| Hotline: 0983.970.780

Những chiến binh trong chuyến bay đưa người Việt từ Vũ Hán trở về

Thứ Ba 18/02/2020 , 08:32 (GMT+7)

Chuyến bay đi Vũ Hán của Vietnam Airlines (VNA) như một nhiệm vụ thể hiện tinh thần chiến binh.

Nhân viên của Vietnam Airlines chuẩn bị trước chuyến đi. Ảnh: Phi Long.

Nhân viên của Vietnam Airlines chuẩn bị trước chuyến đi. Ảnh: Phi Long.

Phi hành đoàn chuyến bay đưa 30 công dân Việt Nam từ vùng tâm dịch virus nCoV ở Vũ Hán về nước xúc động và tự hào khi đã hoàn thành nhiệm vụ và sứ mệnh được giao.

Không phải ai cũng được chọn dù nhiều người xung phong bay vào tâm dịch để đưa hàng cứu trợ và chở đồng bào về nước...

Cân não

Lúc 21h55 phút tối 9/2, trong giá lạnh và mưa phùn, tại Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài, chuyến bay HVN68 với loại máy bay Airbus A321-231của Hãng hàng không Vietnam Airlines khởi hành sang Vũ Hán (Hồ Bắc, Trung Quốc). Trên máy bay là đồ cứu trợ của Chính phủ Việt Nam cho Chính phủ, người dân Trung Quốc và hàng hóa viện trợ của Vietnam Airlines ủng hộ các hãng hàng không Trung Quốc.

Máy bay đã hạ cánh tại Vũ Hán lúc 1h sáng 10/2. Ngay sau đó, chuyến bay này khởi hành đưa 30 công dân Việt Nam về nước.

“Thời điểm tới vùng tâm dịch virus nCoV tại thành phố Vũ Hán, nhiệt độ bên ngoài chỉ 3 độ C mà mồ hôi túa ra, ai cũng nóng lòng đưa 30 công dân Việt Nam (gồm các sinh viên và người thân, khách du lịch Việt Nam...) trở nước về an toàn...”,

Bình thường, tổ bay của tàu A321 có khoảng 7 người, riêng chuyến bay này có 15 người, do phải có thêm kỹ thuật để kiểm tra an toàn tàu bay khi hạ cánh, cất cánh. Phi hành đoàn 15 người chuẩn bị cho hành trình bay 5 tiếng chi tiết, cẩn thận. Họ phải ăn, thậm chí uống trước khi bay.

Trước khi bay, mỗi người trong tổ bay được trang bị sẵn 3 bộ đồ bảo hộ để thay trên lộ trình bay đi và bay về. Khi máy bay hạ cánh, phi hành đoàn như lính đặc nhiệm, mỗi người một vị trí. Thành viên tổ bay ở lại tàu bay kiểm tra trang thiết bị đón khách; một bộ khác xuống bốc dỡ hàng cứu trợ; còn các bác sĩ thực hiện kiểm tra sức khỏe những người lên ngay tại thang tàu bay (sau khi họ đã được y tế địa phương kiểm tra trong nhà ga).

Chuẩn bị các vật phẩm cần thiết trước khi lên đường sang Vũ Hán. Ảnh: Phi Long.

Chuẩn bị các vật phẩm cần thiết trước khi lên đường sang Vũ Hán. Ảnh: Phi Long.

Thời gian, máy bay lưu lại chỉ có khoảng 1 tiếng rưỡi, phải làm sao bốc dỡ hàng và đón được người. Có hai biển “xanh” và “đỏ” để phân biệt khách nhiễm và không nhiễm (hoặc có dấu hiệu nhiễm). Trường hợp khách “đỏ” sẽ được bố trí ngồi khu riêng trên máy bay. May mắn thay, đêm 9/2, không có biển đỏ nào giơ lên.

Chuyện khử trùng thì khỏi phải nói, mỗi hành khách ngay sau đi vệ sinh, nhà vệ sinh lại một lần được khử trùng. Khi về nước, tất cả mọi người bước xuống tàu bay đều được phun thuốc khử trùng ngay chân thang. Riêng một số thành viên phi hành đoàn thậm chí còn mang bỉm dự phòng để nếu cần xử lý công việc gấp.

Để đảm bảo cách ly và những điều ngoài ý muốn, tổ bay còn có thêm kỹ sư và nhân viên kỹ thuật, mang sẵn cả phụ tùng, trang thiết bị dự phòng, để nếu có tình huống kỹ thuật tàu bay sẽ được xử lý ngay; hoặc xử lý khi hạ cánh mà không cần phải vào khu vực nhà ga, khu kỹ thuật (thông thường, sự chuẩn bị kỹ thuật này chỉ có với các chuyến bay đi sân bay chưa được trang bị kỹ thuật). Điều này nhằm hạn chế khu vực và người tiếp xúc trực tiếp với tàu bay.

Trước khi lên chuyến bay, Tổng Giám đốc VNA Dương Trí Thành ra tận sân bay siết chặt từng cánh tay thành viên tổ công tác. Ông Thành không nói gì nhiều, cái siết tay nói lên tất cả. Sau đó, tổ bay được kiểm tra sức khỏe trước khi lên tàu. Trực tiếp Giám đốc Trung tâm Điều hành Kỹ thuật (VNA) làm Tổ trưởng Tổ công tác.

Tất cả thành viên tổ bay được trang bị đồ bảo hộ y tế kín mít, tương tự đồ bác sĩ sử dụng chăm sóc bệnh nhân trong phòng cách ly. 30 công dân được đón về cũng mặc đồ bảo hộ y tế từ đầu tới chân.

Nhiều cánh tay giơ lên xin vào vùng “tâm” dịch

Biết được thông tin chuẩn bị có chuyến bay đặc biệt đón công dân Việt Nam từ Vũ Hán về nước, Đỗ Tùng Lâm (sinh năm 1984), kỹ sư tổ máy bay A321/330 của Vietnam Airlines lập tức lên gặp cán bộ điều hành xin đi trong sự phấn khích của bản thân và ngỡ ngàng của đồng nghiệp và các cán bộ.

Khi nghe tin anh muốn tham gia chuyến bay này, tất cả người thân đều rất lo lắng cho sự an toàn khi đi vào tâm vùng dịch virus nCoV. Nhưng với sự kiên quyết, Lâm đã thuyết phục gia đình ủng hộ và cảm thấy yên tâm với câu nói của vợ: “Vì công việc, nhiệm vụ, mẹ con em không ngăn cản anh, chỉ mong anh hết sức cẩn thận".

Lâm bảo, Vietnam Airlines và các bộ ban ngành đã họp đoàn và chuẩn bị rất kỹ lưỡng các kịch bản, tình huống giả định để kịp thời ứng phó cho chuyến đi này.

“Chuyến bay này còn đặc biệt hơn khi công dân đón về có một thai phụ 36 tuần, nên đoàn có thêm một bác sỹ sản khoa đi cùng để ứng phó. Là cán bộ kỹ thuật, công việc đòi hỏi phải đi theo tàu bay nhiều lần rồi, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm xúc với một chuyến bay mang tình người sát lại gần nhau,” Lâm khẳng khái kể lại.

Cũng như Đỗ Tùng Lâm, anh Phạm Hải Bằng- Tiếp viên trưởng của hãng hàng không Vietnam Airlines là người được “chọn mặt gửi vàng” trong chuyến bay đặc biệt chuyên chở công dân Việt Nam từ tâm dịch Vũ Hán về nước vào ngày 10/2.

Phi công của Vietnam Airlines trước lúc cất cánh sang Vũ Hán. Họ mặc đồ bảo hộ đầy đủ. Ảnh: Phi Long.

Phi công của Vietnam Airlines trước lúc cất cánh sang Vũ Hán. Họ mặc đồ bảo hộ đầy đủ. Ảnh: Phi Long.

Anh Bằng cho biết, đã 25 năm sát cánh cùng những chuyến bay của Vietnam Airlines, nhưng chuyến bay này cũng phải “cạnh tranh” với một danh sách hơn 33 tiếp viên xung phong, tình nguyện của anh em khác trong đoàn để được là thành viên cả tổ tiếp viên tham gia chuyến bay này.

"Đây là một chuyến bay khá đặc biệt nên cả tổ bay và các thành viên trong chuyến bay có rất nhiều việc phải chuẩn bị để đón bà con mà vẫn đảm bảo được an toàn cho bản thân cùng cả đoàn công tác," anh Bằng chia sẻ.

Trước khi lên tàu bay, cả đoàn công tác và hành khách đều thực hiện đúng theo yêu cầu của các bác sĩ với đầy đủ đồ phòng hộ y tế đặc chủng và trang thiết bị theo quy định. Hãng cũng lên kế hoạch, chuẩn bị nhiều kịch bản cho việc đón khách từ Vũ Hán, kể cả trường hợp hành khách có các triệu chứng ho sốt đồng thời không phục vụ suất ăn, tạp chí, chăn và dịch vụ giải trí trên chuyến bay đặc biệt này.

“Khó khăn nhất có lẽ việc đeo khẩu trang và bộ đồ bảo hộ y tế đặc chủng gây khó chịu cho các cháu bé,” tiếp viên trưởng chuyến bay chia sẻ.

Trong suốt hành trình, tiếp viên trưởng đi lại quan sát thấy hành khách dường như mệt nên sau khi cất cánh mọi người đều ngủ. Khi chuyến bay hạ cánh tại sân bay Vân Đồn, ai cũng đều thở phào khi được các bác sĩ thông báo hành khách đều khỏe mạnh.

Nhưng có lẽ cảm giác nhẹ nhõm nhất được anh Bằng cảm nhận rõ ràng đó là khi cả đoàn được “thoát khỏi” bộ đồ bảo hộ và những nụ cười, ánh mắt hân hoan của những người Việt từ chính tâm dịch Vũ Hán về nước.

“Kết thúc chuyến bay đặc biệt này, cả đội đều sẵn sàng tinh thần cho một kỳ nghỉ dài ngày để cách ly, tránh nguy cơ lây nhiễm virus nCoV. Nhớ lại những lần sơ tán người lao động ở Lybia, thời điểm sóng thần tại Nhật Bản, phi hành đoàn hầu như không có ngày nghỉ. Cả đoàn đều coi đây như một cơ hội để nạp năng lượng, sẵn sàng cho những hành trình, thử thách mới trong tương lai. Việc thực hiện chuyến bay này là sứ mệnh, trách nhiệm của hãng hàng không Quốc gia Việt Nam,” anh Bằng nhớ lại.

Khi các công dân Việt Nam được trở về nước, anh thấy trong mắt họ một niềm vui khôn xiết, nhưng họ vẫn rất nghiêm túc thực hiện mọi quy định, quy trình di chuyển để đảm bảo an toàn bởi vì vẫn phải xa người thân để thực hiện quy trình cách ly, theo dõi sức khoẻ.

Với những người như Đỗ Tùng Lâm, Phạm Hải Bằng khi hoàn thành chuyến bay từ Vũ Hán, các anh mong ước mọi người dân được bình an, đại dịch này sớm bị đẩy lùi. Và với các anh, có lẽ đây là một kỉ niệm đẹp và ý nghĩa nhất trong thời gian công tác tại Vietnam Airlines.

Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam Vietnam Airlines (VNA) được Chính phủ lựa chọn và đã thực hiện thành công chuyến bay đưa hàng hỗ trợ của Việt Nam sang Vũ Hán và đón 30 công dân Việt từ Vũ Hán về nước.

Chuyến bay số hiệu VN68 đã đáp xuống sân bay quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh) lúc 5h4 ngày 10/2/2020.

Đặc biệt, 15 thành viên phi hành đoàn đã được lựa chọn từ gần 100 phi công, tiếp viên, thợ kỹ thuật, nhân viên mặt đất tình nguyện đăng ký lên đường làm nhiệm vụ.

Đây không phải lần đầu tiên Vietnam Airlines thực hiện chuyến bay đưa hành khách khỏi những khu vực có tình hình chính trị, xã hội bất ổn. Trước đó, hãng đã tham gia nhiều chiến dịch lớn của Chính phủ như lập cầu hàng không sơ tán người lao động ở Lybia năm 2011 và 2014.

Hỗ trợ người Việt về nước trong thời điểm Nhật Bản bị động đất, sóng thần năm 2011; đưa hành khách thoát khỏi châu Âu do núi lửa phun trào năm 2010; giải cứu hành khách bị kẹt tại Thái Lan do khủng hoảng chính trị năm 2008; vận chuyển công dân Việt Nam trở về từ Malaysia, Trung Đông các năm 2005-2007..

Xem thêm
Quốc hội thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi

Với 407/451 đại biểu Quốc hội tán thành, chiếm 84,97% tổng số đại biểu Quốc hội, Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.

Lần đầu công bố Kịch bản nguồn nước lưu vực sông Hồng - Thái Bình

Trong Kịch bản nguồn nước (lần đầu) lưu vực sông Hồng - Thái Bình, Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) khuyến cáo việc sử dụng hợp lý nguồn nước trong và sau thời kỳ đổ ải.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Thủ tướng đồng ý đề xuất nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 9 ngày liên tục

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc nghỉ Tết Âm lịch và một số dịp nghỉ lễ trong năm 2025.