| Hotline: 0983.970.780

Muốn nuôi biển bền vững phải làm chủ được thức ăn, dinh dưỡng

Thứ Năm 15/09/2022 , 09:15 (GMT+7)

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT đề ra 6 nhiệm vụ thực hiện hiệu quả Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030 vừa được Chính phủ phê duyệt.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu khai mạc hội thảo sáng 15/9. Ảnh: Bảo Thắng.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu khai mạc hội thảo sáng 15/9. Ảnh: Bảo Thắng.

Sáng 15/9, Bộ NN-PTNT phối hợp UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội thảo thực trạng và giải pháp về dinh dưỡng, thức ăn trong nuôi biển công nghiệp Việt Nam. Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Việt Nam có tiềm năng to lớn để phát triển nuôi biển, như đối tượng nuôi phong phú, sản phẩm cho giá trị kinh tế cao.

Nhờ sự quan tâm của Chính phủ và Bộ NN-PTNT, một số bộ phận hỗ trợ ngành công nghiệp nuôi biển bước đầu được hình thành, từ hạ tầng vùng sản xuất giống, vùng nuôi tập trung, đến hệ thống công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến và phát triển thị trường tiêu thụ.

Theo Tổng cục Thủy sản, tổng diện tích tiềm năng nuôi biển ở nước ta khoảng 500.000ha, trong đó diện tích nuôi vùng bãi triều ven biển là 153.300 ha; diện tích nuôi vùng vũng vịnh, eo ngách và ven đảo là 79.790 ha và nuôi vùng biển xa bờ 100.000 ha. Đến năm 2021, Việt Nam có khoảng 8 triệu m3 lồng nuôi biển, với sản lượng đạt trên 700 ngàn tấn.

Có nhiều tiềm năng, dư địa, nhưng ngành nuôi biển Việt Nam còn gặp một số thách thức, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến. Một số điểm nghẽn được lãnh đạo ngành nông nghiệp chỉ ra, gồm: quy hoạch chưa tốt, hoạt động nuôi tự phát, công tác nghiên cứu, dự báo thị trường tiêu thụ còn yếu, công nghệ sản xuất giống, quản lý sức khoẻ và môi trường vùng nuôi, hạ tầng phục vụ nuôi biển còn hạn chế...

"Trong các khâu, việc sản xuất và cung cấp thức ăn chuyên cho nghề nuôi biển hiện chưa phát triển mạnh, dù đây là yếu tố có ý nghĩa quyết định tới giá thành, chất lượng của sản phẩm", Thứ trưởng nói.

Hội thảo Thực trạng và giải pháp về dinh dưỡng, thức ăn trong nuôi biển được kỳ vọng sẽ tạo cú hích cho ngành công nghiệp nuôi biển phát triển. Ảnh: Bảo Thắng.

Hội thảo Thực trạng và giải pháp về dinh dưỡng, thức ăn trong nuôi biển được kỳ vọng sẽ tạo cú hích cho ngành công nghiệp nuôi biển phát triển. Ảnh: Bảo Thắng.

Thức ăn cho nuôi biển được cung cấp bởi 2 nguồn chính là sản xuất trong nước và nhập ngoại. Về sản xuất, thức ăn gồm 2 loại: Thứ ăn hỗn hợp hoàn chỉnh phục vụ nuôi cá biển công nghiệp; Thức ăn tự chế từ tận dụng các loại phế phụ phẩm trong nông nghiệp, các loài cá tạp được sử dụng khá phổ biến trong nuôi biển, đặc biệt nuôi cá biển và nuôi tôm hùm.

Phần lớn lượng thức ăn công nghiệp cho nuôi biển do các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài sản xuất hoặc nhập ngoại nên khó kiểm soát được giá thành, chất lượng, nguồn gốc của thức ăn cũng như khả năng và các phương thức cung cấp.

"Đây là một trong những yếu tố tác động đến phát triển bền vững của nuôi trên biển hiện nay, dẫn đến nghề nuôi biển chậm phát triển", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến lưu ý.

Hiện nay đã có một số công ty tham gia sản xuất thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho nuôi biển như Công ty TNHH De Heus...Để nuôi biển bền vững, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến kêu gọi cơ quan quản lý, địa phương và doanh nghiệp cần tăng cường phối hợp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong nuôi trồng, bảo quản, chế biến hải sản để tạo ra những sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Nuôi biển Việt Nam được định hướng phát triển bền vững, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là động lực.

Nuôi biển Việt Nam được định hướng phát triển bền vững, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là động lực.

Trên quan điểm ấy, lãnh đạo Bộ NN-PTNT đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm, nhằm thực hiện hiệu quả Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Chính phủ phê duyệt.

Một là, nghiên cứu, phát triển các công thức thức ăn, nguyên liệu chế biến thức ăn phù hợp với từng loài và giai đoạn phát triển, đặc biệt là giai đoạn con non, con giống của các đối tượng nuôi biển.

Hai là, xây dựng các khu sản xuất thức ăn tập trung, gắn với khu dịch vụ hậu cần nghề cá và vùng nuôi biển tập trung; tiến tới chủ động sản xuất trong nước, đủ số lượng, đảm bảo chất lượng phục vụ sản xuất giống và nuôi thương phẩm.

Ba là, xã hội hóa công tác nghiên cứu về thức ăn phục vụ nuôi biển, trong đó chú trọng việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp, thành phần kinh tế đầu tư vào công tác nghiên cứu, phát triển sản xuất thức ăn phục vụ nuôi biển.

Bốn là, vừa tiến hành nghiên cứu, vừa nhập công nghệ, thiết bị và công thức thức ăn cho các đối tượng nuôi để chuyển giao, nghiên cứu và từng bước làm chủ công nghệ sản xuất thức ăn phục vụ sản xuất con giống và nuôi thương phẩm.

Năm là, tổ chức đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ chuyên nghiên cứu về dinh dưỡng, thức ăn cho các đối tượng nuôi trồng thủy sản, trong đó có nuôi biển để có đủ nguồn lực phục vụ công tác nghiên cứu, phát triển sản xuất.

Sáu là, thu hút nguồn lực trong và ngoài nước phát triển công nghiệp sản xuất thức ăn công nghiệp nuôi biển có công nghệ hiện đại, quản lý tiên tiến, liên kết chặt chẽ với các trại nuôi biển; đảm bảo sản phẩm thức ăn có chất lượng cao và giá thành hợp lý.

Xem thêm
Người nuôi biển Vân Đồn làm lớn, xây chuỗi liên kết rong - hàu 5 sao

QUẢNG NINH Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam tin tưởng Chi hội Nuôi biển Vân Đồn sẽ đem lại thành công cho dự án chuỗi liên kết rong - hàu 5 sao.

Nghiệp đoàn Nghề cá: Điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi

Từ nhu cầu thực tiễn, Nghiệp đoàn Nghề cá ra đời là nhu cầu cấp thiết và trở thành điểm tựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.