiếp tục liều lĩnh đi lang thang trên Thái Bình Dương để lặn hải sâm, coi thường tính mạng.
Ông Chánh là trường hợp ngư dân duy nhất ở Quảng Ngãi xuất hiện trước công chúng để mong gửi lời nhắn nhủ đến các ngư dân khác đang nuôi mộng hải sâm. Còn một số ngư dân khác lâm cảnh khánh kiệt như ông Chánh thì chỉ dám gặp riêng và mong được chia sẻ về việc “đi qua đó dễ chết lắm, anh em đừng có hám lợi mà đi bỏ vợ bỏ con”.
Dựa vào người Việt
Vừa qua, có một số ngư dân bị đau nặng trong tù nên được các quốc đảo chạy chữa tạm thời, sau đó trả về sớm. Ở quốc đảo Papua New Guinea nghèo nàn, nếu bị cảm thì được phát thuốc Lycomycin (kháng sinh cực mạnh chữa trị vết thương, giang mai), đau bụng thì cũng là loại thuốc đó. Ai bị đau nặng thì được xe chuyển về bệnh viện tuyến trên và cũng chỉ uống Lycomycin cộng thêm chai nước biển. Khi ngư dân bị bắt ở các quốc đảo mà Việt Nam chưa có cơ quan đại diện ngoại giao, chính quyền sở tại phải dựa vào cộng đồng ít ỏi người Việt để hỗ trợ phiên dịch và kết nối.
Ông Nguyễn Hoàng Phẩm, là một doanh nhân kinh doanh lĩnh vực hải sản ở Papua New Guinea đã gặp và hỗ trợ thêm lương thực, liên hệ với thân nhân của các ngư dân ở Việt Nam để thông báo tình hình và hướng dẫn về việc nộp phạt, tác động nhà chức trách thực hiện chính sách nhân đạo. Thông qua ông Phẩm, các ngư dân hiểu thêm về đất nước này, biết cách ứng xử và đối đáp để các nhà chức trách xử nhẹ tội.
Bà Sơ Trinh ở Papua New Guinea đang hướng dẫn các ngư dân bị bắt |
Người được ngư dân nhắc đến nhiều nhất là bà Sơ Trinh, một nữ tu Sa-lê-diêng gốc Việt Nam, hiện đang làm việc tại một Trung tâm Dạy nghề cho nữ giới ở đảo Sadeia, thuộc Giáo phận Alotau ở Papua New Guinea. Có rất nhiều tàu của ngư dân Quảng Ngãi bị bắt giữ trong vòng 3 năm qua, bà Trinh đã trực tiếp đứng ra phiên dịch, giải trình với nhà chức trách để cứu hơn 100 ngư dân và hỗ trợ 150 ngư dân Việt Nam khác đang bị giam giữ tại các nhà tù ở Alotau, Giligili và Bomana, thuộc tỉnh Milne Bay.
Trong thời gian qua, Bộ đội biên phòng Quảng Ngãi đã chặn 42 tàu định ra nước ngoài lặn hải sâm. Hải, một ngư dân đã từng vào tù ở các nước ở Thái Bình Dương cho biết, “do bị phát hiện và bắt giữ liên tục nên các chủ nậu cùng ngư dân đã bàn bạc đi qua vùng New Zealand để lặn hải sâm. Câu chuyện của các ngư dân cho thấy, khi bị bắt giữ và khánh kiệt, các chủ nậu tiếp tục “bơm” vốn cho ngư dân đóng tàu mới và khi quay về sẽ mua hải sâm. Đó chính là một trong những nguyên nhân lớn nhất làm ngư dân nhờn hình phạt. |