| Hotline: 0983.970.780

Những ngư dân liều lĩnh vượt biển ròng rã 40 ngày đêm tiến qua Tân Thế giới

Thứ Hai 13/11/2017 , 14:30 (GMT+7)

Tại một hòn đảo nhỏ nằm giữa vùng Tây Thái Bình Dương xa xôi có những người dân Việt Nam bị kẹt lại từ năm 1939. Đó là đảo Nouvelle-Calédoni, lãnh thổ hải ngoại của Pháp. Các ngư dân Quảng Ngãi đã bất chấp đưa tàu tiến vào đảo này sau cuộc hành trình không ngừng nghỉ hơn 40 ngày và nhiều tàu đã rơi vào tay của Chính phủ Pháp.

Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến Liên minh Châu Âu (EU) vừa rút thẻ vàng xuất khẩu thủy sản...
 

Sửng sốt vì đường đi của tàu cá

Sau những lần bị bắt giữ liên tiếp tại quốc đảo Palaus, Papua New Guinea, các chủ tàu cá ở Quảng Ngãi đã đi về hướng châu Úc, sau đó vòng sang hướng đảo Nouvelle-Calédonie, còn gọi là Tân Đảo, Tân Thế Giới.

14-18-21_1_tm_nh_tn_the_gioi
Tấm ảnh vùng đất Nouvelle - Calédonie các nhà chức trách tặng cho ngư dân

Châu Úc gần hơn, nhưng gần đây, các tàu không ghé vào. Vì Úc có hệ thống vệ tinh theo dõi rất chặt, mỗi khi có tàu lạ tiến vào lãnh hải thì tàu tuần tra lập tức xuất hiện cùng với máy bay. Những đợt đầu bắt giữ, Úc đối xử rất nhân đạo, tổ chức cho ngư dân đi tham quan ngành ngư nghiệp của các địa phương, hỗ trợ chi phí về nước. Nhưng vì các ngư dân tái phạm nên hình phạt của Úc đối với ngư dân bắt đầu tăng dần. Các chủ tàu sau khi bị Úc bắt giữ khi quay trở lại đã vòng xuống Nouvelle-Calédonie với hải trình ròng rã khoảng 1 tháng 10 ngày.

Nouvelle-Calédonie là lãnh thổ hải ngoại của Pháp ở phía Tây Thái Bình Dương và có rất nhiều người Việt đang sinh sống. Năm 1853 (trước khi Pháp nổ súng tấn công Đà Nẵng 3 năm), Hoàng đế Napoleon 3 đã ra lệnh chiếm hữu và biến đảo này thành đồn điền và nhà tù chính trị. Hiện nay dân số trên đảo 269 ngàn người, ngoài người Việt thì chiếm chủ yếu là người gốc Kanak bản địa, người gốc Âu, người Polynesia, người Pied Noir và Maghreb. Việt Nam chưa đặt cơ quan đại diện ngoại giao ở đây.

Trước đó, các ngư dân bị bắt giữ ở một quốc đảo trên Thái Bình Dương và rơi vào cảnh khốn khó hơn, đó là Papua New Guinea. Quốc đảo này rộng gấp nhiều lần Việt Nam, dân số chỉ 6,2 triệu người nhưng sử dụng đến 820 ngôn ngữ, ngư dân chỉ biết dựa vào vài người Việt sinh sống ở Papua New Guinea để đứng ra kết nối với chính quyền. Còn ở Nouvelle-Calédonie có cuộc sống văn minh hơn. Khi tàu ngư dân bị phát hiện thì hầu hết là không chạy thoát với các phương tiện hiện đại của Nouvelle-Calédonie.

Theo những người Việt sinh sống trên đảo chia sẻ, sự kiện tàu cá của ngư dân Việt Nam bị bắt luôn xuất hiện trên trang nhất của tờ báo Les Nouvelles. Lực lượng biên phòng và Cảnh sát biển của Nouvelle-Calédonie khi bắt giữ ngư dân đã mở hải đồ và yêu cầu ngư dân chỉ đường đi từ đâu, vòng qua vùng biển nào để đến tận Nouvelle-Calédonie vốn bị xem như xử sở biệt lập tận cùng. Khi thấy ngư dân vạch những con đường ngoằn ngoèo cắt qua Biển Đông rồi xuyên ra Thái Bình Dương xa xôi thì cảnh sát đều lắc đầu ngạc nhiên.

Những đợt ngư dân đầu tiên bị bắt ở Nouvelle-Calédonie, cộng đồng người Việt đã đưa tay giúp đỡ, cưu mang và khuyên nhủ về việc không nên đưa tàu sang đánh bắt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thanh danh, vị thế của người Việt Nam. Nhưng rồi có một số tàu sau khi trở về Việt Nam đã tiếp tục quay trở lại. Trên các trang facebook cá nhân của những người Việt định cư ở Nouvelle-Calédonie, việc ngư dân Việt Nam liên tiếp tái phạm và tình hình ngư dân vẫn cho tàu vào Nouvelle-Calédonie lặn bắt trộm hải sâm không giảm, hình ảnh ngư dân bị bắt với quần áo lem luốc, mặt mũi bơ phờ, có ngư dân bị tê bại phải đưa đi cấp cứu… đã tạo ra tâm lý bực bội vì khó “ăn nói” với người Kanak bản địa.

Nhiều người Việt định cư ở Nouvelle-Calédonie đã lên facebook cá nhân chia sẻ và đề nghị các cơ quan chức năng ở Việt Nam phải xử phạt nặng để ngăn chặn ngư dân vi phạm, nếu không sẽ ảnh hưởng đến thanh danh của người Việt Nam. Ông NSn chia sẻ, “ngày 17/2/2017, Cảnh sát biên phòng vừa hoàn tất việc điều tra một ngư dân Việt Nam tên An đã tái phạm việc đánh bắt trái phép hải sâm trong vùng biển của NC (Nouvelle-Calédonie). Ngư dân này lần đầu vi phạm và bị bắt giữ là hồi tháng 6/2016, được thả về và lần này quay trở lại vào đầu tháng 2/2017”.
 

Bị chôn tàu vì bỏ chạy

Ở tỉnh Quảng Ngãi, ngư dân ra Thái Bình Dương lặn hải sâm và tiến vào lãnh hải của các nước chủ yếu là địa bàn xã Bình Châu và một số ít ở huyện đảo Lý Sơn. Giấc mơ mỗi phiên biển kiếm cả trăm triệu đã “hút” ngư dân ở Hà Tĩnh, Phú Yên, Khánh Hòa đổ về xã Bình Châu.

14-18-21_2_ngu_dn_r_to
Ngư dân ra tòa vì tội đánh bắt cá trái phép (Ảnh tư liệu từ cộng đồng người Việt)
Cộng đồng người Việt tại Nouvelle-Calédonie cho biết, đến thời điểm hiện nay không còn thấy tàu cá của ngư dân xuất hiện và bị bắt giữ như trước đây. Hiện nay chỉ còn 2 thuyền trưởng người Quảng Ngãi đang bị giam giữ và sắp mãn hạn tù.

Long, một ngư dân ở Phú Yên cho biết, đã từng đi trót lọt một chuyến ra Thái Bình Dương, nhưng do bị đuổi và bị tàu tuần tra ở các quốc đảo nã súng bắn nên cuối cùng về tay không. Nhưng suốt một tháng đầu tiên về đất liền, đêm nào ngủ cũng thấy ác mộng. Vì khi tàu ra Thái Bình Dương và đi bơ vơ một mình, nhìn đâu cũng thấy nước, đi hơn 1 tháng vẫn không thấy đất liền.

Đến thời điểm hiện nay, tàu cá vào lãnh hải của Nouvelle-Calédonie thì lập tức có máy bay xuất hiện bám theo và sau đó là tàu của Cảnh sát biển và Công an biên phòng chặn bắt. Nhiều tàu cá đã tìm cách bỏ chạy khi bị dẫn độ. Vào ngày 3/4/2017, có 2 tàu cá QNg 90205 TS ở xã Bình Châu, tàu 90504 TS của ngư dân Nguyễn Văn Quang bị bắt. Lợi dụng lúc Công an biên phòng Nouvelle-Calédonie đi sửa chữa tàu, toàn bộ ngư đân của 2 tàu đã trốn sang một tàu cá khác và chạy trốn vào lúc 23 giờ 30 phút đêm 4/4. Mặc dù toàn bộ những con tàu này đều bị thu giữ máy định vị vệ tinh, tàu như người mù, nhưng ngư dân vẫn bỏ chạy. Đó là một cuộc trốn chạy cực kỳ nguy hiểm.

Ngư dân Nguyễn Văn Lạt, quê ở thôn An Hải, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi nhớ lại những ngày "bán mạng" ở vùng biển Nouvelle-Calédonie. Cuối năm 2016, anh cùng Phạm Ngọc Chí đánh tàu sang Nouvelle-Calédonie. Khi tàu đang lặn gần đảo thì bị bắt giữ. Lạt giấu được chiếc điện thoại vệ tinh để thông báo tình hình về Việt Nam. Các ngư dân bị tạm giữ dưới tàu cá. Công an biên phòng lo sợ ngư dân bỏ trốn nên tháo xích quay bánh lái, tịch thu một số thiết bị lặn và gỡ luôn vô lăng lái tàu.

Trong đêm đầu tiên bị bắt giữ, các ngư dân đã sử dụng dây tời thay cho dây xích để gắn vào trục bánh lái. Một chiếc thớt gỗ được khoét lỗ và ép vào trục lái thay cho vô lăng lái tàu. Các ngư dân đào thoát nhưng không trở về quê mà ra biển lần tìm những con tàu đang lặn hải sâm và sử dụng điện thoại vệ tinh để kết nối tọa độ. Tàu của Lạt đã tìm được một tàu khác và mượn dây hơi để đưa ngư dân đi lặn, với hy vọng bù lỗ lại gần 1 tỷ đồng tổn phí và bù công sức chuyến đi kéo dài 2,5 tháng. Nhưng 3 ngày sau thì tàu tàu tuần tra xuất hiện cùng máy bay trực thăng rà sát trên tàu rượt đuổi và bắt giữ trở lại.

Con tàu này bị xử lý bằng cách đào hố chôn ngay trước mặt các ngư dân. Thuyền trưởng Phạm Ngọc Chí bị bỏ tù, toàn bộ ngư dân bị trục xuất về Việt Nam sau đó vài tuần.

Nouvelle-Calédonie nằm giữa Thái Bình Dương xa xôi, những tàu ghé vào đảo là tàu hàng hải chịu được cấp độ sóng gió lớn. Còn tàu của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi chỉ dài chừng 19 đến 21 mét, trên tàu chở đầy phi để có thể chứa đủ 60 ngàn lít dầu. Nếu trên biển có thời tiết xấu thì dù ngư dân biết trước vài ngày cũng không thể nào chạy kịp, vì Thái Bình Dương rộng mênh mông và đường để đến được các quốc đảo thì rất ra xôi.

 

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Làng nướng cá Diễn Vạn đỏ lửa

Nghề nướng cá tại đất biển Diễn Vạn có từ hàng chục năm rồi, bất kể nắng mưa, những bếp lửa rực đỏ bốn mùa, người làm tất bật từ sáng sớm đến đêm khuya.

Bình luận mới nhất