| Hotline: 0983.970.780

Những căn nhà cổ Bình Định đứng vững trước thời gian và 'cơn lốc săn lùng'

Thứ Ba 10/04/2018 , 14:30 (GMT+7)

Mặc dù được làm bằng những loại gỗ quý giá, nhưng trải qua hàng trăm năm mưa gió thì không loại gỗ quý nào chịu thấu, nên đã dần hư hỏng.  Phong trào “săn” nhà cổ của các đại gia phố thị cũng là mối đe dọa

Phong trào “săn” nhà cổ của các đại gia phố thị cũng là mối đe dọa “bứng” mất những căn nhà lá mái khỏi các vùng nông thôn. Thế nhưng với tâm nguyện giữ gìn hồn cốt của tổ tiên, chủ nhân những căn nhà lá mái luôn “lắc đầu” trước những món tiền tỷ, phần nào hư hỏng thì sửa lại nhưng vẫn giữ nguyên cốt cách xưa.
 

Chống chọi với thời gian

Huyện Phù Mỹ là 1 trong số ít các địa phương ở Bình Định còn giữ được nhiều nhà lá mái nhất. Tại xã Mỹ Châu, hiện còn khoảng 30 căn có tuổi đời trên trăm năm, tập trung nhiều nhất tại thôn Vạn An, 12 căn và thôn Trà Thung, 7 căn. Tại xã Mỹ Hòa hiện còn tồn tại trên 20 căn, nằm rải rác các thôn trong xã. Còn ở xã Mỹ Trinh còn khoảng 12 căn, tập trung ở 3 thôn Trung Bình, Trà Lương và Chánh Thuận.

13-37-06_1
Cánh cửa sổ trong căn nhà lá mái của cụ Quách Thanh Tâm qua gần 120 năm tồn tại đã bắt đầu xuống cấp

Căn nhà lá mái của gia đình ông Nguyễn Đình Chương ở thôn Vạn An, xã Mỹ Châu (huyện Phù Mỹ) được xây từ năm 1905, đến nay đã tròn 113 tuổi. "Xương cốt” bên trong căn nhà như cột, kèo, xiên, trính… vẫn nguyên vẹn, kể cả những nét chạm trổ tinh xảo.

Năm 1968, căn nhà bị chiến tranh cho “ăn” một quả đạn pháo vào góc chái, nhưng vẫn không hề hấn gì. Tuy vậy, tường, mái và nền nhà thì chẳng thể trụ được với thời gian, do vậy gia đình nhà họ Nguyễn đã phải trải qua 3 lần tu sửa.

Cùng trong thôn Vạn An còn có căn nhà lá mái của gia đình ông Lê Văn Thạnh. Không cầu kỳ, bề thế như căn nhà của ông Chương, nhưng với những thành viên trong gia đình này căn nhà ấy chính là mồ hôi nước mắt của ông cha để lại. “Cả 2 đời người, ông nội và cha tôi miệt mài lao động, dành dụm mới xây dựng được căn nhà này. 5 năm trước căn nhà xuống cấp quá, anh em tôi bàn phải sửa chữa, nhưng phải sửa cách nào để căn nhà còn giữ được cốt cách xưa. Cũng may là bây giờ thợ sửa nhà xưa không hiếm”, ông Thạnh chia sẻ.

Nhà lá mái của ông Kỳ Xuân Hoàng ở thôn Trà Thung là thuộc loại “cao niên” nhất trong vùng, đến nay đã được hơn 200 tuổi, qua 7 đời người nối tiếp nhau.

Cơn bão năm 1955 đã khiến toàn bộ giàn cột trong nhà đổ sụm, nhưng nhờ giàn kèo, xiên, trính “gắn bó” với nhau chặt chẽ nên phần cấu trúc còn lại của căn nhà hầu như còn nguyên vẹn, sau đó căn nhà được dựng lại. Đến thời ông Hoàng, mái tranh đã hỏng nên được thay bằng mái ngói. Đó là lần sửa sang duy nhất của căn nhà này.

Theo Bảo tàng tổng hợp tỉnh Bình Định, những ngôi nhà cổ nhất hiện còn, có niên đại khoảng trên dưới 200 năm. Hiện nay, toàn Bình Định chỉ còn vài nhà cổ còn lợp tranh đang hư hỏng nặng, hàng trăm nhà lá mái khác được thay thế mái lá bằng mái ngói hoặc mái tôn. Đa phần nhà lá mái chỉ còn giữ lại nhà chính (3 gian 2 chái). Để chống mối, một số gia chủ không những thay vách đất bằng gạch, mà còn tháo dỡ cả mái đất chỉ để lại lớp trần sìa bằng tre.
 

Hồn cốt tổ tiên

Cấu trúc của căn nhà lá mái hầu như chỉ chú trọng đến không gian thờ cúng, tiếp khách, chứ không dành nhiều cho sinh hoạt của người trong gia đình. Do đó, những chủ nhân đang sống trong nhà lá mái hiện nay phải cam chịu cảnh bất tiện, tù túng.

13-37-06_2
Các đại gia mua cốt nhà lá mái từ các vùng quê về phố lắp ráp để chơi “nhà cổ”

Trong khi đó, những đại gia lắm tiền ở phố thị thì lại đang rất mê mẩn nhà lá mái. Họ lùng về các vùng nông thôn, nếu ai có nhu cầu bán nhà lá mái họ sẵn sàng mua nguyên căn trả tiền tỷ, hoặc sẽ xây trả lại một ngôi nhà hiện đại, khang trang mà còn trả thêm tiền mặt để đổi lấy căn nhà cổ. Ông Trần Văn Đàn, chủ nhân 1 căn nhà lá mái ở thôn Vạn An, xã Mỹ Châu (huyện Phù Mỹ), cho biết cách đây khoảng 5 năm, những người săn lùng nhà cổ ở Quảng Nam đến hỏi mua nhưng ông nhất quyết không bán.

Hoặc như căn nhà của cụ Quách Thanh Tâm ở thôn Thuận Nghĩa, thị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn, Bình Định) đang thừa tự từng được nhiều người ngắm nghía nhưng cụ vẫn “lắc đầu”. Căn nhà hiện còn giữ được những cánh cửa sổ được làm từ khi xây dựng nhà; tường phía sau nhà còn giữ được tường đất, mầm trỉ; chân tường còn những hàng đá ong nhằm chống “đạo chích”.

“Trước đây, có người đến đặt vấn đề với gia đình về việc xin chuyển căn nhà này lên đặt ở Bảo tàng Quang Trung để khách quốc tế thăm bảo tàng được thưởng lãm những nét tinh tế của căn nhà cổ của Việt Nam.

Họ đưa ra hai điều kiện, một là đưa hết bàn thờ ông bà lên đó để thờ, tôi cũng lên theo để ngày ngày hương khói; hai là để họ dời nhà đi, bù lại họ sẽ cất cho tôi một căn nhà hiện đại với quy mô tùy tôi chọn. Thế nhưng tôi không đồng ý, bởi đây là di tích của tổ tiên. Trong từng cây cột, vỉ kèo chứa đầy hơi thở, cuộc sống của ông bà nên dù có giá hàng bao nhiêu tỷ đồng tôi cũng không thể bán”, cụ Tâm bộc bạch.

Tài liệu xưa ghi lại, vào năm 1621, khi Christopher Borri đến Quy Nhơn (Bình Định) để xây dựng nhà thờ, ông đã kinh ngạc khi được chứng kiến tay nghề điêu luyện của những người thợ bản xứ làm ngôi nhà thờ to lớn theo yêu cầu nghiêm ngặt của ông. Điều này đã được ông kể lại trong cuốn sách “Xứ Đàng Trong năm 1621”.

Kỹ thuật xây nhà mà Christipher Borri đã chứng kiến chính là mực thước mà người ta dùng để làm nhà lá mái. Trong cuốn sách nói trên, ông Christopher Borri đã tỏ ra nể trọng kiến thức và tinh thần thi công nghiêm cẩn của những người thợ Việt Nam xưa.

13-37-06_3
Bộ cửa chính của 1 căn nhà lá mái được bảo quản tốt nên còn nguyên vẹn dù đã có gần 120 năm tuổi
“Bình Định đã có chủ trương giao cho Sở VH-TT&DL phối hợp với các địa phương khảo sát về tình hình nhà lá mái tồn tại trên địa bàn, sau đó xây dựng phương án, đề xuất mức hỗ trợ bảo tồn nhà lá mái để phục vụ du lịch. Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ đốc thúc ngành chức năng hoàn tất công việc trên để phục vụ cho ngành du lịch đang phát triển mạnh”, ông TrầnTuấn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định.

 

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Hỗ trợ Sơn La phục hồi hơn 15.000ha đất nông lâm nghiệp

Dự án RESTORE Sơn La,dự kiến hỗ trợ phục hồi 6.994ha đất trồng cây ăn quả và 8.239ha đất lâm nghiệp; trồng hơn 13 triệu cây đa mục đích.

Tình nguyện hiến đất làm kè chống sạt lở bờ sông

Hà Tĩnh Hơn 30 hộ dân ở huyện Hương Khê đã tình nguyện hiến hàng nghìn m2 đất làm dự án kè chống sạt lở bờ sông Ngàn Sâu, góp phần phòng chống thiên tai hiệu quả.