Tỉ lệ phân hữu cơ mới "như muối bỏ bể"
Nam Định là địa phương có truyền thống sản xuất nông nghiệp. Hàng năm, nguồn phế phụ phẩm trong nông nghiệp rất lớn, có thể tận dụng để làm phân bón hữu cơ với chi phí khá thấp như rơm rạ trong quá trình sản xuất lúa, chất thải từ quá trình chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản. Tuy nhiên, do còn thiếu thông tin và gặp nhiều khó khăn trong quá trình thu gom, xử lý nên người dân chưa khai thác hết tiềm năng của những phụ phẩm này để biến thành các loại phân bón hữu cơ có chi phí thấp.
Theo ông Trần Ngọc Chính, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Nam Định: Việc đẩy mạnh sản xuất, sử dụng phân hữu cơ mang lại nhiều lợi ích, giá trị: Tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có trong sản xuất nông nghiệp; cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng giúp cây trồng phát triển cân đối, ổn định; tăng hàm lượng dinh dưỡng, cung cấp chất mùn, cân bằng vi sinh vật, hạn chế sự rửa trôi và xói mòn đất, giảm ô nhiễm môi trường; hạn chế việc sử dụng phân bón vô cơ, tiết kiệm nước tưới; nâng cao chất lượng nông sản, hạn chế sâu bệnh hại trên cây trồng; tăng giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích…
Việc phát triển sản xuất phân hữu cơ quy mô nông hộ, trang trại, gia trại có thuận lợi là có thể tận dụng được lao động và nguồn nguyên liệu sẵn có trong sản xuất nông nghiệp, kỹ thuật thực hiện đơn giản, dễ làm.
Tuy nhiên, hoạt động này vẫn gặp nhiều khó khăn như: Nhận thức về kỹ thuật sản xuất phân hữu cơ của các hộ nông dân còn hạn chế, thiếu nhân lực. Quy mô sản xuất nhỏ lẻ nên chi phí cao, thời gian xử lý dài, hàm lượng dinh dưỡng thấp. Vốn, cơ sở vật chất như nhà xưởng, máy móc… phục vụ cho sản xuất phân bón hữu cơ còn hạn chế. Chi phí sản xuất, giá bán phân hữu cơ cao, cùng với khó khăn trong việc làm giấy chứng nhận lưu hành phân bón nên việc tiêu thụ phân hữu cơ còn gặp nhiều khó khăn (đối với những cơ sở sản xuất lớn).
Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu ngày càng thiếu do ảnh hưởng của dịch bệnh trên đàn vật nuôi như dịch tả lợn Châu phi... khiến người dân chủ động giảm đàn. Người tiêu dùng chưa tin tưởng và khó phân biệt giữa sản phẩm sản xuất hữu cơ và các sản phẩm thông thường khác nên chưa kích thích được người dân sử dụng rộng rãi loại phân bón này cho cây trồng…
Theo Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Nam Định: Lượng phân bón các loại người dân sử dụng trung bình hàng năm trên địa bàn tỉnh khoảng 165.000 tấn, trong đó 155.000 tấn phân bón vô cơ và 10.000 tấn phân hữu cơ các loại. Đến nay, tỷ lệ phân bón hữu cơ mới chỉ chiếm khoảng 6% trong tổng lượng phân bón sử dụng hàng năm của tỉnh, trong đó chủ yếu là phân hữu cơ vi sinh và một phần phân hữu cơ khoáng. Lượng phân bón hữu cơ được người dân tự ủ, tận dụng từ chất thải chăn nuôi hay phế phụ phẩm trong nông nghiệp chưa đáng kể.
Lồng ghép nhiều chính sách hỗ trợ
Để tháo gỡ những khó khăn nhằm nhân rộng hơn nữa phong trào sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ, Nam Định đã và đang tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về việc sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ cho phát triển nông nghiệp bền vững, từng bước thay thế phân hóa học. Đồng thời, hỗ trợ cơ sở vật chất như nhà xưởng, máy móc, hỗ trợ cấp giấy chứng nhận lưu hành phân bón hữu cơ cho các cơ sở sản xuất lớn.
Nam Định cũng khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp nghiên cứu công nghệ, tổ chức sản xuất, cung ứng phân hữu cơ với sản lượng lớn, giá bán hợp lý; đầu tư khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ cao, đầu tư công nghệ chế biến nông sản quy mô lớn.
Hiện nay, tỉnh Nam Định chưa có chính sách riêng cho sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay, được sự hỗ trợ về kỹ thuật của tỉnh Miyazaky (Nhật Bản), Nam Định đã tiếp thu, ứng dụng công nghệ sản xuất phân hữu cơ Nhật Bản tại xã Yên Cường (huyện Ý Yên). Bên cạnh đó, tỉnh hỗ trợ kinh phí 200 triệu đồng xây dựng kho chứa phân, cung cấp phân bón cho những diện tích sản xuất rau an toàn tại xã Yên Cường và các xã lân cận.
Ngoài ra, Nam Định đang lồng ghép các cơ chế chính sách của Trung ương và của tỉnh để hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ như: Kết hợp chính sách hỗ trợ đào tạo ngành nghề nông thôn để đào tạo, tập huấn cho người lao động ở các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ; vận dụng các nguồn kinh phí hợp pháp từ Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng Nông thôn mới, Chương trình Mục tiêu dân số - y tế để hỗ trợ cho các cơ sở trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất, áp dụng các quy phạm thực hành nông nghiệp tốt VietGAP, hữu cơ, xây dựng nhãn hiệu, mẫu mã sản phẩm, quảng bá kết nối tiêu thụ sản phẩm…
Đến cuối năm 2021, Nam Định đã hỗ trợ cho 128 cơ sở/doanh nghiệp được chứng nhận áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến và 1 vùng nuôi liên kết Lerger Farm quy mô 500 ha ở xã Nam Điền (Nghĩa Hưng) được chứng nhận nuôi bền vững theo tiêu chuẩn ASC.
Năm 2020, UBND tỉnh Nam Định đã ban hành kế hoạch số 118/KH UBND về phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Nam Định giai đoạn 2021 - 2025, định hướng 2030. Kế hoạch đã đưa ra những nhiệm vụ và giải pháp phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững trong thời gian tới.
Theo đó, Nam Định sẽ xác định vùng sản xuất nông nghiệp định hướng phát triển theo hình thức hữu cơ và xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ; lựa chọn xây dựng mô hình thí điểm về trồng trọt các loại rau, củ, quả, cây dược liệu…
Tổ chức công bố các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ và các mô hình triển khai sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn toàn tỉnh...